Abstract: Protection of Intellectual Property Rights is one of the important topics in the framework of the recent negotiations of free trade agreements, especially the Trans-Pacific Partnership (TPP). As one of the new generation trade agreements signed by 12 countries, including highly developed countries, the Trans-Pacific Partnership provides high standards of protection, particularly regarding the protection and enforcement of copyright in the digital environment and the internet. The article makes comparisons with respect to provisions on copyright protection in the Trans-Pacific Partnership and intellectual property law in Vietnam, and through which the author analyzes challenges for copyright protection in Viet Nam.
Trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, Điều 18.7 Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) yêu cầu các thành viên phải phê chuẩn hoặc gia nhập Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) về quyền tác giả (The WIPO Copyright Treaty - WCT năm 1996) và Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn, bản ghi âm (The WIPO Performances and Phonograms Treaty - WPPT). Đây là hai điều ước quốc tế đa phương nhằm cập nhật sự phát triển của lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan do tác động của internet. Mặc dù, Việt Nam chưa tham gia hai điều ước này, nhưng trong thời gian qua, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đã dự liệu và có những sửa đổi thích hợp. Cụ thể, để đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả trong thời đại kỹ thuật số, khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 đã giải thích hành vi sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả bản sao dưới hình thức điện tử. Với quy định này, hành vi sao chép tác phẩm được hiểu không chỉ là việc tạo ra bản sao dưới hình thức vật chất hữu hình, mà nó còn thể hiện dưới hình thức điện tử.
Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan (Nghị định số 100/2006/NĐ-CP) cũng có những quy định sửa đổi liên quan đến việc biểu diễn, sao chép, phân phối, truyền đạt tác phẩm để phù hợp với việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường internet.
2. Mối quan hệ giữa quyền của tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm
Điều 18.58, Điều 18.59, Điều 18.60 TPP nhấn mạnh độc quyền của tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm đối với việc cho phép hoặc cấm sao chép, truyền đạt, phân phối tác phẩm, cuộc biểu diễn và bản ghi âm của mình. Theo Điều 18.61 TPP thì trường hợp sử dụng tác phẩm có trong bản ghi âm cần phải được sự cho phép của cả tác giả, người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm. Điều đó có nghĩa là quyền của các chủ thể này liên quan đến bản ghi âm là ngang nhau, không ai được ưu tiên hơn ai.
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 của Việt Nam chỉ ghi nhận các quyền độc lập của tác giả (Điều 20), người biểu diễn (Điều 29), nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình (Điều 30). Vì vậy, có thể dẫn đến cách hiểu là khi một chủ thể sử dụng bản ghi âm thì chỉ cần sự cho phép của nhà sản xuất bản ghi âm, không phải xin phép người biểu diễn hay tác giả. Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình để phát sóng; sử dụng bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động kinh doanh, thương mại thì không phải xin phép nhưng phải trả nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với những chủ thể thường xuyên sử dụng bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động kinh doanh của họ, không áp dụng đối với những trường hợp sử dụng khác.
Điều 26 và Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm, quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Đây là ngoại lệ dành riêng cho những trường hợp mà do đặc thù của lĩnh vực hoạt động, những chủ thể này thường xuyên sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình để phục vụ nhu cầu giải trí của công chúng như: Các tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm, bản ghi để phát sóng; các chủ thể sử dụng bản ghi âm trong hoạt động kinh doanh, thương mại như vũ trường, nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, các trang web nhạc... Để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể này trong quá trình sử dụng tác phẩm, quyền liên quan, pháp luật quy định họ không phải xin phép tác giả, chủ thể của quyền liên quan nhưng vẫn phải trả nhuận bút, thù lao khi sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về những quy định của Điều 33. Cụ thể, theo Điều 33 thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong các trường hợp: (i) Nhằm mục đích thương mại để phát sóng; (ii) Trong hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại thì không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho “tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng”. Vấn đề khúc mắc ở đây là người sử dụng sẽ phải trả tiền cho tất cả các chủ thể được liệt kê ở đây hay chỉ một hoặc một số chủ thể?
