
Luật tục dân tộc Thái trong quan hệ hôn nhân và gia đình có sự đan xen giữa tích cực và tiêu cực, giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa thuần phong mỹ tục và hủ tục, mê tín dị đoan. Nét độc đáo, tiến bộ trong nội dung Luật tục dân tộc Thái quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình, là hàm chứa nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có và riêng có của đồng bào dân tộc Thái. Mặt khác, một khi các quan hệ điều chỉnh đạt tới các chuẩn mực giá trị tự nhiên trong nếp sống, nếp cư xử của công dân và có sự kết hợp của pháp luật, thì nội dung văn hóa truyền thống của luật tục còn được bao hàm thêm văn hóa pháp luật của cộng đồng và ý thức của công dân. Việc tôn trọng và tự giác thực hiện Luật tục đã trở thành thói quen, trở thành nếp sống trong cộng đồng người Thái.
Luật tục dân tộc Thái rất quan tâm xây dựng hạnh phúc gia đình, quan tâm đến trách nhiệm của vợ đối với chồng và ngược lại; trách nhiệm của hai bên thông gia (bên chồng và bên vợ); quan tâm nhiều đến vấn đề ứng xử trong gia đình, ở đây họ đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của gia đình, của hạnh phúc gia đình nên đã có Luật chăm sóc vợ chồng khi ốm đau, Luật trộm yêu (quan hệ bất chính).
Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, hiện nay trong Luật tục dân tộc Thái cũng còn tồn tại nhiều quy định lạc hậu, không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, mâu thuẫn với pháp luật, hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và cộng đồng... gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không đáng có trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình của cộng đồng dân tộc Thái.
Để hiểu hơn những nội dung mà ThS. Lò Châu Thỏa đã đề cập, độc giả có thể nghiên cứu bài viết “Ảnh hưởng của Luật tục dân tộc Thái trong việc thực hiện pháp luật hôn nhân và gia đình” được đăng trên Tạp chí phát hành hàng tháng số tháng 8 (269) năm 2014 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Vũ Hải Việt