Đấu giá là một trong những hình thức mua bán tài sản phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Tại nhiều nước trên thế giới, hoạt động đấu giá tài sản đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm. Ở nước ta, hoạt động đấu giá tài sản được hình thành từ việc bán đấu giá tài sản để thi hành án dân sự theo quy định của Pháp lệnh về thi hành án dân sự năm 1989 và đã phát triển thành dịch vụ bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp vào năm 1996, thông qua việc Chính phủ ban hành Nghị định số 86/1996/NĐ-CP ngày 19/12/1996 về việc ban hành quy chế bán đấu giá tài sản, văn bản pháp lý chuyên ngành đầu tiên điều chỉnh hoạt động bán đấu giá tài sản[1]. Hoạt động bán đấu giá tài sản được quy định tại nhiều văn bản luật và chủ yếu áp dụng đối với tài sản nhà nước, tài sản thi hành án, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính... nhằm bảo đảm cho việc xử lý các tài sản này được công khai, minh bạch, khách quan, giảm thiểu các tiêu cực trong việc xử lý tài sản[2]. Thời gian qua, công tác bán đấu giá tài sản đã góp phần quan trọng trong các giao dịch dân sự nói chung và trong việc tổ chức thi hành án dân sự nói riêng, tuy nhiên, so với yêu cầu, thì công tác bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự vẫn còn có những hạn chế, cần phải có giải pháp tháo gỡ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một số khía cạnh như sau:
1. Về đặc điểm của bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự
Khác với việc bán đấu giá tài sản thông thường, việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự có một số đặc điểm, đặc thù đó là:
Thứ nhất, về chủ thể, trong nguyên lý chung của bán đấu giá tài sản thì người bán đấu giá tài sản là doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; người yêu cầu bán đấu giá có thể là chủ sở hữu của tài sản bán đấu giá, bên nhận bảo đảm tài sản đấu giá, cơ quan thi hành án; người tham gia đấu giá là người được quyền tham gia trả giá khi cuộc bán đấu giá tài sản được tiến hành, bao gồm những người đã đăng ký đấu giá, nộp lệ phí tham gia đấu giá và có tên trong danh sách đấu giá; người mua tài sản đấu giá là người trả giá cao nhất trong số những người tham gia đấu giá với điều kiện giá mua tài sản mà họ đã trả bằng hoặc cao hơn giá khởi điểm. Tuy nhiên, trong việc bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự thì người yêu cầu bán đấu giá không phải là chủ sở hữu của tài sản bán đấu giá mà là cơ quan thi hành án (khi họ không tự nguyện). Đây chính là yếu tố chi phối, tác động nhiều đến quá trình bán đấu giá và việc thực hiện các trình tự thủ tục bán đấu giá.
Thứ hai, việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự thực hiện theo trình tự thủ tục thi hành án dân sự và mang tính cưỡng bức. Theo đó, sau khi hết thời gian luật định, người phải thi hành án, có tài sản, không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự tiến hành kê biên để bán đấu giá, mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có tài sản là muốn hay không muốn bán. Trong trường hợp này, về phía người được thi hành án mong muốn việc bán đấu giá nhanh chóng thành công để bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thực thi và bản thân nhanh chóng nhận được tài sản. Còn về phía người phải thi hành án (là người có tài sản bị mang ra bán đấu giá), thì mang tâm lý bị ép buộc, cưỡng chế, nên thường có tâm lý chây ì, cố tình gây khó khăn, cản trở cho quá trình bán đấu giá tài sản thi hành án. Hệ quả là, việc bán đấu giá có thể phát sinh tranh chấp giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản bán đấu giá với tổ chức cung cấp dịch vụ bán đấu giá, với cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên ngay từ đầu cho đến khi bàn giao tài sản bán đấu giá. Do có nhiều bên tham gia trong quá trình bán đấu giá tài sản thi hành án, việc bán đấu giá tài sản thi hành án phức tạp và có thể gặp vướng mắc, nên pháp luật quy định trình tự, thủ tục bán đấu giá khá chặt chẽ và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên tham gia. Quá trình bán đấu giá tài sản để thi hành án dân sự đòi hỏi những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền liên quan thực hiện trách nhiệm phải công tâm, khách quan, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời với những người sở hữu tài sản bị bán đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá và người được thi hành án, để nhanh chóng giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện công việc này. Kể cả, sau khi quá trình bán đấu giá tài sản diễn ra thành công, thì người đang sở hữu tài sản bán đấu giá tìm mọi cách cản trở, không bàn giao tài sản đã bán đấu giá, khiến cho người mua được tài sản bán đấu giá khá vất vả trong quá trình trở thành chủ sở hữu hợp pháp của tài sản.
