Thứ bảy 21/06/2025 15:51
Email: danchuphapluat@moj.gov.vn
Hotline: 024.627.397.37 - 024.62.739.735

Áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong quá trình giải quyết vụ án hình sự về các tội phạm tham nhũng

Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích, đánh giá thực tiễn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được áp dụng đối với các tội phạm về tham nhũng, trên cơ sở đó, đưa ra định hướng hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự và nâng cao hiệu quả tiến hành các biện pháp này ở nước ta trong thời gian tới.

Abstract: The article focuses on analyzing and evaluating the practical implementation of the provisions of the Criminal Procedure Code on special investigative procedural measures applied to crimes related to corruption, based on this, coming up with an orientation to complete the criminal procedure law and improve the effectiveness of these measures in our country in the coming time.

1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) về biện pháp điều tra theo thủ tục tố tụng đặc biệt

Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là chế định mới được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Đây là biện pháp vừa mang những đặc điểm chung của hoạt động điều tra vụ án hình sự (VAHS) nhưng có những đặc điểm riêng thể hiện qua tính chất “bí mật” khi áp dụng trong thực tiễn. Theo quy định tại Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Những biện pháp này cho phép ghi nhận hình ảnh với độ phân giải cao, âm thanh chất lượng và những thông tin, tài liệu khác, đồng thời đảm bảo yếu tố bí mật với đối tượng áp dụng và những người không liên quan. Thông tin, tài liệu thu được bằng việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể làm chứng cứ để giải quyết vụ án. Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được tiến hành khi điều tra đối với các loại tội phạm sau đây: “Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền, tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”[1]. Đây là những loại tội phạm có tổ chức chặt chẽ, phương thức, thủ đoạn phạm tội và che dấu tội phạm tinh vi, xảo quyệt, đối tượng phạm tội thường ngoan cố, chống đối đến cùng, thiếu hợp tác với cơ quan tố tụng dẫn tới các biện pháp điều tra tố tụng thông thường không mang lại hiệu quả hay hiệu quả thấp.

Tuy nhiên, do biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt liên quan đến quyền bí mật đời tư của cá nhân nên không thể áp dụng tràn lan, do vậy, Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định tương đối chặt chẽ về thẩm quyền áp dụng. Theo đó, những chủ thể gồm: Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt[2]. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2021)[3]. Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền và những người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật[4].

Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn[5]. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ áp dụng ở giai đoạn điều tra và sau khi khởi tố vụ án nên trong trường hợp vụ án phức tạp đòi hỏi cần thời gian để tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ thì có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra. Chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nếu xét thấy cần gia hạn thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.

Thông tin, tài liệu thu thập được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt liên quan tới bí mật đời tư của cá nhân nên cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành quyết định phải phân tích, đánh giá, chọn lọc những thông tin, tài liệu có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội, truy tìm đồng phạm, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, truy nguyên tài sản người phạm tội chiếm đoạt… và sử dụng làm chứng cứ phục vụ việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Đối với những thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời; nghiêm cấm việc sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác[6].

Trong trường hợp khi không cần thiết phải tiếp tục áp dụng hay có vi phạm trong việc thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt hoặc khi có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt[7]. Đối với những vụ án mà cơ quan điều tra cấp huyện, cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi muốn hủy bỏ phải có văn bản đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu để cơ quan điều tra cấp tỉnh, cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ.

