Abstract: The article analyzes limitations, inadequacies of Vietnamese law on investment dispute resolution under Public Private Partnership and some recommendations.
Quy định điều chỉnh tranh chấp đầu tư theo hình thức đối tác công tư ở Việt Nam hiện nay nằm chủ yếu tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định số 15/2015/NĐ-CP), Luật Đầu tư năm 2014, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Trọng tài thương mại năm 2010,… ngoài ra, còn nằm trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
1. Các loại tranh chấp
Căn cứ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 63 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP thì có thể hiểu các tranh chấp quy định tại khoản 1 Điều 63 sẽ bao trùm các tranh chấp được nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều 63. Tuy nhiên, nếu kết hợp nội dung của cả ba khoản của Điều 63 thì các tranh chấp được nêu trong khoản 3 lại không nằm trong các tranh chấp được nêu trong khoản 1.
Nội dung tại khoản 1 Điều 63 quy định về phương thức giải quyết tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án và tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án với các tổ chức kinh tế tham gia thực hiện dự án. Khoản 1 kết thúc bằng cụm từ “trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này”, như vậy, có thể hiểu nội dung quy định tại khoản 2 và khoản 3 là tiếp theo nội dung quy định tại khoản 1, vì vẫn đang đề cập đến các bên trong các tranh chấp được nêu trong phần đầu của khoản 1.
Có thể nhận thấy rằng, một điểm khác biệt giữa quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP so với quy định của Luật Đầu tư năm 2014 là có thêm tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp dự án, doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập. Câu hỏi đặt ra là, tư cách pháp lý của doanh nghiệp dự án khi tham gia vào các tranh chấp này là như thế nào? Doanh nghiệp dự án có được coi là nhà đầu tư không? Liệu việc thêm doanh nghiệp dự án vào các tranh chấp đầu tư có làm ảnh hưởng đến tính thống nhất của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP so với Luật Đầu tư năm 2014 không?
Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp dự án có thể coi là đại diện của nhà đầu tư bởi doanh nghiệp dự án là doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập để thực hiện dự án[1]. Căn cứ Điều 42 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án phù hợp với mục tiêu, phạm vi hoạt động đã thỏa thuận tại hợp đồng dự án. Nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp dự án sau khi đã tham gia đấu thầu dự án và trúng thầu. Như vậy, hợp đồng dự án được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Doanh nghiệp dự án có thể được thành lập bởi nhiều nhà đầu tư cùng trúng thầu thực hiện dự án đối tác công tư, trong trường hợp nhà thầu liên danh. Việc triển khai thực hiện dự án lại do doanh nghiệp dự án đứng ra thực hiện với tư cách pháp lý độc lập. Về bản chất pháp lý, doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư thành lập là tổ chức kinh tế. Nếu doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập thì doanh nghiệp đó là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2014. Nếu doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư trong nước thành lập thì doanh nghiệp đó có tư cách của nhà đầu tư trong nước. Trong trường hợp liên danh giữa các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước thì doanh nghiệp dự án là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tùy vào từng trường hợp mà doanh nghiệp đó có thể là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc khoản 1 Điều 23 hoặc thuộc khoản 2 Điều 23. Theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, thì doanh nghiệp dự án có thể tham gia là bên của hợp đồng hoặc tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án. Do đó, khi tranh chấp phát sinh, cần căn cứ vào quyền và nghĩa vụ về giải quyết tranh chấp của nhà đầu tư thành lập ra doanh nghiệp dự án để xác định phương thức giải quyết tranh chấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án với tổ chức và cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 63. Nếu xét riêng về quy định của Điều 63 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, có thể thấy, các tranh chấp được nêu trong khoản 3 đã vượt qua khỏi giới hạn các tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án và các tổ chức kinh tế được nêu trong khoản 1 Điều 63, bằng việc thêm vào các tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án với tổ chức và với cá nhân nước ngoài. Như vậy, hai quy định này đã có sự mâu thuẫn, vì có những chủ thể tham gia tranh chấp trong quy định tại khoản 3 Điều 63, nhưng lại không nằm trong các chủ thể được nêu tại khoản 1 Điều 63 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có thể hiểu các quy định tại khoản 3 Điều 63 tách rời với quy định tại khoản 1 không?
