Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề xuất và phân tích một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm thực hiện các nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự ở Việt Nam hiện nay.
Abstract: Within the scope of this article, the author proposes and analyzes a number of solutions that contribute to improving the effectiveness of ensuring the implementation of the principles of conducting proceedings against offenders under the age of 18 in the process of resolving criminal cases in Vietnam today.
Nguyên tắc tiến hành tố tụng (THTT) đối với người dưới 18 tuổi (ND18T) lần đầu tiên được quy định thành một điều luật mới (Điều 414) trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Bộ luật năm 2015). Điều luật đã quy định 07 nguyên tắc “có ý nghĩa bổ sung”[1] bên cạnh các nguyên tắc được quy định tại Chương II Bộ luật năm 2015. Trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế, Bộ luật năm 2015 xây dựng các nguyên tắc này không những để bảo đảm sự tương thích với quy định của pháp luật quốc tế mà còn để phù hợp với điều kiện tình hình chính trị, xã hội, truyền thống pháp luật và tình hình tội phạm do ND18T thực hiện ở Việt Nam hiện nay.
Qua nghiên cứu các nguyên tắc này, bài viết phân tích những nội dung pháp luật liên quan và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành các nguyên tắc như sau:
1. Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Bộ luật năm 2015 đã dành hẳn một điều luật riêng biệt quy định về các nguyên tắc THTT đối với ND18T nói chung, trong đó có ND18T phạm tội nói riêng, “tuy nhiên đó cũng chỉ là những quy định mang tính chung nhất chưa cụ thể và phù hợp với hoạt động tố tụng của các cơ quan và người THTT đối với ND18T phạm tội”[2]. Vì vậy, để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nguyên tắc này thì một trong những điều kiện quan trọng nhất đó là Bộ luật năm 2015 cần có những quy định thống nhất, đầy đủ, toàn diện hơn nữa về thủ tục tố tụng thân thiện đối với ND18T nói chung và ND18T phạm tội nói riêng. Do đó, tác giả có đề xuất:
1.1. Sửa đổi, bổ sung Điều 414 về nguyên tắc tiến hành tố tụng
Tác giả cho rằng, cần sắp xếp lại các nguyên tắc THTT được quy định tại Điều 414 Bộ luật năm 2015 theo một trật tự hợp lý, có nghĩa là sắp xếp theo hệ thống logic và tên gọi của các nguyên tắc còn “rườm rà” nên cần rút ngắn gọn và phải có quy định chi tiết nội dung cơ bản của các nguyên tắc là gì, được thể hiện như thế nào, cụ thể như sau:
“Điều 414. Nguyên tắc THTT đối với ND18T
1. Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện đối với ND18T.
2. Bảo đảm lợi ích tốt nhất của ND18T.
3. Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng người, đúng pháp luật các vụ án hình sự liên quan đến ND18T.
4. Ưu tiên áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục.
5. Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý theo đúng quy định của pháp luật.
6. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của ND18T trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
7. Tôn trọng quyền được tham gia tố tụng, trình bày ý kiến cá nhân về những vấn đề liên quan đến vụ án hình sự.
8. Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức nơi ND18T sinh sống, học tập.
9. Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự đối với ND18T phạm tội”.
Đặc biệt, cần tách nguyên tắc “bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện đối với ND18T” với tên gọi ngắn gọn như vậy và được đặt là nguyên tắc đầu tiên nhằm mục đích nền tảng chi phối và xuyên suốt quá trình thực hiện thủ tục tố tụng đối với ND18T.
1.2. Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến người tiến hành tố tụng
Thứ nhất, tên gọi của Điều 415 Bộ luật năm 2015 quy định về “Người THTT” và Điều 5 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP- BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với ND18T (Thông tư liên tịch số 06/2018) quy định về “Phân công người có thẩm quyền THTT”. Như vậy, ngay từ tên điều luật của hai văn bản này là chưa thống nhất. Do đó, cần thống nhất hai văn bản với tên gọi: “Người có thẩm quyền THTT”.