2. Thực tiễn và một số hạn chế khi áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng

Thời gian qua, tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Theo báo cáo đánh giá của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (gọi tắt là C03) thì những lĩnh vực xảy ra tham nhũng nhiều nhất đó là: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài sản công, tài chính, ngân hàng, quản lý sử dụng nhà đất, giải phóng mặt bằng, tài nguyên môi trường, trong những năm gần đây, tội phạm tham nhũng xảy ra nhiều trong lĩnh vực giáo dục, y tế và chính sách công. Thực trạng tội phạm tham nhũng được phản ánh qua kết quả công tác điều tra của cơ quan điều tra các cấp trong lực lượng Công an nhân dân. Về công tác áp dụng các biện pháp tố tụng để bảo đảm thu hồi tài sản tham nhũng, cơ quan điều tra các cấp của lực lượng Công an nhân dân đã tích cực triển khai và chủ động phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự để thực thi các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, đề nghị tạm dừng giao dịch liên quan đến tài sản (đặc biệt là bất động sản) có liên quan đến vụ việc tham nhũng. Vì vậy, trong những năm vừa qua việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điểu tra thu hồi được trên 5.500 tỷ đồng, 700.000USD và nhiều tài sản khác; áp dụng biện pháp kê biên tài sản gồm 50,5 tấn thép, 6 lô đất và 04 dự án tại Đà Nẵng; phong tỏa tài khoản số tiền là 250 tỷ đồng. C03 đã áp dụng biện pháp tịch thu, thu giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trị giá 14.821.4 tỷ đồng, 3,2 triệu USD, các tài sản khác trị giá 32.521,9 tỷ đồng cùng nhiều tài sản khác chưa xác định được giá trị. Cơ quan An ninh điều tra đã thu hồi được 725 tỷ đồng, kê biên 44 căn nhà[8]. Trong đó, nhiều vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền chiếm đoạt, thiệt hại rất lớn đã thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều tra các vụ án tham nhũng còn có những hạn chế nhất định, đó là: Tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm còn chậm; phần lớn các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện thông qua xác minh từ nguồn đơn thư tố giác của quần chúng và qua thanh tra, kiểm tra; chất lượng hồ sơ tố tụng chưa cao, nhiều vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, điều tra lại nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt, đã từng có vụ án trên 10 năm mà vẫn chưa xét xử được[9]; nhiều bị can, bị cáo bị đình chỉ điều tra hoặc phải thay đổi tội danh trong quá trình truy tố xét xử; công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân đóng vai trò quan trọng dẫn đến hạn chế nêu trên là bất cập trong quy định của pháp luật, dẫn đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham những và thu hồi tài sản do tham nhũng là chưa cao, cụ thể:

Thứ nhất, căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và về lý luận cho thấy, thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là sau khi có quyết định khởi tố VAHS và sẽ chấm dứt khi giai đoạn điều tra kết thúc. Tuy nhiên, nếu bắt đầu áp dụng biện pháp này ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án thì rất khó để thỏa mãn yêu cầu điều tra đối với loại tội phạm này. Nguyên nhân chính là do xuất phát từ đặc điểm của chủ thể tội phạm tham nhũng, do đó, nếu áp dụng sau giai đoạn khởi tố VAHS thì mang lại hiệu quả thấp, rất khó thu thập được thông tin để chứng minh tội phạm tham nhũng cũng như quá trình phát hiện các tài sản tham nhũng để được thu hồi. Do đó, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt nếu được tiến hành trước giai đoạn khởi tố VAHS để thu thập thông tin qua những lần liên lạc, ra giá và những thông tin này kết hợp với tài liệu chứng cứ khác sau đó được sử dụng như chứng cứ chứng minh tội phạm thì mang lại hiệu quả rất cao trong đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng như xác định nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có cần phải thu hồi.

Thứ hai, nhằm bảo đảm những thông tin, tài liệu thu thập bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được sử dụng đúng mục đích ban đầu đặt ra khi quyết định áp dụng, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định: Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác[10]. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả việc quy định: Thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời theo khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) là quá cứng nhắc. Bởi vì, một số trường hợp có khả năng xảy ra trên thực tế tuy thông tin, tài liệu thu được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không liên quan đến vụ án đang điều tra, nhưng lại liên quan và có giá trị chứng minh đối với VAHS khác. Do đó, nếu bắt buộc phải tiêu hủy sẽ gây khó khăn cho việc phát hiện và chứng minh tội phạm, lãng phí chứng cứ, tài liệu[11].

Thứ ba, theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thẩm quyền quyết định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định cho Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, trường hợp vụ án do cơ quan điều tra cấp huyện tiến hành điều tra thì Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp huyện muốn áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải đề nghị Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh để xem xét, quyết định có được áp dụng hay không. Quy định này trong thực tế sẽ gây khó khăn cho tính cấp thiết của quá trình thu thập chứng cứ đối với vụ án tham nhũng. Vì thời gian đề nghị cho đến việc chấp thuận phải mất vài ngày và như vậy, đối tượng đã có thể tẩu tán tài liệu hoặc bí mật dịch chuyển tài sản cho những người khác nhằm bảo toàn khối lượng tài sản do phạm tội mà có.