Theo pháp luật sở hữu trí tuệ, thì có hai loại tác giả: (i) Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả sẽ có tất cả các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm; (ii) Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả chỉ được hưởng các quyền nhân thân tuyệt đối như quyền đặt tên, đứng tên, bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm. Tương tự như vậy, theo Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, có hai loại người biểu diễn: (i) Người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư sẽ là chủ sở hữu cuộc biểu diễn và có các quyền nhân thân và tài sản đối với cuộc biểu diễn; (ii) Người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì chỉ có các quyền nhân thân đối với cuộc biểu diễn, còn chủ đầu tư có các quyền tài sản. Nếu theo Điều 29 thì trong trường hợp người biểu diễn không phải là chủ đầu tư thực hiện cuộc biểu diễn thì họ chỉ có các quyền nhân thân đối với cuộc biểu diễn. Chủ đầu tư sẽ có các quyền tài sản, trong đó có quyền định hình, sao chép phát sóng bản ghi cuộc biểu diễn. Tuy nhiên, nếu theo quy định của Điều 33 thì cả người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi đều được trả thù lao khi bản ghi được phát sóng hoặc được sử dụng trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Quy định chồng chéo và mâu thuẫn trong Điều 29 và Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay gây ra nhiều tranh luận cũng như tranh chấp trên thực tế. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng cần bổ sung quy định làm rõ mối quan hệ giữa quyền của tác giả với người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm như quy định của Điều 18.61 TPP.
3. Các giới hạn và ngoại lệ trong bảo hộ quyền tác giả
Điều 18.66 TPP nhấn mạnh các bên phải nỗ lực để đạt được sự cân bằng thích hợp, “bao gồm cả những giới hạn và ngoại lệ trong môi trường số, xem xét cẩn trọng các mục đích hợp pháp như: Phê bình, bình luận, đưa tin, giảng dạy, học tập, nghiên cứu, và các mục đích tương tự khác”. So với các trường hợp giới hạn quyền tác giả (Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ) và các trường hợp giới hạn quyền liên quan (Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ), có thể nhận thấy pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện nay chỉ cho phép sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức “tự sao chép một bản” nhằm mục đích “nghiên cứu khoa học của cá nhân”; “để giảng dạy” mà không đề cập tới trường hợp sao chép nhằm mục đích “học tập”.
Quy định này có thể hiểu là pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam không thừa nhận sao chép nhằm mục đích học tập thuộc trường hợp giới hạn quyền tác giả. Cách tiếp cận này có cơ sở với giả thiết nếu học sinh, sinh viên được tự do sao chép mỗi người một bản sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu… để phục vụ cho việc học tập thì sách in sẽ không bán được (vì giá thành photocopy tác phẩm chắc chắn sẽ rẻ hơn mua sách in) và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu tác phẩm trong việc khai thác tác phẩm.
Tuy nhiên, nếu cấm tuyệt đối việc sao chép tác phẩm với mục đích học tập sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu chính đáng của công chúng trong việc tiếp cận tri thức nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển với thu nhập bình quân của người dân còn thấp. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện nay cũng chưa đề cập tới vấn đề khối lượng sao chép được phép (sao chép toàn bộ hay chỉ một phần tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình).
Điều 18.66 TPP dành quyền chủ động cho các thành viên trong việc quy định những giới hạn và ngoại lệ cho trường hợp sử dụng tác phẩm với những mục đích hợp pháp, phi thương mại, bao gồm cả trường hợp sử dụng với mục đích học tập. Vì vậy, để phù hợp với quy định của TPP cũng như cân bằng trong bảo vệ quyền lợi của tác giả cũng như công chúng trong việc tiếp cận tác phẩm, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cần bổ sung trường hợp giới hạn quyền tác giả liên quan đến việc sử dụng tác phẩm với mục đích học tập, trong đó quy định cụ thể khối lượng cho phép của việc sao chép hay trích dẫn tác phẩm. Đồng thời, đối với việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số, pháp luật Việt Nam cũng cần có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn về quyền sao chép, giới hạn của quyền sao chép trong môi trường số.
4. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và mở rộng phạm vi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền
So với pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành, Điều 18.63 TPP kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm (trên cơ sở đời người) là suốt cuộc đời tác giả và 70 năm sau khi tác giả chết, trong khi Công ước Berne cũng như pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định thời hạn bảo hộ trong các trường hợp này là 50 năm sau khi tác giả chết[1].
Một điểm rất quan trọng trong Chương Sở hữu trí tuệ là TPP yêu cầu các quốc gia thành viên không chỉ bảo hộ các quyền liên quan đến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi mà cả đối với những biện pháp công nghệ mà tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi sử dụng để bảo vệ quyền của mình.
Điều 18.68 TPP yêu cầu các thành viên có các biện pháp chế tài pháp lý hiệu quả (bao gồm cả các biện pháp xử lý hình sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại) đối với những chủ thể có hành vi: (i) Làm vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ mà chủ thể quyền sử dụng để kiểm soát việc truy cập tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm của họ; (ii) Sản xuất, nhập khẩu, phân phối, chào bán, cho thuê, cung cấp thiết bị, sản phẩm, linh kiện… để vô hiệu hóa các biện pháp bảo vệ của chủ thể quyền. Điều 18.69 TPP quy định các chế tài pháp lý nhằm bảo hộ thông tin quản lý quyền, bao gồm những hành vi gỡ bỏ hoặc làm thay đổi thông tin quản lý quyền… Với những quy định này của TPP, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đã được mở rộng, không chỉ giới hạn ở hành vi xâm phạm quyền mà thậm chí đối với những hành vi xâm phạm công nghệ bảo vệ tác phẩm, hoặc xâm phạm vào các thông tin quản lý quyền.
5. Yêu cầu trong thực thi quyền tác giả, quyền liên quan
Các nguyên tắc chung đối với thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Điều 18.71 TPP kế thừa các quy định của Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPs), theo đó yêu cầu các thành viên phải bảo đảm các thủ tục thực thi quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng theo cách thức tránh không tạo ra các rào cản cho hoạt động thương mại hợp pháp và bảo đảm chống lại việc lạm dụng; bảo đảm các thủ tục thực thi được tiến hành một cách công bằng, vô tư, không gây ra sự phức tạp hay tốn kém không cần thiết, không được đưa ra những giới hạn bất hợp lý về thời gian hay trì hoãn tùy tiện; không áp đặt nghĩa vụ cho các thành viên trong việc thiết lập hệ thống cơ quan xét xử, thực thi quyền sở hữu trí tuệ khác với hệ thống cơ quan xét xử, thực thi luật chung, theo đó dành cho các quốc gia thành viên quyền lựa chọn mô hình hay cơ quan thực thi phù hợp.
Điều 18.73 TPP nhấn mạnh nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng khi yêu cầu các quyết định tư pháp cuối cùng và các quyết định hành chính có hiệu lực phải “được thực hiện bằng văn bản và nêu rõ lý do được gửi tới các bên liên quan”. So với quy định của Điều 41.3 Hiệp định TRIPs, việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong TPP đã nâng cao hơn khi yêu cầu các văn bản này phải được công bố hoặc đăng tải dưới hình thức khác (trên internet) để công chúng có thể tiếp cận được quyết định đó. Đây là yêu cầu nhằm bảo đảm nguyên tắc “công khai, minh bạch” được trú trọng trong TPP, nhưng cũng chính là điểm yếu trong khâu thực thi tại Việt Nam.
Một điểm mới của TPP là dành một “quy tắc tố tụng” riêng đối với nhãn hiệu, quyền tác giả và quyền liên quan. Để tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp và xử lý xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, Điều 18.72 TPP đưa ra nguyên tắc giả định để suy đoán về quyền, theo đó người có tên trên tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi được suy đoán là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.
