Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả phân tích thực trạng pháp luật, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế về bảo đảm quyền của người giám định trong tố tụng hình sự, từ đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) về vấn đề này.
Abstract: In this article, the author analyzes the current legal situation, and at the same time, points out the shortcomings and limitations in ensuring the rights of experts in criminal proceedings, thereby, making some recommendations to improve the legal provisions of the Criminal Procedure Code of 2015 (amended and supplemented in 2021) on this issue.
1. Thực tiễn về bảo đảm quyền của người giám định trong tố tụng hình sự
Thứ nhất, về quyền tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định:
Đây là một trong những quyền cơ bản của người giám định đã được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự) quy định, giúp giám định viên đưa ra kết luận chính xác hơn. Bởi, trong tố tụng hình sự, khi có vấn đề bắt buộc hoặc cần thiết phải trưng cầu giám định, cơ quan tiến hành tố tụng thu thập tài liệu, đồ vật (mẫu giám định) trưng cầu cơ quan chuyên môn giám định để kết luận về một sự việc, một tình tiết của vụ án về khả năng xảy ra trong điều kiện hoàn cảnh thực tế hoặc tìm sự đồng nhất… thì người giám định phải tìm hiểu, nắm bắt những thông tin cần thiết về đối tượng giám định, thậm chí phải tìm hiểu thêm những thông tin tài liệu, đồ vật, mẫu vật ngoài những gì mà cơ quan tiến hành tố tụng đã cung cấp có liên quan đến đối tượng giám định thì mới giúp họ đưa ra kết luận có đầy đủ cơ sở khoa học, chính xác, khách quan. Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật tố tụng hình sự cho phép người giám định có quyền tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định là cần thiết và mang tính khách quan trong quá trình đi tìm sự thật của vụ án hình sự. Đây là cơ sở pháp lý xác định quyền của người giám định trong tố tụng hình sự.
Thực tiễn tố tụng hình sự cho thấy, quyền này chưa thực sự mang tính khả thi vì nguồn tài liệu chủ yếu do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thu thập trong các giai đoạn tiến hành tố tụng; những tài liệu này thường được người tiến hành tố tụng quản lý, bảo quản tại cơ quan tiến hành tố tụng nên người giám định muốn tiếp cận cũng rất khó khăn, vì nhiều lý do khác nhau. Mặt khác, khi trưng cầu giám định, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ gửi mẫu giám định, còn các tài liệu liên quan đến giám định để giúp việc giám định khách quan, chính xác hơn thì rất ít được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng quan tâm, thậm chí không cung cấp. Trường hợp giám định viên yêu cầu tham khảo, nghiên cứu những tài liệu liên quan cần thiết cho việc giám định thì cũng gặp khó khăn nhất định từ cơ chế phối hợp, thủ tục hành chính cũng như thời gian, địa điểm nghiên cứu hay sự phê duyệt của lãnh đạo…, do đó, việc thực hiện quyền này chưa có hiệu quả. Về phía người giám định, một bộ phận giám định viên chưa thực sự quan tâm thực hiện quyền này cũng xuất phát từ nhiều lý do khác nhau.
Thứ hai, về quyền yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc kết luận:
Về quy phạm pháp luật, quyền yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc kết luận và quyền tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định là quyền cơ bản của người giám định, có ý nghĩa bổ sung cho nhau. Về thực chất, người giám định muốn thực hiện quyền nghiên cứu tìm hiểu tài liệu thì phải có tài liệu để nghiên cứu. Trong khi đó, trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định là phải cung cấp tài liệu liên quan đến việc giám định cho người giám định, chứ người giám định không có nhiệm vụ, quyền hạn tiến hành các hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ như cơ quan tiến hành tố tụng.
Để bảo đảm thực hiện quyền tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng giám định của người giám định thì cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, đồ vật, mẫu vật có liên quan đến đối tượng giám định để người giám định nghiên cứu; nếu qua nghiên cứu tài liệu đã được cung cấp, người giám định xét thấy cần thiết phải nghiên cứu thêm những tài liệu khác có liên quan thì họ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thêm tài liệu, đồ vật, mẫu vật. Thực tiễn cho thấy, khi nhận được quyết định trưng cầu giám định, một số người giám định không yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cung cấp thêm những tài liệu cần thiết như: Biên bản thu giữ vật chứng, biên bản khám xét, biên bản hỏi cung bị can, lời khai của những người có liên quan, kết luận giám định trước đó (nếu có), tài liệu liên quan khác… nên quyền này chưa thực sự được thực thi. Trong tố tụng hình sự, việc bảo đảm quyền yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc kết luận của người giám định là rất hạn chế.