Thứ tư, Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) chỉ ghi nhận ba biện pháp điều tra tố tụng, đặc biệt là ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thì tội phạm về tham nhũng là một trong các trường hợp có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Quy định này xuất phát từ đặc điểm của tội phạm về tham nhũng[12]. Đây là một trong những tội phạm gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, vì về bản chất, đây là một tội phạm xảy ra bí mật và có thể chỉ liên quan đến hai bên đã cảm thấy hài lòng. Do đó, không có động cơ để tiết lộ sự thật khi không có sự mâu thuẫn. Bên cạnh đó, chủ thể thực hiện tội phạm về tham những thường có thủ đoạn gây án, cách thức che giấu, xóa bỏ dấu vết của hành vi phạm tội cực kỳ tinh vi[13]. Họ cũng có quyền lực trong việc áp đặt sự im lặng lên những người có liên quan bằng sự đe dọa, thậm chí bạo lực để có thể tác động vào bất kỳ hoạt động điều tra nào.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác điều tra tội phạm tham nhũng cần có sự đồng bộ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó nên tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, công tác điều tra các vụ án tham nhũng phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của các cấp ủy Đảng. Điều tra các vụ án tham nhũng là công việc rất khó khăn, gian khổ, nhất là giai đoạn tiền khởi tố, việc thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, xác minh ban đầu rất quan trọng. Thực tế cho thấy, khởi tố được một vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vô cùng khó khăn. Ngoài việc thu thập đầy đủ chứng cứ, cơ quan điều tra còn phải tranh thủ được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương thì công tác điều tra các vụ án tham nhũng sẽ rất thuận lợi, đạt kết quả cao.

Trong quá trình điều tra vụ án, điều tra viên phải chủ động phối hợp có hiệu quả với kiểm sát viên, giám định viên để thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ chặt chẽ, nâng cao chất lượng hồ sơ vụ án. Thực tế điều tra cho thấy, nếu điều tra viên củng cố vững chắc hồ sơ, tài liệu chứng cứ, điều tra triệt để toàn diện vụ án thì không có việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung và cũng không có việc các bị can, bị cáo bị đình chỉ; cũng như việc áp dụng đầy đủ các biện pháp theo luật định về kê biên, truy theo đường đi của đồng tiền và tài sản tham nhũng thì công tác thu hồi tài sản tham nhũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Thực hiện tinh thần cải cách tư pháp, điều tra viên phải tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện quyền bào chữa, không được gây khó khăn, cản trở luật sư tác nghiệp, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự. Tiến tới, điều tra viên cũng phải tranh tụng tại Tòa để bảo vệ kết quả điều tra của mình.

Thứ hai, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định sau đây trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra đối với tội phạm tham nhũng:

- Sửa đổi, bổ sung về thời điểm bắt đầu được áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặt biệt là từ khi tiếp nhận được tin báo tố giác về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố và cơ quan chức năng xác định được có dấu hiệu tội phạm tại Điều 223 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

- Bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp huyện mà không cần phải xin ý kiến tại khoản 1 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Tuy nhiên, việc này cần báo cáo cho Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh biết.

- Bổ sung trường hợp ngoại lệ vào quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Cụ thể là, thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt mà không liên quan đến vụ án thì phải tiêu hủy kịp thời, trừ trường hợp có liên quan đến vụ án khác[14].

Thứ ba, bên cạnh đó, Bộ Công an cần tiến hành rà soát và sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thiết lập cơ chế phối hợp giữa cơ quan điều tra và lực lượng trinh sát chuyên trách trong việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, bảo đảm phù hợp với các quy định có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

Thứ tư, trang bị, đào tạo kiến thức chuyên môn về điều tra án tham nhũng nói chung, trong đó có việc sử dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho đội ngũ điều tra viên. Sự đa dạng của các tội phạm tham nhũng đòi hỏi điều tra viên phải có các kỹ năng và kiến thức chuyên biệt, thông thường liên quan đến pháp luật và kế toán để có thể xác định, lưu giữ và trình bày chứng cứ trong quá trình tố tụng. Đào tạo điều tra viên về các kỹ thuật cần thiết cho việc xử lý tham nhũng và đặc biệt là những phức tạp của tội phạm tham nhũng ở mức độ lớn, tham nhũng bởi những người đã từng là quan chức cao cấp, việc điều tra và thủ tục tố tụng liên quan đến truy tìm dấu vết, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản trong án tham nhũng là một thử thách đặc biệt đối với cơ quan thực thi pháp luật tại các nước đang phát triển.

