1. Nhu cầu điều chỉnh pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập
Hợp đồng gia nhập với đặc trưng cơ bản là một bên đưa ra các điều kiện và điều khoản soạn sẵn mà bên kia chỉ có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận mà không có quyền đàm phán, thương lượng về các điều kiện và điều khoản đó. Điều này vô hình chung đặt người tiêu dùng vào thế yếu hơn so với thương nhân, thế yếu này chủ yếu bắt nguồn từ sự bất cân xứng về vị thế của các bên trong quan hệ hợp đồng gia nhập. Thực tiễn cho thấy, khi tham gia vào quan hệ hợp đồng gia nhập, người tiêu dùng rất hiếm khi có quyền lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ bởi một số loại hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng thường sử dụng thuộc diện độc quyền, còn các loại hàng hóa, dịch vụ khác, thì số lượng nhà cung cấp cũng rất hạn chế.
Hơn nữa, vì lý do bảo vệ tối đa lợi ích của mình, khi dự thảo hợp đồng gia nhập, thương nhân thường soạn sẵn những điều kiện và điều khoản có lợi cho mình, bất lợi cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, khi tham gia giao kết hợp đồng gia nhập, người tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu thấu đáo các điều kiện và điều khoản đó, dẫn đến hệ quả là có những quyết định không đúng đắn khi giao kết hợp đồng gia nhập.
Trên thực tế, có sự bất bình đẳng, bất cân xứng về thông tin và khả năng đàm phán, thương lượng giữa các bên, cũng như quy trình, phương thức giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập, những yếu tố đó tạo ra bất lợi lớn cho người tiêu dùng, nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng nắm rõ được các vấn đề nêu trên để có biện pháp hạn chế rủi ro cho mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập. Chính vì vậy, yêu cầu từ thực tiễn đặt ra là cần phải có sự can thiệp của pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng gia nhập.
2. Thực trạng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập
Hiện nay, có khá nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và trong lĩnh vực giao kết, thực hiện hợp đồng gia nhập nói riêng như: Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005; Luật Cạnh tranh năm 2004; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010... và những văn bản dưới luật khác.
Tuy nhiên, hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành lại thiếu vắng những quy định cụ thể, chi tiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập. Mặt khác, các chế tài xử lý hành vi vi phạm trong giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập chưa đầy đủ, mức phạt còn nhẹ, cơ chế để người tiêu dùng có thể khiếu nại hoặc khởi kiện khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập còn nhiều hạn chế. Thực tiễn cho thấy, người tiêu dùng rất lúng túng trong việc tìm hiểu các thông tin chi tiết liên quan đến sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cũng như tình hình thực tế của nhà cung cấp. Trong khi đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng vẫn chưa thể hỗ trợ cho người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Vấn đề này xuất phát từ thực tiễn là người tiêu dùng thường không am hiểu về kỹ thuật, không phải là người trực tiếp tham gia sản xuất sản phẩm, do đó không hiểu được đầy đủ tính năng, công dụng, chất lượng của sản phẩm mà mình đang dự định sử dụng và hệ quả là dẫn đến các rủi ro mà người tiêu dùng sẽ gặp phải khi giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập. Về vấn đề này, một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông… đã có tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động rất hiệu quả. Điển hình như Liên đoàn Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mỹ được thành lập và hoạt động với tôn chỉ mục đích là cung cấp thông tin và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức này có trên 100 kỹ sư làm việc trong nhiều lĩnh vực kiểm tra chất lượng, độ bền, độ an toàn của hàng hóa, từ đó rút ra kết luận sản phẩm đó có tương xứng với giá cả không. Liên đoàn có một phòng thí nghiệm được trang bị rất hiện đại, nhằm đảm bảo độ chính xác cao cho các thí nghiệm và những kết quả thử nghiệm về chất lượng hàng hóa được công bố trên Tạp chí Consumer Report (Bản tin người tiêu dùng)[2]. Tại Đài Loan, Hội Bảo vệ người tiêu dùng bao gồm nhiều luật gia và nhà khoa học trong nhiều ngành khác nhau và mục tiêu của Hội là nghiên cứu, giáo dục và vận động. Hội có một cơ sở thí nghiệm để kiểm tra hầu hết các sản phẩm tiêu dùng, phát hành một chuyên san hàng tháng[3] để kịp thời thông tin đến độc giả về tình hình các sản phẩm.
