Điều 623 và Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định về bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Kế thừa các quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995, Điều 619 và 620 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Như vậy, so với Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã thu hẹp phạm vi trách nhiệm bồi thường chỉ đối với đối tượng là cán bộ, công chức khi thi hành công vụ mà gây thiệt hại mà không còn đối tượng là viên chức.
Ngày 24/11/2015, Quốc hội khóa XIII, kỳ hợp thứ 10 đã thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó, Điều 598 quy định “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Như vậy, có thể hiểu Nhà nước chỉ bồi thường đối với những hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra khi được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đưa ra một số vụ việc phát sinh trong thực tiễn mà cơ quan nhà nước công bố thông tin sai sự thật, không chính xác dẫn đến thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp và đánh giá, bình luận về trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp này.
1. Một số vụ việc mà cơ quan nhà nước công bố thông tin sai sự thật dấn đến thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp
Trong năm 2015 và năm 2016, trên các trang thông tin điện tử có đưa tin về nhiều vụ việc phát sinh từ việc công bố thông tin sai sự thật của các cơ quan nhà nước mà dẫn đến các thiệt hại nặng nề cả về tài sản và uy tín, thương hiệu của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
1.1. Vụ việc thứ nhất, ngày 20/4/2016, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 thuộc Chi cục QLTT thành phố Hà Nội đã kiểm tra cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH thương mại thực phẩm Hùng Anh, do ông Nguyễn Viết Xuân làm giám đốc, tại địa chỉ số 140C ngõ 351 Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận, cơ sở này đang kinh doanh mặt hàng xúc xích các loại do cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (địa chỉ tại ấp Lồ Ồ, xã An Tây, huyện Bến Cát, Bình Dương) sản xuất. Qua xác minh, lực lượng chức năng xác định, toàn bộ số xúc xích cơ sở trên đang kinh doanh đều có hóa đơn chứng từ nhưng có dấu hiệu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng đối tượng thực phẩm quy định tại thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế. Do đó, Đội QLTT số 14 đã tiến hành tạm giữ hơn 2 tấn xúc xích, tương đương với 38.000 chiếc xúc xích, có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ. Ngay trong khi kiểm đếm hàng hóa, đội trưởng Đội QLTT số 14 đã cung cấp thông tin cho báo chí ngay tại hiện trường rằng sản phẩm xúc xích của Viet foods có chứa chất cấm, chất gây ung thư và trong ngày 20/4/2016, trên các báo điện tử như vov.vn, tuoitre.vn, cafef.vn, anninhthudo.vn… đã có bài báo đưa tin về xúc xích chứa chất phụ gia bị cấm. Chi cục QLTT TP.Hà Nội đã đưa mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, kết quả 100% mẫu có chứa chất natri nitrat 251 (89 - 100 mg/kg). Đội QLTT số 14 tiếp tục công bố với báo chí sản phẩm xúc xích của Viet foods sử dụng chất cấm gây ung thư không được Bộ Y tế cho phép (theo vi bằng mà Viet foods lập và cung cấp thì có gần 500 bài báo đăng thông tin sản phẩm Viet foods chứa chất cấm, chất gây ung thư).
Ngày 23/5/2016, Cục An toàn thực phẩm họp hội đồng khoa học để xem xét việc sử dụng và hàm lượng natri nitrat 251 trong sản phẩm xúc xích Viet foods, kết luận natri nitrat 251 không phải là chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Theo tiêu chuẩn Codex, natri nitrat 251 là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng đối với phomat ủ chín hoàn toàn, kể cả bề mặt với hàm lượng không quá 35mg/kg. Cũng theo Codex, hàm lượng được áp dụng cho thực phẩm là không quá 300mg/kg. Do đó, hàm lượng natri nitrat 251 được phát hiện trong sản phẩm Viet foods là an toàn cho người tiêu dùng. Việc công bố thông tin không chính xác về Viet foods, đã gây ra những thiệt hại lớn. Bà Huỳnh Vũ Thị Minh Loan, Phó Tổng giám đốc Công ty chế biến thực phẩm Việt (VietFoods) cho biết, kể từ ngày Đội QLTT số 14 công bố với báo chí sản phẩm xúc xích của Viet foods sử dụng chất cấm gây ung thư không được Bộ Y tế cho phép, “doanh nghiệp đã phải ngưng sản xuất hơn một tháng, trên 100 công nhân nghỉ việc, hàng hóa bán đi bị trả về, hàng trong kho không tiêu thụ được, người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm. Sự việc trên khiến công ty bị thiệt hại đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí có những khách hàng nợ cả tỷ đồng cũng "té nước theo mưa" không chịu thanh toán tiền mua hàng”[1].
