Bảo vệ lợi ích, chủ quyền và lợi ích quốc gia là ưu tiên hàng đầu của bất kỳ quốc gia nào. Trong lĩnh vực an ninh kinh tế, trật tự pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải trong việc đấu tranh với các hành vi vi phạm như buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá qua biên giới thì hầu hết các quốc gia đều giao cho lực lượng hải quan. Để đảm bảo trật tự pháp luật trong lĩnh vực này, nhà nước thường trao cho cơ quan những thẩm quyền và các biện pháp trong việc phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực mình quản lý như xử phạt vi phạm hành chính, điều tra, xử lý hình sự... Đối với thẩm quyền điều tra, xử lý hình sự của cơ quan hải quan, qua nghiên cứu pháp luật các nước trên thế giới, chúng tôi thấy rằng bên cạnh một số điểm tương đồng như việc điều tra hình sự trong lĩnh vực hải quan đều giao cho cơ quan hải quan thụ lý và xử lý thì còn có một số điểm khác nhau trong quá trình điều tra các vụ án hình sự đối với tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới ở các cấp độ khác nhau.
Về mô hình tổ chức, theo quy định tại Điều 1 Luật Hải quan Indonesia năm 1995, cơ quan hải quan có tên gọi là Tổng cục Hải quan và thuế. Cơ quan này thuộc Bộ Tài chính Indonesia. Thực hiện tất cả các hoạt động liên quan đến thủ tục, giám sát hàng hóa ra vào lãnh thổ và thu thuế xuất nhập khẩu.
Về thẩm quyền điều tra hình sự của cơ quan hải quan, theo Điều 112 Luật Hải quan Indonesia năm 1995 thì nhân viên hải quan được chỉ định sẽ được trao thẩm quyền đặc biệt của nhân viên điều tra theo quy định của Luật Tố tụng hình sự năm 1981 để điều tra các tội phạm trong lĩnh vực hải quan. Nhân viên điều tra có quyền: Nhận báo cáo và thông tin của bất cứ người nào liên quan đến việc phạm tội hải quan; triệu tập bất cứ người nào để nghe với tư cách là nhân chứng hay để điều tra với tư cách là bị can; nghiên cứu, thu thập thông tin đối với các hành vi phạm tội hải quan; bắt giữ và bắt người tình nghi đã thực hiện việc phạm tội hải quan; chụp ảnh, ghi âm hoặc qua các công cụ, phương tiện khác và sử dụng chúng như chứng cứ phạm tội; kiểm tra các hồ sơ, tài liệu về hải quan; lấy dấu vân tay; kiểm tra nơi ở, quần áo, kiểm thể; kiểm tra nơi nghi ngờ cất giấu hàng hóa, phương tiện phạm tội; tạm giữ hàng hóa liên quan đến hành vi phạm tội hải quan; niêm phong tất cả các vật dụng, hàng hóa, phương tiện được xem là chứng cứ liên quan đến việc phạm tội hải quan; mời chuyên gia cần thiết để làm sáng tỏ hành vi vi phạm; ngăn chặn bất kỳ người nào nghi ngờ có hành vi phạm tội hải quan để đảm bảo cho việc kiểm tra; dừng cuộc điều tra.
Nhân viên điều tra của cơ quan hải quan Indonesia phải thông báo việc bắt đầu điều tra và chuyển kết quả điều tra cho Viện trưởng Viện công tố tối cao theo các quy định của pháp luật tố tụng hình sự 1981.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Hải quan Indonesia năm 1995: Đối với các vi phạm liên quan đến việc nộp thuế, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét chấm dứt việc điều tra. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 113 Luật Hải quan Indonesia năm 1995 thì việc điều tra chỉ chấm dứt khi người vi phạm nộp đủ các loại thuế thiếu và nộp bổ sung 4 lần số thuế thiếu trong thời gian ngắn.
Như vậy, trong lĩnh vực của mình cơ quan hải quan được trao thẩm quyền khá rộng. Kết thúc hoạt động điều tra đó là khởi tố bị can và chuyển cho cơ quan công tố để truy tố ra Tòa án nhân dân để xét xử.
