Bài viết nghiên cứu cơ sở lý luận, pháp lý cũng như thực tiễn để xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền được lãng quên cho người bị hại dưới 18 tuổi.
1. Quyền được lãng quên trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam
1.1. Quyền được lãng quên trong pháp luật quốc tế
Quyền được lãng quên là khái niệm xuất hiện trong Chỉ thị Bảo vệ dữ liệu cá nhân 1995 (có hiệu lực ngày 25/5/2014) và tiếp tục được quy định trong Phán quyết của Tòa Công lý Liên minh châu Âu năm 2014, sau đó được ghi nhận chính thức trong Điều 17 Quy định bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu 2016/679 với tên gọi là quyền xóa dữ liệu, nghĩa là quyền được lãng quên trên không gian mạng là quyền xóa dữ liệu. Nếu không có lý do chính đáng nào để giữ các thông tin trên mạng thì người thực hiện quyền được lãng quên của mình có thể yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân.
Năm 2009, Pháp đã thừa nhận quyền này bằng việc cho ra đời một điều lệ cho phép người dùng internet hạn chế dấu vết của họ trên web vào năm 2010. Quyền được lãng quên không cho phép kiểm soát hoàn toàn đối với mọi dữ liệu bởi có những dữ liệu không xóa bỏ vì quyền riêng tư bị ràng buộc bởi một số nghĩa vụ nhất định đối với xã hội.
Hoa Kỳ là quốc gia có hệ thống các quy định của pháp luật được đánh giá cao trong việc bảo vệ quyền con người, tuy nhiên, cho tới nay, quyền được lãng quên lại chưa được công nhận là một quyền con người riêng biệt. Pháp luật của Hoa Kỳ đề cao quyền tự do ngôn luận nên đa số quan điểm cho rằng, việc cấp cho mọi người quyền xóa liên kết đến những chuyện trong quá khứ của họ khỏi các kết quả tìm kiếm theo tên của họ trên Google là vi phạm quyền này. Điều này có nghĩa, khi ghi nhận quyền được lãng quên sẽ làm hạn chế đến quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ việc có liên quan ở Mỹ lại cho thấy, quyền được lãng quên đang từng bước được thực hiện. Các công ty tại quốc gia này vẫn phải tuân thủ quy định của Liên minh châu Âu về quyền được lãng quên. Kể từ khi quy định về quyền được lãng quên tại châu Âu “áp đặt” lên Google có hiệu lực, công ty này đã xử lý 43% trong số 2,4 triệu yêu cầu xóa URL, gần 90% trong số những yêu cầu nộp đơn đó đến từ các cá nhân riêng lẻ.
Như vậy, mặc dù quyền được lãng quên chưa thực sự minh định trong các quy định của nhiều quốc gia nhưng thực tiễn cho thấy, quyền này đã từng bước được quốc tế ghi nhận và bảo vệ ở các mức độ khác nhau.
1.2. Quyền được lãng quên trong pháp luật Việt Nam
Có thể thấy, ở Việt Nam, quyền được lãng quên chưa được ghi nhận chính thức với tên gọi đầy đủ trong Hiến pháp năm 2013 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác. Hiện nay, pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định về quyền riêng tư.
Ngày 17/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Nghị định số 13/2023/NĐ-CP) gồm 04 chương với 44 điều - đây là văn bản đề cập rõ nét nhất cho tới thời điểm hiện tại về các biểu hiện có liên quan đến quyền được lãng quên khi quy định việc cá nhân được quyền yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân (Nghị định không quy định đây là quyền được lãng quên). Nghị định này đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức. Điều 9 của Nghị định quy định về quyền của chủ thể dữ liệu liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân như sau: (i) Quyền được biết về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác; quyền đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 17 Nghị định này; quyền rút lại sự đồng ý của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác; (ii) Quyền truy cập để xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác; (iii) Quyền được xóa hoặc yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác; (iv) Quyền được yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu cá nhân của mình, quyền cung cấp dữ liệu, phản đối xử lý dữ liệu, trừ trường hợp luật có quy định khác; (v) Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật; (vi) Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác; (vii) Quyền tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, Điều 20 của Nghị định cũng quy định cụ thể về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em theo nguyên tắc bảo vệ các quyền và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Thiết nghĩ, quy định này cần được mở rộng áp dụng cho chủ thể là người chưa thành niên để bảo vệ tốt hơn quyền cho cả nhóm người không còn là trẻ em nhưng chưa đủ 18 tuổi.