TS. Trịnh Duy thuyên & ThS. Phạm Anh Thư

Trường Đại học Cảnh sát nhân dân

[1]. Xem: Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

[2]. Xem: Khoản 1 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

[3]. Xem: Khoản 2 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

[4]. Xem: Khoản 4 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

[5]. Xem: Điều 226 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

[6]. Xem: Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

[7]. Xem: Điều 228 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

[8]. Báo cáo của Đoàn kiểm tra số 1 - Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (tháng 5/2019).

[9]. Vụ án Đào Ngọc Tỉnh - Công ty thiết bị điện tử GTVT. Đào Ngọc Tỉnh, kế toán trưởng của Công ty bị cáo buộc phạm tội tham ô tài sản, vụ việc xảy ra từ năm 1994, đến năm 2003 bị khởi tố, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, rất nhiều lần bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, 02 lần hủy án sơ thẩm, giao cấp sơ thẩm giải quyết lại, đến ngày 21/01/2015, Toà án nhân dân TP. Hà Nội đưa vụ án ra xét xử, nhưng một lần nữa Hội đồng xét xử tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung - “Vụ án tham ô 12 năm vẫn chưa thể kết án”, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/vu-an-tham-o-12-nam-van-chua-the-ket-an-post105191.html, truy cập ngày 21/01/2019.

[10]. Khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

[11]. Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang,“Chuyên đề Quy định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; việc ghi âm, ghi hình có âm thanh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và những vấn đề cần lưu ý khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát”.

[12]. Những phân tích về đặc điểm của tội phạm tham nhũng và khó khăn trong việc điều tra tội phạm này phần lớn được dịch từ một phần nội dung bài viết có tựa đề: “Điều tra các vụ án tham nhũng” của tác giả Tony Kwok Man-wai, Tham luận của các chuyên gia khách mời tại Khóa đào tạo quốc tế thứ 11 về phản ứng của tư pháp hình sự đối với tham nhũng, tr. 140. https://www.unafei.or.jp/publications/pdf/GG7/sp3.pdf, truy cập ngày 30/03/2019.

[13]. Đỗ Văn Đương, “Cho phép nghe lén điện thoại để “tóm” tội phạm tham nhũng?”, https://dantri.com.vn/xa-hoi/cho-phep-nghe-len-dien-thoai-de-tom-toi-pham-tham-nhung-20151106072428082.htm, truy cập ngày 06/11/2019.

[14]. Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, tlđd (chú thích số 45).

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 375, tháng 2/2023)

Bài liên quan

Tin bài có thể bạn quan tâm

Giải trừ trách nhiệm của công chức thuế, tạo thuận lợi giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp

Luật số 56/2024/QH15 bổ sung quy định về trách nhiệm của công chức thuế theo hướng giải trừ trách nhiệm cho công chức thuế khi có gian lận trong kê khai, cung cấp thông tin tạo thuận lợi giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp chân chính.

Cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tại thành phố Hải Phòng

Hải Phòng là địa phương luôn nỗ lực, tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, với mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, trong đó phải kể đến lĩnh vực cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Điều này được thể hiện rõ nét qua sự quyết tâm, chủ động, sáng tạo trong triển khai, thực hiện các văn bản, quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân trong bối cảnh chuyển đổi số và những khuyến nghị cho Việt Nam

Bài viết bàn về những vấn đề cơ bản của quyền riêng tư và sự cần thiết phải bảo vệ quyền riêng tư; phân tích các vấn đề pháp lý về bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân theo pháp luật quốc tế, từ đó đúc kết và đưa ra những khuyến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.

