Được sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước và của cả hệ thống chính trị - thể hiện qua Nghị quyết số 08[2], Nghị quyết số 49[3]; 02 Pháp lệnh Tổ chức luật sư (1987, 2001) và Luật Luật sư năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2012, cho nên trong những năm vừa qua đội ngũ Luật sư Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng luật sư, hành lang pháp lý về nghề luật sư ngày càng hoàn thiện, hoạt động nghề nghiệp của luật sư có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên, trong thời gian qua hoạt động của nghề luật sư ở vẫn còn những hạn chế nhất định. Những hạn chế này bao gồm: Chất lượng luật sư chưa đồng đều, còn có những khoảng cách về trình độ, kỹ năng gữa các luật sư là khá xa nhau; chất lượng đào tạo cử nhân luật, đào tạo luật sư chưa cao; mối quan hệ giữa luật sư với Đoàn Luật sư, giữa Đoàn Luật sư với các cơ quan quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo, chưa thể hiện được đúng trách nhiệm và yêu cầu của xã hội, của quản lý Nhà nước; chất lượng hoạt động nghề nghiệp đặc biệt là trong tranh tụng, trong thương mại quốc tế còn nhiều hạn chế; tổ chức hành nghề luật sư nhỏ lẻ, chưa thật sự chuyên sâu trong các lĩnh vực…
Để khắc phục những hạn chế nói trên và để nâng cao được chất lượng luật sư Việt Nam ngang tầm với khu vực, với thế giới, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề xuất những giải pháp sau đây:
Thứ nhất, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, vì rằng “có thực mới vực được đạo”, “có bột mới gột nên hồ”, không có cử nhân luật vững vàng về kiến thức xã hội, kiến thức khoa học pháp lý, ngoại ngữ… thì thật khó để Học viện Tư pháp có thể đào tạo được luật sư giỏi, luật sư hội nhập quốc tế. Thực trạng đào tạo hệ cử nhân luật ở nước ta hiện nay là điều rất đáng báo động về chất lượng, nhất là các hệ đào tạo tại chức, vừa học vừa làm, tuyển đầu vào rất thấp, giảng viên đa phần là thỉnh giảng, việc cắt xén chương trình là thường xuyên… Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cử nhân luật chủ yếu là về lý thuyết mà thiếu kỹ năng thực hành, hầu như sinh viên chưa được làm quen với các công việc/nghề nghiệp liên quan đến pháp luật…[4]
Vì vậy, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật là một giải pháp trọng tâm, là giải pháp “gốc” nhằm nâng cao chất lượng cử nhân luật nói chung và chất lượng luật sư nói riêng. Chúng tôi kiến nghị, Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nghiên cứu đồng bộ, thống nhất về yêu cầu của Nhà nước, của xã hội, của nghề nghiệp đối với công tác đào tạo cử nhân luật và đối với đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp…Từ đó, giữa các cơ sở đào tạo cử nhân luật và các cơ sơ đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp… xác định thống nhất chương trình đào tạo cử nhân luật, chương trình đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp,… trong đó có luật sư. Nhằm đảm bảo, việc đào tạo cử nhân luật gắn liền với nghề nghiệp, hướng nghiệp, còn đào tạo nghề nghiệp luật sư gắn liền với chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu…
Thứ hai, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo luật sư
Trong những năm qua công tác đào tạo luật sư đã có nhiều đóng góp thiết thực đáng ghi nhận. Qua đó đã góp phần đảm bảo được yêu cầu về tiêu chuẩn, về điều kiện để trở thành luật sư Việt Nam và không ngừng nâng cao chất lượng luật sư Việt Nam. Việc đào tạo luật sư đã đi vào nền nếp, chuyên sâu, chú trọng đến kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp của luật sư… Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác đào tạo luật sư vẫn còn những hạn chế nhất định và cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong đào tạo luật sư.