Trước đó, tại Điều 23 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng năm 2022 có quy định: Phạt tiền từ 07 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hành chính… và có thể bị phạt bổ sung, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả dưới hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh… có được do thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, hành vi này lại không bị truy cứu trách nhiệm pháp lý khi đó là phiên toà xét xử hình sự, nghĩa là các cơ quan báo chí hay các cá nhân, tổ chức được quyền ghi âm, ghi hình người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, trong đó có cả hình ảnh của người bị hại nói chung và người bị hại là người dưới 18 tuổi nói riêng mà không cần được sự đồng ý của chủ thể.
Đối với người bị hại dưới 18 tuổi, tại điểm b.vii khoản 2 Điều 40 Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989 và Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người vị thành niên năm 1985 quy định: Quyền riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng trong tất cả các giai đoạn tố tụng, nhằm tránh những tổn hại gây ra do sự công khai hóa quá mức hay do sự quy chụp.
Tại Điều 21 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư như sau: “1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. 2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”. Theo đó, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình; người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán… Do đó, bảo đảm giữ bí mật cho người dưới 18 tuổi trong các vụ án hình sự không chỉ là trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khi tham gia vào quá trình tố tụng.
Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực đều “xa, gần” nhắc đến quyền riêng tư của cá nhân nhưng chưa có văn bản nào quy định rõ trong các điều luật về quyền được lãng quên của con người, đặc biệt là đối với người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, quyền riêng tư là những thông tin cá nhân không được mọi người biết đến, trong khi đối tượng của quyền được lãng quên là những thông tin đã được mọi người biết đến qua các kênh khác nhau ở một số thời điểm nhất định trước đó nhưng hiện tại người đó không muốn để bên thứ ba hoặc bất kỳ bên nào tiếp cận những thông tin này.
2. Sự cần thiết phải bảo đảm quyền được lãng quên cho người bị hại dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự và đề xuất, kiến nghị
2.1. Sự cần thiết
Thứ nhất, việc bảo đảm quyền được lãng quên cho người bị hại dưới 18 tuổi hướng tới việc bảo vệ tốt hơn quyền con người trong tố tụng hình sự.
Người bị hại dưới 18 tuổi bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, ngoài những tổn thương về thể xác và tinh thần, họ còn bị ám ảnh bởi tội ác và chính bản thân họ cũng có nhu cầu được lãng quên đi quá khứ đau buồn này để họ có thể sống tốt hơn trong tương lai. Đơn cử như, một đứa trẻ bị xâm hại tình dục thì người thân của đứa trẻ đó cũng như bản thân đứa trẻ đó cũng không bao giờ muốn nhắc đến nỗi đau này. Cha mẹ của đứa trẻ chỉ muốn con mình lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác. Muốn làm được điều này thì cần có nhiều cách, trong đó, họ không còn muốn nhắc đến vụ án cũng như những thông tin liên quan tới vụ án sau này, bởi những ám ảnh do các hành vi phạm tội gây ra không chỉ là những tổn thương về thể xác mà còn có thể gây ra những sang chấn tâm lý và trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với đứa trẻ, có thể ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của đứa trẻ sau này. Đứa trẻ lớn lên nếu không còn những thông tin về vụ án đó trên dữ liệu điện tử, các trang tin internet thì rõ ràng sẽ tự tin hơn để sống cuộc đời của mình mà không còn bị ai nhắc lại nỗi đau này nữa.
