Để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân, mỗi quốc gia tùy thuộc vào thể chế và các khuôn khổ chính sách của mình, đưa ra các bảo đảm khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân được thực hiện ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, bảo đảm về mặt chính trị, pháp lý
Đây là những yếu tố quan trọng, là tiền đề cho việc quy định và thực hiện quyền được thông tin của người dân trên thực tiễn. Quyền được thông tin là một quyền dân sự - chính trị của người dân, được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế và quốc gia. Để có cơ sở cho việc quy định trong Hiến pháp và các đạo luật, trước hết cần nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của quyền này, từ phía các chủ thể của quyền lực chính trị. Và hiện nay, với xu thế dân chủ hóa đời sống xã hội, quyền được thông tin của người dân là một cấu thành quan trọng của quyền tự do thông tin, cùng với quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tự do ngôn luận,… đã tạo thành những giá trị quan trọng, không thể thiếu trong một xã hội phát triển. Ở nước ta, ngay từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đảng ta đã nhận thức được vai trò quan trọng của quyền được thông tin của người dân trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó, đã có những ghi nhận và thực hiện các quy định về vấn đề này.
Trên cơ sở nhận thức về mặt chính trị, quyền được thông tin cần được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản luật. Đây chính là những cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm cho quyền được thông tin của người dân. Việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ thể chế, chính sách về vấn đề này chính là việc triển khai thực hiện cơ bản việc quản lý nhà nước về quyền được thông tin của người dân. Bảo đảm pháp lý về vấn đề này được thể hiện ở một số nội dung cụ thể như:
(i) Quy định đầy đủ, chặt chẽ các quyền, nghĩa vụ của người dân và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức trong việc thực hiện quyền được thông tin của người dân thông qua việc công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình. Với mỗi hình thức, cần quy định cụ thể về nội dung thông tin, hình thức công khai, trình tự, thủ tục thực hiện việc giải trình, quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan,… Trong một nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối thượng, các quyền, nghĩa vụ của người dân và trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan nhà nước cần được xác lập một cách rõ ràng, minh bạch trong các văn bản pháp luật. Với xu hướng mở rộng dân chủ hiện nay, Nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép và người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Do đó, các quy định về quyền và nghĩa vụ của người dân cũng cần được quy định theo hướng mở như vậy. Các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức cần được xác lập chặt chẽ, có các biện pháp giám sát trong quá trình quy định cũng như tổ chức thực hiện các quy định về vấn đề này, trong đó có sự giám sát của người dân, của xã hội.
(ii) Quy định các biện pháp xử lý các vi phạm về quyền được thông tin của công dân. Đây là một nội dung quan trọng trong bảo đảm pháp lý của quyền được thông tin của người dân. Các biện pháp xử lý tùy thuộc vào tính chất, nội dung của hành vi vi phạm mà có các chế tài tương ứng, có thể là xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, hoặc cao hơn là xử lý hình sự. Bản thân các quy định về biện pháp xử lý có thể được quy định trong cùng một văn bản về quyền được thông tin của người dân hoặc có thể được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực khác nhau. Các biện pháp xử lý cũng có thể được quy định trong một văn bản pháp luật chuyên biệt, như luật về xử lý vi phạm hành chính, luật xử lý các hành vi phạm tội.
Trong quá trình quy định về các vấn đề này, ngoài các yêu cầu về chính trị, pháp lý trong nước còn có việc bảo đảm tuân thủ, phù hợp với các cam kết của quốc gia trong việc thực hiện các điều ước quốc tế mà quốc gia tham gia ký kết hoặc phê chuẩn. Hiện nay, có nhiều văn bản pháp lý quốc tế có chứa đựng những nội dung có liên quan đến quyền được thông tin của người dân như: Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966,…
Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức trong việc thực hiện bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền được thông tin nói riêng
Các bảo đảm về mặt pháp lý giúp hình thành hệ thống các nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức trong khi tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, một mặt khác cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các quy định pháp luật về vấn đề này, đó chính là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà cụ thể là cán bộ, công chức trong việc thực thi các quy định pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tăng tính trách nhiệm của các cơ quan này khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến bảo đảm quyền được thông tin của công dân được thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó có giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của các cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, cần tăng cường các thiết chế kiểm tra, giám sát trong hệ thống và ngoài xã hội đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cán bộ, công chức. Hiện nay, ở nhiều quốc gia đã quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước nhằm tăng tính trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các cơ quan nhà nước. Theo đó, bản thân các cơ quan này phải có trách nhiệm giải trình khi có yêu cầu đối với các vấn đề thuộc quyền quản lý nhà nước của mình. Việc giải trình bao gồm giải thích, làm rõ bản chất của sự việc và trách nhiệm của cơ quan, của cá nhân đối với sự việc xảy ra và hướng khắc phục. Ngoài các quy định và bảo đảm mang tính pháp lý, việc nâng cao tính trách nhiệm thông qua các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức cũng là một biện pháp quan trọng. Trong pháp luật về công chức, công vụ hay pháp luật về phòng, chống tham nhũng của một số quốc gia đã hình thành các chế định về vấn đề này. Và rõ ràng, tính trách nhiệm thuộc về phạm trù ý thức, đạo đức nhiều hơn. Do đó, vấn đề này cần được quan tâm và làm tốt, nhằm tăng tính trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong đó có bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của người dân.