6. Các chế tài xử lý hành vi vi phạm
6.1. Chế tài dân sự
- Về bồi thường thiệt hại, khoản 3 và khoản 4 TPP quy định về cách xác định thiệt hại về cơ bản là dựa trên quy định của Hiệp định TRIPs, nhằm bồi thường thỏa đáng cho chủ thể quyền. Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đã đáp ứng yêu cầu này khi đưa ra cách xác định mức thiệt hại rất linh hoạt để bảo đảm tối ưu quyền được bồi thường của bên bị xâm phạm, cụ thể: Có thể căn cứ vào thu nhập bị giảm sút của nguyên đơn; hoặc lợi nhuận mà bị đơn thu được; hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ giả định; hoặc do Tòa án ấn định tùy thuộc vào mức độ thiệt hại. So với quy định của Hiệp định TRIPs và Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, thì TPP đưa ra một vấn đề mới trong xác định khoản bồi thường là “dựa trên giá thị trường” của hàng thật hoặc “theo giá bán lẻ được đề xuất” của chủ thể quyền. Đây là đề xuất nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của bên bị xâm phạm. TPP cũng nhấn mạnh yêu cầu liên quan đến bồi thường thiệt hại do các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, theo đó các thành viên “phải thiết lập hoặc duy trì một hệ thống quy định các khoản bồi thường để chủ thể quyền có thể lựa chọn” và “các khoản bồi thường thiệt hại bổ sung” đủ để bảo đảm “bù đắp cho chủ thể quyền những thiệt hại gây ra bởi hành vi xâm phạm và với mục tiêu răn đe những hành vi xâm phạm trong tương lai” (khoản 6, 7, 8 Điều 18.74);
- Về thực thi chế tài dân sự trong môi trường số, khoản 17 Điều 18.74 nhấn mạnh các chế tài dân sự như thu giữ, buộc bồi thường thiệt hại, buộc trả chi phí Tòa án và các chi phí khác, buộc tiêu hủy thiết bị và sản phẩm liên quan đến hành vi xâm phạm được áp dụng đối với những hành vi vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền (TPM) và xâm phạm thông tin quản lý quyền (RMI). So với các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ trước đây, vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong TPP được tăng cường ở mức độ rất cao, đặc biệt đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số.
6.2.Chế tài hình sự
- Về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan bị truy cứu trách nhiệm hình sự, so với chuẩn mực của Hiệp định TRIPs và Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) mà Việt Nam đã tham gia, yêu cầu xử lý hình sự trong TPP đã vượt xa khi quy định bổ sung một loạt các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cụ thể: Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm đến bảo hộ tín hiệu cáp và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; hành vi sao chép trái phép các tác phẩm điện ảnh từ buổi chiếu phim trong rạp…;
- Về yếu tố cấu thành tội phạm, theo Điều 61 Hiệp định TRIPs và Điều 170a Bộ luật Hình sự Việt Nam (sửa đổi năm 2009), hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với lỗi cố ý và với quy mô thương mại. So với quy định của Hiệp định TRIPs hay Bộ luật Hình sự Việt Nam, quy định của TPP đã hạ thấp yếu tố cấu thành tội phạm đối với các tội danh xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, theo đó hành vi xâm phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm và truy cứu trách nhiệm hình sự khi chỉ cần có một trong hai yếu tố: (i) Nhằm đạt lợi thế thương mại hoặc thu lợi bất chính; (ii) Hành vi dù không nhằm đạt lợi thế thương mại hoặc thu lợi tài chính nhưng gây hại một cách đáng kể tới lợi ích của chủ thể quyền trên thị trường (khoản 1 Điều 18.77).
Cho đến thời điểm hiện nay, các quốc gia tham gia TPP bao gồm cả Việt Nam đang trong quy trình xem xét để phê chuẩn thông qua các nội dung của TPP và TPP chỉ chính thức có hiệu lực với các nước phê chuẩn. Đối với Việt Nam - là nước chịu nhiều tác động do các yêu cầu rất cao trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của TPP, thì được dành cho một thời gian chuyển tiếp (tính từ thời điểm TPP có hiệu lực), cụ thể, những cam kết về việc gia nhập các Công ước về sở hữu trí tuệ (đối với Việt Nam là WCT và WPPT) và yêu cầu về sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan (bao gồm cả trong môi trường số), các yêu cầu liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ… thời hạn tối đa là 03 năm - một thời hạn quá ngắn và gấp rút cho việc sửa đổi pháp luật. Như vậy, Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung, pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng, cũng như cơ chế vận hành, thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Tòa án nhân dân Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh
[1]. Khoản 1 Điều 7 Công ước Berne, Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.