Toàn cảnh phiên họp
Về dự thảo nội dung Nghị quyết, đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc bố trí chi tổ chức và hoạt động của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2025 phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, mức chi tổ chức và hoạt động tính theo tỷ lệ trên số thu, chi bảo hiểm xã hội (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội), số thu, chi bảo hiểm thất nghiệp (không bao gồm đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp) và số thu bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, Luật Việc làm năm 2013 và Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2024).
Thứ hai, xây dựng đầy đủ các nội dung chi bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, Luật Việc làm năm 2013, Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2024) và gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo quy định, cụ thể: (i) chi tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, tư vấn chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; chỉ tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; (ii) chỉ cải cách hành chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chi phục vụ công tác phát triển, quản lý người tham gia, người thụ hưởng các chế độ; (iii) chỉ đầu tư, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản, thuê, mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ liên quan đến quản lý và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; (iv) chi tổ chức thu, chi trả các chế độ và hoạt động bộ máy của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, cơ quan giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại phiên họp
Thứ ba, dự kiến chi tổ chức và hoạt động giai đoạn 2025 - 2027 tập trung bố trí kinh phí theo hướng: (i) tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển hệ thống công nghệ thông tin đạt các yêu cầu trong tình hình mới, tích hợp, liên thông, liên kết, xử lý tập trung; (ii) đa dạng hóa nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia; (iii) tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý người tham gia, người hưởng, tổ chức công tác thu, chi, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp; (iv) đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm thu đúng, thu đủ tiền đóng theo chế độ; (v) triệt để tiết kiệm, đặc biệt là các khoản chi thường xuyên không thiết yếu.
Tuy nhiên, hiện nay, Đảng và Nhà nước đang thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hệ thống các đơn vị làm công tác bảo hiểm thất nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất, việc xây dựng chính sách về tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2025 nên thực hiện sau khi có kết quả thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đại biểu phát biểu tại phiên họp
Tại hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng, trong bối cảnh các bộ, ngành đang gấp rút, tập trung thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 ngày 08/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024 trong những tháng đầu năm 2025 là cần thiết. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc nghiên cứu về thời hạn kéo dài bảo đảm phù hợp với thực tế.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhất trí về việc kéo dài thời gian thực hiện thực hiện mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022 - 2024. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần căn cứ vào Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương để nghiên cứu đưa ra thời gian kéo dài hợp lý.
Thùy Dung