Tác động tích cực: Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam phải cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với 97% số dòng thuế của biểu ATIGA trước năm 2018. Từ ngày 01/01/2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết ATIGA. Còn khoảng 7% dòng thuế, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN chưa cắt giảm ngay về 0% trong năm 2015 mà thực hiện dần đến năm 2018[1]. Như vậy, đến năm 2018, hàng rào thuế quan bị rỡ bỏ hoàn toàn đối với hầu hết hàng hóa của các nước ASEAN (trừ 3% số dòng thuế của biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan (bao gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm được phép duy trì thuế suất ở mức 5%: Gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thị chế biến, đường)[2]. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa quý I/2016 của Việt Nam từ các nước ASEAN đạt 5,39 tỷ USD, chiếm 14,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong đó nhập khẩu chủ yếu từ các nước như Thái Lan, Singapore và Malaysia[3]... Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam đã và đang ủng hộ, sử dụng hàng hóa của các nước trong khối Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đặc biệt là hàng hóa của Thái Lan, Singapore, Malaysia... bởi chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và giá cả phù hợp với đại đa số người tiêu dùng Việt Nam. Thêm vào đó, hiện nay, hàng hóa Việt Nam thiếu sức cạnh tranh do yếu kém về trình độ công nghệ, giá cả, chất lượng..., tất yếu dẫn đến xu hướng thị trường Việt Nam sẽ là nơi tiêu thụ hàng hóa công nghiệp cho các quốc gia nội khối. Tuy nhiên, dưới góc độ tiêu dùng, thì người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi từ điều này, họ có thêm nhiều sự lựa chọn đối với sự đa dạng của hàng hóa, dịch vụ về chủng loại, chất lượng, số lượng và giá cả. Để cạnh tranh và nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, phải lắng nghe, quan tâm và “chăm sóc” người tiêu dùng tốt hơn. Bởi lẽ, suy cho cùng, người tiêu dùng sẽ quyết định số phận của doanh nghiệp, của nhà cung cấp sản phẩm, hàng hóa.
Tác động tiêu cực: Người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng những hàng hoá, dịch vụ với công nghệ cao, hiện đại từ các quốc gia phát triển thậm chí xa lạ với truyền thống tiêu dùng của mình. Điều đó cũng có nghĩa là người tiêu dùng Việt Nam sẽ không có nhiều thông tin và thiếu cơ hội kiểm chứng về giá trị sử dụng của sản phẩm tiêu dùng. Vì vậy, nếu chỉ với kinh nghiệm, trình độ và sự cảm nhận không thông qua sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật, hay quảng cáo, đặc biệt khi sử dụng thương mại điện tử, người tiêu dùng Việt Nam tự mình khó có thể đánh giá đúng được giá trị, chất lượng, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ, khó nhận biệt, phát hiện được những khuyết tật của chúng.
Hơn nữa, mặc dù, kể từ ngày 01/01/2016, 10 quốc gia thành viên ASEAN đã cùng chung một nền tảng thị trường và sản xuất, tuy nhiên, mối liên kết cộng đồng này vẫn chỉ là hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực về sự tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và di chuyển lao động, mà chưa hình thành các cơ quan, cơ chế, quy tắc pháp lý thống nhất về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong ASEAN. Bên cạnh đó, các quốc gia trong thị trường chung chưa có sự thống nhất về các nguyên tắc và tư duy pháp lý căn bản do hệ thống pháp luật của các quốc gia được hình thành theo những truyền thống pháp luật khác nhau. Đây là sự khó khăn trong việc thực thi pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp quyền lợi của họ bị xâm phạm do sử dụng hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân có trụ sở ngoài lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới.
2. Quyền được bồi thường thiệt hại của người tiêu dùng Việt Nam đối với quan hệ tiêu dùng trong nước đối với hàng nhập khẩu
Bồi thường thiệt hại là trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, khôi phục tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Khoản 6 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam năm 2010 ghi nhận: Người tiêu dùng được quyền “yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng. Với quy định của pháp luật hiện hành, chủ thể được bồi thường thiệt hại là người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng bao gồm hai nhóm: Người tiêu dùng có quan hệ hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng không có quan hệ hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đối với người tiêu dùng có quan hệ hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh, khi bị thiệt hại do hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết, có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về tổ chức, cá nhân kinh doanh có quan hệ hợp đồng với người tiêu dùng và là trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 có sự khác biệt so với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, để được bồi thường thiệt hại, Bộ luật Dân sự năm 2005 yêu cầu có 04 yếu tố, bao gồm: (i) Có hành vi vi phạm hợp đồng; (ii) Có thiệt hại; (iii) Có lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh; (iv) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm. Tuy nhiên, khi ban hành Bộ luật Dân sự năm 2015, các nhà làm luật đã loại bỏ yếu tố lỗi ra khỏi căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Lỗi chỉ là căn cứ để xác định mức bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể. Phạm vi thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại vật chất và cả thiệt hại về tinh thần. Trường hợp người tiêu dùng có những thiệt hại ngoài hợp đồng, vẫn có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại đó cho mình. Cách thức yêu cầu bồi thường thiệt hại là người tiêu dùng có thể tự mình gửi yêu cầu đến tổ chức cá nhân kinh doanh; thông qua tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đưa ra trọng tài thương mại (nếu có thỏa thuận trọng tài) hoặc khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Luật áp dụng trong trường hợp này sẽ là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam.