2. Luật Hải quan Trung Hoa
Theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Luật Hải quan Trung Hoa 2005 khẳng định mục đích việc ban Luật này để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, tăng cường giám sát và quản lý hải quan, xúc tiến thương mại nước ngoài và giao lưu kinh tế, khoa học và văn hóa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Luật Hải quan đã giao cho cơ quan hải quan thực hiện các thủ tục hành chính về hải quan, giám sát và kiểm soát các phương tiện vận tải, hàng hóa, hành lý, bưu phẩm, bưu và các mặt hàng khác... nhiệm vụ phòng chống, ngăn chặn buôn lậu.
Về mô hình tổ chức, theo Điều 3 Luật Hải quan Trung Hoa năm 2005, Chính phủ thành lập Tổng cục Hải quan để thống nhất quản lý lĩnh vực hải quan của quốc gia. Bên dưới Tổng cục Hải quan là các đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan và chịu trách nhiệm trước trước Tổng cục Hải quan.
Về thẩm quyền điều tra hình sự của cơ quan hải quan, theo quy định tại Điều 4 Luật Hải quan Trung Hoa năm 2005 Tổng cục Hải quan thành lập cơ quan công an điều tra đặc biệt về tội buôn lậu. Cơ quan này được trao thẩm quyền điều tra, giam giữ, bắt giữ và kiểm tra sơ bộ. Việc thực hiện các biện pháp trên, thực hiện theo Luật Tố tụng hình sự. Cơ quan công an điều tra đặc biệt này căn cứ các quy định của nhà nước có thể thành lập các chi nhánh. Mỗi chi nhánh thụ lý các vụ án buôn lậu thuộc thẩm quyền của mình. Căn cứ thẩm quyền được giao có quyền đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân truy tố. Cơ quan công an địa phương các cấp có trách nhiệm hợp tác với cơ quan công an điều tra đặc biệt của hải quan trong quá trình điều tra tội phạm để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo đó, cơ quan hải có có thẩm quyền điều tra của cơ quan hải quan đối với các trường hợp buôn lậu thuế và thu giữ xảy ra trong lĩnh vực giám sát buôn lậu hải quan của vũ khí, đạn dược, vật liệu hạt nhân, giả tiền, hiện vật, kim loại quý, đá quý động vật và sản phẩm của họ, thực vật quý hiếm và sản phẩm của họ, tài liệu khiêu dâm, chất thải rắn và các trường hợp buôn lậu ma túy thuế khác, bộ phận điều tra hải quan, cơ quan an ninh địa phương (bao gồm các bộ phận phòng công an biên giới) và cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại và các cơ quan thực thi pháp luật khác bắt giữ buôn lậu chuyển giao cho cơ quan hải quan xử lý[1].
Theo Điều 5 Luật Hải quan Trung Hoa năm 2005, nhà nước thực hiện việc phòng chống và xử lý buôn lậu tập trung, thống nhất. Cơ quan hải quan có trách nhiệm tổ chức, điều phối, quản lý thực hiện việc điều tra tội phạm buôn lậu. Các quy định liên quan do Chính phủ quy định. Các bộ phận cơ quan hành chính khác kiểm tra phát hiện vụ việc buôn lậu phải chuyển giao cho cơ quan hải quan xử lý. Trường hợp có dấu hiệu phạm tội phải chuyên cho cơ quan công an điều tra đặc biệt về buôn lậu, cơ quan công an địa phương căn cứ vào nội dung vụ việc và thẩm quyền pháp luật quy định để xử lý.
Cơ quan hải quan có quyền triệu tập, thẩm vấn đối tượng tình nghi, nhân chứng; tiến hành khám xét nơi ở, nơi cất giấu, thu giữ tài liệu chứng cứ, truy vấn tiền gửi, kiều hối,… Để đảm bảo cho các biện pháp nghiệp vụ điều tra được thực hiện thì Luật trao thẩm quyền cho cơ quan hải quan trong việc ra lệnh triệu tập, bắt giữ, giam giữ, cho phép tại ngoại thông qua cơ chế bảo lãnh, đặt cọc, quản chế đối tượng tại nơi cư trú. Đối với việc tạm giữ Đối với lệnh bắt và giam giữ phải được phê duyệt của Viện Kiểm sát[2].
