1. Sự cần thiết của quy định niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng
Trong mối quan hệ mua bán, người tiêu dùng được xem là chủ thể yếu thế do khả năng tiếp cận thông tin, hạn chế trong đàm phán, tiềm lực tài chính và khả năng theo đuổi công cụ giải quyết tranh chấp. Do đó, các quy định về niêm yết giá được áp dụng bắt buộc đối với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Có thể nói, các quy định này có ý nghĩa rất lớn đối với người tiêu dùng bởi các lý do sau:
Thứ nhất, thông qua hoạt động niêm yết giá của cá nhân, tổ chức kinh doanh thì người tiêu dùng có đủ thông tin và dễ dàng so sánh giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ với nhau. Từ đó, đưa ra quyết định tiêu dùng phù hợp, tránh tình trạng mua giá quá cao so với mặt bằng chung của các loại hàng hóa, dịch vụ khác trên thị trường.
Thứ hai, đây là biện pháp hạn chế việc các tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng tình hình biến động bất thường về cung cầu, giá cả thị trường để tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng càng tăng cao thì nguồn cung hàng hóa, dịch vụ cũng cần phải tăng theo để đáp ứng nhu cầu đó. Đặc biệt đối với trường hợp cán cân cung cầu bị lệch về phía cầu, trong khi đó, nguồn cung bị hạn chế sẽ dẫn đến việc giá cả hàng hóa, dịch vụ biến động.
Thứ ba, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng khi cá nhân, tổ chức kinh doanh phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại thông qua hoạt động niêm yết giá. Khi giá cả hàng hóa, dịch vụ được công khai, người tiêu dùng sẽ có tâm thế dễ chịu hơn khi tiêu dùng, đồng thời bản thân họ cũng không cần phải trả giá hay lo ngại về số tiền mình bỏ ra khi mua hàng hóa, dịch vụ, họ hoàn toàn tự tin vào quyết định tiêu dùng của mình vì theo quy định pháp luật, giá bán ra sẽ không được thấp hay cao hơn giá niêm yết.
Thứ tư, những quy định về niêm yết giá và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng trước các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đồng thời, tác động trực tiếp đến cá nhân, tổ chức kinh doanh, buộc họ phải có ý thức và hành động đúng để người tiêu dùng bảo đảm được quyền lợi của mình.
2. Quy định của pháp luật về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh và một số hạn chế, bất cập
2.1. Quy định của pháp luật về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh
Thứ nhất, quyền được cung cấp thông tin về giá của người tiêu dùng: Bên cạnh quyền được cung cấp thông tin của người tiêu dùng được quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, quyền được cung cấp thông tin về giá được quy định cụ thể hơn tại Điều 13 Luật Giá năm 2012, theo đó, người tiêu dùng “được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về giá, chất lượng, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ”. Bên cạnh đó, quyền được cung cấp thông tin về giá bao gồm các quyền cơ bản sau: Quyền được tiếp nhận thông tin về giá; quyền tìm kiếm thông tin về giá; quyền phổ biến, chia sẻ thông tin về giá; quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả.
Thứ hai, trách nhiệm niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh: Ở nước ta, quy định về niêm yết giá được đề cập lần đầu tiên tại Điều 1 Chỉ thị số 333-TTg ngày 01/01/1980 của Thủ tướng Chính phủ về niêm yết giá: “Tất cả các cơ sở quốc doanh, các cơ sở kinh doanh công thương nghiệp tập thể và cá thể đều phải niêm yết giá bán khi đưa sản phẩm bán ra thị trường”.
Hiện nay, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ (khoản 2 Điều 12 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010). Đối với giá của hàng hóa, dịch vụ có hai loại, gồm loại do Nhà nước định giá và loại do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định.
Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì: “…tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết” (điểm a khoản 5 Điều 12 Luật Giá năm 2012). Các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bao gồm: “Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh; Tài nguyên quan trọng; Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước” (khoản 1 Điều 19 Luật Giá năm 2012).
Ngoài ra, “Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết” (điểm b khoản 5 Điều 12 Luật Giá năm 2012). Như vậy, mức giá niêm yết này sẽ do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định dựa trên các chi phí, lợi nhuận và phải bao gồm của thuế, phí (nếu có).
Bên cạnh đó, các trường hợp khuyến mại hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thì: “…phải niêm yết công khai tại nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời hạn hạ giá đối với các trường hợp sau: Hàng tươi sống; hàng hóa tồn kho; hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ; hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại theo quy định của pháp luật; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể; thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước” (khoản 6 Điều 11 Luật Giá năm 2012).