Để bảo vệ người tiêu dùng, để người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận công lý, thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại một cách thuận lợi nhất, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã quy định đảo nghĩa vụ chứng minh cho tổ chức cá nhân kinh doanh, theo đó, tổ chức cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, quy định này hiện nay không còn phù hợp. Bởi lẽ, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã “gỡ bỏ” yếu tố lỗi ra khỏi các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trong hợp đồng và cả ngoài hợp đồng) đối với các quan hệ dân sự. Do vậy, cần bỏ các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 liên quan đến nghĩa vụ chứng minh tồn tại lỗi của tổ chức cá nhân kinh doanh tại Điều 40 và Điều 42.
Bên cạnh quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 6 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng Việt Nam còn có quyền yêu cầu tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật. Đây được xem là trách nhiệm sản phẩm nghiêm ngặt. Trường hợp này, cả người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh không hề có lỗi, hàng hóa được sản xuất đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, nhưng có thiệt hại phát sinh, vậy ai sẽ là người gánh chịu tổn thất, thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra? Dựa trên lý thuyết phân chia rủi ro và ưu tiên bảo vệ người yếu thế, thì ai có tiềm lực tài chính mạnh hơn sẽ là người gánh chịu thiệt hại. Vì lẽ đó mà tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật của hàng hóa. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, một trong những nguyên tắc của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng không xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và phải cân bằng lợi ích giữa các bên. Tuy nhiên, sẽ rất bất công đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh nếu trong mọi trường hợp họ đều phải chịu trách nhiệm tất cả những thiệt hại mà họ không có lỗi và đã tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thế nên pháp luật đã có quy định loại trừ. Trường hợp tổ chức cá nhân kinh doanh chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng thì họ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã liệt kê các tổ chức, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa; tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, tuy nhiên, lại không xác định đích danh thứ tự “ưu tiên” tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vấn đề đặt ra, khi bị thiệt hại, người tiêu dùng sẽ yêu cầu chủ thể nào chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho mình? Với quy định của pháp luật hiện hành, về mặt ngôn ngữ và tư duy lôgíc, ta có thể hiểu rằng, chủ thể đầu tiên chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng chính là tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa. Trường hợp, không xác định được tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Tiếp theo, nếu không xác định được tổ chức, cá nhân nào nhập khẩu thì tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Cuối cùng, nếu không thể xác định được ba chủ thể nói trên thì tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.
Vấn đề đặt ra là, nếu hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng là hàng hóa được sản xuất trong nước, thì người tiêu dùng khá dễ dàng và nhanh chóng trong việc yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất bồi thường thiệt hại cho mình. Tuy nhiên, cũng khó để người tiêu dùng yêu cầu đích danh chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bởi lẽ: (i) Trường hợp hàng hóa được sản xuất bởi nhiều nhà sản xuất, mỗi nhà sản xuất phụ trách một công đoạn khác nhau, vậy nhà sản xuất nào chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng? Tổ chức cá nhân sản xuất công đoạn đầu tiên, công đoạn giữa hay công đoạn cuối cùng? (ii) Trường hợp một hàng hóa được nhập khẩu về Việt Nam dưới dạng bán thành phẩm rồi tiếp tục được hoàn thiện thành sản phẩm, thì ai là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nhà sản xuất thành phẩm hay nhà sản xuất bán thành phẩm?
Đối với hàng hóa nhập khẩu, khi sử dụng hàng hóa nhập khẩu và bị thiệt hại, theo chuỗi ưu tiên trách nhiệm đã đề cập ở trên, người tiêu dùng sẽ phải yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa có khuyết tật bồi thường thiệt hại cho mình. Đây là vấn đề thật sự khó khăn đối với người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài sự yếu thế vốn có của người tiêu dùng đối với tổ chức cá nhân kinh doanh nói chung, tình trạng bất lợi, yếu thế càng sâu sắc và trầm trọng hơn trong việc yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa bồi thường thiệt hại cho mình khi tổ chức cá nhân này có trụ sở nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Khoảng cách địa lý, bất đồng ngôn ngữ, khả năng tài chính và sự am tường về các chuẩn mực pháp lý chính là rào cản không thể vược qua để người tiêu dùng Việt Nam có thể được bồi thường thiệt hại bởi tổ chức cá nhân sản xuất nằm bên kia biên giới.
