Tóm tắt: Kỷ nguyên số làm thay đổi toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống xã hội và tác động đến mọi cá nhân, trong đó có trẻ em theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Trong bài viết này, tác giả đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em trong kỷ nguyên số.
Abstract: The digital era changes all areas of social life and affects all individuals, including children, in both positive and negative directions. In this article, the author offers some solutions to improve the law on children's rights in the digital era.
1. Pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em trong kỷ nguyên số
Kỷ nguyên số đánh dấu sự phát triển của thời đại công nghệ thuộc lĩnh vực điện tử - viễn thông mang tính toàn cầu. Trong kỷ nguyên số, con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian dựa trên mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu… gọi chung là không gian mạng. Kỷ nguyên số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc. Lĩnh vực pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của nó.
Luật Trẻ em năm 2016 quy định cụ thể về các quyền của trẻ em[1], những quyền này bảo đảm cho sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần của trẻ em trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Cùng với việc quy định các quyền của trẻ em, Điều 54 Luật Trẻ em năm 2016 cũng quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng dưới mọi hình thức. Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em năm 2016 (Nghị định số 56/2017/NĐ-CP) quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng[2]. Bảo vệ trẻ em là vấn đề mang tính liên ngành, do vậy, bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng không chỉ được quy định tại Luật Trẻ em mà còn được quy định tại Luật An ninh mạng năm 2018. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em[3].
2. Thực hiện quyền trẻ em trong kỷ nguyên số
2.1. Những thuận lợi trong việc thực hiện các quyền trẻ em trong kỷ nguyên số
- Quyền được khai sinh và có quốc tịch: Chuyển đổi số thay đổi phương thức đăng ký khai sinh truyền thống, thay vào đó là đăng ký khai sinh trực tuyến. Hiện nay, đăng ký khai sinh trực tuyến tại các địa chỉ: Đăng ký hộ tịch trực tuyến của Bộ Tư pháp (https://hotichtructuyen.moj.gov.vn) hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn). Đăng ký khai sinh trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ, người thân thích khác của trẻ em trong việc khai sinh cho trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được khai sinh và đăng ký khai sinh đúng hạn. Hiện tại, Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) đã kết nối, chia sẻ thông tin đăng ký khai sinh phục vụ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi. Do đó, đăng ký khai sinh thuận lợi, đúng hạn là sự mở đường cho trẻ em được tiếp cận và bảo đảm các quyền được chăm sóc sức khỏe và các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu: Công nghệ thông tin tạo điều kiện để trẻ em tiếp cận dịch vụ học tập hiệu quả và chất lượng cao, mang đến cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ em mà không bị giới hạn bởi điều kiện địa lý, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của học sinh, tạo ra một môi trường học tập thuận lợi. Các nền tảng học tập kỹ thuật số thực sự “phá vỡ” ranh giới địa lý và văn hóa, cho phép học sinh tiếp nhận kiến thức vượt ra ngoài lớp học, vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ quốc gia. Nhờ có kỹ thuật số mà cô giáo Hà Ánh Phượng[4] đã tạo nên những lớp học xuyên biên giới cho học sinh nghèo ở cả bốn châu lục với quan điểm “bất cứ học sinh nào, ở bất kỳ đâu cũng có thể thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất”. Bên cạnh đó, nhiều nền tảng giáo dục hiện nay có các chương trình đặc biệt, có những khóa học về năng khiếu mà trẻ em có thể tham gia tùy thuộc vào khả năng và sở thích của mỗi em. Hệ thống Viettel Study, VnEdu, Cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục, các nền tảng hỗ trợ cho việc dạy học (Zoom, Teams, Skype, Google Classroom)… hiện đang mang lại nhiều tiện ích trong việc học tập của trẻ em, mang đến cơ hội và điều kiện để bảo đảm quyền được học tập của trẻ em.