Quyền lực của cơ quan điều tra hải quan được nhà nước trao cho rất rộng trong chỉ trong địa bàn hoạt động của mình mà còn trong cả khu vực nội địa. Cơ quan công an địa phương phải có trách nhiệm phối hợp. Trường hợp các cơ quan khác phát hiện ra các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra hải quan thì cũng phải chuyển giao cho cơ quan hải quan để thực hiện điều tra. Trong phạm vi điều tra được giao thực hiện việc điều tra đến cùng với kết quả là chuyển cho Viện Kiểm sát nhân dân để thực hiện việc truy tố đưa ra xét xử.
3. Luật Hải quan Hàn Quốc 2000 (được sửa từ các Nghị định)
Thẩm quyền điều tra và xử lý vi phạm được quy định tại 2 chương (chương 11 và chương 12). Theo Điều 283 có thẩm quyền điều tra bất kỳ hành vi vi phạm nào được quy định tại Luật này, bao gồm các hành vi vi phạm hình sự liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng cấm, buôn lậu và trốn thuế (Điều 269, Điều 270, Điều 274). Theo quy định từ Điều 291 đến Điều 309 Luật Hải quan Hàn Quốc thì cán bộ hải quan có các quyền liên quan đến chất vấn, triệu tập đối tượng bị tình nghi, nhân chứng, người có liên quan; Đối với việc triệu tập có thể triệu tập và đưa người đó đến một địa điểm được chỉ định thông qua một lệnh - lệnh hầu tòa. Cán bộ hải quan thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát an ninh đối với những người bị buộc tội vi phạm pháp luật hải quan như: Ban hành lệnh lục soát, bắt giữ, thu hồi hàng hóa bị bắt giữ. Theo Điều 307 Luật Hải quan Hàn Quốc cán bộ hải quan có thể cấm tất cả mọi người vào hoặc ra các địa điểm chất vấn, khám xét, lục soát hoặc bắt giữ đang diễn ra đối với một đối tượng tình nghi, nhân chứng hoặc người liên quan. Trong quá trình thực hiện các quyền trên theo Điều 309 bất kỳ cán bộ hải quan nào nếu nhận thấy cần thiết trong việc thực hiện việc thẩm vấn, khám xét, lục soát, bắt giữ có thể yêu cầu hỗ trợ của cảnh sát. Điều 311, Điều 312 Luật Hải quan Hành Quốc trao thẩm quyền khởi tố, buộc tội cho Tổng cục Hải quan hoặc cán bộ thuế hải quan.
Ngoài ra, trong Luật Hải quan các nước như: Philipin, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Pháp... đều giao cho nhân viên hải quan thẩm quyền khá rộng trong hoạt động điều tra các tội phạm trong lĩnh vực hải quan. Họ có quyền khám xét, lục soát và tạm giữ hàng hoá, phưong tiện vi phạm. Điều 107 Luật Hải quan Malaysia quy định “Toà án có thể cấp lệnh cho hải quan khám xét bất cứ lúc nào, ngày hay đêm khi có căn cứ cho rằng: Tại nhà ở, cửa hàng hay các địa điểm khác có dấu diếm hay lưu giữ hàng hoá cấm hay chưa làm thủ tục hải quan để tịch thu hàng hoá đó, tịch thu cả sổ sách, tài liệu liên quan. Được bắt giữ người tại nhà ở, cửa hàng hay các địa điểm khác, nơi phát hiện đang sở hữu hàng hoá nói trên”.
Như vậy, hải quan các nước có quyền tiến hành điều tra đối với tất cả các tội phạm xẩy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, đặc biệt một số nước như: Nga, Trung Quốc thì hải quan có quyền điều tra tất cả các tội liên quan đến hoạt động hải quan, kết thúc điều tra chuyển cho cơ quan công tố để truy tố. Việc Nhà nước ta giao cho cơ quan hải quan Việt Nam được quyền tiến hành một số hoạt động điều tra đối với tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, là tương tự với quy định của các quốc gia trên thế giới và phù hợp với xu hướng quốc tế hiện nay.
