1. Thực trạng thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Hòa giải ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của nhân dân cũng như của Nhà nước, góp phần giảm bớt khiếu kiện của nhân dân.
Qua 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có những điểm sáng nhất định trong quản lý nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở; sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các bộ, cơ quan ngang bộ với cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Để kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, ngày 25/12/2013, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND về triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn cấp huyện. Nhằm thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, 10 năm qua UBND tỉnh đã ban hành 10 kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 25/12/2013 của UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện đã tổ chức 08 Hội nghị triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở (01 hội nghị của tỉnh và 07 hội nghị tại 07 huyện, thị xã, thành phố) đến các cơ quan, tổ chức trên địa bàn và các đối tượng có liên quan. Ngoài ra, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai được 74 cuộc cho đối tượng hòa giải viên ở cơ sở với hơn 3.404 lượt người tham dự.
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTWMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở và Chương trình phối hợp số 02/CTPH-STP-UBMTTQVN ngày 15/7/2021 giữa Sở Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang về phổ biến, giáo dục pháp luật và tăng cường công tác hòa giải cơ sở cho người dân giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã ký kết Chương trình phối hợp các ngành đoàn thể cấp huyện, cấp xã trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hòa giải cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã đã phối hợp lựa chọn giới thiệu thành phần tham gia thành viên tổ hòa giải, ngoài thành phần cơ cấu theo chức danh và nòng cốt là sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, còn vận động những người có uy tín, chức sắc trong vùng có người dân tộc và tôn giáo tham gia hòa giải. Công tác củng cố, kiện toàn thành viên tổ hòa giải được thực hiện kịp thời, luôn tạo điều kiện cho các thành viên của mình tham gia tích cực vào công tác hòa giải, trong đó có công tác tuyên truyền, vận động, nhất là trong giải quyết các tranh chấp, khiếu nại trong nhân dân. Từ đó, việc khiếu kiện vượt cấp không xảy ra, tình hình an ninh chính trị ổn định, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh không ngừng được đẩy mạnh và có hiệu quả.
Đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải được củng cố, bảo đảm về số lượng và chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 531 tổ hòa giải với 2.666 hòa giải viên, qua đó bảo đảm thực hiện tốt công tác hòa giải cơ sở, tỷ lệ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước. Thành phần tổ hòa giải bảo đảm theo quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hoạt động hòa giải ở cơ sở lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, giữ được tình làng, nghĩa xóm và tình cảm gia đình, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp và các vụ kiện đưa ra xét xử tại Tòa án.
Trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, toàn tỉnh đã tiếp nhận và đưa ra hòa giải tổng số 15.041 vụ, việc; hòa giải thành 13.734 vụ, việc (tỷ lệ hòa giải thành đạt 91,3%)[1]; số vụ, việc hòa giải không thành 1.307 vụ việc (chiếm tỷ lệ 8,7%). Nội dung, lĩnh vực phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải cụ thể như: Tranh chấp đất đai, hụi, hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình…
Việc phát hiện và giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp đã góp phần ổn định trật tự xã hội ở ấp, hạn chế khiếu kiện trong nhân dân, giảm bớt tình trạng gửi đơn khởi kiện đến Tòa án; đơn thư khiếu nại, tố cáo đến cơ quan hành chính cấp trên; tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và của công dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng bộc lộ những hạn chế, đó là: Một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải; vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở đã được quy định rõ trong Luật, tuy nhiên, việc phân định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan tư pháp chưa cụ thể nên dẫn đến công tác phối hợp đôi lúc gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên có thể nêu ra như sau:
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở một số nơi chưa nhận thức rõ vai trò, vị trí nòng cốt của mình trong công tác hòa giải, nên chưa tham gia tích cực, chủ động vào củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ở địa phương.
- Đội ngũ được giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nên việc đầu tư, nghiên cứu đưa ra các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế.
- Kinh phí ở địa phương còn khó khăn nên việc bố trí đầu tư kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế.
- Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải trong nhân dân ngày càng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp của vụ việc. Nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải ở cơ sở trong xã hội tiếp tục dự báo sẽ có chiều hướng tăng lên.
- Nguồn nhân lực thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là đội ngũ hòa giải viên - yếu tố then chốt, có tính quyết định đến chất lượng và hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở còn thiếu, thường xuyên biến động gây ảnh hưởng đến chất lượng hòa giải.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Để chủ động nâng cao hiệu quả thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự phối hợp thực hiện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đối với vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ tư, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, kỹ năng hòa giải; tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; giáo dục tính tự nguyện lựa chọn hình thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn.
Thứ sáu, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo; công tác thanh tra, kiểm tra; sơ kết, tổng kết và khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ bảy, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục phát huy vai trò của hương ước, quy ước đối với công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm khả thi.
Thứ tám, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cơ quan quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên. Tạo điều kiện cho các hòa giải viên trong việc tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kịp thời cập nhật những thông tin, quy định mới của pháp luật để phục vụ quá trình giải quyết các vụ việc được tốt hơn.
TS. Nguyễn Văn Phụng
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Nam
Ảnh: internet
[1]. Các đơn vị đạt tỷ lệ hòa giải thành cao như: Thành phố Vị Thanh đạt 96,2%; huyện Châu Thành A đạt 96%; thành phố Ngã Bảy đạt 94%.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 397), tháng 1/2024)