Xét về bản chất, phí là khoản tiền để bù đắp một phần chi phí về đầu tư, quản lý và các mặt khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp dịch vụ của mình cho người được thụ hưởng lợi ích từ dịch vụ đó. Trong lĩnh vực công, phí là khoản phải thu của Nhà nước để đóng góp một phần trong duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước và đóng góp vào ngân sách quốc gia. ở phạm vi của thi hành án dân sự, Điều 60 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) cũng quy định, người được thi hành án phải có trách nhiệm nộp phí thi hành án, theo đó, phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi được nhận tiền, tài sản hay các lợi ích vật chất khác do cơ quan thi hành án dân sự thu được của người phải thi hành án… Tuy nhiên, trong một số trường hợp, pháp luật quy định người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án mặc dù được nhận tiền, tài sản hay các lợi ích vật chất khác từ người phải thi hành án (theo Điều 6 Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự - Thông tư số 216/2016/TT-BTC). Trong đó, đáng chú ý là quy định tại khoản 8 Điều này: “…Tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án dân sự”.
Theo quy định này, pháp luật ràng buộc rất cụ thể sự tự nguyện có điều kiện của đương sự, đó là tự nguyện thi hành nhưng phải trong thời hạn tự nguyện thi hành án. Tức là, dù người phải thi hành án có tự nguyện nhưng không thuộc khoảng thời gian này thì người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản hay các lợi ích vật chất khác mà người phải thi hành án đã tự nguyện nộp cho cơ quan thi hành án dân sự vẫn phải chịu phí thi hành án.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014): “Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án”. Như vậy, từ ngày đầu tiên cho đến hết ngày thứ mười kể từ khi nhận được hay được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, nếu người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ của mình thì được coi là tự nguyện thi hành án, ngoài thời hạn đó tính tự nguyện không được pháp luật thừa nhận.
Từ các quy định trên, có thể khẳng định rằng, người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án chỉ khi người phải thi hành án tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án. Mặc dù pháp luật quy định khá cụ thể, nhưng quá trình áp dụng trên thực tế vẫn còn tồn tại các quan điểm khác nhau dẫn đến cách áp dụng pháp luật khác nhau và trở thành “lỗ hổng” để vi phạm.
Trong đó, có quan điểm cho rằng, việc người phải thi hành án thi hành nghĩa vụ trước khi có quyết định thi hành án là tự nguyện thi hành án và khi chi trả số tiền này thì người được thi hành án không phải chịu phí. Khi giải thích, những người có quan điểm này lập luận rằng, pháp luật đã quy định không thu phí của người được thi hành án trong thời hạn tự nguyện thi hành án thì khi người phải thi hành án hay các cá nhân, tổ chức khác đã thi hành thay cho người phải thi hành án trước thời hạn đó thì họ đã thể hiện ý chí tự nguyện thi hành, cho nên xem đây là trường không phải chịu phí thi hành án của người được thi hành án, đồng nghĩa với việc cơ quan thi hành án không được thu phí trong trường hợp này. Theo tác giả, quan điểm và cách lập luận trong áp dụng pháp luật nêu trên chưa đúng, bởi lẽ:
Thứ nhất, quan điểm này đã tự cho phép cơ quan thi hành án mở rộng giới hạn không chịu phí thi hành án mà không dựa trên bất kỳ căn cứ pháp lý nào ngoài suy luận mang tính chất chủ quan. Về kỹ thuật lập pháp, nếu pháp luật được xây dựng theo lập luận của quan điểm trên thì tại sao khoản 8 không quy định cụ thể thành văn như: “Tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành trừ trường hợp thi hành sau thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án dân sự”, mà lại khống chế trong thời hạn tự nguyện thi hành án?. Đó chính là mục đích mang tính dự báo, loại trừ tiêu cực, chồng chéo lợi ích, đảm bảo tính khả thi của khoản 8 khi áp dụng trong thực tiễn.
Thứ hai, xét về chủ thể, người phải thi hành án và người được thi hành án là hai chủ thể khác nhau trong mối quan hệ với phí thi hành án. Như đã đề cập ở trên, phí thi hành án là trách nhiệm của người được thi hành án đối với cơ quan thi hành án dân sự - nơi đem lại lợi ích cho người được thi hành án; hay nói cách khác, đó là trách nhiệm đối với Nhà nước của người được thi hành. Đối với người phải thi hành án, họ có thi hành trước, trong hay sau thời hạn tự nguyện thi hành án thì lợi ích của họ vẫn không thay đổi trong mối quan hệ với trách nhiệm chịu phí thi hành án của người được thi hành án. Theo quy luật, khi một người tự nguyện, tự giác thi hành một điều gì đó có lợi cho tổ chức, cá nhân, xã hội thì họ phải được lợi ích nhất định từ việc tự nguyện, tự giác đó, nhưng nếu lập luận theo quan điểm trên thì câu hỏi đặt ra là, tại sao lợi ích lại thuộc về người được thi hành án (không phải chịu phí) mà không phải là người phải thi hành án? Có lẽ, quan điểm này đã có phần nhầm lẫn đối tượng thụ hưởng này (người được thi hành án) với tính chất tự nguyện của đối tượng kia (người phải thi hành án).