Thứ ba, có sự tham gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quan hệ bán đấu giá tài sản. Khác với việc bán đấu giá tài sản thông thường đó là người có tài sản có thể tự mình tổ chức bán đấu giá, nhưng cũng có thể bán thông qua tổ chức trung gian làm dịch vụ bán đấu giá. Còn bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự, thì ngoài bên có tài sản bán đấu giá (người phải thi hành án) và tổ chức làm dịch vụ đấu giá, thì cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên là người có vai trò quan trọng. Sự tham gia của cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên thể hiện ở việc quyết định lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản, ở việc ký hợp đồng dịch vụ đấu giá... Trong một số trường hợp, chấp hành viên còn tự mình đứng ra trực tiếp bán đấu giá tài sản phải thi hành án, nếu tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản bán để thi hành án dân sự chưa có tổ chức bán đấu giá hoặc có nhưng tổ chức bán đấu giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc đối với tài sản là động sản có giá trị nhỏ.
2. Những vướng mắc thường gặp liên quan đến bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự
Thực tiễn cho thấy, có nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự, trong đó ngoại trừ lý do thị trường và tình hình tài chính, thì có lẽ khó khăn lớn nhất chính là tâm lý của khách hàng ngại mua tài sản thi hành án. Trên thực tế, do tâm lý e ngại của khách hàng khi mua tài sản bán đấu giá để thi hành án, nên nhiều cuộc bán đấu giá không thành do không có khách hàng đăng ký tham gia. Nhiều trường hợp có đủ lực, tài chính, rất có nguyện vọng mua được tài sản, nhưng sau khi tham khảo hồ sơ bán đấu giá tài sản (nhất là tài sản lại là bất động sản) và biết đây là tài sản thi hành án thì khách hàng đều có chung một tâm lý là băn khoăn. Có người băn khoăn vì không muốn vướng víu đến tài sản do nghĩ đến sự “hên”, “xui”; có người băn khoăn vì có những trường hợp khách hàng khi đi xem tài sản hoặc ngay cả cán bộ của tổ chức bán đấu giá đến làm thủ tục bán đấu giá đã bị chủ nhà, người phải thi hành án không phối hợp, dọa nạt, xua đuổi... Ngoài khó khăn trên, trong thực tế, có trường hợp tài sản đã được bán đấu giá thành nhưng không giao được tài sản do có tranh chấp, chống đối quyết liệt, không chịu bàn giao tài sản của người đang quản lý tài sản, dẫn đến vụ việc kéo dài nhiều tháng, nhiều năm vẫn không nhận được nhà, gây cho khách hàng nhiều bức xúc. Chính vì vậy, trong thực tế có nhiều vụ việc hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được tài sản thi hành án. Hệ quả là, có điều kiện nhưng trên thực tế vẫn không thi hành án được.
3. Nguyên nhân và giải pháp cho những vướng mắc trong hoạt động bán đầu giá tài sản trong thi hành án dân sự
3.1. Về nguyên nhân, có thể lý giải nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc liên quan đến bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự, trong đó có nguyên nhân từ cơ chế, pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản, cụ thể:
Thứ nhất, liên quan đến pháp luật thi hành án dân sự. Theo quy định tại Điều 101 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về việc bán tài sản đã kê biên như sau:
“1. Tài sản đã kê biên được bán theo các hình thức sau đây:
a) Bán đấu giá;
b) Bán không qua thủ tục đấu giá.
2. Việc bán đấu giá đối với tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản do tổ chức bán đấu giá thực hiện.
Đương sự có quyền thoả thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thoả thuận. Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản.
Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá.
Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.
3. Chấp hành viên bán đấu giá tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:
a) Tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản chưa có tổ chức bán đấu giá hoặc có nhưng tổ chức bán đấu giá từ chối ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản;
b) Động sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày định giá hoặc từ ngày nhận được văn bản của tổ chức bán đấu giá từ chối bán đấu giá.
4. Chấp hành viên bán không qua thủ tục bán đấu giá đối với tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc tài sản tươi sống, mau hỏng.
Việc bán tài sản phải được thực hiện trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên.
5. Trước khi mở cuộc bán đấu giá 1 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá.
Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.
6. Thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản”.
Với những quy định nêu trên cho thấy, pháp luật về thi hành án dân sự đã quy định khá chặt chẽ về thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, theo Điều 58 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về bảo quản tài sản thi hành án thì: “1. Việc bảo quản tài sản thi hành án được thực hiện bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật này hoặc người đang sử dụng, bảo quản;
b) Cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản;
c) Bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự.