Thứ ba, bảo đảm quyền khiếu nại, khiếu kiện khi có sự vi phạm quyền được thông tin của người dân
Quyền khiếu nại, tố cáo là một quyền tự do dân chủ quan trọng của người dân. Đây được coi là một quyền đặc biệt, quyền để bảo vệ quyền. Cũng giống như quyền được thông tin, quyền khiếu nại, tố cáo chỉ được thừa nhận và bảo đảm thực hiện trong một nhà nước dân chủ. Quyền khiếu nại, tố cáo là phương thức quan trọng để người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như của người khác khi có cơ sở cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như của các chủ thể khác. Quyền khiếu nại, tố cáo cũng là phương thức để người dân tham gia vào quản lý nhà nước, thực hiện giám sát tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Khi có sự cho rằng, các cơ quan nhà nước hoặc các chủ thể khác có sự xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình (khiếu nại) hoặc của người khác (tố cáo) thì người dân có thể sử dụng các quyền này để bảo vệ. Pháp luật của các quốc gia và trong các điều ước quốc tế ghi nhận quyền khiếu nại, tố cáo của người dân nhằm bảo vệ quyền được thông tin. Đây chính là những phương thức bảo vệ quyền được sử dụng nhiều nhất, trong đó bao gồm cả việc bảo vệ quyền được thông tin. Với các vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự, thì việc sử dụng quyền khiếu nại, tố cáo giúp người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp một cách nhanh nhất. Trong trường hợp có những vi phạm lớn hơn, xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ, lúc đó, các cơ quan tư pháp sẽ thực hiện theo những thủ tục tố tụng tư pháp. Cũng như các quyền khác, quyền được thông tin của người dân cũng cần được bảo đảm thông qua quy định cho phép người dân thực hiện khiếu nại, tố cáo. Đây chính là một phương thức bảo đảm quan trọng, cần thiết nhằm bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của người dân.
Việc bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của người dân thông qua thủ tục khiếu nại, tố cáo được thực hiện tương tự như trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp khác. Các quy định về khiếu nại, tố cáo có thể được quy định trong văn bản pháp luật về quyền được thông tin của người dân hay trong một đạo luật riêng biệt về vấn đề này. Điều này tùy thuộc vào kỹ thuật lập pháp của mỗi quốc gia.
Thứ tư, bảo đảm xử lý các vi phạm quyền được thông tin của công dân
Việc quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ và các trình tự, thủ tục nhằm bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của người dân. Bên cạnh đó, cần phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm cho việc tôn trọng và bảo vệ quyền được thông tin của người dân. Việc vi phạm quyền được thông tin của công dân thường bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính và bồi thường thiệt hại do tính chất, mức độ gây hậu quả của nó. Tuy nhiên, việc vi phạm này cũng có thể bị xử lý hình sự nếu xâm phạm vào các quan hệ pháp luật được luật hình sự bảo vệ. Bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của người dân thông qua phương thức này được thể hiện ở một số nội dung sau: (i) Quy định cụ thể các hành vi vi phạm với tính chất, mức độ cụ thể tương ứng với các chế tài; (ii) Thực hiện việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm bằng các chế tài tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm của hành vi; và (iii) Thực hiện việc thi hành các quyết định xử lý, trong đó bao gồm cả việc khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị xâm hại. Việc thực hiện xử lý các vi phạm quyền được thông tin của người dân được thực hiện bởi các chủ thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ hành vi vi phạm. Với mỗi thủ tục có những nguyên tắc, trình tự, thủ tục riêng biệt (thủ tục hành chính, thủ tục tư pháp,…). Và để bảo đảm việc xử lý các vi phạm được đúng đắn, khách quan thì công khai, minh bạch và bảo đảm quyền được thông tin của công dân trong chính quá trình xử lý các vi phạm về vấn đề này cũng cần được đặt ra.
Hiện nay, theo xu hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền và mở rộng dân chủ, việc xử lý các hành vi vi phạm luôn được đòi hỏi thực hiện bằng thủ tục tư pháp bên cạnh thủ tục hành chính thông thường. Điều này tạo cơ hội cho việc xử lý các hành vi vi phạm một cách đúng đắn, khách quan bởi một thiết chế độc lập. Bảo đảm xử lý đúng đắn các vi phạm quyền được thông tin của người dân là một trong những bảo đảm quan trọng, giúp cho các chủ thể có liên quan khi thực hiện thực sự tôn trọng và thực hiện đúng đắn các quy định về vấn đề này.
Thứ năm, giám sát việc thực hiện quyền được thông tin
Giám sát là một phương diện hoạt động quan trọng trong quản lý của bất kỳ chủ thể nào. Giám sát nhằm theo dõi, xem xét và phát hiện những vi phạm của chủ thể bị giám sát trong việc tuân thủ, thực hiện đúng các quy định đề ra. Trong quản lý nhà nước, giám sát là một hoạt động của quản lý, giúp thủ trưởng cơ quan nắm được việc chấp hành của các cán bộ, công chức trong bộ máy hay giúp cơ quan cấp trên nắm bắt được các kết quả hoạt động của cơ quan cấp dưới, qua đó sẽ kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm nếu có.