Trong trường hợp vì hành vi phạm tội mà khiến người bị hại dưới 18 tuổi bị thiệt hại về sức khỏe hay tinh thần không có khả năng hồi phục thì việc thực hiện quyền lãng quên này không chỉ nhằm bảo đảm quyền con người của họ mà còn để người thân thích của người bị hại chăm sóc họ cũng nguôi ngoai với nỗi bất hạnh mà tội phạm đã gây ra. Theo tác giả, việc các quy định của pháp luật hiện nay chỉ mới đề cập đến vấn đề bảo đảm quyền riêng tư cá nhân trong quá trình tố tụng mà chưa bảo đảm quyền được lãng quên trong tương lai là chưa đầy đủ.
Theo quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), một trong những lý do người bị hại cân nhắc quyết định yêu cầu khởi tố vụ án hay không là khi khởi tố thì vụ việc sẽ được công khai, thậm chí lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí có những thông tin chưa chính xác và đời tư của họ bị công khai. Trường hợp để được cải chính thì mất nhiều thời gian và công sức, chưa kể thông tin ban đầu có khi đã được lan truyền đi dưới nhiều cách thức khác nhau nên dù đã gỡ bỏ vẫn còn có thể có ở các công cụ thông tin khác. Với người bị hại dưới 18 tuổi, thông tin về đời tư lại càng cần được bảo vệ vì để họ có một tương lai bình thường như những đứa trẻ khác, họ cần được quên đi quá khứ đau thương đã xảy ra đối với mình, họ cần được sống một cuộc đời mà không bị nỗi đau quá khứ ám ảnh. Hơn nữa, trong trường hợp giữa người phạm tội và người bị hại là người dưới 18 tuổi có thể có các mối quan hệ gần gũi như cha mẹ, ông bà… và sau đó quan hệ này đã được hàn gắn qua thời gian, người phạm tội đã hoàn lương và nhận ra được hành vi sai trái để sửa chữa và bù đắp cho trẻ thì quá khứ này cũng cần được xóa bỏ vì sẽ tốt cho cả người từng phạm tội và người bị hại; ai cũng có nhu cầu được lãng quên quá khứ đó để làm lại cuộc đời.
Trong thời gian vừa qua, một số vụ án gây rung động xã hội và được báo chí khai thác rất triệt để cũng đã cho thấy những bất cập nhất định nhìn từ góc độ bảo vệ quyền con người của người bị hại dưới 18 tuổi. Những vụ trẻ bị xâm hại tình dục, bị xâm hại về tính mạng hay sức khỏe được báo chí khai thác chi tiết những nỗi đau của người thân của trẻ với những bức hình cận cảnh khuôn mặt… Theo tác giả, điều này là không cần thiết, thậm chí có thể xâm phạm đến quyền riêng tư của họ vì trong nhiều trường hợp chưa được sự cho phép của họ. Sau khi vụ án đã được giải quyết, người phạm tội cũng đã phải trả giá cho hành vi của mình thì nạn nhân hay người đại diện hợp pháp của trẻ em cũng cần được lãng quên đi vụ án đó. Họ không muốn đối diện để tránh gợi lại nỗi đau nên những thông tin đó cũng cần được xóa bỏ khỏi dữ liệu truyền thông.
Thứ hai, việc bảo đảm quyền được lãng quên cho người bị hại dưới 18 tuổi phù hợp với thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Việt Nam là quốc gia có số lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới, con số này chắc chắn sẽ tăng lên hàng ngày khi điện thoại thông minh có giá ngày càng rẻ, wifi miễn phí khắp mọi nơi. Dự kiến đến năm 2025, sẽ có 90% dân số truy cập internet và năm 2030 đạt tỷ lệ 100%. Những thông tin cá nhân bằng nhiều cách khác nhau đã bị phát tán cho nhiều bên và nhiều người đã bị quấy nhiễu, thậm chí có những thông tin không xác thực, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân nhưng không được gỡ bỏ; bị đồn đoán và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Điều này cho thấy, việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến bảo vệ quyền được lãng quên của cá nhân nói chung và đối với người bị hại dưới 18 tuổi nói riêng là rất cần thiết.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định quyền được lãng quên nói chung và cho người bị hại dưới 18 tuổi nói riêng sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự do báo chí, tự do biểu đạt, quyền tiếp cận thông tin. Đây thực sự là một vấn đề không dễ dàng để giải quyết trên thực tế, đặc biệt trong thời đại kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được hoàn thiện và phát triển ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống. Việc “dung hòa” những quyền này cần được cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể. Vấn đề này đã được quy định trong Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, theo đó, các trường hợp tiết lộ dữ liệu cá nhân mà không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, đó là: (i) Trong trường hợp khẩn cấp, cần xử lý ngay dữ liệu cá nhân có liên quan để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác; (ii) Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật; (iii) Việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật; (iv) Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật; (v) Phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành. Quy định này có thể được hiểu, trong trường hợp cụ thể, người bị hại sẽ được quyền yêu cầu xóa dữ liệu trên các nền tảng nếu chứng minh được các dữ liệu này gây thiệt hại đến danh dự, tinh thần, vật chất hoặc có nguy cơ làm ảnh hưởng đến tính mạng hay sức khoẻ của mình.