- Quyền được chăm sóc sức khỏe: Trong kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ trong việc chăm sóc sức khỏe có điều kiện được áp dụng rộng rãi, các dịch vụ y tế từ xa trở nên dễ dàng hơn. Nhiều ứng dụng công nghệ đã giải quyết được những thách thức của Ngành Y tế trong xã hội hiện đại. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phát huy được thế mạnh khám chữa bệnh từ xa TeleHealth dựa trên nền tảng hỗ trợ tư vấn do Viettel phát triển. Nhờ nền tảng này mà người dân có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Nhờ công nghệ kỹ thuật số mà các bệnh viện vệ tinh hoạt động đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt, thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tập huấn, chuyển giao công nghệ và đào tạo trực tuyến cho các bệnh viện vệ tinh. Qua đó, nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu đã được thực hiện cho trẻ em tại các bệnh viện tuyến tỉnh như phẫu thuật tim hở, nội soi tiêu hóa dưới, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ… Điều này góp phần rất lớn trong việc bảo vệ quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khó kiểm soát thì càng chứng minh tính hiệu quả của công nghệ số trong việc bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe trẻ em.
- Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội: Trong kỷ nguyên số, các cơ sở dữ liệu quốc gia trong nhiều lĩnh vực đã được xây dựng như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, Cơ sở dữ liệu về giáo dục và đào tạo, Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Đây chính là nguồn thông tin chính thống, quan trọng để trẻ em có thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của internet, việc trẻ em sớm tiếp cận với không gian mạng đã hỗ trợ tích cực cho trẻ em trong việc tìm đến các nền tảng tri thức và các nguồn giải trí hữu ích.
2.2. Những thách thức trong việc thực hiện quyền trẻ em trong kỷ nguyên số
2.2.1. Các rủi ro đối với trẻ em trên không gian mạng
- Tiếp cận thông tin xấu, độc: Rất nhiều em có những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng mạng. Rủi ro phổ biến mà các em gặp phải trên không gian mạng là tiếp xúc với thông tin hoặc hình ảnh bạo lực; truy cập vào trang có thông tin xấu, độc hoặc có nội dung lừa đảo, cờ bạc, cá độ… đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách, thậm chí đe dọa đến quyền sống của các em. Việt Nam đã có tình trạng trẻ em thực hiện các thử thách trên mạng dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng[5]. Trước đây đã từng lan truyền trên mạng xã hội các thử thách nguy hiểm của trào lưu “cá voi xanh” gây ra cái chết của nhiều trẻ em ở một số quốc gia trên thế giới như Nga, Anh, Ấn Ðộ… Từ đó cho thấy, những nguy cơ trẻ em phải đối mặt khi sử dụng mạng ngày càng nguy hiểm, phức tạp.
- Trẻ em bị quấy rối tình dục hoặc bị xâm hại tình dục trên không gian mạng: Thách thức lớn nhất trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là trẻ em có nguy cơ bị quấy rối tình dục hoặc bị xâm hại tình dục. Những thông tin hoặc hình ảnh khiêu dâm tràn lan trên không gian mạng khiến nhiều trẻ em bị tổn thương. Nhiều trường hợp trẻ em bị dụ dỗ, bị ép buộc chụp ảnh hay quay các clip nhạy cảm. Những hình ảnh, những clip đó của trẻ em được kẻ xấu sử dụng để đe dọa, ép buộc trẻ em trở thành nô lệ tình dục trên mạng. Thậm chí, từ những hình ảnh, những clip đó khiến các em bị xâm hại tình dục ngoài đời thực do bị kẻ xấu lừa để gặp mặt. Quấy rối tình dục, xâm hại tình dục là một trong các nguy cơ gây tổn hại lớn đến sức khỏe, tâm lý, nhân sinh quan của trẻ em, để lại những hậu quả lâu dài, thậm chí là suốt đời cho trẻ em. Quấy rối tình dục, xâm hại tình dục trên không gian mạng còn nguy hại hơn nữa bởi các hình ảnh về hành vi xâm hại có thể bị phát tán rộng rãi, bị lưu giữ lâu dài hơn so với hành vi xâm hại trong đời thực. Đại diện tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cảnh báo về việc hàng triệu trẻ em có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19[6].