Bảo đảm quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số trong bối cảnh chuyển đổi số

Bài viết nghiên cứu về những vấn đề đặt ra đối với việc bảo đảm quyền văn hóa của người dân tộc thiếu số ở nước ta hiện nay trong bối cảnh chuyển đổi số.

Xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Bài viết đề cập đến vấn đề xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp trong sạch, vững mạnh, liêm chính, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nâng cao hiệu quả công tác xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân ở các cơ sở giam giữ

Nâng cao hiệu quả công tác xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân ở các cơ sở giam giữ

Thi đua chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ là một trong những yêu cầu phạm nhân phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Kết quả của việc thi đua chấp hành án phạt tù là cơ sở để thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Công tác xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân thuộc về cơ sở giam giữ phạm nhân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành cho thấy một số khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đẩy mạnh hoạt động xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đẩy mạnh hoạt động xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

Nhận thức rõ tầm quan trọng của dữ liệu lý lịch tư pháp trong tiến trình xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, công dân số, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua môi trường điện tử theo tinh thần của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án số 06/CP của Chính phủ), được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 64/KH-STP ngày 18/7/2024 về cao điểm nhập dữ liệu thông tin lý lịch tư pháp vào Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp dùng chung của Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum.

Công tác tư pháp 06 tháng cuối năm 2024: Tập trung hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Tư pháp

Trong 06 tháng đầu năm 2024, Bộ, Ngành Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đoàn kết, trách nhiệm, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời các nhiệm vụ được giao đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Theo đó, để hoàn thành tốt kế hoạch công tác năm 2024, Bộ, Ngành Tư pháp đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của 06 tháng cuối năm, trong đó xác định tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Ngành Tư pháp... góp phần vào công cuộc phát triển đất nước trong tình hình mới.
Một số ý kiến góp ý đối với Đề cương chi tiết Luật Luật sư thay thế Luật Luật sư năm 2006

Một số ý kiến góp ý đối với Đề cương chi tiết Luật Luật sư thay thế Luật Luật sư năm 2006

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW) đã xác định: “Hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật...”.
Hoạt động đấu giá tài sản tiếp tục được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa một cách mạnh mẽ

Hoạt động đấu giá tài sản tiếp tục được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa một cách mạnh mẽ

Ngày 27/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Nỗ lực số hóa dữ liệu hộ tịch - Phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, “về đích” sớm*

Nỗ lực số hóa dữ liệu hộ tịch - Phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, “về đích” sớm*

Số hóa dữ liệu hộ tịch được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Tư pháp năm 2024. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, các cơ quan đăng ký hộ tịch trên cả nước đang lưu trữ trên 08 triệu sổ đăng ký hộ tịch các loại, tương ứng với hơn 100 triệu dữ liệu hộ tịch, việc hoàn thành số hóa các dữ liệu hộ tịch vừa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký và quản lý hộ tịch, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - xác định năm 2024 là năm số hóa dữ liệu, vừa bảo đảm cung cấp thông tin đầu vào, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu dân cư, thúc đẩy việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06).
Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng trong thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại tỉnh Quảng Trị

Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng trong thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại tỉnh Quảng Trị

Tổ chức, triển khai thực hiện đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp

Bài viết này khái quát về đơn giản hóa thủ tục hành chính và phân tích thực trạng về thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp, từ đó, đưa ra một số đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp trong thời gian tới.
Cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế - Kết quả bước đầu và vấn đề cần hoàn thiện

Cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế - Kết quả bước đầu và vấn đề cần hoàn thiện

Bài viết nêu lên những kết quả bước đầu của công tác thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế; từ đó, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID trong thời gian tới.
Dấu ấn vị Bộ trưởng qua gần 8 năm “dẫn dắt” ngành Tư pháp

Dấu ấn vị Bộ trưởng qua gần 8 năm “dẫn dắt” ngành Tư pháp

Gần 8 năm trên cương vị Bộ trưởng Tư pháp, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long luôn là vị Bộ trưởng của hành động, nắm chắc lý luận, sâu sát thực tiễn, truyền lửa đam mê tới mỗi công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành.

Theo dõi chúng tôi trên:

mega story

trung-nguyen
hanh-phuc
cong-ty-than-uong-bi
vien-khoa-hoac-cong-nghe-xay-dung
bao-chi-cm