Bên cạnh đó, không chỉ Vietfoods mà nhiều doanh nghiệp khác cũng bị thiệt hại. Ví như đại diện Công ty đồ hộp Hạ Long cho biết, mặc dù công ty không có sai phạm gì và sản phẩm luôn được kiểm nghiệm an toàn nhưng hơn một tháng qua sức mua sản phẩm xúc xích tiệt trùng của công ty cũng sụt giảm mạnh. Nhiều người tiêu dùng hoang mang nên hạn chế mua sản phẩm của công ty, thậm chí, có người tiêu dùng đã mua sản phẩm rồi sau đó không dám sử dụng. Còn Công ty Behn Meyer, đơn vị chuyên cung cấp chất phụ gia cho hay, sau khi có thông tin chất phụ gia trên gây ung thư, doanh số bán hàng của công ty cũng giảm tới 50%. Khách hàng liên tục gọi điện tới hỏi thông tin và thắc mắc.
Khoản 4 Điều 68 Luật An toàn thực phẩm quy định việc kiểm tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc bí mật khi chưa có kết luận chính thức. Theo khoản 2 Điều 6 Luật An toàn thực phẩm, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật An toàn thực phẩm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hay truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo đó, Điều 68 Luật An toàn thực phẩm có quy định rõ về việc bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra cho đến khi có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền. Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nếu vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt. Như vậy, có thể hiểu việc công bố thông tin chỉ được thực hiện khi đã xác định có hành vi vi phạm, quyết định xử phạt và hình thức xử phạt. Tuy nhiên, tại cuộc họp liên ngành ngày 17/5/2016, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã khẳng định sản phẩm xúc xích của Vietfoods là sản phẩm an toàn, tuy nhiên, Đội QLTT số 14 đã quá vội vàng cung cấp thông tin cho truyền thông. Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, Đội QLTT số 14 đã vi phạm khoản 4 Điều 68 và khoản 2 Điều 6. Trước ngày 01/01/2017, thời điểm có hiệu lực của Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp này sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, sau ngày 01/01/2017, Điều 598 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã dẫn chiếu toàn bộ hành vi trái pháp luật gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra sẽ được áp dụng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để giải quyết.
1.2. Ngày 20/7/2015 trên cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính có đăng tên 600 doanh nghiệp nợ thuế. Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Tài chính đưa tin, các doanh nghiệp đã lên tiếng việc Bộ Tài chính đưa doanh nghiệp mình vào diện nợ thuế là không chính xác. Qua rà soát, đối chiếu, một số cục thuế các tỉnh, thành phố đã thông tin lại về số liệu doanh nghiệp nợ thuế do Bộ Tài chính công bố là chưa chính xác. Ví như: Cục Thuế TP. Hà Nội đã xác nhận trong số 200 doanh nghiệp nợ thuế tại TP. Hà Nội thì có 34 đơn vị bị bêu tên với số tiền nợ thuế không chính xác, 07 doanh nghiệp không nợ thuế nhưng bị liệt vào sanh sách nợ từ 10 - 50 tỷ đồng[2]; Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng xác nhận về lỗi nhầm lẫn về số liệu trên hệ thống quản lý thuế.
Điều 6 Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế được giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật và Điều 8 Luật Quản lý thuế quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Theo đó, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin của người nộp thuế theo quy định của Luật này. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 74 Luật Quản lý thuế cũng quy định “cơ quan quản lý thuế được công khai các thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế trên phương tiện thông tin đại chúng trong các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn”. Một trong những lý do được lãnh đạo cơ quan thuế viện dẫn để xảy ra tình trạng nêu trên là do “lỗi ứng dụng quản lý thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, doanh nghiệp nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân bổ sung năm 2010 vào thời điểm tháng 6/2014. Khi đó, lỗi ứng dụng phần mềm quản lý thuế dẫn tới hạch toán toàn bộ số thuế trên tờ khai bổ sung mà không bù trừ tờ khai cũ. Đúng ra, cơ quan thuế phải hạch toán là khoản chênh lệch giữa hai tờ khai trên”[3].