Theo quy định tại Điều 12 Luật Hải quan năm 2014 thì Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Do tính chất đặc thù của lĩnh vực hải quan trên địa bàn là các cửa khẩu biên giới, những khu thương mại, khu kinh tế cửa khẩu,... hoạt động kinh tế sôi động, mặt khác tình hình tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra ở đâu cũng phức tạp. Để đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm xảy ra trong lĩnh vực hải quan, ngay từ khi thành lập, Hải quan Việt Nam đã trở thành lực lượng quan trọng trong công tác đấu tranh phát hiện, ngăn chặn và điều tra xử lý đối với các tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Về mô hình tổ chức, theo quy định tại khoản 1, Điều 14 Luật Hải quan năm 2014 thì Hệ thống tổ chức của Hải quan Việt Nam gồm có: Tổng cục Hải quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương. Trong đó, cơ quan có thẩm quyền điều tra hình sự ở Tổng cục Hải quan được giao cho Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Kiểm tra sau thông quan. Cơ quan hải quan địa phương được giao Cục hải quan tỉnh, liên tỉnh và các chi cục hải quan cửa khẩu, ngoài của khẩu. Tại Cục Điều tra chống buôn lậu được giao cho các Đội kiểm soát chống buôn lậu và Đội điều tra hình sự.
Như vậy, Việt Nam cũng như các nước khác thẩm quyền điều tra hình sự trong lĩnh vực hải quan được giao cho cơ quan hải quan thực hiện. Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (nay là Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), khi phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực quản lý của mình thì hải quan có thẩm quyền: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng, thì ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành hoặc hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
Trên cơ sở quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (nay là Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 đã quy định hải quan có quyền khởi tố vụ án và tiến hành các hoạt động điều tra đối với 2 tội danh: Tội buôn lậu theo Điều 153 và tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo quy định tại Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, cơ quan hải quan khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại Điều 153 và Điều 154 của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu có quyền, đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rừ ràng thì ra quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ trong khu vực kiểm soát của Hải quan, trưng cầu giám định khi khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;
Theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 thì quan hệ giữa cơ quan điều tra với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra với nhau là quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra. Như vậy, mối quan hệ giữa cơ quan điều tra chuyên trách và cơ quan hải quan là quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới thì cơ quan hải quan tiến hành khởi tố vụ án, tiến hành một số hoạt động điều tra, sau đó chuyển vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Còn cơ quan điều tra, nếu phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình có quyền khởi tố vụ án, tiến hành các hoạt động điều tra. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có thể phối hợp với cơ quan hải quan để nghiên cứu hồ sơ, phân tích chứng cứ... Qua nghiên cứu các quy định thẩm quyền điều tra hình sự của cơ quan hải quan và pháp luật một số nước trên thế giới chúng tôi trao đổi một số vấn đề sau:
Thứ nhất, xác định thẩm quyền điều tra, khởi tố của hải quan chưa hợp lý và phù hợp với thông lệ thế giới
Theo quy định tại Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015[3] thì cơ quan hải quan có thẩm quyền khởi tố 3 tội danh đó là Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm). Theo quy định Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 1999 trường hợp vận chuyển hàng hoá là hàng cấm trái phép qua biên giới thì cơ quan vẫn thực hiện quyền điều tra, khởi tố theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Tuy nhiên, đối với Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm được quy định tại Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 được tách ra từ Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 1999 theo Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự thì hải quan lại không có quyền thực hiện việc điều tra, khởi tố đối với tội danh này. Như vậy, Luật Tổ chức điều tra hình sự năm 2015 dựa trên tiêu chí hàng hóa đã thu hẹp thẩm quyền điều tra, khởi tố của hải quan đối với hàng hoá là hàng cấm. Theo quan điểm của người nghiên cứu thì việc quy định như vậy chưa hợp lý, bởi bản chất hành vi buôn bán hàng cấm được tách từ tội buôn lậu sang tội danh buôn bán hàng cấm và hành vi vận chuyển trái phép hàng cấm tách từ tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới là giống nhau. Nếu đã trao thẩm quyền điều tra, khởi tố cho hải quan đối với tội danh Điều 190, Bộ luật Hình sự năm 2015 - Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm thì cũng nên trao thẩm quyền này cho hải quan đối với tội danh Điều 191, Bộ luật Hình sự năm 2015 - tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, không nên hạn chế thẩm quyền khởi tố của cơ quan hải quan theo tiêu chí mặt hàng. Đặc biệt trong những năm gần đây số lượng các vụ việc liên quan đến mặt hàng cấm gia tăng như mặt hàng phế liệu, điện tử điện lạnh, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng... các đối tượng buôn lậu thường chỉ thông qua đơn vị vận chuyển để đưa hàng cấm vào Việt Nam, khi bị phát hiện thì bỏ trốn chỉ còn lại người vận chuyển. Nếu Luật Tổ chức điều tra hình sự có hiệu lực thì đối với các hành vi phạm tội liên quan đến vận chuyển hàng cấm thì cơ quan hải quan không có thẩm quyền điều tra, khởi tố vụ án. Qua nghiên cứu pháp luật hải quan các nước (nêu trên) đều trao thẩm quyền điều tra, khởi tố đối với việc xuất nhập khẩu liên quan đến mặt hàng cấm. Do đó, việc hạn chế thẩm quyền điều tra theo loại hàng hóa là không phù hợp với lý luận, thực tiễn và thông lệ thế giới.