Vì vậy, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo luật sư cũng là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng luật sư Việt Nam. Để nâng cao chất lượng đào tạo luật sư chúng tôi kiến nghị các giải pháp trước mắt và các giải pháp lâu dài.
Giải pháp trước mắt, cần đổi mới chương trình đào tạo luật sư thật sự gắn kết với yêu cầu của thực tiễn, trong đó đặc biệt chú trọng đến khâu tuyển chọn giảng viên cơ hữu, cũng như giảng viên thỉnh giảng. Theo chúng tôi, đây là khâu rất quan trọng cần thiết phải nhìn nhận để đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo luật sư. Bởi vì, một số giảng viên thuộc biên chế của Học viện tư pháp còn thiếu kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp luật sư, chủ yếu nghiên cứu về lý thuyết, lý luận nhất là những giảng viên trẻ tuổi chưa kinh qua công tác tư pháp… Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng lại chưa có chương trình tuyển chọn một cách bài bản để đánh giá được chính xác năng lực giảng dạy cũng như thực tiễn hành nghề luật sư. Do đó, cần thiết phải có cơ chế thu hút những cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao (ít nhất cũng phải có học vị thạc sỹ trở lên), có nhiều năm công tác trong Ngành Tư pháp, trong các viện, các trường… có liên quan đến pháp luật về làm giảng viên cơ hữu đào tạo luật sư. Đối với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng kiến nghị Bộ Tư pháp, Học viện tư pháp cần xây dựng chiến lược tuyển chọn, theo đó đề ra yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn…đối với giảng viên, từ đó công khai và tổ chức kỳ thi tuyển chọn hàng năm, ai đạt yêu cầu thì thực hiện việc ký kết hợp đồng giảng dạy. Như vậy, theo chúng tôi sẽ tuyển chọn được những giảng viên thỉnh giảng đạt yêu cầu cả về mặt lý luận và thực tiễn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng luật sư Việt Nam.
Giải pháp lâu dài, để nâng cao chất lượng luật sư Việt Nam bên cạnh những giải pháp trước mắt nêu trên thì cũng phải định hướng những giải pháp lâu dài. Chúng tôi kiến nghị những giải pháp lâu dài như sau:
Một là, kiến nghị Bộ Tư pháp, Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư theo hướng giảm thiểu những người được miễn đào tạo nghề luật sư, theo đó những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên thì không được miễn đào tạo luật sư mà điều kiện được miễn phải có ít nhất từ 5 năm trở lên làm thẩm phán, kiểm sát viên, diều tra viên. Bởi vì, theo quy định hiện hành thì chỉ cần bổ nhiệm là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên thì đương nhiên là “đã” làm công tác này và được miễn mặc dù thời gian công tác, kinh nghiệm tố tụng không nhiều.
Bên cạnh đó, theo chúng tôi phải phân loại luật sư theo các chuyên ngành chuyên sâu tương ứng với chứng chỉ hành nghề như luật sư tố tụng, luật sư tư vấn pháp luật, luật sư thương mại - quốc tế,… và việc đào tạo luật sư cũng tuân theo các chứng chỉ hành nghề này. Những người được miễn đào tạo thì cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với công việc của họ, ví dụ như đã là thẩm phán thì cấp chứng chỉ hàng nghề luật sư tố tụng, còn nếu muốn hành nghề tư vấn pháp luật, thương mại - quốc tế thì phải tham gia khóa đào tạo để được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp hoặc đã là giảng viên chính chuyên ngành luật thương mại - quốc tế thì cấp chứng chỉ hành nghề luật sư thương mại - quốc tế và muốn tham gia tố tụng thì cũng phải tham gia khóa đào tạo để được cấp chứng chỉ hành nghề,…
