1. Quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam có rất nhiều các văn bản điều chỉnh hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng, trong đó phải kể đến Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 ra đời nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tín dụng nhằm đảm bảo tính pháp lý của giao dịch tín dụng trên thị trường. Theo đó, cấp tín dụng được hiểu là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác[1]. Như vậy, tín dụng tiêu dùng có thể được xem là một phần trong hoạt động cấp tín dụng mà các tổ chức tín dụng có thể sử dụng như một công cụ để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tín dụng.
Hơn thế nữa, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành bổ sung và giải thích rõ hơn về hoạt động cho vay tiêu dùng tại Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cụ thể về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính với kỳ vọng góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dung hiệu quả, giúp người dân tiếp cận tín dụng chính thống thay vì tín dụng đen. Theo đó, hoạt động cho vay của công ty tài chính được xác định là cho vay tiêu dùng khi là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng. Căn cứ vào quy định này, có thể thấy hoạt động cho vay là đồng Việt Nam, vay vốn này phục vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó; chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hoá, thể dục, thể thao; chi phí sửa chữa nhà ở[2]. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng, trừ trường hợp cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.
Về hình thức của hoạt động cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính và người tiêu dùng sẽ ký các hợp đồng mẫu để giao dịch có hiệu lực. Theo Điều 2 Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 các tổ chức tín dụng phải đăng ký hợp đồng mẫu nếu thực hiện cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, với quy định của Bộ luật dân sự vả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hợp đồng mẫu sẽ có những đặc điểm cần lưu ý: Thứ nhất, sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng mẫu gần như triệt tiêu vì do có sự rút ngắn quá trình đàm phán, thương lượng giữa các bên để làm phát sinh quyền và nghĩa vụ[3]; thứ hai, chủ thể tham gia hợp đồng có sự bất cân xứng về thông tin trong quan hệ hợp đồng. Theo đó, một bên là chủ thể kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, một bên là người tiêu dùng. Người tiêu dùng trong hợp đồng này chỉ bao gồm người mua, người sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng mà không có mục đích kinh doanh[4]; thứ ba, các điều khoản trong hợp đồng sẽ được tiêu chuẩn và sẽ được soạn sẵn bởi chủ thể kinh doanh dung để ký kết với nhiều chủ thể khác nhau. Nói cách khác, trong các giao dịch mua bán, chủ thể kinh doanh sẽ không phải làm một công đoạn là soạn thảo từng hợp đồng cho từng giao dịch. Do đó, hợp đồng mẫu là hình thức phù hợp nhất cho các tổ chức tín dụng sử dụng trong hoạt động tín dụng của mình.
2. Thực trạng giao dịch tín dụng tiêu dùng tại công ty tài chính ở Việt Nam hiện nay
Hoạt động tín dụng trên thế giới từ lâu đã phát triển với tốc độ chóng mặt kèm theo là nhiều hệ quả pháp lý mà các nhà lập pháp luôn quan tâm. Theo ước tính, cứ mỗi năm lại có thêm khoảng 150 triệu người tiêu dùng mới tham gia vào các giao dịch tài chính trên toàn thế giới, điều này đã cho thấy sức phát triển lớn mạnh của hoạt động tín dụng trong đời sống con người là rất cần thiết. Tạo nên một phần đáng kể của con số này, là số lượng người tiêu dùng đến từ các nước đang phát triển, nơi công tác bảo vệ người tiêu dùng và hiểu biết về tài chính còn đang trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành. Phân tích cơ cấu trong loại hình tổ chức cho vay thì thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tăng mạnh, từ 39% toàn ngành năm 2016 lên 45,7% cuối năm 2017; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 42,4%, giảm nhẹ từ mức 47% cuối năm 2016; nhóm công ty tài chính và cho thuê tài chính chiếm 7,6% (năm 2016 là 9,3%), còn lại là nhóm ngân hàng nước ngoài.
Cùng với sự phát triển của hoạt động tài chính cũng như pháp luật liên quan tại Việt Nam, hàng loạt các công ty tài chính xuất hiện nhằm thoả mãn các nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng ngày một tăng. Các công ty Home Credit, FE Credit,… là những công ty hoạt động đã đáp ứng nhu cầu vay vốn nhanh chóng hơn so với các ngân hàng thương mại khác. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các công ty tài chính này là hàng loạt các vi phạm xảy ra gây bất lợi cho quyền lợi nguời tiêu dùng[5].