Dưới góc độ pháp lý, quan hệ tiêu dùng giữa người tiêu dùng Việt Nam và tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa có khuyết tật chịu sự điều chỉnh bởi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho dù tổ chức, cá nhân sản xuất này không có trụ sở ở Việt Nam. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì người tiêu dùng có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi mình cư trú, làm việc hoặc có trụ sở tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nằm ở việc thực thi bản án, phán quyết của Tòa án đã có hiệu lực trong trường hợp người tiêu dùng được bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra, vì hiện nay giữa Việt Nam và các nước trong AEC chưa có đủ các hiệp định tương trợ tư pháp để công nhận và thực thi các bản án, phán quyết của Tòa án Việt Nam.
Như đã biết, mặc dù Cộng đồng kinh tế ASEAN đã chung một thị trường hàng hóa, dịch vụ kể từ ngày 31/12/2015, nhưng chưa có một khung pháp lý chung trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để thực hiện chính sách bảo vệ người tiêu dùng trong ASEAN, thì Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng ASEAN (ACCP) đã được thành lập vào tháng 8/2007. ACCP và ba nhóm công tác với công việc trọng tâm là thiết lập và giám sát các cam kết khu vực cũng như cơ chế thúc đẩy lợi ích của người tiêu dùng trong AEC[4]. Theo đó, kế hoạch hành động của ACCP từ 2016 - 2025 bao gồm: Thành lập một khuôn khổ chung về bảo vệ người tiêu dùng ASEAN; đảm bảo nâng cao mức độ nhận thức và trao quyền cho người tiêu dùng; nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với AEC và các giao dịch thương mại xuyên biên giới; lồng ghép các vấn đề về người tiêu dùng trong các chính sách khác của ASEAN; đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong các lĩnh vực tài chính, thương mại điện tử, vận tải hàng không, năng lượng và viễn thông[5]. Như vậy, cho đến năm 2025 sẽ không có một khung pháp lý chung nào của AEC về bảo vệ người tiêu dùng trong ASEAN. Ở mức độ cao nhất trong chương trình hành động bảo vệ người tiêu dùng của ACCP là xây dựng cơ chế giải quyết khiếu nại được thành lập ở các nước ASEAN vào năm 2020 và cơ chế giải quyết khiếu nại trực tuyến được thành lập ở các nước ASEAN vào năm 2025[6]. Theo cơ chế này, khi người tiêu dùng của nước A cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh của nước B (trụ sở của tổ chức cá nhân kinh doanh nằm ngoài lãnh thổ của nước A), thì người tiêu dùng có thể chuyển yêu cầu khiếu nại của mình đến tổ chức cá nhân kinh doanh thông qua một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng của ACCP có văn phòng tại nước có trụ sở của tổ chức cá nhân kinh doanh. Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ theo dõi và thúc đẩy việc tổ chức cá nhân kinh doanh giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng.
Tóm lại, vẫn chưa có một cơ chế pháp lý được bảo đảm bởi sự cưỡng chế của Nhà nước cũng như AEC nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp người tiêu dùng Việt Nam bị thiệt hại do sử dụng hàng hóa nhập khẩu của tổ chức cá nhân kinh doanh có trụ sở ngoài biên giới Việt Nam.
3. Quyền được bồi thường thiệt hại của người tiêu dùng Việt Nam đối với giao dịch xuyên biên giới
Theo kết quả khảo sát của Bain& Company và Google, đến năm 2020 doanh số bán lẻ trực tuyến tại ASEAN có thể đạt mức 70 tỷ USD mặc dù mức hiện tại chỉ là 6 tỷ USD[7]. Dự báo này có khả năng trở thành hiện thực, bởi lẽ số lượng người tiêu dùng tiếp cận với internet gia tăng trong một thị trường không bị giới hạn bởi hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Trong xu hướng phát triển chung, người tiêu dùng Việt Nam đã, đang và sẽ xác lập, thực hiện các giao dịch xuyên biên giới trong AEC là tất yếu.