Theo quy định Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2004 (Điều 116 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức Điều tra hình sự trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, ít nghiêm trọng thì cơ quan hải quan tiến hành điều tra, hoàn thành hồ sơ chuyển cho Viện kiểm sát.
Thực tiễn hoạt động chống buôn lậu phát hiện tại khâu kiểm tra sau thông quan (án truy xét) không thuộc trường hợp phạm tội quả tang nhưng chứng cứ rõ ràng và ít nghiêm trọng nếu theo quy định trên thì cơ quan hải quan chỉ được tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu, khởi tố vụ án và chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Điều này không cần thiết bởi tính chất của trường hợp này cũng giống như trường hợp trên. Bên cạnh đó, theo pháp luật hiện hành thì đối với các tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan hải quan chỉ được giao quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu, khởi tố vụ án sau đó chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra chuyên trách. Nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, đối với các hành vi phạm tội thường giao cho cơ quan hải quan chủ trì tiến hành điều tra và chuyên cho Viện kiểm sát để truy tố. Điều này, vừa đảm bảo về mặt lý luận và thực tiễn bởi cơ quan hải quan là cơ quan am hiểu về lĩnh vực mình, là cơ quan đầu tiên phát hiện và điều tra, họ cũng có cơ quan chuyên trách điều tra và họ chịu trách nhiệm về kết quả điều tra của mình. Do đó, chúng tôi cho rằng, chúng ta cần mở rộng hơn nữa thẩm quyền điều tra cho cơ quan hải quan để đảm bảo tính chủ động, ngăn chặn kịp thời, cũng như tính liên tục trong hoạt động điều tra. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng đã hình thành cơ quan điều tra chuyên trách với đội ngũ cán bộ được đào tạo, kinh nghiệm thường được điều chuyển từ các điều tra viên bên lực lượng công an, biên phòng chuyển sang thì việc hoàn thiện, tăng cường thẩm quyền cho cơ quan này tiến hành các hoạt động điều tra, khởi tố bị can và chuyển cho Viện Kiểm sát nhân dân để truy tố để đảm bảo tính liên tục. Cơ quan này chịu trách nhiệm về hoạt động điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can của mình cũng như các cơ quan điều tra khác. Tiến xa hơn nữa đó là hình thành cơ quan chuyên trách giống như mô hình của Trung Hoa đó là các lực lượng khác kể cả lực lượng cảnh sát, công an, biên phòng khi phát hiện ra tội phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan thì cũng chuyển giao để cơ quan hải quan làm đầu mối chủ trì, tiến hành điều tra, truy tố tiếp.
Thứ hai, chưa có biện pháp đảm bảo cho hoạt động điều tra của cơ quan trên thực tế
Trong hoạt động điều tra hình sự, cơ quan hải quan có quyền lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của hải quan, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác. Hiện nay, những hoạt động này chủ yếu dựa trên các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối với các biện pháp này theo thủ tục tố tụng hình sự chưa có quy định và biện pháp đảm bảo thực hiện trong thực tiễn.