2. Tài sản là kim khí quý, đá quý, tiền hoặc giấy tờ có giá được bảo quản tại Kho bạc nhà nước.
3. Việc giao bảo quản tài sản phải được lập biên bản ghi rõ loại tài sản, tình trạng tài sản, giờ, ngày, tháng, năm giao; họ, tên chấp hành viên, đương sự, người được giao bảo quản, người làm chứng, nếu có; quyền, nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản và có chữ ký của các bên. Trường hợp có người từ chối ký thì phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.
Người được giao bảo quản tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản tài sản. Thù lao và chi phí bảo quản tài sản do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Biên bản giao bảo quản tài sản được giao cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người được giao bảo quản tài sản hoặc người đang sử dụng, bảo quản tài sản và lưu hồ sơ thi hành án.
5. Người được giao bảo quản tài sản vi phạm quy định của pháp luật trong việc bảo quản tài sản thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Với việc giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật này hoặc người đang sử dụng, bảo quản thì về nguyên tắc có những ưu điểm như: Thuận lợi trong việc bảo quản, trông coi, khai thác lợi ích từ tài sản; việc kê biên tài sản sẽ ít gặp phải sự chống đối của người có tài sản vì tâm lý chưa bị mất ngay tài sản; có thêm thời gian để các cơ quan chức năng tìm kiếm chỗ ở cho người có tài sản... Tuy nhiên, so với tình hình thực tế thì có thể coi đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến khó khăn, phức tạp cho quá trình bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự, cụ thể: (i) Làm cho việc bán đấu giá không phản ánh trung thực giá trị của tài sản đưa ra bán đấu giá vì: Do người bán đấu giá đang quản lý tài sản, trong khi đó họ đang mang tâm lý bị ép buộc, cưỡng chế, nên thường chây ì, cố tình gây khó khăn, cản trở, không tạo điều kiện cho người có nhu cầu mua tài sản, xem tài sản, chưa kể họ còn tìm cách thông tin không đúng sự thật về tài sản, làm cho người có nhu cầu mua không muốn mua hoặc nếu mua thì không trả giá đúng với giá trị thực của tài sản. Có trường hợp, tuy xác định giá trị thực của tài sản, nhưng vì người có tài sản đang quản lý, nên không biết khi nào có thể cưỡng chế được họ ra khỏi nhà để nhận được tài sản nên việc tính toán, trừ hao là không dễ dàng; (ii) Một vụ việc nhưng bị cưỡng chế hai lần: Trên thực tế, hầu hết các vụ việc khi kê biên, bán đấu giá đã phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, trong đó nhiều trường hợp đã phải huy động lực lượng. Đến khi tổ chức bán đấu giá thành lại một lần nữa phải cưỡng chế giao nhà, khi đó sẽ phải dùng lực lượng lớn. Như vậy, vừa gây ra tốn kém, mất thời gian, dễ bị tổn thương. Chưa kể với quy định này tạo ra tâm lý của người phải thi hành án đó là tìm mọi cách để khiếu nại, tố cáo, nhờ vả, cầu cứu, gây khó khăn trở ngại cho quá trình thi hành án; (iii) Hạn chế tối đa người tham gia mua tài sản: Thực tế, có nhiều người có nhu cầu, nguyện vọng mua tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự. Tuy nhiên, do ngại rủi ro, không biết lúc nào lấy được tài sản, dẫn đến hoang mang, không muốn mua tài sản bán đấu giá liên quan đến thi hành án dân sự; (iv) Các cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên, các cơ quan có liên quan khó có thể thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì: “3. Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày đấu giá thành. Trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng. Tổ chức bán đấu giá tài sản có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá. Tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp trái pháp luật dẫn đến việc chậm giao tài sản bán đấu giá thành mà gây thiệt hại cho người mua được tài sản bán đấu giá thì phải bồi thường.
4. Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá. Trong thời gian chưa giao được tài sản, cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo hình thức gửi tiền có kỳ hạn 01 tháng cho đến khi giao được tài sản, phần lãi tiền gửi được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án; trường hợp không giao được tài sản thì phần lãi tiền gửi thuộc về người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khác. Trường hợp đến hạn theo hợp đồng bán đấu giá tài sản mà không giao được tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá thì người này có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng”. Với quy định như trên và với việc người phải thi hành án hoặc người thân của họ đang quản lý tài sản thì hầu như không thể thực hiện được đúng thời hạn.
