Khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về quyền của người bào chữa[1]. So với quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định phân biệt rõ hai trường hợp người bào chữa gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo như sau:
Trường hợp thứ nhất: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì cuộc gặp, hỏi giữa người bào chữa với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là do người bào chữa chủ động tiến hành trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào và không hạn chế số lần, thời gian gặp; được hỏi, trao đổi hoàn toàn riêng tư với người bị buộc tội trong điều kiện giám sát của cơ sở giam giữ mà không bắt buộc phải có mặt những người tiến hành tố tụng.
Trường hợp thứ hai: Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 73 của Bộ luật này, cuộc gặp do Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên chủ động tiến hành, theo kế hoạch đã chuẩn bị trước nhằm lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can với sự có mặt của người bào chữa. Để bảo đảm người bào chữa thực hiện được quyền của mình, theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo quy định của Bộ luật này”.
2. Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn
Khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can nếu điều tra viên đồng ý cho người bào chữa được hỏi người bị tạm giữ, bị can thì phải ghi câu hỏi của người bào chữa, câu trả lời của người bị tạm giữ, bị can vào trong biên bản lấy lời khai người bị tạm giữ, biên bản hỏi cung bị can. Khi kết thúc việc lấy lời khai, hỏi cung, điều tra viên phải đọc lại cho người bào chữa nghe hoặc đưa cho người bào chữa đọc lại biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung, sau khi xác nhận đúng nội dung câu hỏi, trả lời thì yêu cầu người bào chữa ký vào biên bản. Trường hợp biên bản ghi chưa đầy đủ, chưa chính xác nội dung câu hỏi và trả lời, người bào chữa có quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ghi ý kiến của mình trước khi ký vào biên bản.
Trong trường hợp này, người bào chữa chỉ được hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can khi người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can và việc đó có thể được tiến hành độc lập theo yêu cầu của người bào chữa.
Theo quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, để chuẩn bị cho cuộc gặp này, người bào chữa được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình liên quan đến người mà mình bào chữa.
Như vậy, nếu so sánh quy định tại khoản 1 Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, có thể thấy: Để có thể thực hiện được quyền của người bào chữa, thay vì họ phải có nghĩa vụ đề nghị cơ quan điều tra báo trước về thời gian, địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can, thì nay nhà làm luật đã chuyển nghĩa vụ đó sang cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý... Tuy nhiên, thế nào là một thời gian hợp lý cần báo trước? Điều này cần được hướng dẫn thống nhất thực hiện trong thực tiễn tố tụng để người bào chữa có thể thực hiện quyền của mình, bảo vệ tốt nhất cho người bị buộc tội.
Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ Công an, quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự thì Điều tra viên phải thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can cho người bào chữa trước 24 giờ, trường hợp người bào chữa ở xa có thể thông báo trước 48 giờ, trường hợp không thể trì hoãn được việc lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can thì Điều tra viên tiến hành lấy lời khai, hỏi cung và sau đó phải thông báo cho người nào chữa biết.
Một vấn đề khác, nếu như tại điểm a khoản 2 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định người bào chữa được quyền có mặt trong những hoạt động điều tra khác, thì điểm c khoản 1 Điều 73 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định nội dung trên theo hướng chi tiết hơn, theo đó, người bào chữa được quyền có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này.
Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về hoạt động khám nghiệm hiện trường, quy định: “Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến; có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm”. Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về hoạt động thực nghiệm điều tra, theo đó, tại khoản 3 của Điều này quy định: “Khi tiến hành thực nghiệm điều tra… Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia”. Với quy định như vậy cho thấy, quyền này của người bào chữa chưa được khẳng định rõ khi sử dụng các cụm từ “có thể”; “có thể cho”; “cần thiết”. Điều đó cho thấy đã có sự mâu thuẫn ngay trong nội tại các quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong khi đó, tại Điều 4 “Giải thích từ ngữ” của Bộ luật này cũng không có sự giải thích thuật ngữ “trường hợp cần thiết” và “có thể” được hiểu như thế nào cho đúng!
Một quy định đáng chú ý khác là quy định tại điểm g khoản 1 Điều 73 của Bộ luật này về quyền đề nghị triệu tập người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của người bào chữa. Thực tiễn hiện nay, ngoại trừ một số vụ án liên quan đến hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, việc triệu tập điều tra viên để làm rõ các vấn đề liên quan việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, các dấu hiệu khác như bức cung, nhục hình, làm sai lệch hồ sơ… gần như không được pháp luật tố tụng hình sự quy định và cũng không được tiến hành trên thực tế. Theo quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, hội đồng xét xử có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa. Cũng như trên “xét thấy cần thiết” là những trường hợp nào ở đây cũng chưa được giải thích cụ thể! Với trường hợp, người bào chữa đề nghị Tòa án triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án đến phiên tòa để trình bày các vấn đề có liên quan đến vụ án, mà nếu như đề nghị này không được hội đồng xét xử không chấp nhận vì cho rằng xét thấy không cần thiết thì giải quyết như thế nào, cũng cần được quy định rõ.
Tòa án quân sự Quân khu 4