Mặc dù hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, tạo một khuôn khổ pháp lý tài chính tiêu dùng khá minh bạch và lành mạnh bước đầu được thiết lập sau nhiều năm bị bỏ ngỏ. Khách hàng vay tiền có cơ hội được nâng cao vị thế của mình, “cởi trói” phần lớn các “bẫy” nợ nần, những nguy cơ đe dọa từ “tín dụng đen” mà họ phải đối mặt nếu không thanh toán nợ kịp thời. Tuy nhiên, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Các hành vi xâm phạm này được thực hiện rất khéo léo, thường đánh vào đặc điểm chính của loại hình tín dụng tiêu dùng là thủ tục đơn giản và thời gian giải ngân nhanh. Thực trạng trên xuất phát từ những lý do sau:
Một là, khó khăn trong việc xử lý vấn đề lãi suất. Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa. Ngoài ra, theo quy định của Điều 9 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Công ty tài chính chỉ có trách nhiệm công bố mức lãi suất cao nhất và mức lãi suất thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng mà không bị bất kỳ giới hạn nào về việc ấn định mức lãi suất với khách hàng. Quy định này là mâu thuẫn với Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó giới hạn lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm. Mỗi bên trong quan hệ giao dịch tài chính tiêu dùng đều có lý lẽ và căn cứ pháp luật của riêng mình. Người đi vay luôn muốn thụ hưởng mức lãi suất hợp lý, tốt nhất là không vượt quá giới hạn 20%/năm theo Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, theo quy định của thông tư 43 thì công ty tài chính hoàn toàn có thể thoả thuận với người tiêu dùng về lãi suất cho vay và chắc chắn lãi suất trên 20%/năm là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này tạo ra các trường hợp bất lợi cho người tiêu dùng.
Hai là, quy định về hợp đồng mẫu trong Bộ luật Dân sự không bảo vệ được người tiêu dùng một cách hiệu quả. Theo đó, khoản 2 Điều 406 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp điều kiện giao dịch chung có quy định về miễn trách nhiệm của bên đưa ra điều kiện giao dịch chung, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì quy định này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Với quy định này, cho dù người tiêu dùng khi đã xác lập hợp đồng với công ty tài chính có muốn khởi kiện ra Toà cũng không thể bảo vệ được quyền lợi mình triệt để bởi Bộ luật Dân sự ưu tiên sự thoả thuận của các bên. Nghĩa là, với thoả thuận của công ty tài chính có những điều khoản gây bất hợp lý với người tiêu dùng thì các bên phải tôn trọng sự thoả thuận đã ký trong hợp đồng.
Ba là, cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Một số trường hợp phản ánh đến Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, người vay bị tính lãi suất 3 - 5%/tháng (36 - 60%/năm). Trước đó, người vay lại được nhân viên tư vấn lãi suất chỉ 1-2%/tháng (khoảng 12 - 24%/năm)[6]. Theo Điều 433 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc sử dụng tài sản cũng như cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động vay thuộc về nghĩa vụ của người bán. Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì nghĩa vụ của công ty tài chính là phải thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn không thông báo đầy đủ, chính xác về mức lãi suất của hợp đồng; về cách thức tính lãi phạt; về thời hạn phải trả tiền hàng tháng và một số điều khoản đặc biệt trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng. Việc nắm không rõ lãi suất, quyền và nghĩa vụ của mình và ký vào hợp đồng do bên công ty tài chính ban hành đồng nghĩa người tiêu dùng bị trói buộc vào các nghĩa vụ gây bất lợi cho mình. Cuối cùng khi phát sinh nghĩa vụ, công ty tài chính đẩy trách nhiệm đến người tiêu dùng và chưa có một công cụ pháp lý hiệu quả nào điều chỉnh vấn đề này.
Bốn là, việc cung cấp đầy đủ chính xác thông tin mặc dù thuộc về công ty tài chính nhưng quy định của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN chưa thực sự rõ ràng và hiệu quả. Theo đó, khoản 4 Điều 10 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN công ty tài chính phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng. Thiết nghĩ, đây là quy định gây ra sự bất lợi nhất định đối với người tiêu dùng bởi nghĩa vụ của công ty tài chính là cung cấp nội dung cơ bản của hợp đồng, việc này không thuộc vào yêu cầu từ phía người tiêu dùng.
