Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, một số văn bản luật về tài chính - ngân hàng đã được Quốc hội thông qua và triển khai trong thời gian dài. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về tài chính cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Qua quá trình rà soát, tổng kết, đánh giá, Bộ Tài chính đã xác định có 07 Luật cần sửa đổi, bổ sung một số điều gồm: Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà Nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Dự thảo Luật gồm 09 Điều, cụ thể: Điều 1 sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Điều 2 sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán; Điều 3 sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập; Điều 4 sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước; Điều 5 sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Điều 6 sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế; Điều 7 sửa đổi, bổ sung Luật Dự trữ quốc gia; Điều 8 hiệu lực thi hành; Điều 9 quy định chuyển tiếp và quy định chi tiết.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, cụ thể:
Đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng, việc xác định tính chính xác, trung thực, đầy đủ và hợp lệ của các tài liệu, thông tin trong hồ sơ trên thực tiễn là rất khó, mặt khác việc chứng minh tổ chức phát hành, niêm yết, đăng ký giao dịch và tổ chức, cá nhân có liên quan có hành vi gian lận, cố tình che giấu thông tin lại chưa có hướng dẫn rõ ràng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 9a trong khoản 1 Điều 1 Dự thảo Luật theo hướng quy định “tổ chức tư vấn hồ sơ có trách nhiệm giám sát, kiểm tra các thông tin trong hồ sơ, chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác, trung thực, đầy đủ và hợp lệ của các tài liệu, thông tin tại hồ sơ trừ trường hợp bị phát hiện cố ý phối hợp với tổ chức phát hành niêm yết đăng ký giao dịch và tổ chức, cá nhân có liên quan để che giấu thông tin”. Đối với quy định về trách nhiệm của các tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được quy định tại khoản 4 Điều 9a trong khoản 1 Điều 1 Dự thảo Luật, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét bỏ quy định về việc tổ chức kiểm toán chịu trách nhiệm về tính hợp lý của các số liệu dự báo, ước tính về tình hình tài chính của tổ chức phát hành do không phù hợp với thực tiễn.
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng quy định cho các đơn vị sự nghiệp công lập nên tự chủ trong việc thực hiện đề án sử dụng tài sản công, đồng thời, trao quyền giám sát cho các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện. Bên cạnh đó, đại diện VCCI cũng cho rằng, các quy định liên quan đến trái phiếu tại Luật Chứng khoán cần phải được cân nhắc trong tổng thể và có quy trình chuyển dịch từng bước nhằm đảm bảo tính ổn định.
Đại diện Kiểm toán nhà nước cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định về khái niệm tài sản công vào Dự thảo, bởi, khái niệm này theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành chưa thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp. Đối với Luật Quản lý thuế, đại biểu cho rằng, nội dung khoản 1 Điều 6 Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 5 quy định về trách nhiệm của công chức thuế chưa bao quát do nội dung này cũng liên quan đến trách nhiệm của công chức hải quan. Tuy nhiên, quy định tại Dự thảo Luật lại không có đối tượng này.
Phát biểu kết luận phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao tiến độ chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia của cơ quan chủ trì soạn thảo. Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, đồng thời rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024...
Bên cạnh đó, để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số nội dung như: Đối với Luật Chứng khoán, cần phải quy định về trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đồng thời cũng cần có cơ chế kiểm soát, minh bạch thông tin về các doanh nghiệp phát hành, huy động vốn thông qua trái phiếu; đối với Luật Quản lý thuế, cần nghiên cứu các nội dung để tránh tăng gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp và rà soát lại các quy định về thời hiệu; đối với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cần rà soát lại các thủ tục hành chính...
Thùy Dung