Tuy nhiên, trường hợp cơ quan quản lý thuế vì lý do chủ quan mà công bố thông tin nợ thuế không đúng thì ngoài việc xin lỗi, đính chính công khai trên các phương tiện thông tin thì cơ quan quản lý thuế phải có trách nhiệm bồi thường đối với những thiệt hại gây ra bởi công bố thông tin sai về việc nợ thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp công bố thông tin thuế sai sự thật.
2. Từ hai vụ việc phát sinh trong thực tiễn nêu trên, có thể thấy, cơ quan nhà nước đã làm sai quy định khi cung cấp thông tin cho báo chí, công bố thông tin trên các phương tiện đại chúng dù thông tin chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và doanh thu của doanh nghiệp. Trong tình hình kinh tế hiện nay, khi Việt Nam đã gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế, việc kinh doanh, gây dựng thương hiệu, uy tín, cạnh tranh là không đơn giả. Vì vậy, để tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu là yếu tố tiên quyết cho sự sống còn của doanh nghiệp. Nội dung này cũng phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, tác giả cho rằng, một trong các biện pháp để góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh là xác định cụ thể trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi có những sai phạm trong hoạt động quản lý làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và doanh thu của doanh nghiệp.
3. Ngày 09/6/2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 89/2015/QH13 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Theo đó, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) (sau đây gọi là dự thảo Luật). Hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật (theo nội dung Tờ trình số 336/TTr-CP ngày 23/9/2016). So với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành, có thể thấy, dự thảo Luật đã bao quát các trường được bồi thường. Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp cơ quan nhà nước công bố sai thông tin, nội dung sai sự thật và gây thiệt hại đến doanh thu, uy tín và thương hiệu của sản phẩm. Việc quy định cụ thể các trường hợp này có được bồi thường hay không, bồi thường như thế nào lại chưa được đề cập trong dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đã có ý kiến cho rằng: Cần mở rộng hơn trách nhiệm bồi thường của Nhà nước so với Điều 13 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có trường hợp cơ quan nhà nước cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật[4].
Kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này cho thấy, có một số nước trên thế giới có quy định về trách nhiệm bồi thường do hành vi công bố thông tin sai sự thật của các cơ quan nhà nước. Ví như “trong Luật Công bố thông tin của cơ quan chính quyền Hàn Quốc luôn luôn chú trọng tới việc quy định về quyền khởi kiện cũng như trình tự khởi kiện để định hướng hành vi cho công dân tự bảo vệ quyền được tiếp cận thông tin của mình. Bên cạnh đó, trước hành vi vi phạm pháp luật về quyền công bố thông tin của cán bộ cơ quan chính quyền, hệ thống pháp luật Hàn Quốc đã xây dựng một cơ chế pháp lý đảm bảo việc phát hiện và xử lý qua hệ thống cơ quan giám sát trong nội bộ thuộc Bộ Hành chính và an ninh, trong giám sát của Quốc hội (thông qua báo cáo thường kỳ của Bộ Hành chính và an ninh) và trách nhiệm bồi thường nhà nước được quy định trong chế độ công vụ tại Luật Công vụ Hàn Quốc[5]”.
Tác giả cho rằng, trường hợp cơ quan nhà nước công bố thông tin sai sự thật, gây thiệt hại như đã phân tích ở các ví dụ nêu trên đã phát sinh trong thực tiễn và tiềm ẩn nguy cơ lớn, rủi ro lớn, tác động không nhỏ đến cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; đồng thời, qua cách xử lý các trường hợp nêu trên đã thể hiện trách nhiệm, thái độ của Nhà nước đối với người dân. Do đó, để góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại cũng như để tăng uy tín, trách nhiệm của Nhà nước trước nhân dân, nên cân nhắc bổ sung theo lộ trình quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp cơ quan nhà nước công bố thông tin sai sự thật.
Các tin khác
Bàn về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản gây ra thiệt hại Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người trong bối cảnh hội nhập quốc tế Một số vấn đề về quản lý và sử dụng đất ở Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào hiện nay Đưa Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vào cuộc sống theo lời Bác Hồ Một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật Hợp tác xã Những vấn đề cần chứng minh trong tố tụng hành chính Công tác phòng, chống tình trạng người Việt Nam sang Căm-Pu-Chia đánh bạc thực trạng và giải pháp