Thứ ba, việc quy định quyền được lãng quên đối với người bị hại dưới 18 tuổi trong tố tụng hình sự phù hợp với xu hướng chung của quốc tế.
Quyền con người ngày càng được coi trọng và được luật hóa bởi các quy định chung của quốc tế cho tới các quy định riêng trong luật pháp các quốc gia. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn đang ngày càng phát triển nên cần có hành lang pháp lý rõ ràng để tránh xâm phạm đến quyền con người, nhằm xác định ranh giới giữa quyền tự do tiếp cận thông tin, tự do báo chí với quyền lãng quên, cũng như cần có chế tài xử lý trong trường hợp người bị hại bị thiệt hại do việc bị tiết lộ thông tin, bí mật đời tư. Khi đã có quy định của pháp luật điều chỉnh thì trước hết sẽ tạo ra tâm lý e dè khi sử dụng thông tin cá nhân; các tổ chức, cá nhân, các nền tảng truyền thông sẽ cân nhắc trước khi lưu trữ hay công bố thông tin của bất kỳ người bị hại nào để tránh bị xử lý hoặc ít nhất họ cũng không muốn rơi vào tình trạng bị kiện tụng.
2.2. Kiến nghị
Với những dữ liệu trên, tác giả cho rằng, đã đến lúc cần ban hành Luật Bảo vệ quyền riêng tư nhằm cân bằng giữa quyền tự do thông tin, quyền riêng tư, quyền được lãng quên, đồng thời có cơ sở pháp lý rõ ràng để xác định ranh giới các quyền này, đồng thời, xử lý vi phạm thì nên lượng hóa chế tài đối với hành vi tiết lộ thông tin cá nhân, bí mật đời tư dựa trên mức độ của sự lan tỏa thông tin càng lớn thì phạt thật nặng để răn đe với những người đã vi phạm trong thời gian qua. Trước khi có văn bản quy định cụ thể, riêng biệt và đầy đủ về quyền riêng tư, quyền được lãng quên, cần thiết phải bổ sung quyền được lãng quên là một trong những quyền con người, được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Nếu là người bị kết án thì quyền được lãng quên còn cần được quy định rõ trong Luật Thi hành án hình sự và đặc biệt, đối với người bị hại, cần được ghi rõ trong quy định về địa vị pháp lý của người bị hại nói chung và người bị hại là người dưới 18 tuổi nói riêng trong Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể: “… Quyền được lãng quên sau khi vụ án đã được giải quyết xong; được bồi thường thiệt hại theo quy định trong trường hợp các dữ liệu cá nhân, bí mật đời tư bị tiết lộ mà không thuộc trường hợp bị hạn chế quyền này”. Từ quy định chung này sẽ xây dựng các quy định hướng dẫn cụ thể chế tài và thủ tục cần thiết, phù hợp để xử lý những hành vi vi phạm đến quyền được lãng quên. Các quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, hiệu quả cho việc bảo vệ quyền được lãng quên của người bị hại nói chung và người bị hại là người dưới 18 tuổi nói riêng, hướng tới việc bảo vệ quyền con người một cách hiệu quả nhất trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Phạm Thanh Tú
Khoa Luật, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 388), tháng 9/2023)