Thứ ba, về quyền tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định:
Người giám định tham gia việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án… nhằm mục đích thu thập thêm những thông tin liên quan đến vấn đề cần giám định, làm cơ sở cho việc đưa ra kết luận giám định. Về mặt lý luận, đây là quy định cần thiết trong tố tụng hình sự, tạo điều kiện thuận lợi cho người giám định thực hiện việc giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Người giám định có quyền chủ động tính toán lựa chọn có tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai của điều tra viên hay không, tùy thuộc vào tính chất của vụ án có liên quan đến nội dung giám định. Khi tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai, người giám định có quyền đặt câu hỏi yêu cầu bị can, người có liên quan trả lời, giải thích rõ những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định.
Về mặt thực tiễn, việc hỏi cung do điều tra viên tiến hành tại cơ quan điều tra nếu bị can không bị bắt giam hoặc tại trại tạm giam, nhà tạm giữ nếu bị can bị tạm giam; thời gian hỏi cung cũng do điều tra viên chủ động sắp xếp theo yêu cầu của hoạt động điều tra vụ án. Do vậy, việc tham dự hỏi cung của người giám định phải thông qua thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên khi được các chủ thể này chấp thuận nên có những khó khăn nhất định; mặt khác, do yêu cầu nghiệp vụ, cũng như bí mật thông tin trong quá trình điều tra vụ án nên yêu cầu tham dự hỏi cung của người giám định chưa được thực hiện một cách triệt để. Về phía người giám định, do nhiều nguyên nhân khác nhau như ngại khó, ngại va chạm, ngại phiền hà mà trong một số trường hợp chưa thực hiện triệt để quyền này khi thực hiện giám định.
Thứ tư, về quyền từ chối việc thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận, nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình:
Thực tế cho thấy, đây là những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, việc giám định phải mất nhiều công sức, thời gian hoặc do trình độ khoa học kỹ thuật không cho phép tiến hành giám định trong một giới hạn thời gian nhất định, hoặc do thời hạn tiến hành tố tụng đối với vụ án quá ngắn, người giám định xét thấy khả năng không thể hoàn thành kết luận giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được, nên từ chối thực hiện giám định. Hoặc, khi người giám định nhận được hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giám định do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cung cấp nhưng không bảo đảm độ tin cậy về khoa học do mất mát, hư hỏng, do thời gian đã quá lâu, dấu vết không rõ…, thiếu những tài liệu quan trọng hay các tài liệu không còn giá trị nguyên bản, do vậy, người giám định đã từ chối giám định vì xét thấy không thể kết luận giám định một cách khách quan, khoa học được. Hoặc, do trình độ chuyên môn của người giám định không thể kết luận được chính xác 100% theo trưng cầu giám định (chẳng hạn như truy nguyên đồng dạng, ADN…), cũng từ chối giám định. Trong trường hợp việc giám định không thể tiến hành theo thời hạn mà cơ quan trưng cầu giám định yêu cầu thì cơ quan giám định hoặc người giám định phải thông báo ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan đã trưng cầu giám định biết.
Thứ năm, về quyền ghi riêng ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung trong trường hợp giám định do một nhóm người giám định tiến hành:
Kết thúc việc giám định, người giám định làm bản kết luận giám định. Bản kết luận giám định thể hiện thời gian, địa điểm tiến hành giám định, họ tên, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của người giám định, người tham gia tiến hành giám định, những dấu vết, đồ vật đã tiến hành giám định, những phương pháp đã áp dụng, giải đáp những yêu cầu giám định (kết luận). Nếu việc giám định có nhiều giám định viên tham gia thì ngoài kết luận chung (kết luận tập thể), người giám định có thể đưa ra kết luận riêng của mình, điều này phải được ghi vào kết luận giám định.
