1. Nhóm các tội xâm phạm các quyền tự do dân chủ của công dân
Bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là một trong trong những tư tưởng chủ đạo đã được khẳng định mạnh mẽ trong Hiến Pháp năm 2013. Điều 12 Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ, Việt Nam tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam là một trong những nước sớm phê chuẩn Công ước quốc tế về nhân quyền. Với nguyên tắc đó, trong bản Hiến pháp mới vấn đề quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định tại Chương II, từ Điều 14 đến Điều 49. Đây là cơ sở hiến định cho việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, theo đó sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự lần này cần tiếp tục kế thừa những quy định phù hợp, loại bỏ những quy định lạc hậu, trái với Hiến pháp, đồng thời bổ sung những quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Bộ luật Hình sự sửa đổi cần phải tạo ra một khung pháp lý mạnh mẽ, hữu hiệu để đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm quyền tự do dân chủ của con người. Xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền con người của Hiến pháp năm 2013 và thực tiễn đấu tranh phòng, chống các tội phạm xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân trong thời gian qua. Theo đó, các nhà lập pháp cần nghiên cứu, tiếp tục duy trì những tội danh đang còn phát huy tác dụng, vẫn phù hợp với thực tế và tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng cụ thể hơn, rõ ràng hơn nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới, thực hiện tốt hơn việc bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân Việt Nam và cả các quyền tự do dân chủ của cá nhân khác không phải là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm ăn, học tập ở nước ta, góp phần làm cho pháp luật hình sự nước ta phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã dành 01 chương riêng (Chương XIII) với 09 điều (từ Điều 123 đến Điều 130 và Điều 132) quy định về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân. Các quy định này đã góp phần bảo vệ được quyền tự do, dân chủ của công dân trong thời gian qua, tuy nhiên so với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 thì có một số vấn đề bất cập:
Thứ nhất, Bộ luật Hình sự năm 1999 mặc dù Chương XIII là chương quy định về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân nhưng trong đó đề cập cả đến những tội xâm phạm các nhóm quyền khác như tội buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật (Điều 128), đây là tội xâm phạm quyền lao động thuộc nhóm quyền kinh tế. Ngược lại, có một số tội thực chất là xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người nhưng không được bao quát trong chương này mà lại quy định ở chương tội phạm khác, ví dụ: Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật (Điều 303)... Do đó, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi cần phải rà soát, cân nhắc đưa các tội danh xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân về một mối, những tội danh không phù hợp nên chuyển sang các chương khác để đảm bảo tính thống nhất, tính logic trong bộ luật.
Thứ hai, mặc dù tên Chương XIII của Bộ luật Hình sự năm 1999 là các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân nhưng chủ yếu các quyền tự do, dân chủ mà các tội phạm trong chương này bị xâm hại lại gắn với cá nhân, không kể cá nhân đó là công dân Việt Nam hay là người nước ngoài hay người không quốc tịch sinh sống trên đất nước Việt Nam như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về chỗ ở; quyền bí mật cá nhân, thư tín, điện thoại, điện tín; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền khiếu nại, tố cáo... Chỉ có một số ít quyền tự do dân chù là gắn liền với cá nhân với tư cách là công dân mà thông thường là các quyền về chính trị như quyền bầu cử, quyền ứng cử; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp... Theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên thì các quyền về dân sự và chính trị đều thuộc về cá nhân (trong đó bao gồm cả công dân lẫn cá nhân không phải là công dân của một quốc gia). Chỉ có ba nhóm quyền gắn với công dân, đó là quyền tham gia điều hành các công việc xã hội; quyền bầu cư, ứng cử và quyền được tiếp cận với các dịch vụ công ở đất nước mình trên cơ sở bình đẳng (Điều 25 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966). Do đó, các nhà lập pháp cũng nên cân nhắc để điều chỉnh tên gọi của Chương XIII cho phù hợp.
