Khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã giới hạn phạm vi đối tượng trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa với các tiêu chí xác định như trên, hẹp hơn nhiều so với đối tượng được quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được ban hành từ năm 2008 (Nghị định số 66/2008/Đ-CP). Điều 1 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP được ban hành năm 2008 quy định đối tượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như sau: “Nghị định này quy định hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý, điều kiện bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp)…”. Như vậy, Nghị định xác định rõ hoạt động hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh[3].
Doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh được pháp luật hiện hành quy định một cách cụ thể: Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh (theo khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Tổ chức, cá nhân kinh doanh theo Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”.
Khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định về hỗ trợ pháp lý với đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng trên thực tế cá nhân kinh doanh (khoảng 05 triệu hộ kinh doanh cá thể), hợp tác xã (19.487)[4] và doanh nghiệp lớn (khoảng 15.000 doanh nghiệp)[5] vẫn có nhu cầu về hỗ trợ pháp lý thì căn cứ vào quy định hỗ trợ pháp lý hiện hành (quy định ở Nghị định), trên cơ sở nguồn lực của mình, Nhà nước vẫn thực hiện các hình thức hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng trên tương tự như đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa không trái với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều 1 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định đối tượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là “doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh”; theo đó, quy định này sẽ không bỏ trống đối tượng là các doanh nghiệp khác (như: Doanh nghiệp lớn, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể...) và trên thực tế, các đối tượng trên vẫn có nhu cầu hỗ trợ pháp lý. Thời gian qua, Nhà nước ta đã thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng này. Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như vậy cũng thể hiện trách nhiệm của Chính phủ đối với doanh nghiệp nói chung. Quy định trên cần được xây dựng theo hướng tùy thuộc vào nguồn lực của các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, chính quyền địa phương để áp dụng tương tự các nội dung, hình thức về hỗ trợ pháp lý đối với các đối tượng không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, việc chỉ quy định đối tượng được hỗ trợ pháp lý là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bỏ trống đối tượng cần được hỗ trợ pháp lý là các doanh nghiệp khác ngoài doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trên thực tế, bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh vẫn phải hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp này nhưng sẽ không có căn cứ pháp lý để hỗ trợ. Thực tế cho thấy, theo thống kê, số lượng hộ kinh doanh hiện nay là khá lớn, ước tính khoảng hơn 05 triệu hộ, có đóng góp lớn cho nền kinh tế, nhưng hoạt động tản mạn, khả năng quản trị hạn chế, thiếu tính minh bạch. Nếu chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Nhà nước tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả thì đương nhiên sẽ thúc đẩy sự phát triển của các hộ kinh doanh này.
Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành đã khẳng định bản chất của hợp tác xã không phải là doanh nghiệp. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả và theo đuổi mục tiêu cao nhất là đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ của thành viên, vì vậy, đối tượng này cũng rất cần Nhà nước hỗ trợ pháp lý cho mình. Tuy nhiên, trên thực tế, trong thời gian qua, việc triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý cho nhóm đối tượng này cũng rất hạn chế, chỉ dừng lại ở mức cập nhật, phổ biến các quy định về pháp luật hợp tác xã chứ chưa thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý được nhiều cho đối tượng này.
Về doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (Foreign Direct Investment). Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đối tượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn bao gồm cả các doanh nghiệp FDI. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp FDI chưa thực sự là đối tượng thụ hưởng chủ yếu của các chính sách, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua. Do nguồn lực hạn chế nên các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thiết kế tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Những nội dung mang tính “kỹ thuật” này đã hạn chế đối tượng là doanh nghiệp FDI nhận được sự hỗ trợ pháp lý của Nhà nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, các chính sách thu hút FDI của Nhà nước hiện nay cũng đang có rất nhiều chính sách ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp này.
Thực tế, trên thế giới cũng có một số quốc gia có quy định đối tượng áp dụng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung (trong đó có hỗ trợ pháp lý) là hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do người bản địa nắm giữ hoặc sở hữu (như Phillipines, Malaysia…) và cũng có những quốc gia quy định đối tượng áp dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước bao gồm cả các doanh nghiệp FDI (Singapore quy định hỗ trợ của Nhà nước không chỉ dành cho các doanh nghiệp trong nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Singapore)[6].
Ngoài ra, đối tượng áp dụng của hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Việt Nam thực tế bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc nhóm công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế vì các doanh nghiệp này cũng rất cần nhận được sự hỗ trợ về mặt pháp lý khi kinh doanh ra thị trường quốc tế, tuy nhiên trên thực tế, sự hỗ trợ của Nhà nước chưa kết hợp được với nguồn lực của các doanh nghiệp lớn, các công ty mẹ, các tập đoàn kinh tế… để góp phần triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ pháp lý cho nhóm doanh nghiệp này tại Việt Nam.
Việc nghiên cứu để thống nhất đối tượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong bối cảnh Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành năm 2017 chỉ quy định đối tượng hỗ trợ theo luật là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP lại quy định cả đối tượng là các doanh nghiệp lớn, hộ kinh doanh, hợp tác xã, vì vậy, việc nghiên cứu làm rõ đối tượng, nhu cầu để tiếp tục triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý nói riêng và các hình thức hỗ trợ khác của Nhà nước cho các đối tượng là doanh nghiệp nói chung là rất cần thiết và cần được quán triệt thống nhất trong quá trình thực hiện từ các cơ quan trung ương tới các địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
Đại học Kinh tế quốc dân
[1]. Hiện nay, Việt Nam có trên 624.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có 97,7% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Báo cáo ngày 11/4/2017 của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố chỉ số phát triển doanh nghiệp đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016.
[2]. Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.
[3]. Hiện nay, có 624.000 doanh nghiệp; khoảng 05 triệu hộ kinh doanh cá thể; 19.487 hợp tác xã (Báo cáo 06 tháng đầu năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
[4]. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo ngày 21/02/2019 tại Hà Nội lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
[5]. Nhiều công ty lớn có phạm vi hoạt động mạnh trong nước và quốc tế như Vietnam Airlines, FPT, Vinamilk, TH True milk, Biti’s, Hãng hàng không VietJet, Saigon Tourist… cũng có nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý, nhất là trong lĩnh vực thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế…
[6]. Báo cáo về kinh nghiệm quốc tế xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Kèm theo Tờ trình số 342/TTr-CP ngày 28/9/2016 của Chính phủ).