Thứ hai, Điều 415 Bộ luật năm 2015 quy định về tiêu chuẩn của người THTT mới chỉ có tính định tính, chưa định lượng được như thế nào là người có “kinh nghiệm, có hiểu biết cần thiết”. Việc chưa quy định cụ thể hay giải thích rõ những vấn đề này dễ khiến cho nhiều địa phương, nhiều người có những cách hiểu, cách áp dụng khác nhau vào thực tiễn, không bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất. Do đó, Bộ luật năm 2015 và văn bản hướng dẫn thi hành cần bổ sung quy định về tiêu chí đánh giá về kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến ND18T và có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với ND18T để tránh sự tùy tiện, cảm tính của cơ quan, người có thẩm quyền THTT.
Thứ ba, tại khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 06/2018, cần bổ sung “kiểm tra viên, thẩm tra viên” là người THTT và phải có những tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định khi tham gia giải quyết vụ án hình sự có ND18T tham gia.
1.3. Sửa đổi quy định về việc tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức
Bộ luật năm 2015 mới chỉ có 01 điều (Điều 420) quy định về việc tham gia của người đại diện, nhà trường, tổ chức nhưng còn rất chung chung. Bộ luật này chưa có quy định riêng biệt về quyền và nghĩa vụ của người đại diện cho ND18T phạm tội và những người tham gia tố tụng khác. Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của người đại diện cho ND18T phạm tội được quy định tại nhiều điều khoản khác nhau trong Bộ luật năm 2015 (các điều 331, 418, 420, 421, 422, 423, 469, 470) và Điều 9 Thông tư liên tịch số 06/2018. Do vậy, để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho ND18T phạm tội và áp dụng pháp luật thống nhất, tác giả đề xuất bổ sung 01 điều luật riêng quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện, trong đó có người đại diện cho ND18T phạm tội.
- Đối với khoản 2 Điều 420, tác giả đề xuất thay từ “được” bằng từ “có quyền” tại khoản 2 Điều 420; bổ sung quyền của người đại diện của ND18T phạm tội trong giai đoạn truy tố tại Điều 420: “Trong giai đoạn truy tố, người đại diện cho ND18T phạm tội có quyền: Tham gia việc hỏi cung; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội ND18T của Viện kiểm sát”.
1.4. Bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; hỏi cung bị can, đối chất
Thứ nhất, khoản 1, khoản 2 Điều 421 Bộ luật năm 2015 và Điều 14 Thông tư liên tịch số 06/2018 chỉ quy định về việc lấy lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ là ND18T phạm tội tại nơi học tập, lao động và sinh hoạt của người đó hoặc nơi tiến hành điều tra, mà chưa có quy định cụ thể về trường hợp lấy lời khai của họ khi họ là người ở địa phương khác lại phạm tội ở địa phương không phải là nơi cư trú hoặc họ không còn cha mẹ, không có nơi cư trú rõ ràng hoặc là người lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa thì việc xác định địa chỉ và người đại diện để tiến hành lấy lời khai là như thế nào.
Do đó, để bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, tránh sự tùy tiện, vi phạm tố tụng, Bộ luật năm 2015 cần có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn nữa về vấn đề này.