Theo tác giả, mục đích của khoản 8 là để đảm bảo lợi ích của người được thi hành án tương đồng với lợi ích của người phải thi hành án. Bởi lẽ, pháp luật quy định khoảng thời gian tự nguyện thi hành án đối với người phải thi hành án là thực hiện chính sách khoan hồng trong thực hiện quyền của họ, đồng thời không thu phí cũng nhằm đảm bảo lợi ích của người được thi hành án vốn đã có nhiều mâu thuẫn với người phải thi hành án trong suốt quá trình giải quyết vụ án trước đó. Bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời gian pháp luật mặc định không phát sinh các hoạt động mang tính dịch vụ của cơ quan thi hành án. Do vậy, để đảm bảo thống nhất về lợi ích của người được thi hành án, người phải thi hành án và Nhà nước trong liên quan đến phí thi hành án, pháp luật đã quy định “trong thời hạn tự nguyện thi hành án” là giới hạn chung để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các bên để không phát sinh mâu thuẫn, tiêu cực, chồng lấn quyền lợi.
Thứ ba, sự xung đột về lợi ích giữa người được thi hành án và người phải thi hành án với việc một bên luôn muốn nhận tiền, tài sản... nhưng không muốn chịu phí với một bên phải thi hành nghĩa vụ nhưng giảm được phần nào tốt phần đó, thì điểm chung duy nhất về lợi ích trong mối quan hệ với phí thi hành án đó là chia sẻ trách nhiệm chịu phí thi hành án là mục đích hướng đến của hai bên. Bằng phương thức này, các đương sự tìm mọi cách để cụ thể hóa mục đích chung đó với việc sẵn sàng bắt tay, thỏa hiệp với nhau để đạt được lợi ích tốt nhất và giảm khoản phải chi của mỗi bên. Thay vì phải nộp phí cho cơ quan thi hành án dân sự thì đương sự có thể thỏa thuận tự nguyện thi hành trước thời hạn tự nguyện thi hành án để chia phần phí lẽ ra theo pháp luật phải thuộc về Nhà nước. Đó chính là “kẽ hở” lớn nhất của quan điểm nêu trên, chưa kể đến sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận nhỏ chấp hành viên đã lợi dụng “kẽ hở” này để tham gia chia phần trong số phí thi hành án này.
Ví dụ: Theo quyết định của bản án hình sự số (M), người phải thi hành án (A) phải thi hành nghĩa vụ bồi thường số tiền (n) đồng cho người được thi hành án (B). Bản án này có hiệu lực pháp luật và chấp hành viên (C) được phân công giải quyết phần chủ động của bản án, qua đó, đã phát hiện ngoài nghĩa vụ thi hành án phí hình sự, án phí dân sự thì A còn có nghĩa vụ bồi thường số tiền như trên. Lợi dụng “kẽ hở” trong quan điểm áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự đang công tác) đã liên hệ với A và B và trao đổi như sau: A phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho B số tiền (n) đồng, nếu A thi hành trong thời gian tự nguyện thi hành án thì A và B sẽ không có lợi ích chung gì, còn nếu thi hành khi hết thời gian tự nguyện thi hành án thì B mất phí 1 tỷ đồng cho cơ quan thi hành án mà A cũng không có lợi ích gì. Do đó, C đề nghị, A tự nguyện thi hành nghĩa vụ bồi thường cho B thông qua cơ quan thi hành án; sau khi đã có biên lai thu tiền của cơ quan thi hành án, B làm đơn yêu cầu thi hành án để không mất phí 1 tỷ đồng, số tiền này thay vì nộp cho cơ quan thi hành án thì B chỉ nộp 400 triệu cho A, 100 triệu cho C, còn 500 triệu B hưởng. Như vậy, với quan điểm trên, pháp luật đã chứng minh đó là “kẽ hở” để A, B, C lợi dụng, bắt tay nhau chiếm đoạt số tiền phí.
Tóm lại, khoản 8 Điều 6 Thông tư số 216/2016/TT-BTC đã quy định rất cụ thể, đảm bảo tính thống nhất, hài hòa quyền lợi, nghĩa vụ của đương sự và Nhà nước trong hoạt động thu hay không thu phí thi hành án dân sự. Vì vậy, đòi hỏi người áp dụng pháp luật cần có nhận thức đúng về ý nghĩa, mục đích của quy định này để tránh sai lầm và tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm pháp luật nảy sinh, đồng thời, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Phòng Thi hành án Quân khu 7