Năm là, không thông báo rõ ràng mục đích thu thập thông tin. Trong quá trình thu thập thông tin để làm hồ sơ vay tiền, người tiêu dùng không được thông báo là các số điện thoại của người thân sẽ được sử dụng trong quá trình thu hồi nợ (nếu có) phát sinh về sau. Người tiêu dùng được thông báo là việc thu thập số điện thoại của người thân nhằm mục đích xác minh khoản vay; tuy nhiên, thực tế thì nhân viên thu hồi nợ thường xuyên và liên tục liên hệ với người thân để tác động kèm theo đe dọa và quấy nhiễu nhằm thu hồi nợ của khách hàng.
Với thực tế cho vay tiêu dung hiện nay, nhiều quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm cần phải có những quy định hiệu quả hơn nhằm đảm bảo sự ổn định cho hoạt động tài chính của Việt Nam
3. Một số giải pháp bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch tín dụng tiêu dùng tại công ty tài chính Thứ nhất, hoàn thiện về pháp luật liên quan đến nghĩa vụ thông tin về dịch vụ. Theo đó, việc cung cấp các thông tin quan trọng nhất về đặc tính của vay tiêu dùng giúp cho người tiêu dùng có ý nghĩa định hướng cho hoạt động vay của người tiêu dùng, giúp cho người tiêu dùng có quyết định phù hợp với điều kiện của họ. Bên cạnh đó, còn giúp cho người tiêu dùng có khả năng khai thác giá trị hoạt động vay tiêu dùng một cách tốt nhất và tránh mắc phải sự mập mờ của bên cung cấp dịch vụ. Trong giai đoạn tới, khi Việt Nam hòa nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới thì việc tham khảo kinh nghiệm, hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin dịch vụ lưu thông trên thị trường Việt Nam là một trong những công cụ quan trọng để bảo vệ người tiêu dùngngười tiêu dùng Việt Nam. Đi cùng với hoạt động trên là những biện pháp xử phạt hành chính thích đáng cho những cơ quan, tổ chức nào vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Thứ hai, quy định về mức lãi suất. Công ty tài chính phải điều chỉnh hệ thống cho phù hợp, thông tin rõ ràng và dễ hiểu cho khách hàng các quy định về phương pháp tính lãi tiền vay quy đổi lãi suất theo năm (một năm là 365 ngày thay cho 360 ngày như trước), quy định cụ thể về việc tính lãi chậm trả hoặc lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.
Thứ ba, cần có quy định cụ thể thống nhất cách hiểu về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản một cách cụ thể hơn, có như vậy mới giúp người dân hiểu được quy định nêu tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ áp dụng đối với các quan hệ vay giữa người dân với người dân. Còn các tổ chức tín dụng thì được phép thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và văn bản pháp luật có liên quan hiện hành. Cụ thể là được phép thỏa thuận mức lãi suất vay tiêu dùng, khuyến khích hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển, phục vụ cải thiện đời sống xã hội và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, các tổ chức tài chính cần công khai rõ ràng cho người tiêu dùng trước khi tiến hành giao dịch vay tiêu dùng.
Thứ tư, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi lựa chọn công ty và ký kết hợp đồng. Theo đó, người tiêu dùng chỉ ký các tài liệu khi đã nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung và đảm bảo chắc chắn các thông tin đó được thể hiện chính xác trên tài liệu được yêu cầu ký. Đồng thời, yêu cầu bên cung cấp dịch vụ phải chuyển hợp đồng, tài liệu giao dịch có đầy đủ chữ ký, con dấu làm căn cứ giải quyết các tranh chấp nếu xảy ra. Ngoài ra, người tiêu dùng cần phải lưu giữ tất cả các tài liệu, chứng cứ hợp đồng để có thể yêu cầu trách nhiệm của tổ chức tín dụng có dấu hiệu vi phạm các điều khoản hợp đồng.
Thứ năm, trong trường hợp có tranh chấp, ngoài việc phản ánh qua điện thoại tới bộ phận có liên quan của đơn vị cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng nên kết hợp gửi email hoặc gửi thư để đảm bảo lưu vết thông tin, tránh trường hợp các công ty cung cấp dịch vụ tài chính đưa ra lý do không tiếp nhận được khiếu nại của người tiêu dùng nên không có cơ sở giải quyết.
Khoa Luật, Đại học Kinh tế Đà Nẵng