Sự phát triển của kinh tế Việt Nam thời gian gần đây, cùng với việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới dẫn đến hệ quả là số lượng hợp đồng gia nhập được giao kết và thực hiện giữa thương nhân và người tiêu dùng ngày càng nhiều. Do đặc thù của hàng hóa, dịch vụ mà thương nhân cung cấp cho người tiêu dùng dẫn đến quy trình giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập tuân theo những trình tự và điều kiện rất khác biệt so với giao kết hợp đồng dân sự thông thường. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào quy định một cách đầy đủ, cụ thể và chi tiết về vấn đề giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quy trình giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập là hết sức cần thiết, nhằm thiết lập những nguyên tắc và chuẩn mực chung cho hoạt động giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập, nâng cao tính minh bạch của một hình thức hợp đồng đang ngày một phổ biến, đồng thời góp phần bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi người tiêu dùng, cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia quan hệ hợp đồng gia nhập.
Xuất phát từ cơ sở lý luận và luật thực định quy định hợp đồng gia nhập là một dạng của hợp đồng dân sự tại Mục 7 Chương XVII Bộ luật Dân sự năm 2005, do đó, về cơ bản, các quy định pháp luật liên quan đến điều chỉnh hợp đồng dân sự cũng trực tiếp điều chỉnh hợp đồng gia nhập. Chính vì vậy, khi giao kết hợp đồng gia nhập, các bên tham gia hợp đồng phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 389 Bộ luật Dân sự năm 2005, cụ thể là: “1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; 2. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng”. Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế thương nhân lạm dụng trong việc giải thích các điều khoản không rõ ràng để gây bất lợi cho bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng, khoản 2 Điều 407 BLDS năm 2005 quy định về vấn đề giải thích hợp đồng gia nhập như sau: “Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó”.
Khi so sánh với Bộ luật Dân sự năm 1995 về các vấn đề liên quan đến giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập, có thể thấy rằng Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có thêm một quy định hoàn toàn mới tại khoản 3 Điều 407, cụ thể: “Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Quy định nêu trên là rất cần thiết trong bối cảnh ngày càng nhiều thương nhân đưa vào hợp đồng gia nhập các điều khoản mang lại lợi thế tối đa cho mình và gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Khi so sánh với Bộ luật Dân sự năm 2005 về các vấn đề liên quan đến giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập, có thể thấy rằng, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có thêm một quy định hoàn toàn mới tại đoạn 2, 3 khoản 1 Điều 405, cụ thể: “Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng; trình tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật”. Quy định mới nêu trên tại Bộ luật Dân sự năm 2015 là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu về các điều kiện và điều khoản của hợp đồng gia nhập trước khi quyết định giao kết hay không giao kết, do đó sẽ hạn chế đáng kể các rủi ro, bất lợi cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy là các quy định nêu trên mới chỉ dừng lại ở góc độ khái quát, mang tính nguyên tắc, do đó, để đi vào cuộc sống thì cần phải có những quy định cụ thể, chi tiết hơn. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được ban hành nhằm khắc phục một số hạn chế của Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999, cũng như cụ thể hóa các quy định liên quan đến hợp đồng gia nhập tại Bộ luật Dân sự năm 2005. Mục tiêu của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 là nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập. Nội dung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có nhiều điểm mới với giá trị thực tiễn cao, liên quan đến các vấn đề: Hành vi bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiểm soát hợp đồng mẫu; trách nhiệm của bên thứ ba đối với người tiêu dùng; trách nhiệm bảo hành và thu hồi hàng hóa có khuyết tật; quyền khởi kiện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…
Kế thừa tinh thần tại khoản 2 Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2005 trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế thương nhân lạm dụng các điều khoản không rõ ràng để gây bất lợi cho bên yếu thế trong quan hệ hợp đồng, Điều 15 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về vấn đề giải thích hợp đồng giao kết với người tiêu dùng như sau: “Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”. Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những bất cập trong Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 về vấn đề kiểm soát hợp đồng mẫu, khoản 1 Điều 19 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Một trong những điểm nổi bật của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định 9 trường hợp điều khoản của hợp đồng gia nhập sẽ không có hiệu lực tại khoản 1 Điều 164. Ngoài ra, Luật BVQLNTD năm 2010 đã dành riêng Chương IV, từ Điều 30 đến Điều 46 quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân. Bên cạnh đó, khi thực hiện khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí tòa án.
