Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một trong những khâu (bước) quan trọng của quá trình xử phạt vi phạm hành chính, là kết quả của quá trình áp dụng pháp luật, nhờ có các quyết định này mà pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính được thi hành trên thực tế. Việc ban hành hay không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đều có ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Do vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và lĩnh vực ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói riêng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn khách quan, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong thời gian tới.
Thông qua bài viết “Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính”, tác giả Nguyễn Hoàng Việt được đăng tải trên ấn phẩm chuyên đề chuyên sâu 200 trang của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021 “Những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính” đã đi sâu phân tích: (i) Những thủ tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc không thuộc trường hợp do cơ quan tố tụng hình sự chuyển đến: Vụ việc thông thường, vụ việc thuộc trường hợp giải trình nhưng trong thời hạn được giải trình đối tượng vi phạm không thực hiện quyền giải trình, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vụ việc thuộc trường hợp giải trình nhưng tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, đối tượng vi phạm không có yêu cầu giải trình, thủ tục gia hạn thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; (ii) Thủ tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vụ việc do cơ quan tố tụng hình sự chuyển đến; (iii) Những trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.