Các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được điều chỉnh, sửa đổi theo từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tập trung hỗ trợ pháp lý đúng và kịp thời cho các doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hoàn thiện quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo các nguồn lực tổ chức thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp.
Vì vậy, để giải quyết những hạn chế, bất cập hiện nay và xuất phát từ thông lệ của các quốc gia trên thế giới, khu vực trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chúng ta xác định rõ trọng tâm là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc nghiên cứu, hoàn thiện điều khoản về hỗ trợ pháp lý trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (khoản 3 Điều 14) trong thời gian tới là cần thiết, thống nhất đối tượng hỗ trợ pháp lý là doanh nghiệp nhỏ và vừa cho phù hợp với xu hướng chung của thế giới và thực tiễn của Việt Nam. Ngoài ra, đối tượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo hay doanh nghiệp lớn cần được tách bạch rõ ràng, có nguồn lực, cách thức, hình thức hỗ trợ pháp lý cụ thể hơn phù hợp với nhu cầu hỗ trợ pháp lý và đối tượng hỗ trợ.
Nghiên cứu hoàn thiện khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 theo hướng thống nhất đối tượng thụ hưởng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; làm rõ hơn quy định hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hoàn thiện quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khắc phục các hạn chế, khó khăn của công tác này trong thời gian tới như: Vấn đề quản lý nhà nước, vấn đề về nguồn lực kinh phí, tổ chức bộ máy và nhân sự làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
1. Nâng cao hiệu quả của các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Về thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 chỉ có một điều khoản quy định về thông tin, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Văn bản dưới Luật có Nghị định của Chính phủ ban hành về công tác này, tuy nhiên, trên thực tế triển khai trong thời gian qua cho thấy, hiệu lực ở tầm văn bản Nghị định chưa thực sự mạnh mẽ và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, công tác thực thi pháp luật của doanh nghiệp, vì vậy, cần hoàn chỉnh điều khoản về thông tin pháp lý cho doanh nghiệp trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (khoản 3 Điều 14) và Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo hướng cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.
Việc xây dựng và khai thác thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (trên cơ sở khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) cần được quy định theo hướng thiết kế một Trang thông tin hoặc Cổng thông tin chính thức về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để doanh nghiệp dễ dàng cập nhật và tham khảo các thông tin pháp lý, các vướng mắc pháp lý trên thực tế đã được tháo gỡ, tránh tình trạng manh mún cơ quan nào cũng có chức năng, nhiệm vụ thực hiện công việc này nhưng khi doanh nghiệp muốn tiếp cận và thu thập thì rất khó khăn. Việc hoàn thiện và quảng bá Trang/Cổng thông tin này tới doanh nghiệp cũng cần được thực hiện bài bản và thường xuyên để tạo thói quen cho doanh nghiệp sử dụng.
Việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) cần được xây dựng và thiết kế theo hướng các cơ quan nhà nước phải giải đáp các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong áp dụng pháp luật (tương tự như các cơ quan thuế, hải quan vẫn đang thực hiện). Trên thực tế, các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến những trường hợp cụ thể trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, cần quan tâm xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới. Nghiên cứu phương án xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng bổ sung việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác tư vấn pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với các điều kiện, thủ tục cụ thể. Nhà nước bảo trợ cho việc hình thành mạng lưới tư vấn pháp lý chuyên nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện pháp luật[1]...
Trong chế định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần quy định rõ: ủy ban nhân dân cấp tỉnh đẩy mạnh đối thoại pháp lý với doanh nghiệp thông qua việc tổ chức đối thoại pháp lý công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp ở địa phương, hạn chế áp lực đẩy lên Trung ương xử lý. Củng cố, hoàn thiện đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng/Trang thông tin điện tử chính thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp pháp lý cho doanh nghiệp.
Việc lấy ý kiến doanh nghiệp về hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp cần được tổ chức bài bản theo quy trình nhất định nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đóng góp ý kiến của doanh nghiệp và việc thu thập ý kiến của các cơ quan xây dựng pháp luật. Đề nghị làm rõ chức năng và quy định cho Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong việc lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức đối với các văn bản quy phạm pháp luật về doanh nghiệp.
Nghiên cứu bổ sung hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia tố tụng tại Tòa án, trọng tài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp nhỏ và vừa (đây là nhóm đối tượng yếu thế trong kinh doanh cần được bảo vệ). Kinh nghiệm các nước như Singapore, Nhật Bản cho thấy, việc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là hình thức hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhất.
2. Đảm bảo kinh phí cần thiết cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Theo quy định, kinh phí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được cấp từ ngân sách nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trên cơ sở kế hoạch hoạt động được xây dựng hàng năm. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn chi tiết định mức chi hiện nay có liên quan đến triển khai các hoạt động này còn nhiều bất cập. Cụ thể như sau:
Để triển khai tập huấn, hội nghị, tọa đàm theo Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ về công tác phí, chế độ chi hội nghị thì mức chi rất hạn chế, không phù hợp với thực tế[2]. Theo kinh nghiệm từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giải đáp pháp luật và những vấn đề liên quan tới pháp luật cho doanh nghiệp, trong khi dự án được duyệt theo cơ chế phối hợp ngân sách nhà nước chiếm tỉ lệ 70% và thu đối ứng từ doanh nghiệp 30%, thì thực tế ngân sách chỉ đảm bảo từ 30% đến 50% so với tổng chi phí. Định mức chi được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có hướng dẫn một số nội dung chi chưa phù hợp với thực tiễn. Ví dụ: Mỗi văn bản giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp được chi trả 400.000 đồng; tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp: 20.000đồng/giờ...