Thứ hai, Điều 421 Bộ luật năm 2015 chỉ đề cập đến hoạt động lấy lời khai, hỏi cung bị can, đối chất, trong khi đó, những hoạt động điều tra khác lại không được đề cập đến như nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám xét người, xem xét dấu vết trên thân thể và các biện pháp điều tra khác. Những hoạt động điều tra này khi áp dụng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý ND18T phạm tội. Nếu Bộ luật năm 2015 không có quy định riêng về trình tự áp dụng, cách thức áp dụng các biện pháp ngăn chặn này mà áp dụng giống như đối với người thành niên thì không thể bảo đảm được lợi ích tốt nhất của ND18T phạm tội, không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi nên chưa bảo đảm được mục đích của việc quy định thủ tục đặc biệt này trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Do đó, tác giả đề xuất sửa đổi tên Điều 421 thành “Lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi cung bị can, đối chất, nhận dạng, khám xét người, xem xét dấu vết trên thân thể và các hoạt động điều tra khác”. Đồng thời, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục điều tra thân thiện đối với ND18T, trong đó có quy định riêng phù hợp với đặc điểm về thể chất, tâm lý, khả năng nhận thức của ND18T phạm tội.
1.5. Quy định xét xử kín tất cả các vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội
Điều 423 Bộ luật năm 2015 quy định: “Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là ND18T thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín”. Tuy nhiên, theo Điều 25 Bộ luật năm 2015 thì mặc dù Tòa án xét xử kín nhưng vẫn phải tuyên án công khai; đồng thời Điều 327 Bộ luật năm 2015 có quy định “trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án”. Vấn đề đặt ra là, liệu các thông tin cá nhân ND18T có được giữ bí mật một cách tuyệt đối hay không? Trong khi pháp luật chỉ quy định đơn thuần là tuyên công khai phần quyết định của bản án, mà phần quyết định của bản án lại có đầy đủ họ tên của bị cáo và như vậy, những người tham dự phiên tòa vẫn có thể xác định được danh tính của bị cáo dưới 18 tuổi. Do đó, cần phải có những hướng dẫn cụ thể để bảo đảm lợi ích tốt nhất đối với bị cáo dưới 18 tuổi.
Mặt khác, Bộ luật năm 2015 chưa làm rõ nội hàm “trường hợp đặc biệt”, gây khó khăn cho công tác thực thi pháp luật, chưa bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của ND18T. Vì vậy, khoản 2 Điều 423 cần bỏ cụm từ “trường hợp đặc biệt” và sửa đổi theo hướng “phiên tòa xét xử bị cáo, bị hại là ND18T được xét xử kín” nhằm bảo đảm và phù hợp với nguyên tắc “bảo đảm giữ bí mật cá nhân của ND18T”.
1.6. Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xét hỏi tại phiên tòa
Quy định của Bộ luật năm 2015 về trình tự, thủ tục xét hỏi tại phiên tòa là chưa phù hợp với chức năng của các bên và Tòa án trong tố tụng hình sự. Để bảo đảm quyền tiếp cận công lý trong xét xử vụ án hình sự mà ở đây là những người chưa đủ 18 tuổi, cần sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội; lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền của ND18T phạm tội nói riêng. Theo đó, Tòa án là người điều khiển các bên, điều khiển quá trình xét hỏi. Việc xét hỏi của các thành viên hội đồng xét xử chỉ mang tính chất bổ sung, hỗ trợ cho các bên khi cần thiết để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án mà vì lý do nào đó các bên không làm rõ được. Có như vậy, hội đồng xét xử, nhất là chủ tọa phiên tòa mới có điều kiện tập trung theo dõi, giám sát quá trình tranh tụng giữa các bên và xem xét, đánh giá các tình tiết cũng như các chứng cứ về vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ. Kết quả tranh tụng tại phiên tòa là căn cứ để ra phán quyết đúng đắn và chính xác về vụ án.
