Ở nước ta, đầu tư công vẫn được quan niệm một cách khá đơn giản, nó bao gồm tất cả các khoản đầu tư do Chính phủ và các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước tiến hành. Đầu tư công được xét không phải từ góc độ mục đích mà từ góc độ tính sở hữu của nguồn vốn dùng để đầu tư. Đầu tư công là đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước theo quy định hiện hành, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư. Đây là cách hiểu tương đối phổ thông hiện nay và cũng là đối tượng của chính sách đầu tư của Nhà nước.
Tham nhũng và đầu tư công có mối liên hệ mật thiết với nhau. Thực trạng báo động ở nước ta hiện nay là tệ tham nhũng ngày càng trầm trọng, đặc biệt trong đầu tư công đang nảy nở và diễn ra ngày càng phức tạp. Những vụ tiêu cực, tham nhũng, thất thoát không chỉ diễn ra ở các dự án do nhà nước đầu tư trực tiếp mà còn ở các tập đoàn kinh tế lớn. Nguyên nhân của tham nhũng nói chung và trong đầu tư công nói riêng là sự tổng hợp, hội tụ nhiều nguyên nhân, điều kiện cả chủ quan và khách quan, cả con người và cơ chế. Qua bài viết "Bàn về chống tham nhũng trong đầu tư công ở Việt Nam" đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số định kỳ tháng 3 (276) năm 2015, tác giả Lương Thị Thùy Linh đã phân tích những nguyên nhân và đưa ra những giải pháp phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công. Kính mời quý bạn đọc quan tâm đón đọc!
Minh Trí