Như vậy có thể thấy, định mức chi ngân sách thiếu tương thích với thực tế là một trong những trở ngại lớn nhất trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ngay từ khâu lập kế hoạch ở các bộ, ngành và từng địa phương. Vì vậy, cần nghiên cứu để chỉnh sửa các định mức cho phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, để đảm bảo kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần quy định rõ việc giao định mức ngân sách nhà nước cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là khoản chi thường xuyên ngoài định mức để đảm bảo việc các bộ, ngành và địa phương quan tâm, bố trí kinh phí hàng năm dành cho công tác này, bởi nếu không quy định và thực hiện rõ thì hàng năm kinh phí cấp cho các cơ quan thực hiện công tác này vẫn được tính trong định mức thường xuyên nên dẫn đến kinh phí không đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, với quan điểm của Nhà nước là chủ yếu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc tạo cơ chế để khuyến khích khu vực tư nhân, các tổ chức, cá nhân (luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật) trong và ngoài nước tham gia vào hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, vì vậy, các văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ pháp lý ban hành đều phải thống nhất nguyên tắc quy định: Nhà nước chỉ đảm bảo một phần nguồn lực để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chú trọng tạo cơ chế thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo các chính sách, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.
3. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện kịp thời, hiệu quả đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý. Trên thực tế, việc triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong những năm qua còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Thực tế, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do các cơ quan nhà nước thực hiện chưa được coi trọng và chưa có hiệu quả. Điều này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của doanh nghiệp mà còn làm gia tăng các vụ việc pháp lý, các tranh chấp trong kinh doanh cũng như các khiếu nại, tố cáo do chưa hiểu đúng các quy định pháp luật, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, cần quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhất là việc thông tin đúng, kịp thời các thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; thực hiện giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và tiếp nhận, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp.
Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, nhất là Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Phát huy vai trò của pháp chế các bộ, ngành trong việc thông tin pháp luật cho doanh nghiệp (từ các bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư, đến các quy định của chính quyền địa phương liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp). Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan đầu mối triển khai việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và tiếp nhận, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh từ Trung ương tới địa phương.
Đối với Bộ Tư pháp Việt Nam trong thời gian tới, cần nghiên cứu bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời kỳ mới và tăng cường vai trò đầu mối về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Bộ Tư pháp cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây: (i) Nghiên cứu, hoàn thiện các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo các phương thức mới, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; (ii) Tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên phạm vi cả nước; (iii) Tổ chức, kiện toàn đầu mối hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp từ Trung ương tới địa phương (cấp tỉnh); (iv) Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; (v) Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tập trung một đầu mối hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thông tin pháp lý đúng, kịp thời, dễ áp dụng đối với doanh nghiệp; định kỳ công bố thông tin, thống kê về kết quả hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và hiệu quả của nó.
Nhằm tăng cường vai trò của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ngoài quy định về vai trò bảo vệ quyền lợi pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên, phản biện chính sách liên quan, tham gia thực hiện các kế hoạch, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, quy định về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ về cung cấp dịch vụ pháp lý công, dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đồng thời có biện pháp khuyến khích các tổ chức này phát huy vai trò về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thành viên trong thời gian tới; có thể thí điểm mô hình việc Nhà nước hỗ trợ thông qua các hợp đồng giao việc hàng năm đối với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp để thành lập, duy trì các trung tâm tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp hội viên của mình như việc tổ chức định kỳ các lớp bồi dưỡng, hội nghị đối thoại lấy ý kiến doanh nghiệp hội viên của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, thực hiện khảo sát, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về các thông tin, chỉ số để các cơ quan nhà nước phục vụ việc quản lý kinh tế - xã hội.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An
[1]. Ví dụ:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 1/3 + cá nhân, đơn vị tư vấn pháp luật 1/3 + doanh nghiệp tự bỏ ra 1/3 chi phí giá trị hợp đồng tư vấn pháp luật, nhưng không quá 05 triệu đồng một năm;
- Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ 1/3 + cá nhân, đơn vị tư vấn pháp luật 1/3 + doanh nghiệp tự bỏ ra 1/3 chi phí giá trị hợp đồng tư vấn pháp luật, nhưng không quá 08 triệu đồng một năm;
- Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ 1/3 + cá nhân, đơn vị tư vấn pháp luật 1/3 + doanh nghiệp tự bỏ ra 1/3 chi phí giá trị hợp đồng tư vấn pháp luật, nhưng không quá 12 triệu đồng một năm.
[2]. Duyệt chi ngân sách ở mức từ 500.000 đồng cho diễn giả nhưng thực tế phải chi trả với mức cao hơn, phổ biến là 1.000.000 đồng tới 2.000.000 đồng.