Qua nghiên cứu thực tiễn giám định tư pháp hình sự, tác giả nhận thấy còn tồn tại một số vấn đề như sau:
Một là, một trong những vấn đề bức thiết của các tổ chức giám định tư pháp hiện nay là tình trạng đội ngũ giám định viên còn rất thiếu về số lượng và còn hạn chế về chất lượng. Hầu hết các tổ chức giám định pháp y đều thiếu giám định viên pháp y chuyên trách, riêng đội ngũ giám định kỹ thuật hình sự toàn quốc còn thiếu nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh việc đội ngũ giám định viên tư pháp hiện chưa được đào tạo một cách bài bản về nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cần thiết thì tình hình “chảy máu” nguồn nhân lực trong các tổ chức giám định tư pháp đang diễn ra ngày càng nhiều mà chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Hai là, việc bổ nhiệm giám định viên và lập danh sách người giám định tư pháp chưa thực hiện trên cơ sở quy hoạch phát triển và chưa thực sự bám sát vào nhu cầu của hoạt động tố tụng hình sự, chưa mở rộng đến các chuyên gia giỏi ngoài khu vực nhà nước, chưa coi trọng khả năng nghiệp vụ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tiến hành tố tụng với tư cách là người sử dụng, đánh giá kết luận giám định. Mặt khác, việc lập danh dách người giám định tư pháp theo vụ việc trong phạm vi toàn quốc không được thực hiện đồng bộ, chủ động và thống nhất.
Ba là, việc hình thành lực lượng giám định tư pháp còn phân tán theo bộ, ngành và địa phương, số này chủ yếu kiêm nhiệm khi có yêu cầu còn bình thường tham gia việc khác. Khi cơ quan tiến hành tố tụng cần trưng cầu thì các bộ, ngành, địa phương nhận được văn bản trưng cầu mới tìm giám định viên để thực hiện, quá trình đó kéo dài. Khi thực hiện, trong một số trường hợp, giám định viên cũng chưa tận lực. Thêm vào đó, trình độ, chuyên môn của một bộ phận giám định viên còn có hạn nên vụ việc bị trả về cơ quan điều tra không ít.
Bốn là, chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm pháp lý và chế tài xử lý cụ thể khi giám định viên, tổ giám định kéo dài, trễ thời hạn, họ đưa ra các lý do biện minh, trong khi nếu kết luận không chính xác thì cũng khó xử lý bởi quan niệm “vụ việc phức tạp, khó giám định”.
2. Một số kiến nghị
Thứ nhất, nhập quyền tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định và yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc kết luận thành quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trưng cầu giám định cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc giám định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự thành quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án liên quan đến đối tượng giám định của người giám định để bảo đảm người giám định đưa ra được kết luận giám định chính xác, khách quan và có cơ sở khoa học.
Thứ ba, bổ sung quyền được biết trước sự tham gia của điều tra viên, kiểm sát viên khi giám định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự vì theo quy định tại khoản 1 Điều 209 Bộ luật Tố tụng hình sự về việc tiến hành giám định thì: “Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, người yêu cầu giám định có thể tham dự giám định nhưng phải báo trước cho người giám định biết”.
Thứ tư, bổ sung quyền được tham gia phiên tòa của người giám định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự, vì theo quy định tại Điều 294 Bộ luật Tố tụng hình sự thì: “1. Người giám định, người định giá tài sản tham gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập. 2. Nếu người giám định, người định giá tài sản vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử”.
Thứ năm, bổ sung vào khoản 4 Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự quyền của người giám định được xem biên bản phiên tòa, quyền ghi ý kiến sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận thành: “4. Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đại diện hợp pháp của những người đó, người giám định được xem biên bản phiên tòa, có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận”.
Thứ sáu, bổ sung quyền kháng cáo theo Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau: “Người giám định có quyền kháng cáo phần bản án hình sự hoặc quyết định có liên quan đến kết luận giám định của họ”.
Thứ bảy, tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định về tố tụng hình sự, dân sự và hành chính theo nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng của các bên tố tụng trong việc cung cấp các kết luận giám định với tư cách là một loại chứng cứ; trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đánh giá kết luận giám định do các bên tố tụng đưa ra một cách khách quan, công bằng.
Thứ tám, tăng cường sự tham gia phiên tòa của người giám định tư pháp trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, những trường hợp kết luận giám định là căn cứ duy nhất hoặc mấu chốt để giải quyết vụ án.
Thứ chín, xây dựng quy chuẩn chuyên môn trong từng lĩnh vực giám định, để từ đó, có thể tiến tới xây dựng quy trình, quy chuẩn thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
TS. Trần Thảo
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 382), tháng 6/2023)