- Trẻ em bị bắt nạt trên môi trường mạng: Trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị bắt nạt trên môi trường mạng. Những lời nói dối, những bức ảnh “đáng xấu hổ” của ai đó được lan truyền trên mạng, tin nhắn đe dọa hoặc những thông điệp ác ý… có thể gây tổn thương lớn đến tinh thần, tình cảm và thể chất của nạn nhân. Nhiều em có hành vi cực đoan, tự làm hại mình, có hành vi bạo lực hoặc kỳ thị với người khác… Khi trẻ em bị bắt nạt trên mạng, các em có thể có cảm giác đang bị tấn công ở mọi nơi và không có lối thoát. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bị bắt nạt có thể bị trầm cảm hoặc tự tử.
- Lộ thông tin cá nhân của trẻ em trên không gian mạng: Vì nhiều lý do khác nhau mà thông tin cá nhân của trẻ em bị lộ trên không gian mạng. Có thể do các em vô tình để lộ, tự cung cấp khi được yêu cầu hoặc bị ép buộc cung cấp thông tin cá nhân; có thể do kẻ xấu ăn cắp thông tin cá nhân của trẻ em… Khi thông tin cá nhân của trẻ em bị lộ thì quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em có thể bị xâm phạm và dễ dẫn đến những hệ lụy xấu cho trẻ em như: Bị quấy phá trong các phòng học trực tuyến, hình ảnh bị sử dụng để quảng cáo các sản phẩm không phù hợp, bị mua bán, bị bắt cóc...
- Bí mật đời sống riêng tư của trẻ em bị đưa lên không gian mạng: Pháp luật quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em[7]. Tuy nhiên, các thông tin, hình ảnh về đời sống riêng tư của trẻ em bị đưa lên mạng xã hội bằng nhiều cách khác nhau. Phổ biến nhất hiện nay là cha, mẹ, người thân thích khác của trẻ em đưa hình ảnh, thông tin của các em lên mạng xã hội để khoe, để giải trí nhưng vô tình đã để lộ thông tin về họ tên, đặc điểm nhận dạng, nơi ở, quê quán, trường, lớp, kết quả học tập, tình trạng sức khỏe, các thành viên gia đình, địa chỉ thư tín… của trẻ em. Tất cả các điều này có thể gây hại cho trẻ em nếu kẻ xấu lợi dụng hình ảnh của trẻ em đưa lên các trang mạng độc hại, trẻ em bị bắt cóc do đã để lộ địa chỉ nơi ở hoặc nơi học, trẻ em bị chế giễu hoặc bị kỳ thị. Bên cạnh đó là tình trạng các báo, gồm cả báo viết và báo mạng, đưa chi tiết các vụ trẻ em bị xâm hại hoặc người chứng kiến hành vi xâm hại trẻ em vì muốn có chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm nên đã quay video, chụp ảnh và phát tán trên mạng. Cơ quan truyền thông hoặc người chứng kiến với mục đích là phản ánh sự việc, thu hút dư luận, dùng dư luận và kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng, kêu gọi sự vào cuộc của cơ quan bảo vệ trẻ em và cơ quan thực thi pháp luật để hướng tới việc xử lý người vi phạm, đem lại công bằng cho các em. Tuy nhiên, cơ quan báo chí, người chứng kiến trẻ em bị xâm hại “quên mất” trách nhiệm bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em khi các tin, hình ảnh đó lại được cắt, chia sẻ trên các trang mạng xã hội khác như facebook, zalo dẫn đến lan truyền nhanh khiến trẻ em bị “tổn thương kép”.
2.2.2. Ảnh hưởng về tâm lý khi tiếp xúc thường xuyên trong không gian mạng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ em dễ bị chứng nghiện mạng, bị sang chấn tâm lý, có những biểu hiện rối loạn tâm thần, gây ra tổn hại về cả thể chất và tinh thần. Một số triệu chứng rối loạn tâm thần phổ biến như rối loạn tri giác, rối loạn tư duy, rối loạn cảm xúc, rối loạn trí nhớ, rối loạn trí tuệ, rối loạn hoạt động, rối loạn ý thức[8]. Vì vậy, trẻ em nghiện mạng có thể bị suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần, xao nhãng học tập, có hành vi gây hại cho bản thân hoặc gây nguy hiểm cho người khác... Ngày 18/6/2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận chứng nghiện trò chơi điện tử là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế, đó là bệnh tâm thần. Trong nhiều năm qua, nghiện game và những hệ quả do nghiện game gây ra là vấn đề xã hội nhức nhối ở Việt Nam[9]. Nhiều trò chơi có nội dung phản cảm, bạo lực nên khi trẻ em nghiện trò chơi trên không gian mạng dễ dẫn đến hành vi thử nghiệm, bắt chước, có thể có hành vi vi phạm pháp luật.