Thứ ba, địa điểm niêm yết giá: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá ở các địa điểm sau: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm); siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, ki- ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng, cung ứng dịch vụ; hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; các địa điểm khác theo quy định của pháp luật” (Điều 17 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá (Nghị định số 177/2013/NĐ-CP)). Như vậy, hầu hết các nơi diễn ra hoạt động thương mại đều phải được niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ.
Thứ tư, cách thức niêm yết giá:
- “Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền…” (khoản 1 Điều 18 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP). Các hình thức được quy định cụ thể tùy thuộc vào từng loại hàng hóa, dịch vụ mà có cách niêm yết giá cho phù hợp. Chủ yếu là phải bảo đảm các yếu tố công khai, rõ ràng, dễ quan sát, không gây nhầm lẫn cho khách hàng. Hiện nay, việc phát triển kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ qua các trang mạng rất phổ biến. Tuy nhiên, chủ thể kinh doanh qua mạng vẫn phải tuân thủ quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ.
- “Đồng tiền niêm yết giá là Đồng Việt Nam trừ trường hợp pháp luật có quy định riêng” (khoản 2 Điều 18 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP). Điều này tránh tình trạng đô la hóa, bên cạnh đó, giúp người tiêu dùng hạn chế các rủi ro so với việc niêm yết giá tự do bằng ngoại tệ.
- “Giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó” (khoản 3 Điều 18 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP). Điều này góp phần tạo nên sự minh bạch và tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về mức giá chênh lệch khi giá niêm yết chưa bao gồm thuế, phí và lệ phí kèm theo (nếu có).
2.2. Một số hạn chế, bất cập
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận từ các quy định pháp luật về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập của pháp luật liên quan đến vấn đề này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định niêm yết giá ngày càng xảy ra phổ biến.
Thứ nhất, cơ chế xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm về niêm yết giá chưa cao và chưa đủ tính răn đe. Mặc dù Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn đã bỏ hình thức phạt cảnh cáo đối với những hành vi vi phạm: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. Tuy nhiên, với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với vi phạm lần đầu của hai hành vi nêu trên thì rõ ràng với những hàng hóa, dịch vụ có giá trị lớn thì cá nhân, tổ chức kinh doanh đã thu lợi rất nhiều lần so với xử phạt, ví dụ: Đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ lưu trú, nếu đến mùa cao điểm du lịch, khi họ không niêm yết giá và thông báo cho người tiêu dùng với giá gấp đôi, gấp ba ngày thường thì với số tiền thu về chỉ một, hai phòng/ngày đã đủ để đóng phạt.
Thứ hai, cách thức niêm yết giá chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân kinh doanh bắt buộc phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng quyền bằng cách in, dán, ghi trên bảng để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, cụ thể niêm yết giá với kích thước bảng thông tin, cỡ chữ, hình ảnh, đơn vị đo lường,… như thế nào để người tiêu dùng nhận biết một cách dễ dàng thì chưa có văn bản nào quy định cụ thể.
Thứ ba, theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Luật Giá năm 2012, có sáu nhóm hàng hóa, dịch vụ được hạ giá bán mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu. Đồng thời phải niêm yết công khai tại nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời hạn hạ giá gồm: “Hàng tươi sống; hàng hóa tồn kho; hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ; hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại theo quy định của pháp luật; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể; thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước”. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 7 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ) quy định chỉ bao gồm ba nhóm hàng hóa, dịch vụ không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho: “Hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh”. Do bản chất của hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ cũng là một hình thức của hoạt động khuyến mại cho nên ba nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại khi hạ giá và niêm yết giá phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP. Như vậy, Luật Giá năm 2012 chỉ quy định những trường hợp hạ giá phải niêm yết giá như thế nào nhưng không quy định cá nhân, tổ chức kinh doanh phải thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành về hoạt động khuyến mại. Điều này dẫn đến tình trạng hàng hóa, dịch vụ được hạ giá nhưng không tuân thủ các quy định về khuyến mại.
Thứ tư, theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Luật Giá năm 2012 thì người tiêu dùng có quyền thỏa thuận về giá với cá nhân, tổ chức kinh doanh và có nghĩa vụ thanh toán theo mức giá thỏa thuận, mức giá đã lựa chọn hoặc mức giá do Nhà nước quy định khi mua hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, tại Điều 12 Luật Giá năm 2012 quy định, cá nhân, tổ chức kinh doanh có nghĩa vụ bán đúng giá niêm yết. Như vậy, rõ ràng, xét về nghĩa thì những điều luật này có nội dung mâu thuẫn với nhau. Người tiêu dùng có quyền thỏa thuận về giá với cá nhân, tổ chức kinh doanh. Giá thanh toán là giá đã thỏa thuận nhưng cá nhân, tổ chức kinh doanh lại chỉ được bán theo giá đã niêm yết hàng hóa, dịch vụ. Tức giá thanh toán phải là giá niêm yết. Điều này gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng khi áp dụng.