Ngày 27/10/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đối với vấn đề hợp đồng giao kết với người tiêu dùng và điều kiện giao dịch chung, Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 quy định chi tiết về việc kiểm soát hợp đồng gia nhập và điều kiện giao dịch chung (như: Trình tự, thủ tục đăng ký hợp đồng gia nhập và điều kiện giao dịch chung thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng gia nhập, điều kiện giao dịch chung do Thủ tướng Chính phủ ban hành; yêu cầu hủy bỏ hoặc sửa đổi điều khoản trong hợp đồng gia nhập, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp không thuộc phạm vi đăng ký...) và một số loại hợp đồng gia nhập đặc thù giao kết với người tiêu dùng (như: Hợp đồng giao kết từ xa; hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục; hợp đồng bán hàng tận cửa) mà mục đích chính là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Một trong những điểm nổi bật của Nghị định số 99/2011/NĐ-CP là quy định về hệ thống cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương. Quy định này giúp hình thành một hệ thống các cơ quan xuyên suốt chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Ngày 13/01/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Cụ thể, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc 9 nhóm trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng gia nhập, điều kiện giao dịch chung phải tiến hành đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có vấn đề giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập, ngày 15/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó đáng chú ý nhất là quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Có thể thấy rằng, các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng gia nhập của Việt Nam về cơ bản đã tiệm cận được xu hướng điều chỉnh pháp luật trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay còn khá nhiều lĩnh vực khác cũng sử dụng hợp đồng gia nhập (như: Hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng bán hàng tận cửa, hợp đồng giao kết từ xa, hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục…) nhưng pháp luật hiện hành chưa bắt buộc phải đăng ký, vì chưa được luật hóa. Hơn nữa, chế tài xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập còn nhẹ, chưa đủ sức giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
3. Giải pháp hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập
Thực tiễn cho thấy, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập, thì người tiêu dùng phải có một khoảng thời gian nhất định để nghiên cứu về các điều kiện và điều khoản của hợp đồng do thương nhân đưa ra. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể khoảng thời gian này là bao lâu mà chỉ quy định rất chung chung tại khoản 1 Điều 17 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, đó là: “Khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng”. Việc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định chung như vậy, trong khi văn bản dưới luật chưa cụ thể hóa về vấn đề này có thể dẫn đến việc thương nhân tự ấn định một khoảng thời gian ngắn để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng và lập luận rằng đó là thời gian hợp lý, vậy lấy cơ sở gì để xác định thương nhân vi phạm? Do đó, để đảm bảo cho người tiêu dùng có thời gian hợp lý nghiên cứu hợp đồng, pháp luật cần quy định là thương nhân phải dành một khoảng thời gian nhất định để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng. Khi quy định khoảng thời gian này trong luật, cần căn cứ vào các tiêu chí như số trang của hợp đồng gia nhập; lĩnh vực hàng hóa, dịch cung cấp; mức độ phức tạp của hợp đồng… để từ đó xác định số ngày phù hợp.