Thứ hai, pháp luật bán đấu giá tài sản và các văn bản có liên quan. Theo quy định hiện hành thì cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự (từ 18 tuổi trở lên), không bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (theo quy định từ Điều 23 đến Điều 25 Bộ luật Dân sự năm 2005), tổ chức đủ tư cách pháp nhân (Điều 94 Bộ luật Dân sự năm 2005) là có đủ điều kiện tham gia mua bán đấu giá tài sản (kể cả tài sản thi hành án dân sự). Tuy nhiên, vấn đề khá quan trọng hiện nay đó là việc xác định những tài sản nào được đưa ra để bán đấu giá, lại chưa được quy định thật rõ ràng, dẫn đến những bất cập, cụ thể:
(i)Trường hợp người phải thi hành án không giao nộp giấy tờ sở hữu nhà đất, nhưng tài sản đó vẫn được xác định là đủ điều kiện để đưa ra bán đấu giá, hệ quả là: Chủ cũ (người phải thi hành án) lợi dụng giấy tờ sở hữu cũ để cản trở việc thực hiện quyền của chủ sử dụng, chủ sở hữu hợp pháp của người mua đấu giá như: Làm đơn từ khiếu nại có tranh chấp tại nhà đất đã được bán đấu giá để cản trở chủ mới (người mua đấu giá) thực hiện việc cho thuê, chuyển nhượng... đối với nhà đất đã mua.
(ii) Chưa quy định chặt chẽ, dẫn đến tài sản khi đã đưa ra bán đấu giá tài sản vẫn coi là bị tranh chấp. Vấn đề này xuất phát từ lý do, các văn bản pháp luật không có quy định cụ thể và các cơ quan quản lý hành chính nhà nước về đất đai cũng không có cơ sở, căn cứ nào để xác định cụ thể trường hợp nào thì được coi là “có tranh chấp về quyền sử dụng đất”. Tất cả đều chỉ căn cứ vào cơ sở duy nhất đó là “có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai của người dân” và không cần đánh giá đơn đó có cơ sở, có căn cứ pháp luật hay không? Người làm đơn đó có quyền sử dụng hoặc có căn cứ về việc được quyền sử dụng thửa đất đó hay không. Hệ quả là, người mua đấu giá nhà đất bị chủ cũ gây khó dễ trong việc thực hiện các quyền lợi hợp pháp của mình, mặc dù đã được Nhà nước công nhận qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, ngoài việc tổ chức cưỡng chế để được nhận nhà đất đã mua do người phải thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan liên tục làm đơn khiếu kiện, tranh chấp để cản trở chủ mới thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở như cho thuê, chuyển nhượng.
3.2. Giải pháp: Từ phân tích tình hình thực tế những vấn đề nêu trên, chúng tôi cho rằng, có nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự. Tuy nhiên, giải pháp cơ bản vẫn là giải pháp liên quan đến pháp luật, trong đó:
Thứ nhất, đối với pháp luật thi hành án dân sự: Như trên chúng tôi đã phân tích, một trong những vấn đề vướng mắc mà các cơ quan thi hành án dân sự đang gặp phải đó là các quy định của pháp luật về thi hành án và bán đấu giá tài sản hiện hành không phù hợp, vì tài sản bán đấu giá là tài sản vẫn do người phải thi hành án hoặc do người thứ ba quản lý. Do vậy, chúng tôi cho rằng cần quy định cụ thể tài sản trước khi đưa ra bán đấu giá phải là tài sản mà cơ quan thi hành án dân sự đang quản lý hoặc một cơ quan thứ ba quản lý, không thể giao cho người phải thi hành án dân sự và người thân thích của họ quản lý. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng bán đấu giá không có người mua (do sợ rủi ro), tránh thiệt hại cho người có tài sản (nhiều người mua dẫn đến không bị ép giá, giảm giá) rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ thi hành án (chỉ bán một lần hoặc hai lần là đã thực hiện xong), giảm khó khăn áp lực cho cơ quan thi hành án dân sự (hạn chế sai phạm, dành nhiều thời gian cho các vụ việc khác).
Thứ hai, đối với các văn bản pháp luật có liên quan: Hiện nay, Quốc hội đang chuẩn bị ban hành Luật Đấu giá tài sản. Một trong những vấn đề mà chúng tôi cho rằng để luật này có tính khả thi, phát huy hiệu quả trong cuộc sống, thì cần phải có quy định riêng, đặc thù cho việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự. Điều này xuất phát từ những đặc thù riêng biệt của trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, đặc điểm đặc trưng của tài sản. Không nên có quy định chung thủ tục bán đấu giá cưỡng bức (như trong thi hành án dân sự) với việc bán đấu giá tài sản tự nguyện như tài sản thông thường khác.
Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội
Học Viện Quốc Phòng
[1]. Pháp lệnh về Thi hành án dân sự ngày 28/8/1989 quy định về bán đấu giá tài sản đã kê biên để thi hành án. Đến năm 1995, Bộ luật Dân sự được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 8 thông qua, trong đó có quy định về bán đấu giá tài sản và giao Chính phủ ban hành quy chế bán đấu giá.
[2]. Đấu giá tài sản được quy định tại các văn bản pháp luật như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.