Trong thực hiện pháp luật nói chung và trong việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân nói riêng, giám sát là một nội dung quan trọng, cần thiết. Việc giám sát giúp cho việc tổ chức thực hiện quyền được đúng đắn, tránh việc xâm phạm tới các quyền cơ bản của công dân. Thông thường, hoạt động giám sát được thực hiện bởi hai phương thức, giám sát mang tính quyền lực nhà nước và giám sát xã hội. Mỗi loại hình giám sát đều có những ưu điểm và những mặt hạn chế nhất định. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà nước đều thiết kế cả hai loại hình giám sát song song, trong đó, hoạt động giám sát xã hội, giám sát của cộng đồng, các tổ chức xã hội và người dân luôn có xu hướng được coi trọng, mở rộng và có tiếng nói mạnh mẽ trong việc bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.
Hệ thống các cơ quan thực hiện giám sát mang tính quyền lực nhà nước thường được giao cho các cơ quan đại diện như Quốc hội (Nghị viện), Hội đồng nhân dân, các tổ chức giám sát chuyên trách,… Việc thực hiện giám sát của các cơ quan này thường gắn với việc kiểm tra. Ở một số nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán cũng thực hiện việc giám sát hành chính hoặc giám sát tài chính. Các cơ quan này thực hiện kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, định kỳ với những phạm vi đối tượng cụ thể. Do vậy, các quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền được thông tin của người dân nói riêng cần được đề cập tới trong các chương trình, nội dung giám sát.
Giám sát xã hội là một phương thức để người dân thực hiện quyền lực nhân dân của mình. Giám sát xã hội mang tính phát hiện, tư vấn và phản biện. Các kết quả giám sát được phản ánh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý. Giám sát xã hội được thực hiện với nhiều chủ thể khác nhau, như báo chí, các tổ chức xã hội dân sự, người dân. Mỗi chủ thể thực hiện giám sát ở phạm vi khác nhau, với những đối tượng khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu hành động của mình. Giám sát xã hội có những ưu điểm lớn mà giám sát mang tính quyền lực nhà nước không có, đó là tính rộng rãi, phổ biến của hoạt động giám sát, mọi sự vi phạm của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức đều dễ bị phát hiện do quần chúng nhân dân ở khắp nơi. Với tính chất như vậy, đây là một phương thức quan trọng, hiệu quả nhằm bảo đảm cho quyền được thông tin của người dân được thực hiện.
Thứ sáu, dân chủ hóa trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đất nước
Quyền được thông tin là một quyền dân chủ, do vậy, bảo đảm quyền được thông tin không gì hiệu quả bằng việc xây dựng môi trường dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, để các quyền tự do dân chủ của người dân được thực hiện. Môi trường dân chủ và việc thực hiện các quyền con người, quyền công dân có mối quan hệ biện chứng, tương hỗ. Môi trường dân chủ là cơ sở để bảo đảm các quyền con người, quyền công dân được thực hiện và việc thực hiện các quyền con người, quyền công dân chính là các hoạt động cụ thể góp phần hình thành và xây dựng một xã hội dân chủ, một Nhà nước dân chủ.
“Thông tin là oxy của nền dân chủ”, bảo đảm quyền được thông tin của người dân chính là bảo đảm oxy cho nền dân chủ, để nền dân chủ “sống”, “tồn tại” được. Thông tin được bảo đảm là nền tảng, cơ sở để người dân thực hiện các quyền dân chủ của mình. Một xã hội dân chủ được hiểu là xã hội bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, các quyền tự do, dân chủ được bảo đảm thực hiện, trong đó có quyền được thông tin của người dân. Khi xây dựng một Nhà nước dân chủ, người dân được tham gia một cách sâu rộng vào quá trình hình thành, vận hành bộ máy nhà nước và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, được bảo đảm những quyền tự do về thân thể, chỗ ở, tư tưởng,…
Một xã hội dân chủ, các quyền của người dân được đề cao và các hoạt động của cơ quan nhà nước đều nhằm bảo đảm thực hiện các quyền của người dân. Nhà nước tạo các cơ chế để bảo đảm thực hiện các quyền của người dân, bằng việc quy định trách nhiệm, các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể cho các cơ quan nhà nước, cho cán bộ, công chức bên cạnh các quyền và nghĩa vụ của người dân. Người dân được sử dụng những công cụ pháp lý để bảo vệ các quyền tự do dân chủ của mình khi bị xâm hại. Thực hiện dân chủ trên các mặt của đời sống xã hội tạo sự dân chủ một cách đồng bộ, toàn diện, không có “khoảng tối” cho sự lạm quyền, lợi dụng quyền hạn để trục lợi. Dân chủ trên tất cả các mặt của đời sống xã hội giúp cho người dân tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, qua đó, thực hiện việc tiếp cận thông tin về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước một cách đầy đủ và toàn diện.
ThS. Trần Văn Long