Hiện nay, một trong những vấn đề bất lợi lớn mà người tiêu dùng phải đối mặt khi sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do thương nhân cung ứng đó là về giá cả và chất lượng của sản phẩm (đặc biệt đối với một số sản phẩm độc quyền). Hơn nữa, người tiêu dùng thường không hiểu biết về chuyên môn, kỹ thuật, không có khả năng đánh giá về độ tương xứng giữa chất lượng hàng hóa, dịch vụ với giá cả do thương nhân đưa ra, tất yếu dẫn đến việc người tiêu dùng gánh chịu sự thua thiệt do không thể nắm quyền chủ động trong giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập. Mặt khác, do tài chính có hạn nên khi xảy ra các rủi ro phát sinh trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng rất khó khăn trong việc chi trả các chi phí khắc phục rủi ro. Chính vì vậy, để hợp lý và đảm bảo tính khả thi, pháp luật cần quy định là gánh nặng chi phí ấy sẽ được chuyển sang cho thương nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là chỉ những thương nhân lớn mới có khả năng thực hiện trách nhiệm về tài chính đó, còn đối với những thương nhân vừa và nhỏ, thì trách nhiệm trên là khó thực hiện được.
Chính vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cơ sở căn cứ vào thực trạng chung của thương nhân, pháp luật cần quy định đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà thương nhân cung ứng cho người tiêu dùng khi giao kết hợp đồng gia nhập cần phải được bảo hiểm. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nếu thương nhân có khả năng đóng bảo hiểm cho hàng hóa, dịch vụ của họ, có nghĩa là họ có quyền yêu cầu đơn vị bảo hiểm đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng khi có khiếu nại liên quan đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà họ cung cấp.
Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 chỉ mới quy định 9 đối tượng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng gia nhập, điều kiện giao dịch chung. Trong khi đó, trên thực tế còn khá nhiều lĩnh vực khác cũng sử dụng hợp đồng gia nhập nhưng chưa bắt buộc phải đăng ký. Điều này dẫn đến hệ quả là thương nhân hoạt động trong các lĩnh vực kể trên có thể lợi dụng việc không bị thẩm tra nội dung của hợp đồng để từ đó soạn thảo, giao kết và thực hiện các hợp đồng gia nhập chứa đựng các điều kiện và điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, pháp luật cần mở rộng danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng gia nhập.
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 và sẽ có hiệu lực ngày 01/01/2017, trong đó đã có những bổ sung nhất định liên quan đến hợp đồng gia nhập. Mặt khác, trong quá trình thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các văn bản pháp luật liên quan đã cho thấy một số bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết và thực hiện hợp đồng gia nhập.
Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh
[1]. Hiện nay, ở góc độ lý luận cũng thực tiễn, có nhiều cách tiếp cận và gọi tên khác nhau đối với loại hợp đồng này. Tuy nhiên, trong bài viết, tác giả tiếp cận hợp đồng ở góc độ nội dung và phương thức giao kết do đó dùng thuật ngữ là hợp đồng gia nhập.
[2]. Đoàn Văn Trường, Nghiên cứu người tiêu dùng, những vấn đề về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam, Nxb. Khoa học Kỹ thuật, 2003, tr. 98.
[3]. Đoàn Văn Trường, Nghiên cứu người tiêu dùng, những vấn đề về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam, Nxb. Khoa học Kỹ thuật, 2003, tr. 101.
[4]. “a) Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; b) Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng; c) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương thay đổi điều kiện của hợp đồng đã thỏa thuận trước với người tiêu dùng hoặc quy tắc, quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ áp dụng đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện cụ thể trong hợp đồng; d) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ; đ) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ; e) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ giải thích hợp đồng trong trường hợp điều khoản của hợp đồng được hiểu khác nhau; g) Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thông qua bên thứ ba; h) Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình; i) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho bên thứ ba mà không được người tiêu dùng đồng ý”.