Quyết định hành chính là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong đời sống xã hội, trong khoa học pháp lý và đặc biệt là trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng. Quyết định hành chính được coi là một sản phẩm của hoạt động quản lý nhà nước, góp phần quan trọng vào chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay giữa lý luận về quyết định hành chính, thực tiễn pháp luật về quyết định hành chính cũng như thực trạng ban hành quyết định hành chính còn nhiều bất cập và chưa thống nhất. Để giải quyết vấn đề này, Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ XIII (2011-2016), nhằm xây dựng một quy chế pháp lý thống nhất cho hoạt động ban hành quyết định hành chính của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.
Khái niệm quyết định hành chính được nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ban hành và chất lượng của quyết định hành chính. Việc đưa ra một khái niệm cụ thể và thống nhất về quyết định hành chính vào lúc này là hết sức cần thiết. Đây sẽ là vấn đề gốc rễ để giải quyết các nhiệm vụ tiếp theo của Dự Luật Ban hành quyết định hành chính và cũng là cơ sở để xác định một cách chính xác tính hợp pháp của quyết định hành chính.
Để tìm hiểu thêm các quan niệm về quyết định hành chính và tính hợp pháp của quyết định hành chính, trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc bài viết "Bàn về tính hợp pháp của quyết định hành chính" của tác giả Lê Thị Ngọc Mai đăng tải trên Tạp chí phát hành hàng tháng số tháng 7 (268) năm 2014 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Đình Nguyên