Hiện nay, tại Việt Nam chưa có một quy định pháp luật nào có hệ thống và đề cập rõ ràng đến lĩnh vực phần mềm kỹ thuật số. Mặc dù thuật ngữ bản quyền phần mềm kỹ thuật số chưa được pháp luật định nghĩa nhưng nó đã và đang được sử dụng dưới nhiều nghĩa khác nhau với nội hàm hẹp và chưa đầy đủ. Việc giới hạn này (như chỉ giới hạn trong thuật ngữ “chương trình máy tính”) sẽ bỏ qua nhiều đối tượng cần và đang được điều chỉnh tương tự bởi pháp luật về sở hữu trí tuệ. Sử dụng sai thuật ngữ có thể dẫn đến những tranh chấp không đáng có giữa chủ sở hữu phần mềm, tác giả phần mềm và người sử dụng phần mềm. Do đó, việc đặt ra khái niệm “phần mềm kỹ thuật số” là vô cùng cần thiết. Còn về vấn đề bảo hộ bản quyền phần mềm kỹ thuật số, thì việc bảo hộ theo quyền tác giả, bí mật kinh doanh, theo sáng chế hay được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu cũng đều bộc lộ những điểm bất cập, cần phải bàn lại. Vậy việc bảo hộ phần mềm kỹ thật số nên chọn theo loại quyền sở hữu trí tuệ nào và có giải pháp gì cho vấn đề này? Để có được câu trả lời, bạn đọc có thể tham khảo bài viết: “Bảo hộ bản quyền phần mềm kỹ thuật số theo pháp luật Việt Nam” của tác giả ThS. Nguyễn Chí Tùng, được đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật định kỳ số tháng 9 (270) năm 2014. Trong đó, những nội dung chính được đề cập như: Khái niệm bản quyền phần mềm kỹ thuật số; bảo hộ phần mềm kỹ thuật số theo loại quyền sở hữu trí tuệ nào (nêu và phân tích rõ những bất cập của từng loại); và đề xuất một số giải pháp bảo hộ bản quyền phần mềm kỹ thuật số.
Ngô Huyền