Đối với việc đào tạo luật sư cũng như vậy, phải đào tạo chuyên sâu theo chứng chỉ hành nghề, được cấp chứng chỉ nào thì hành nghề theo chứng chỉ đó, muốn hoạt động trên tất cả các lĩnh vực bắt buộc phải hội đủ các chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Đối với những người đã là luật sư đang hành nghề thì có cơ chế cho họ đăng ký hành nghề theo một chứng chỉ nhất định, còn các chứng chỉ hành nghề lĩnh vực, chuyên ngành khác thì tạo đều kiện cho họ tham gia kỳ thi kiểm tra, nếu đạt yêu cầu thì cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Hai là, để nâng cao chất lượng đào tạo luật sư, chúng tôi kiến nghị Bộ Tư pháp, Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư theo hướng quy định muốn tham gia khóa đào tạo luật sư phải dự kỳ thi tuyển chọn đầu vào, ai đạt yêu cầu mới được đào tạo nghề luật sư. Bên cạnh đó, xem xét miễn thi đầu vào đối với cử nhân luật hệ chính quy đạt từ loại trung bình khá trở lên hoặc có bằng thạc sỹ luật,… thì được miễn thi đầu vào đào tạo nghề luật sư. Còn đối với các hệ đào tạo khác hoặc hệ chính quy nhưng xếp loại trung bình thì cần thiết phải tham gia kỳ thi đầu vào để chọn lựa được những cử nhân luật đảm bảo về mặt kiến thức để đào tạo luật sư.
Thứ ba, giải pháp bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, chính trị và chuyên môn nghiệp vụ
Đây là giải pháp quan trọng và là cầu nối, là sợi dây liên lạc giữa giới luật sư và hệ thống chính trị ở nước ta. Xã hội nước ta đang không ngừng thay đổi và phát triển, các mối quan hệ xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp và được điều chỉnh bằng pháp luật, các văn bản quy phạm phạm pháp luật ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, một mảng vô cùng quan trọng mà giới luật sư phải được trang bị là đường lối, chủ chương, chính sách của Đảng thể hiện qua các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng.
Do vậy, việc cập nhật đường lối, chủ chương, chính sách của Đảng và kiến thức pháp luật mới của Nhà nước để nâng cao kỹ năng hành nghề là một yêu cầu tất yếu đối với luật sư. Hiện nay, việc quy định bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ là một nghĩa vụ bắt buộc của luật sư được coi là sự cải cách mới trong Luật Luật sư và Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/ 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư. Theo đó, Thông tư số 10/2014/TT-BTP, ngày 07/4/2014 quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư. Tuy nhiên, những quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi vào thực tiễn, còn mang nặng tính hình thức. Lý do là, quy định thời gian bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ khá ít (chỉ 02 ngày/năm), các tồ chức thực hiện lớp bồi dưỡng không rõ ràng, không xác định được trách nhiệm… Còn đối với việc cập nhật đường lối, chủ chương, chính sách của Đảng dường như đang được bỏ ngỏ, tức là giới Luật sư Việt Nam không được bồi dưỡng, cập nhật về lý luận chính trị. Điều này, minh chứng cho thấy nhiều luật sư vi phạm nghiêm trọng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp của luật sư…
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2014/TT-BTP, ngày 07/4/2014 quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư theo hướng: Luật sư phải có nghĩa vụ tham gia các lớp học tập, quán triệt Văn kiện, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Giao trách nhiệm mở lớp, báo cáo viên cho Sở Tư pháp cấp tỉnh thực hiện. Thời gian mở các lớp là định kỳ kết thúc mỗi quý hoặc bắt đầu mỗi quý trong năm, một năm mở 04 lớp, thời gian tổ chức mỗi lớp học, bồi dưỡng ít nhất là 01 (một) ngày.
Thứ tư, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với luật sư và hoạt động nghề nghiệp luật sư.
Một là, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với luật sư
Trong thời gian vừa qua, thực tiễn tại Việt Nam cho thấy có nhiều luật sư, tổ chức hành nghề luật sư xa rời mục tiêu, lý tưởng, nghĩa vụ, trách niệm đối với Đảng và Nhà nước. Nghiêm trọng hơn, nhiều luật sư còn xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; xúi dục người khác chống phá Đảng, chống phá Nhà nước dẫn đến vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và đạo đức nghề nghiệp của luật sư.