3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em trong kỷ nguyên số
Trong kỷ nguyên số, trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại trên không gian mạng. Những thách thức trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là không nhỏ, trong khi công tác bảo vệ trẻ em nói chung ở nước ta còn nhiều hạn chế. Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017 nhưng đến năm 2020 vẫn có 52/63 ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trẻ em[10]. Pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng còn thiếu cụ thể, dẫn tới việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng chưa thật sự có hiệu quả. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về quyền trẻ em và bảo đảm quyền trẻ em trên không gian mạng là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Một là, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cần quy định số hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh, trong đó có số hóa Giấy chứng sinh làm cơ sở thực hiện việc kết nối, chia sẻ thông tin qua hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) để kết nối với cơ quan hộ tịch trong việc đăng ký khai sinh. Giấy chứng sinh là một trong các loại giấy tờ cần phải nộp cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Việc số hóa Giấy chứng sinh tạo thuận lợi cho người dân khi đăng ký khai sinh và là cơ sở dữ liệu để cơ quan hành chính ở địa phương rà soát, thống kê, đối chiếu số liệu sinh với số liệu trẻ em đã được đăng ký khai sinh tại địa phương nhằm xử lý kịp thời đối với trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác của trẻ em khi không đăng ký khai sinh đúng hạn cho trẻ em. Bảo vệ trẻ em trong kỷ nguyên số phải bằng chính những giải pháp số là một trong những hướng đi đúng đắn.
Hai là, Luật An ninh mạng cần quy định cụ thể quy trình phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, với thủ tục đơn giản, nhanh, gọn, mang tính “giải quyết sự vụ” mà không mang nặng tính hành chính. Luật phải quy định rõ nghĩa vụ của chủ quản dịch vụ mạng là phải “ngay lập tức” xóa bỏ thông tin, hình ảnh… xâm phạm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em khi nhận được tin báo. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước về an ninh mạng trong quá trình xử lý vi phạm để bảo đảm xử lý kịp thời, triệt để đối với hành vi vi phạm quyền trẻ em trên không gian mạng.
Ba là, Luật Trẻ em cần tăng tuổi của trẻ em. Theo Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em là người dưới 16 tuổi. Với quy định này, người từ 16 đến dưới 18 tuổi mặc dù chưa thành niên nhưng không còn ở độ tuổi trẻ em. Do chưa trưởng thành nên các em chưa đủ hiểu biết và bản lĩnh để tự bảo vệ mình. Vì vậy, cần quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi” nhằm mở rộng đối tượng được bảo vệ, đặc biệt là bảo vệ các em trên không gian mạng.
Bốn là, Bộ luật Hình sự cần có quy định riêng về hành vi xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng. Các tội xâm hại tình dục trẻ em được quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người[11]. Tuy nhiên, hành vi xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng cũng gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, cần có điều khoản riêng về hành vi phạm tội này trong Bộ luật Hình sự.
Năm là, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần quy định riêng về thủ tục điều tra, thu thập chứng cứ, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em. Hiện nay, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em theo quy định chung nên nhiều trường hợp việc điều tra, thu thập chứng cứ khó khăn do trong các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là đối với các vụ xâm hại trẻ em trên không gian mạng. Đồng thời, cần quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng để ngăn chặn tình trạng lộ thông tin về vụ án, khiến trẻ em phải đối mặt với sự mặc cảm, thậm chí là sự kỳ thị của những người xung quanh, dẫn đến trẻ em bị “xâm hại kép”.
