Abstract: This article comments on the enumeration and disclosure of assets in the Draft Law on Anti-corruption (amended) with the hope that this will be an effective measure to disclose assets of cadres, public servants and officers for preventing and opposing corruption.
1. Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản
Điều 43 Dự thảo đưa ra 07 nhóm đối tượng có nghĩa vụ phải công khai thu nhập, tài sản bao gồm: (a) Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân; (b) Cán bộ, công chức từ Phó Trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương (có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên), những người được bổ nhiệm vào ngạch công chức trong cơ quan, đơn vị của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được giao biên chế và có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước; (c) Sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó Tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương Phó Tiểu đoàn trưởng trở lên trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó Tiểu đoàn trưởng, Phó Trưởng công an phường, thị trấn, Phó Đội trưởng trở lên trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; (d) Người giữ chức vụ tương đương Phó Trưởng phòng trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp nhà nước và người đó giữ chức danh quản lý từ Phó Trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước; (đ) Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên Ủy ban nhân dân và công chức xã, phường, thị trấn; (e) Người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các tổ chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân; (g) Người làm việc trong các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo quy định tại Chương VIII Luật này.
Quy định này được xem là tích cực khi pháp luật đã đưa ra 07 nhóm đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, đây là nhóm các đối tượng cần được kiểm soát mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế trong những năm gần đây cho thấy, quy định này vẫn chưa đủ để xác định được đối tượng trung tâm của tham nhũng. Bởi lẽ: Một là, nhóm đối tượng này rất rộng và chưa có cơ chế để xác định hành vi tham nhũng nếu việc tham nhũng diễn ra thường xuyên nhưng không lớn, không gây ra biến động đột xuất về tài sản thì rất khó để xác định; hai là, đối với nhóm đối tượng là những cán bộ giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thì vấn đề này lại càng vướng mắc hơn khi tài sản kê khai hàng năm của họ có thể kiểm soát được nhưng nếu họ có hành vi tham nhũng và đưa tài sản tham nhũng cho người thân đứng tên thì sẽ rất khó kiểm soát; ba là, tham nhũng là vấn đề đa dạng, có rất nhiều cách thức để tham nhũng, nạn tham nhũng vặt rất phổ biến, đó là những khoản bôi trơn trong các giao dịch với cán bộ nhà nước trong các lĩnh vực dịch vụ công như y tế, giáo dục, đất đai, giao thông, thuế, hải quan, xây dựng… Trong khi đó ở một số nước, vấn đề tham nhũng nổi cộm lại có thể là tham nhũng trong lĩnh vực bầu cử (tình trạng mua phiếu bầu hoặc bí mật các khoản tài trợ lớn từ các tập đoàn để vận động tranh cử…)[1]. Vì thế, không thể quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là các đối tượng giữ chức vụ từ trưởng, phó phòng trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công bởi vì như thế sẽ là kẽ hở và tạo cơ hội cho các nhóm đối tượng là những người không có chức vụ nhưng lại đảm nhận công tác quản lý nhà nước thực hiện hành vi tham nhũng. Do vậy, cần mở rộng các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đồng thời, cần xây dựng cơ chế giám sát tài sản đối với những đối tượng là người thân của những người giữ các chức vụ trong các cơ quan nhà nước, các lĩnh vực có khả năng tham nhũng cao.
2. Về công khai tài sản
Điều 46 Dự thảo quy định: “Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập có trách nhiệm gửi 01 bản kê khai cho bộ phận tổ chức - cán bộ và 01 bản kê khai cho cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền quản lý tập trung bản kê khai, thu nhập theo quy định”. Quy định này truyền tải đến một nội dung rằng, tất cả các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản theo quy định tại Điều 46 đều phải thực hiện kê khai tài sản của cá nhân mình. Việc kê khai được đơn vị nơi người đó công tác công khai bằng bản kê khai và lưu trữ tại cơ quan đó. Đây là một trong những phương thức quản lý tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức hữu hiệu, phổ biến nhất hiện nay trên thế giới. Dự thảo đưa ra nhiều phương thức loại bỏ tham nhũng như bỏ quy định về kê khai tài sản hàng năm thay vào đó là tổ chức kê khai tài sản lần đầu. Tuy nhiên, để xây dựng một văn bản luật với mục tiêu vừa phòng, vừa chống tham nhũng, thiết nghĩ cần có một cơ chế giám sát hiệu quả và vĩ mô hơn nữa. Việc công khai tài sản tại nơi làm việc của đối tượng có nghĩa vụ kê khai là một phương pháp, nhưng đó không phải là phương pháp duy nhất và phát huy hiệu quả tốt nhất, mà cần có sự tham gia của một chủ thể đặc biệt đó là nhân dân. Xét dưới góc độ quản lý, người dân nơi người có nghĩa vụ kê khai tài sản là chủ thể có khả năng giám sát gần nhất và sát sao nhất, đồng thời, nếu đấu tranh chống tham nhũng trước hết là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước thì việc tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh đó vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của các tổ chức và từng thành viên trong xã hội. Vì thế, việc công khai tài sản tham nhũng tại nơi người có nghĩa vụ kê khai cư trú là điều quan trọng và rất cần thiết.
