Điển hình là vụ kỳ án “vườn mít” với nghi can Lê Bá Mai qua nhiều lần xét xử, có lúc nhận án tử hình, có lúc trắng án, giờ phải chịu mức án chung thân. Nhưng xử đi, xử lại mà vấn đề cốt tử Mai có hiếp dâm, giết người không, đến nay vẫn là câu hỏi còn treo đó. Ngược lại với tất cả những chứng cứ mà cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội và kết án bị cáo này là những chứng cứ khác, xác đáng và chân thực hơn để chứng minh Mai vô tội. Báo chí đã lần lượt đăng tải nhiều ý kiến khác nhau, từ người tự nguyện làm chứng đến các nhà khoa học hình sự, lần lượt bóc đi các lớp phủ vô lý trên các chứng cứ buộc tội, chỉ ra những mâu thuẫn trong các bản cung, dấu vết hiện trường… Tuy nhiên, cho đến nay, quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vẫn cho rằng Mai có tội. Đã có những phản ứng mạnh mẽ từ dư luận và cả từ những chuyên gia pháp luật, những người có uy tín trong lĩnh vực pháp lý nhưng xem ra vụ này “ván đã đóng thuyền”, khó lòng mà lật ngược lại được bản án đã tuyên. Vụ này thiên về chối bỏ oan sai hơn là gỡ bỏ oan sai!
Ngược lại với vụ này, vụ Huỳnh Văn Nén có chiều hướng sáng sủa hơn khi Vụ Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào cuộc và có quyết định điều tra lại. Huỳnh Văn Nén bị buộc tội giết người gần 16 năm trước, đang thụ lý án chung thân và suốt trong thời gian đó, gia đình liên tục kêu oan. Chứng cứ mạnh mẽ nhất là có người đứng ra làm chứng và tố cáo đích danh những thủ phạm của vụ án này. Anh ta từng tố cáo việc này 14 năm trước nhưng lúc đó anh đang ở tù nên sự tố cáo của người này bị ỉm đi. Cũng giống như vụ Lê Bá Mai có bà cụ biết rõ sự việc sẵn sàng làm chứng, nhưng đến bây giờ, người ta vẫn chưa coi trọng sự làm chứng tự nguyện của bà cụ này, khác và may mắn hơn, vụ Huỳnh Văn Nén có thể sớm được minh oan khi vụ án được lật lại.
Mới đây nhất, một vụ án oan sai ở Hà Nội bị phát hiện. Vụ án này không phải gây nên sự oan sai do trình độ chuyên môn yếu kém của những người tiến hành tố tụng mà là một minh chứng cho hành vi “mượn tay pháp luật” để “gắp lửa bỏ tay người”.
Anh Vũ Ngọc Dương, 27 tuổi, nhân viên ngân hàng, ở Khâm Thiên, vay chồng bà cô họ 50 triệu đồng chưa trả. Bà cô này lập kế hoạch với một nhân viên của Trung tâm Dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh làm giả phiếu chi của hai công ty hỗ trợ cho Trung tâm 100 triệu đồng, người nhận và ký là anh Dương với tư cách là cộng tác viên của Trung tâm. Bộ giấy tờ giả đó đem nộp cho Giám đốc Trung tâm và ông này đã tố cáo với Công an. Căn cứ vào đó, vụ án và bị can bị khởi tố, bắt tạm giam, qua hai cấp xét xử của Tòa án Hà Nội và Tòa án tối cao, anh Dương bị tuyên án 30 tháng tù giam.
Điều đáng bàn nhất là tại sao những lời kêu oan của bị cáo không thể làm động tâm quan tòa? Căn cứ kết tội bị cáo là bộ hồ sơ giả nhưng nó đã trở thành thật khi Phòng kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội giám định chữ viết, chữ ký đó là của một người khi đối chiếu với chữ viết và chữ ký anh Dương. “Bùa hộ mệnh” này làm yên tâm những người tiến hành tố tụng và 2 cấp xét xử tuyên án như nhau. Sau khi Phòng kỹ thuật hình sự, Bộ Quốc phòng giám định lại và cho ra kết quả khác thì cơ quan giám định trước đó cho rằng vì cung cấp tài liệu giám định không đầy đủ, không hệ thống, đặc biệt, “thủ đoạn thực hiện rất mới, rất tinh vi, chưa từng gặp trong thực tiễn giám định” nên cho ra một kết quả chưa toàn diện, thiếu chính xác. Giờ đây, công luận có thể đặt câu hỏi, tài liệu giám định không đầy đủ, thiếu hệ thống tại sao lại giám định? “Thủ đoạn rất mới, rất tinh vi” chỉ là thấm dầu vào giấy đặt lên tờ giấy vay nợ và tô lại chữ, cái này chẳng mới mà cũng chẳng tinh vi gì cả, nếu tinh vi thật thì Phòng kỹ thuật hình sự, Bộ Quốc phòng đã không phát hiện ra! Đơn giản hơn để làm rõ sự thật sao cơ quan điều tra trước đó và Tòa án sau này không triệu tập hai công ty “hỗ trợ” 100 triệu đến để hỏi xem họ có hỗ trợ thật không, phiếu chi này có phải của công ty họ không?
Không những lập hồ sơ giả để tống người vào tù mà bà cô táng tận lương tâm còn lập ra những biên nhận vay tiền giả rồi mượn tay pháp luật để chiếm đoạt gia đình anh Dương 193 triệu đồng nữa. Trước sức mạnh của pháp luật, bố anh Dương đã thay con “tích cực khắc phục hậu quả” trả những món nợ không có thật này, tổng cộng là 297 triệu đồng.
Thêm một vụ oan án nữa và câu hỏi vì sao để án oan sai xảy ra lại có câu trả lời ngày càng rõ ràng và chính xác hơn. Nhưng điều đáng mừng nhất là thêm một oan án nữa được gỡ bỏ!
Bình Sơn