Thứ ba, Bộ luật Hình sự hiện hành chưa có quy định để xử lý đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng một số quyền tự do, dân chủ của công dân mặc dù các quyền này đã được Hiến pháp năm 1992 ghi nhận, đến nay tiếp tục được khẳng định tại Hiến pháp năm 2013 như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền biểu tình, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, đây là một trong những quyền dân chủ trực tiếp hiến định quan trọng của công dân. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung vào Bộ luật Hình sự các quy định để xử lý về hình sự đối với những hành vi xâm phạm đến các quyền này.
Thứ tư, các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân là xâm phạm các quyền cơ bản, quan trọng của con người, của công dân như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, chỗ ở; quyền bí mật thư tín, điện tín; quyền bầu cử, ứng cử... đòi hỏi phải được xử lý nghiêm mới đáp ứng được yêu cầu bảo vệ nhóm quyền này. Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, nhìn chung, các biện pháp xử lý đối với các nhóm tội này chưa tương xứng với tầm quan trọng và yêu cầu bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân. Cụ thể như tội bắt, giữ hoặc giam người pháp luật tại Điều 123: Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm; phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đối với người thi hành công vụ, phạm tội nhiều lần, đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm; phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm... Như vậy, hành vi phạm tội này được đánh giá là rất nghiêm trọng với mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù, mức hình phạt đó là nhẹ, chưa tương xứng với tầm quan trọng và yêu cầu bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân. Ngoài ra, tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 132) được đánh giá là tội nghiêm trọng với mức hình phạt là 5 năm tù, còn lại 07 tội khác từ Điều 124 đến Điều 130 đều thuộc loại tội ít nghiêm trọng với mức hình phạt cao nhất là 02 năm hoặc 03 năm tù... trong khi đó chính sách xử lý đối với nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu thì nghiêm khắc. Do đó, cần nghiên cứu, điều chỉnh chính sách xử lý đối với những nhóm tội phạm này cần nghiêm khắc hơn để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và phù hợp với tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền dân chủ của công dân.
Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận một số quyền tự do, dân chủ mới như quyền bí mật các hình thức trao đổi thông tin riêng ngoài hình thức thư tín, điện thoại, điện tín, quyền tiếp cận thông tin... đây là những quyền tự do dân chủ hiến định quan trọng, đòi hỏi phải có cơ chế bảo vệ bằng pháp luật đặc biệt là pháp luật hình sự. Vì vậy, trong Bộ luật Hình sự mới nên bổ sung những quy định về vấn đề này.
2. Nhóm các tội phạm về chức vụ
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đã có nhiều biện pháp nhận diện, phòng ngừa, phát hiện và xử lý nạn tham nhũng được ban hành và thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển của xã hội, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, các tội phạm về chức vụ cũng có những thay đổi theo chiều hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất vụ việc. Nhiều hành vi phạm tội mới xuất hiện mà chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Thêm vào đó, Việt Nam cũng tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, do đó đòi hỏi việc phải nội luật hóa nội dung của Công ước mà Việt Nam đã cam kết. Vì vậy, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự hiện hành nên nghiên cứu, bổ sung Chương XXI về các tội xâm phạm về chức vụ.
Có ý kiến cho rằng trong chương các tội phạm về chức vụ nên quy định thêm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước. Trong Bộ luật Hình sự năm 1985 (sửa đổi, bổ sung năm 1997) đã quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 137a) nhưng Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản thành một tội danh độc lập mà đưa thành một tình tiết tăng nặng tại khoản 2 Điều 142 về tội sử dụng trái phép tài sản. Tại khoản 9 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi", vì vậy nên tách hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước thành một tội danh độc lập, để đảm bảo tính tương đồng giữa Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự chỉ dừng lại ở việc quy định các tội phạm tham nhũng trong khu vực công mà chưa có những quy định về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư. Tuy nhiên, trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên yêu cầu các quốc gia thành viên cần thiết phải tăng cường các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng không chỉ trong lĩnh vực công mà cả trong lĩnh vực tư. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cũng cần nghiên cứu về việc mở rộng phạm vi tham nhũng ra khu vực tư để phù hợp với nội dung của công ước quốc tế về chống tham nhũng mà Việt Nam đã cam kết.
Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các quốc gia khác nhau trên thế giới, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ, viện trợ, tài trợ... Việc một người nào đó vì vụ lợi mà đưa hối lộ công chức nước ngoài hay tổ chức quốc tế công để dành những ưu thế trong các hoạt động nêu trên cũng đã xảy ra trong thực tiễn, vì vậy, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, sự công bằng trong xã hội và giữ gìn quan hệ với các nước nên bổ sung hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công vào Bộ luật Hình sự.
3. Nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp
Trên tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt ra yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội và Hiến pháp năm 2013 về quyền tư pháp và hoạt động tư pháp, đồng thời để khắc phục những điểm hạn chế, bất cập trong thực tiễn cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự về nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay.
Điều 292 Bộ luật Hình sự hiện hành về khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp thì "các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp theo Điều 292 chỉ trong phạm vi hoạt động của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án. Có ý kiến cho rằng ngoài phạm vi hoạt động tư pháp như vậy thì cần bao gồm cả hoạt động tương trợ tư pháp, trong hoạt động hội nhập quốc tế hiện nay hoạt động tương trợ tư pháp ngày càng được tăng cường và những hành vi vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động này cũng cần phải được xử lý, ví dụ như hành vi thiếu trách nhiệm để người đang bị dẫn độ trốn hoặc tha trái phép người bị dẫn độ hoặc khai báo gian dối, từ chối khai báo, mua chuộc, cưỡng ép người khác khai báo gian dối trong hoạt động thực hiện ủy thác tư pháp...
Vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự đối với tội không tố giác tội phạm, có ý kiến cho rằng mặc dù Bộ luật Hình sự hiện hành đã có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự cho người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị em, ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội nhưng chưa triệt để (người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng). Xuất phát từ đạo lý truyền thống gia đình thì cần phải loại trừ hoàn toàn trách nhiệm hình sự đối với người không tố giác bất kỳ loại tội phạm nào, kể cả tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác nếu người đó là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội, đồng thời bổ sung thêm quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên không tố giác bất kỳ tội phạm nào. Việc loại trừ hoàn toàn trách nhiệm hình sự đối với người không tố giác bất kỳ loại tội phạm nào, kể cả tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác nếu người đó là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội như vậy sẽ ảnh hưởng đến quá trình truy cứu, xét xử tội phạm, giữ gìn sự công bằng trong xã hội và an ninh quốc gia. Vì vậy, loại trừ trách nhiệm hình sự cho người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội nhưng chưa triệt để (trừ tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng) như Bộ luật Hình sự hiện hành là phù hợp, không nên loại trừ hoàn toàn đối với mọi loại tội phạm.
Với đối tượng không tố giác tội phạm là người chưa thành niên cũng cần phải có sự nghiên cứu kỹ và tìm hiểu kinh nghiệm của các quốc gia khác. Trong thời đại ngày nay, sự trưởng thành của các em rất nhanh chóng cả về thể chất lẫn tinh thần, nhận thức và sự hiểu biết xã hội. Do vậy, việc loại trừ trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm là người chưa thành niên cũng nên cân nhắc và có giới hạn.
Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự có ý nghĩa quan trọng đối với việc giữ gìn trật tự, đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Trọng trách này đặt lên vai của các nhà lập pháp. Vì vậy, các nhà lập pháp cần phải có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng để sau khi hoàn thành, Bộ luật Hình sự mới không những đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn mà còn có tính dự báo trong tương lai, để Bộ luật Hình sự có sức sống dài lâu trên thực tiễn.
Nguyễn Thị Vinh