Thực tiến hoạt động điều tra cho thấy mặc dù pháp luật đã trao cho cơ quan hải quan tiến hành một số hoạt động điều tra trên nhưng chưa có biện pháp bảo đảm để việc điều tra được tiến hành hiệu quả. Điều này thể hiện trong việc lấy lời khai của đối tượng nghi phạm, nhân chứng và liên quan. Hiện nay, việc lấy lời khai các đối tượng trên thực tiễn chỉ dựa trên quan hệ “hợp tác” giữa đương sự và cơ quan hải quan. Thực tế nhiều trường hợp cơ quan hải quan tiến hành triệu tập nhưng đương sự không đến, không hợp tác thì cơ quan hải quan không thể thực hiện được quyền áp giải, dẫn giải để đảm bảo cho việc lấy lời khai của đối tượng. Hiện nay, việc áp giải chỉ được thực hiện khi có quyết định khởi tố bị can và phải thông qua lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp. Trong khi đó, việc lấy lời khai các đối tượng trước khi tiến hành khởi tố bị can rất quan trọng nhưng chưa có cơ chế này. Mặt khác, pháp luật chưa quy định rõ thẩm quyền yêu cầu dẫn giải của cơ quan hải quan và trách nhiệm hỗ trợ của cơ quan cảnh sát, an ninh trong việc dẫn giải, áp giải các đối tượng bị triệu tập.
Đối với việc khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa thì hiện nay mới chỉ trao quyền này trong khu vực kiểm soát hải quan. Thực tế hàng hóa, phương tiện liên quan đến phạm tội không phải lúc nào trong khu vực kiểm soát hải quan, điều này gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả trong hoạt động điều tra của cơ quan hải quan. Đối với việc khám người, nơi cất giữ hàng hóa ngoài khu vực kiểm soát hải quan thì cơ quan hải quan không có thẩm quyền (trừ trường hợp thực hiện quyền truy đuổi liên tục). Nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật một số nước cho thấy, thầm quyền điều tra hình sự của cơ quan hải quan rất rộng không chỉ trong phạm vi địa bàn, khu vực kiểm soát hải quan mà cả khu vực nội địa. Cơ quan hải quan có thể ra lệnh triệu tập đương sự và được tòa bảo đảm cho lệnh triệu tập đó được thực thi. Khi đối tượng không thực hiện lệnh triệu tập cơ quan hải quan thì Tòa án yêu cầu cơ quan anh ninh hoặc cảnh sát địa phương phải thực hiện việc dẫn giải, áp giải đối tượng để đảm bảo việc thẩm vấn, lấy lời khai của cơ quan hải quan. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể quyền của cơ quan hải quan cũng như trách nhiệm phối hợp của lực lượng cảnh sát địa phương để đảm bảo cho hoạt động điều tra của cơ quan hải quan.
Chúng tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự năm 2015 có hiệu lực, Bộ Tài chính cần chủ động phối hợp với Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ban hành thông tư liên tịch để hướng dẫn các quy định khi tiến hành một số hoạt động điều tra và các biện pháp đảm bảo để cho thẩm quyền đó được thực thi trên thực tế. Đồng thời, thông qua thông tư liên tịch thì Ngành Hải quan có thể ban hành được các biểu mẫu ấn chỉ dùng cho hoạt động hải quan trong đó bổ sung nhiều mẫu ấn chỉ mà Quyết định 228/QĐ-TCHQ ngày 2/9/2009 còn thiếu như mẫu ấn chỉ liên quan đến phần khởi tố bị can. Ví dụ, trong hoạt động triệu tập lấy lời khai của đối tượng tình nghi, liên quan khi đối tượng không hợp tác thì có phải có biện pháp cưỡng chế - dẫn giải, áp giải để đảm bảo việc lấy lời khai. Theo đó, trường hợp cơ quan hải quan triệu tập lần thứ 2 mà đương sự vắng mặt không có lý do chính đáng thì cơ quan hải quan sẽ ban hành quyết định cưỡng chế - áp giải, dẫn giải. Quyết định này sẽ được Viện Kiểm sát nhân dân phê chuẩn. Cơ quan Cảnh sát hỗ trợ tư pháp khi có phê chuyển của Viện Kiểm sát thì thực hiện việc áp giải, dẫn giải theo đề nghị của cơ quan hải quan. Việc quy định biện pháp đảm bảo cho hoạt động điều tra của cơ quan hải quan là rất cần thiết, nó đảm bảo cho thẩm quyền điều tra của cơ quan hải quan được thực thi trên thực tế.
Cục Điều tra chống buôn lậu