Vì vậy, cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ Luật sư Việt Nam. Chúng tôi kiến nghị giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là thông qua các cấp chính quyền quản lý luật sư, quản lý Đoàn Luật sư và nhất thiết phải được đưa vào văn kiện, nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về chiến lược phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam trong thời kỷ mới, từ đó thể chế hóa về mặt pháp luật chủ trương hoàn thiện pháp luật về luật sư.
Hai là, giải pháp tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với luật sư và hoạt động nghề nghiệp luật sư
Nghề luật sư là nghề độc lập, mang tính chất tự quản rất cao. Một mặt, Nhà nước cần đảm bảo cho tính tự quản nghề nghiệp được phát huy cao độ, mặt khác, hoạt động nghề nghiệp của luật sư cũng cần phải có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, nhằm tránh tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư. Nó phải được ví như là hai lề đường song song bảo đảm cho con đường nghề nghiệp của luật sư được chạy đúng hướng, đạt chất lượng cao. Tuy nhiên, trong thời gian qua hiệu quả quản lý nhà nước đối với luật sư và hoạt động nghề nghiệp của luật sư ở một số địa phương chưa đảm bảo hiệu quả cao, còn để xảy ra nhiều sai phạm của luật sư cả về vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Trong xử lý sai phạm của luật sư các cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng, đùn đấy hết trách nhiệm cho Đoàn luật sư và thiếu kiểm tra, giám sát,.. Vì vậy, chúng tôi kiến kiến nghị, cần tiếp tục nghiên cứu và thể chế hóa bằng pháp luật, theo đó phải phân biệt rõ việc quản lý nhà nước với việc tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư. Nhà nước quản lý khâu nào, quản cái gì và tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư quản lý khâu nào, quản cái gì? Trách nhiệm kiểm tra, giám sát như thế nào? Quy trình xử lý các sai phạm của luật sư, của Đoàn luật sư ra sao?...[5]. Có như vậy, mới bảo đảm hành lang pháp lý vững chắc để luật sư tuân thủ các quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình, bảo đảm luật sư thượng tôn pháp luật, vì công lý, vì lợi ích tốt nhất của khách hàng và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và qua đó chất lượng luật sư được bảo đảm và phát huy không ngừng.
Ba là, giải pháp tăng cường sự sự phối hợp, tham vấn giữa Đoàn Luật sư với các cơ quan nhà nước địa phương.
Thực tiễn hoạt động của luật sư còn nhiều khó khăn, trở ngại, trong đó có các trở ngại từ chính các cơ quan nhà nước, từ chính những người được Nhà nước giao quyền. Vì vậy, để đảm bảo cho hoạt động nghề nghiệp của luật sư được đảm bảo hiệu quả, chuyên nghiệp và đạt chất lượng cao thì cần thiết phải tăng cường sự phối hợp, trao đổi, tham vấn giữa các cơ quan nhà nước với Đoàn Luật sư. Chúng tôi kiến nghị, cần có cơ chế để định kỳ hàng quý Ban Nội chính và Sở Tư pháp chủ trì mời các cơ quan nhà nước có liên quan và Đoàn Luật sư cấp tỉnh để thực hiện việc trao đổi về công việc phối hợp, thực thi pháp luật,… cũng như tham vấn các dự án, chính sách của địa phương. Qua đó, nâng cao được trách nhiệm của các Cơ quan nhà nước, trách nhiệm của Đoàn Luật sư và đặc biệt tạo điều kiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao vị trí, vai trò của Đoàn Luật sư và tạo hàng lang thông thoáng cho hoạt động nghề nghiệp của luật sư đạt chất lượng cao nhất.
Văn phòng Luật sư Trường Thành