2. Nâng cao năng lực cho đội ngũ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chuyên trách
Hiện nay, mặc dù Bộ luật năm 2015 đã có những quy định về các điều kiện của người THTT đối với ND18T phạm tội, song chúng ta chưa có đội ngũ những người THTT riêng biệt, vẫn chưa có đơn vị, bộ phận chuyên trách và các cán bộ chuyên trách được trang bị kiến thức cần thiết để nắm bắt và hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục khi giải quyết các vụ án hình sự có ND18T phạm tội. Đặc biệt, có những trường hợp các thẩm phán khi xét xử đối với ND18T phạm tội cũng áp dụng thủ tục xét xử như đối với người thành niên, “trong cùng một phiên tòa có khi vừa xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng đối với người thành niên song lại tiếp tục xét xử đối với ND18T dẫn đến tình trạng thẩm phán đó vẫn dùng nguyên thái độ khi xét xử như đối với người thành niên… đẩy bị cáo là ND18T vào trạng thái sợ hãi, căng thẳng và có cảm giác bị kỳ thị dẫn đến tình trạng tiêu cực từ phí bị cáo”[3]. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần phải có những cán bộ chuyên trách trong tất các các giai đoạn tố tụng từ khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử để nâng cao chất lượng giải quyết vụ án.
Bên cạnh đó, cần tập trung, quan tâm việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, tâm lý học, phương pháp tiếp cận đối tượng phạm tội là ND18T cho đội ngũ người THTT gồm điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để giải quyết các vụ án do ND18T phạm tội. Từ đó, thiết lập các đội, phòng, ban chuyên trách giải quyết các vụ án có ND18T phạm tội. Tăng cường công tác tập huấn chuyên môn sâu nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết các vụ việc theo chủ đề; kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự, kỹ năng giải quyết các biện pháp xử lý chuyển hướng…
3. Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức triển khai thống nhất thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên
Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đã thành lập 38 Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các Tòa án nhân dân cấp tỉnh[4] để xét xử với mô hình phòng xét xử thân thiện là một phương án có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Tuy nhiên, để hoạt động có hiệu quả và đạt được những yêu cầu đề ra thì cần phải tiếp tục hoàn thiện và tổ chức triển khai thành lập mô hình Tòa gia đình và người chưa thành niên rộng khắp trên cả nước. Đồng thời, cần đầu tư cơ sở vật chất - trang thiết bị, kỹ thuật phù hợp phục vụ cho hoạt động tố tụng bảo đảm môi trường tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi và tính cách của ND18T phạm tội.
Thời gian tới, Bộ Công an cần nhanh chóng triển khai phòng điều tra thân thiện rộng khắp. Theo đó, cách sắp xếp, trang trí phòng điều tra khi tiến hành hỏi cung, lấy lời khai đối với ND18T bảo đảm được sự ấm áp, gần gũi; để bảo đảm tính khách quan, tránh các hành vi vi phạm từ phía cơ quan có thẩm quyền THTT, củng cố giá trị nguồn chứng cứ từ hoạt động hỏi cung bị can thì bên trong phòng điều tra thân thiện lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, phòng này còn trang bị tủ sách thiếu nhi, tủ đồ chơi, tranh ảnh… để giúp bị can ổn định tâm lý, thoải mái trong việc khai báo, cung cấp thông tin.
ThS. Đinh Thị Hải Yến
Khoa Luật, Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân
[1]. Nguyễn Hải Ninh, Pháp luật tố tụng hình sự với việc bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội dưới 18 tuổi, Nghiên cứu lập pháp, http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210301.
[2]. Phạm Minh Tuyên (2021), Bình luận các vướng mắc trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, tr. 445.
[3]. Phạm Minh Tuyên, Phòng ngừa ND18T phạm tội thông qua hoạt động xét xử của Tòa án - Hạn chế và kiến nghị, https://tapchitoaan.vn/phong-ngua-nguoi-duoi-18-tuoi-pham-toi-thong-qua-hoat-dong-xet-xu-cua-toa-an-han-che-va-kien-nghi.
[4]. Vân Khánh - Mạnh Dũng, Tòa án nhân dân tối cao đã thành lập 38 Tòa gia đình và người chưa thành niên, https://baodansinh.vn/toa-an-nhan-dan-toi-cao-da-thanh-lap-38-toa-gia-dinh-va-nguoi-chua-thanh-nien-20201106093522989.htm.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 382), tháng 6/2023)