3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ
Với vai trò quan trọng của việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh, đặc biệt là đối với người tiêu dùng thì vấn đề đưa ra những giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ có nghĩa rất to lớn. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khắc phục những vướng mắc, bất cập của pháp luật về niêm yết giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, mỗi thời kỳ khác nhau của xã hội thì sự phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, mức xử phạt vi phạm cũng khác nhau. Khi quy định mức tiền cụ thể áp dụng chung cho tất cả các thời kỳ sẽ dẫn đến mức hình phạt không phù hợp. Do vậy, hiện nay mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh còn quá thấp nên cần nâng mức xử phạt để tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi. Bên cạnh tăng khung phạt tiền thì tịch thu giấy phép kinh doanh và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Đây là hướng đi đúng để đáp ứng thực tiễn bức xúc trong xử lý vi phạm về niêm yết giá hiện nay, cũng như góp phần tăng tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm.
Hai là, cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể những quy định tại Luật Giá năm 2012 và Nghị định số 177/2013/NĐ-CP về thể thức niêm yết giá. Đối với những hàng hóa được bán, dịch vụ được cung ứng trên thị trường thì giá được niêm yết phải đi kèm với một đơn vị định lượng cụ thể và không được thể hiện với kích thước nhỏ hơn giá. Có như vậy, sẽ hạn chế việc niêm yết giá không rõ ràng, không cụ thể dẫn đến gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, cần hướng dẫn cụ thể về địa điểm thực hiện niêm yết giá đối với quầy giao dịch, các địa điểm khác theo quy định pháp luật, để việc áp dụng, thực thi của cá nhân, tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn, giải thích cụ thể rõ hơn những trường hợp nào người tiêu dùng được thỏa thuận về giá với cá nhân, tổ chức kinh doanh, cần xét dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức giá niêm yết do cá nhân, tổ chức kinh doanh đưa ra có được điều chỉnh, thay đổi theo thỏa thuận giữa hai bên hay không.
Ba là, bổ sung nguyên tắc về niêm yết giá vào Nghị định số 177/2013/NĐ-CP. Có thể thấy, thực hiện đúng các quy định về niêm yết giá mang lại ý nghĩa rất to lớn không những với cá nhân, tổ chức kinh doanh mà còn đối với người tiêu dùng. Do vậy, việc bổ sung nguyên tắc về niêm yết giá góp phần định hướng cho quá trình thực hiện các quy định về niêm yết giá được toàn diện và bao quát hơn. Một số nguyên tắc cơ bản như: Cá nhân, tổ chức kinh doanh niêm yết giá phải trung thực, công khai, minh bạch và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác; có trách nhiệm bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ đối với hàng hóa, dịch vụ được hạ giá theo quy định pháp luật.
Bốn là, cần bổ sung vào Luật Giá năm 2012 quy định về niêm yết giá khi hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu bên cạnh tuân thủ các quy định pháp luật về niêm yết giá còn phải tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động khuyến mại.
Có thể thấy, bên cạnh chất lượng của hàng hóa, dịch vụ thì các thông tin về giá cả là vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm. Thông qua hoạt động niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh, người tiêu dùng có cơ sở đối chiếu, so sánh từ đó đưa ra quyết định tiêu dùng phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế xuất hiện những hành vi vi phạm các quy định về niêm yết giá của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, người tiêu dùng hiểu hết quyền lợi của mình cũng như trách nhiệm niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Bên cạnh đó, những bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về niêm yết giá dẫn đến các quyền của người tiêu dùng bị xâm hại. Vì vậy, người tiêu dùng cần thông thái để có thể lựa chọn hàng hóa, dịch vụ chất lượng và giá cả hợp lý cũng như kịp thời thông tin, phản ánh đến cơ quan chức năng các vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ cũng như hành vi xâm hại quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, các quy định của pháp luật về niêm yết giá cần hoàn chỉnh, thống nhất để tạo hành lang pháp lý cho cá nhân, tổ chức kinh doanh thực hiện tốt nghĩa vụ về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và quan trọng hơn nữa là bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Trường Cao đẳng cộng đồng Đồng Tháp