Sáu là, Luật Giám định tư pháp cần có quy định mang tính đặc thù riêng của trẻ em khi giám định mức độ thương tổn. Hiện nay, Bộ Y tế hướng dẫn về tỷ lệ tổn thương cơ thể áp dụng chung cho cả trẻ em và người trưởng thành là chưa phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ em. Đồng thời, Luật Giám định tư pháp cần bổ sung quy định về thời điểm trưng cầu giám định trong trường hợp trẻ em bị xâm hại và quy định cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em được yêu cầu giám định ngay khi phát hiện hành vi xâm hại trẻ em.
Bảy là, Luật Hôn nhân và gia đình cần quy định rõ nghĩa vụ của cha mẹ trong việc bảo vệ thông tin cá nhân và bí mật đời sống riêng tư của con chưa thành niên, đồng thời, quy định giới hạn quyền của cha, mẹ trong việc đưa thông tin, hình ảnh của con chưa thành niên lên không gian mạng. Mặc dù Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định rõ việc đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên (Điều 36). Tuy nhiên, quy định này dường như chỉ đặt trong mối quan hệ của “người khác” đối với trẻ em mà chưa đặt trong mối quan hệ giữa cha, mẹ và trẻ em nên vẫn có nhiều người cha, người mẹ đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của con lên không gian mạng mà không hỏi ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Theo Luật Bảo vệ quyền riêng tư của Pháp, cha, mẹ có thể đối mặt với hình phạt lên đến một năm tù giam và nộp phạt 45.000 euro (khoảng 51.000 USD) nếu bị kết tội công khai các thông tin riêng tư về cuộc sống cá nhân của người khác, kể cả con của họ, mà không có sự đồng ý của người được đăng ảnh[12]. Có như vậy mới bảo đảm tính đồng bộ của các văn bản pháp luật và bảo đảm tốt nhất các quyền của trẻ em.
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Từ Điều 12 đến Điều 36 Luật Trẻ em năm 2016.
[2]. Từ Điều 33 đến Điều 37 Nghị định số 56/2017/NĐ- CP.
[3]. Khoản 1, khoản 5 Điều 29 Luật An ninh mạng năm 2018.
[4]. Giáo viên tiếng Anh của Trường Trung học phổ thông Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ), được Tổ chức giáo dục toàn cầu Varkey Foundation vinh danh vào “Top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu” năm 2020.
[5]. Tháng 11/2020, một bé trai 8 tuổi ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã chết trong tư thế treo cổ trong nhà vệ sinh được cho là do bắt chước theo trò chơi “thử thách Momo” trên mạng internet. https://laodong.vn/ban-doc/canh-bao-tro-choi-thu-thach-bat-tinh-tren-tiktok-voi-tinh-mang-tre-em-873989.ldo.
[6]. https://www.unicef.org/vietnam/vi/ thông-cáo-báo-chí/tăng-nguy-cơ-trẻ-em-bị-xâm-hại-trên-môi-trường-mạng-trong-đại-dịch-covid-19.
[7]. Khoản 1 Điều 21 Luật Trẻ em năm 2016.
[8]. Cục Bổ trợ tư pháp - Viện Pháp y Quốc gia - Viện Pháp y tâm thần Trung ương (2013), “Một số vấn đề pháp lý và kỹ năng thực hiện giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần”, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 139 - 156.
[9]. Ths. Nguyễn Sơn, “Những hệ quả của nghiện game, vấn đề xã hội đáng báo động”, Nhân dân điện tử, ngày 27/6/2020. https://nhandan.vn/goc-nhin/nhung-he-qua-cua-nghien-game-van-de-xa-hoi-dang-bao-dong-475842/.
[10]. Quốc hội khóa XIV- Đoàn Giám sát (2020), “Báo cáo Tổng hợp về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương”, Hà Nội.
[11]. Điều 142, Điều 144, Điều 145, Điều 146 và Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
[12]. https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/tin-moi/-/asset_publisher/sxBNLsQSLyY8/content/tu-1-7-muon-ang-anh-cua-tre-len-mang-phai-xin-phep.