3. Đôi điều bình luận từ góc nhìn thực tiễn
Dưới khía cạnh thực tiễn, cần nhìn nhận rằng, Việt Nam là một quốc gia nặng về nền công vụ, chế độ lương bổng và đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức khá thấp so với chi tiêu cuộc sống mà họ cần trang trải. Thế nên không có gì là khó hiểu khi tình trạng tham nhũng không những xảy ra ở bộ phận những cá nhân có chức vụ từ trưởng, phó phòng mà cả cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ thấp hoặc không có chức vụ lãnh đạo, quản lý, như nhân viên cảnh sát, thuế vụ, bác sỹ, y tá[2] chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế quản lý, kê khai tài sản không phát huy hiệu quả, chỉ mang tính hình thức.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2015, xếp hạng 168 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công, điểm số của Việt Nam là 31/100 điểm, đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Điều này có nghĩa rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số tham nhũng cao nhất thế giới, mặc dù, đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế về Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam “chỉ để tham khảo là chính” bởi kết quả đó không phản ánh một cách toàn diện được tình hình tham nhũng tại Việt Nam[3].
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng, đã kết luận điều tra 198 vụ; hiện đang điều tra 140 vụ. Đối với 16 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Tòa án đã đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm 05 vụ gồm: Vũ Quốc Hảo và đồng phạm; Dương Chí Dũng và đồng phạm; Huyền Như và đồng phạm; Vũ Việt Hùng và đồng phạm; Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Viện kiểm sát cũng đã có cáo trạng truy tố 06 vụ án; cơ quan điều tra đã kết luận, đề nghị truy tố 04 vụ án và đang điều tra 07 vụ. Các vụ án, vụ việc tham nhũng trong năm 2015 đã gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887m2 đất; trong đó, thu hồi được trên 505 tỷ đồng, đạt 55,8% (tỷ lệ này năm 2013 là 10%, năm 2014 là 22,3%) và thu hồi được 2.887m2 đất (đạt 29,2%)[4]. Như vậy, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện và xử lý vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, tài sản thu hồi là không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu được nhận định xuất phát từ quy định về công khai, minh bạch tài sản còn thiếu bao quát, chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu; chưa quy định rõ việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Trong khi hầu hết các vụ án được phát hiện và đưa ra xét xử đều liên quan đến những đối tượng giữ các chức vụ lớn trong cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước thì các hành vi tham nhũng nhỏ lẻ như lót tay, nhũng nhiễu hoàn toàn vắng bóng và làm mai một lòng tin người dân vào chính quyền. Mặc dù, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc chống tham nhũng, nhưng thiết nghĩ, trước khi thực hiện chống tham nhũng, nên bàn đến vấn đề làm thế nào để phòng ngừa tham nhũng.
Không một quốc gia nào là không có tham nhũng, xã hội càng phát triển thì hành vi tham nhũng càng tinh vi. Vì thế, với quyết tâm và sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta, hy vọng rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được ban hành sẽ mang đến những bước tiến mới nhằm thanh lọc bộ máy nhà nước, kiến tạo niềm tin trong nhân dân và xóa bỏ được quốc nạn này.
Đại học Luật, Đại học Huế
[1]. Theo bà Đào Nga, Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - Cơ quan đầu mối của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam, Báo Khoa học & Đời sống số ra ngày 05/8/2016.
[2].http://dantri.com.vn/xa-hoi/thanh-tra-chinh-phu-phan-hoi-ve-xep-hang-tham-nhung-cua-viet-nam-nam-2015-20160129143705005.htm.
[3].http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/tham-nhung-o-viet-nam-vua-tinh-vi-vua-trang-tron-2242604-p2.html.
[4].http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/tham-nhung-o-viet-nam-vua-tinh-vi-vua-trang-tron-2242604-p2.html.