Miễn trách nhiệm hình sự là trường hợp một người đã thực hiện tội phạm, nhưng do đáp ứng các điều kiện nhất định mà không phải chịu hậu quả của việc thực hiện tội phạm đó. Miễn trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1985, từng bước được hoàn thiện trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là một chế định phản ánh nguyên tắc nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước, tiết kiệm chi phí, công sức... trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; tăng cường khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội thông qua các hình thức trách nhiệm hình sự được thực hiện ngoài cộng đồng, nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bản chất pháp lý của miễn trách nhiệm hình sự là chế định nhân đạo được áp dụng đối với người mà hành vi của người đó đã thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự, nhưng do người này có các điều kiện nhất định để được miễn trách nhiệm hình sự. Đó chính là chính sách phân hóa được phản ánh trong luật từ thực tiễn yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và giáo dục người phạm tội. Tuy vậy, vì người được miễn trách nhiệm hình sự bị coi là người đã thực hiện hành vi phạm tội, do đó, mặc dù họ được miễn trách nhiệm hình sự, nhưng không được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009[1]. Nghiên cứu các Bộ luật Hình sự Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, người được miễn trách nhiệm hình sự không phải chịu các hậu quả pháp lý hình sự bất lợi của việc phạm tội, nhưng có thể phải chịu một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế phi hình sự được quy định trong các ngành luật khác[2].
2. Nội dung trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự
Miễn trách nhiệm hình sự được quy định trong các Bộ luật Hình sự với các trường hợp khác nhau được quy định rải rác trong cả Phần chung và Phần các tội phạm. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự tại Điều 16, Điều 29, khoản 2 Điều 91, khoản 4 Điều 110, khoản 4 Điều 247, đoạn 2 khoản 7 Điều 364, khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390. Trong các trường hợp này, khoản 3 Điều 29 là một trường hợp miễn trách nhiệm hình sự mới được bổ sung vào Bộ luật Hình sự năm 2015 với quy định: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự được bổ sung trong Bộ luật Hình sự năm 2015 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử và đáp ứng yêu cầu đấu tranh, xử lý tội phạm, tiết kiệm chi phí tố tụng và hiện nay, pháp luật các nước cũng đã quy định trường hợp này (ví dụ: Điều 76 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga năm 1996, sửa đổi năm 2010[3]).
Điều kiện để một người có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi: (i) Tội phạm mà người đó thực hiện là tội ít nghiêm trọng do vô ý; (ii) Hậu quả là gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác; (iii) Người phạm tội được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đây mới là các điều kiện cần, còn việc miễn trách nhiệm hình sự hay không còn thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, căn cứ vào yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, giáo dục, cải tạo người phạm tội, cũng như tình hình an ninh, trật tự và nhân thân người phạm tội để quyết định.
3. Vấn đề đặt ra khi áp dụng trường hợp miễn trách nhiệm hình sự
Trên cơ sở nghiên cứu nội dung khoản 3 Điều 29 là một trường hợp miễn trách nhiệm hình sự mới được bổ sung vào Bộ luật Hình sự năm 2015, có ba vấn đề đặt ra sau đây:
Một là, trong nội dung điều luật mới chỉ nêu các điều kiện. Vì ở đây, người phạm tội đã gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác; sau đó được người bị hại hoặc người đại diện của họ tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, nhưng thiếu yêu cầu thể hiện việc “khắc phục hậu quả”, trong khi đó, đối với loại án này, sự khắc phục, bù đắp về vật chất cho người bị hại hoặc gia đình họ là cần thiết. Bộ luật Hình sự Liên bang Nga năm 1996 (sửa đổi năm 2010) cũng quy định tương tự, nhưng quy định thêm người phạm tội phải “đã bồi thường (đền bù) thiệt hại cho người bị hại”[4], mới là điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự. Do đó, các nhà làm luật nước ta cần nghiên cứu bổ sung điều kiện này.
Hai là, cần bảo đảm sự thống nhất giữa luật nội dung (Bộ luật Hình sự) với luật hình thức (Bộ luật Tố tụng hình sự) khi áp dụng trường hợp này. Theo đó, để tránh việc khởi tố, điều tra, truy tố... trong trường hợp có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự theo trường hợp này, Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định trường hợp không được khởi tố vụ án hình sự. Tuy vậy, Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự thì không có căn cứ này. Ngay cả khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về “tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự mà người bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố” là một căn cứ không khởi tố, nhưng các tội đó đều do lỗi cố ý, còn khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự lại là các tội do lỗi vô ý. Vì thế, cần bổ sung căn cứ không khởi tố vụ án hình sự “khi có căn cứ tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự”.
Ba là, hậu quả của việc áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự. Hiện nay, căn cứ vào các văn bản pháp luật hình sự của Việt Nam có liên quan cho thấy, về cơ bản, người được miễn trách nhiệm hình sự không phải chịu các hậu quả pháp lý bất lợi của việc phạm tội như[5]: Họ (có thể) không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không bị kết tội, không phải chịu hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế về hình sự khác và không bị coi là có án tích... Như vậy, người được miễn trách nhiệm hình sự không phải chịu bất kỳ hậu quả gì dưới góc độ pháp lý hình sự. Tuy nhiên, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định kèm theo việc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục (khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn với một số nghĩa vụ nhất định). Do đó, tính cưỡng chế về mặt hình sự của chế định miễn trách nhiệm hình sự khi áp dụng đối với người phạm tội là chưa rõ ràng. Chính vì vậy, các nhà làm luật Việt Nam cần quy định bổ sung nội dung sau vào chế định miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự: “Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức hay người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế về tố tụng hình sự, xử lý hành chính hoặc kỷ luật, cũng như giải quyết vấn đề dân sự đối với người được miễn trách nhiệm hình sự”[6], qua đó, bảo đảm công bằng giữa người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự với người phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự.
Để thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra là “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội”, cũng như Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung phản ánh tính tích cực, hướng thiện và phân hóa cao trong việc áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự, đặc biệt là khoản 3 Điều 29 Bộ luật này, qua đó, giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước và phát huy tính chủ động, tích cực trong xã hội. Tuy nhiên, để thi hành đúng và có căn cứ, thì việc đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện quy định về chế định này trong Bộ luật Hình sự (về nội dung) và trong Bộ luật Tố tụng hình sự (về hình thức) vẫn là yêu cầu cần thiết hiện nay.
Tòa án nhân dân tối cao
[2]. Xem: Trịnh Tiến Việt, Hậu quả của việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự: Lý luận, thực tiễn và hướng hoàn thiện pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 11/2010, tr. 46.
[3]. Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 106.
[4]. Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 106.
[5]. Xem: Trịnh Tiến Việt, Chế định miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 và những vấn đề đặt ra khi áp dụng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Những điểm mới trong Phần chung của Bộ luật Hình sự năm 2015 - So sánh với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999”, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2016, tr. 22.
[6]. Xem: Trịnh Tiến Việt, Chế định miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 và những vấn đề đặt ra khi áp dụng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Những điểm mới trong Phần chung của Bộ luật hình sự năm 2015 - So sánh với quy định của Bộ luật hình sự năm 1999”, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2016, tr.24.