Chẳng hạn, khi người tiêu dùng Việt Nam giao kết hợp đồng hoặc sử dụng hàng hóa của tổ chức cá nhân ở Thái Lan, mà xảy ra thiệt hại, người tiêu dùng Việt Nam sẽ yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đây là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong trường hợp này, vấn đề xác định luật áp dụng để giải quyết tranh chấp này là rất khó khăn. Theo khoản 2 Điều 664 Bộ luật Dân sự năm 2015, chỉ khi điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật Việt Nam có quy định các bên có quyền chọn luật thì luật áp dụng cho quan hệ này được xác định theo sự lựa chọn của các bên. Tuy nhiên, đó chỉ là khả năng lựa chọn để khước từ áp dụng pháp luật của một quốc gia cụ thể. Vì vậy, khi không có khả năng thỏa thuận thì luật áp dụng sẽ được thực hiện theo nguyên tắc pháp lý chung theo tư pháp quốc tế. Nói khác đi, khi không có khả năng lựa chọn pháp luật áp dụng cho một quan hệ pháp luật “xuyên biên giới”[8] thì pháp luật nội dung, đặc biệt là tố tụng của Việt Nam vẫn có thể được áp dụng cho quan hệ bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng Việt Nam.
Vì vậy, về phương diện pháp luật tố tụng, theo nguyên tắc về xác định thẩm quyền của Tòa án của nơi xảy ra thiệt hại, trong trường hợp cụ thể, nếu không có thỏa thuận gì khác trong hợp đồng, thì Tòa án Việt Nam sẽ là nơi có thẩm quyền xét xử tranh chấp về bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam và như thế, bên cung cấp sản phẩm hàng hóa sẽ là bị đơn tại Tòa án Việt Nam. Vấn đề còn lại khó khăn chỉ còn là vấn đề thi hành án nếu Việt Nam và quốc gia nước ngoài đó không ký kết một hiệp định tương trợ tư pháp. Trong khi, trên thực tế, Việt Nam và các quốc gia ASEAN hầu như chưa ký kết các hiệp định loại này. Lúc đó, việc (cưỡng chế) thi hành án được thực hiện theo nguyên tắc “có đi có lại” giữa hai quốc gia. Hy vọng cuối cùng còn lại sẽ là việc phát hiện sự hiện diện (thương mại) của bên nước ngoài đó tại Việt Nam để có cơ hội cưỡng chế thi hành án theo pháp luật tố tụng dân sự và thi hành án của Việt Nam.
Sẽ là khác đi nếu trong hợp đồng các bên thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài thương mại ở Việt Nam (hoặc ở nước ngoài), thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về tổ chức trọng tài mà các bên đã lựa chọn theo pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động của tổ chức đó. Trong trường hợp này, việc thi hành phán quyết của trọng tài sẽ thuận lợi hơn vì Việt Nam và các nước trong khối ASEAN đều tham gia Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Lúc đó, cơ quan thi hành án quốc gia có thể cưỡng chế yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Những nguyên lý trên đây được áp dụng thống nhất cho cả hai phương thức ký kết hợp đồng là phương thức ký kết trực tiếp hay ký kết thông qua hợp đồng điện tử. Đó là những khó khăn trong việc thực thi pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp quyền lợi của họ bị xâm phạm do sử dụng hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân có trụ sở ngoài lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới.
4. Kiến nghị
Từ những phân tích trên đây, tác giả xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
Một là, cần bãi bỏ yếu tố lỗi ra khỏi các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng được thể hiện tại Điều 40 và Điều 44 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Hai là, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam trong trường hợp sử dụng hàng hóa nhập khẩu, pháp luật Việt Nam nên quy định có lợi cho người tiêu dùng, theo đó, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bất kỳ ai trong chuỗi trách nhiệm tại Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 bồi thường thiệt hại cho mình.
Ba là, trong trường hợp AEC chưa có các hiệp định hay điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp trong nội khối, Việt Nam cần nhanh chóng ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia là thành viên AEC để có thể công nhận và thực thi các bản án, phán quyết của Tòa án Việt Nam trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của người tiêu dùng Việt Nam.
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. Http://vcci.com.vn/cong-dong-kinh-te-asean-khi-hang-rao-thue-quan-duoc-go-bo.
[2]. Xem thêm: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
[3]. Http://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/ViewDetails.aspx?.
[4]. Http://www.aseanconsumer.org/accp/index.php?r=portal/article&id=59.
[5]. Http://www.aseanconsumer.org/accp/index.php?r=portal/article&id=53.
[6]. Biên bản họp ACCP từ ngày 16 -18/5/2016 tại Xiêm Riệp, Campuchia.
[7]. Http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/thuong-mai-dien-tu/thuong-mai-dien-tu-asean-co-the-dat-70-ty-usd-trong-5-nam-toi-3406666.html.
[8]. Trong trường hợp hàng hóa được nhập khẩu thì quan hệ tiêu dùng trực tiếp không phải là quan hệ xuyên quốc gia. Vì nhà nhập khẩu lúc đó có “quốc tịch” Việt Nam.