Nếu xét kết hợp với nội dung quy định tại khoản 1 Điều 63, thì nội dung quy định tại khoản 3 là tiếp nối nội dung quy định tại khoản 1, bởi cụm từ “trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này” được nêu ở cuối khoản 1. Cụm từ này thể hiện có sự kết nối giữa quy định của khoản 2 và khoản 3 với quy định tại khoản 1. Có thể thấy quy định tại khoản 2 đã được soạn thảo theo cách hiểu này. Các tranh chấp được nêu trong khoản 2 là tập con của các tranh chấp được nêu trong khoản 1. Nếu tách khoản 2 ra khỏi nội dung quy định tại khoản 1 thì các tranh chấp quy định tại khoản 2 sẽ không bắt buộc phải được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải trước khi sử dụng phương thức trọng tài hoặc Tòa án. Trong khi đây được coi là nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh được nêu tại khoản 1 Điều 14 Luật Đầu tư năm 2014[2]. Nguyên tắc này được áp dụng cho cả các tranh chấp được phát sinh từ việc thực hiện dự án đối tác công tư vì Nghị định số 15/2015/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Điều 27 Luật Đầu tư năm 2014 quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP là một trong số các hình thức đầu tư và cho phép Chính phủ quy định chi tiết về hình thức này thông qua Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Do vậy, quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP không được trái với các quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Chính vì lý do đó, không thể hiểu nội dung khoản 2 tách rời ra khỏi khoản 1, xét về câu chữ cũng như về nội dung của các quy định này.
Thế nhưng, nếu xét về nội dung tại khoản 3 thấy rằng, nội dung này lại có thể tách ra khỏi khoản 1 bởi hai lý do: Thứ nhất, các tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án với tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tranh chấp giữa các nhà đầu tư hoàn toàn không trùng với tranh chấp được liệt kê trong khoản 1 Điều 63. Chỉ có loại tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án với các tổ chức kinh tế Việt Nam được nêu trong khoản 3 là thuộc tập con của các loại tranh chấp được nêu ở khoản 1; thứ hai, khoản 3 đã viện dẫn quy định của Luật Đầu tư để xác định các phương thức giải quyết tranh chấp được nêu tại khoản này. Do vậy, nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải đối với các tranh chấp nêu trong khoản 3 vẫn được bảo đảm thực hiện. Trong trường hợp này, việc liên kết giữa khoản 1 và khoản 3 dường như không có ý nghĩa.
Tuy nhiên, nếu so sánh với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP chưa có sự thống nhất khi nêu tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức kinh tế Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là các tranh chấp này được xếp vào nhóm nào trong các tranh chấp được liệt kê tại Điều 14 Luật Đầu tư năm 2014? Bởi căn cứ Điều 14 Luật Đầu tư năm 2014, chỉ có hai loại tranh chấp là tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các loại nhà đầu tư và tranh chấp giữa các loại nhà đầu tư với nhau. Trong khi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP lại viện dẫn quy định của Luật Đầu tư để xác định phương thức giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án với tổ chức, cá nhân nước ngoài, với tổ chức kinh tế Việt Nam. Nếu các tranh chấp được nêu trong Nghị định số 15/2015/NĐ-CP vượt ra ngoài các tranh chấp quy định của Luật Đầu tư thì việc viện dẫn phương thức giải quyết tranh chấp của Luật Đầu tư sẽ lại không phù hợp. Bởi các phương thức giải quyết tranh chấp này chỉ giới hạn áp dụng cho những tranh chấp được nêu tại Luật Đầu tư.
Ngoài ra, với việc sử dụng thuật ngữ “tổ chức kinh tế Việt Nam” trong Nghị định số 15/2015/NĐ-CP cũng tạo ra sự khó hiểu. Bởi trong pháp luật đầu tư của Việt Nam không phân biệt tổ chức kinh tế Việt Nam với tổ chức kinh tế nước ngoài, mà phân biệt tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và không có vốn đầu tư nước ngoài; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc khoản 1 Điều 23 và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc khoản 2 Điều 23. Như vậy, khi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định “tổ chức kinh tế Việt Nam” thì có thể thể hiểu bao trùm cả các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc khoản 1 Điều 23. Với cách hiểu này, vừa tạo ra sự chồng chéo về các loại tranh chấp được liệt kê, vừa tạo ra những mâu thuẫn ngay chính trong nội dung quy định và mâu thuẫn với quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Do vậy, khoản 1, khoản 2 và khoản 3 cần phải được soạn thảo cho phù hợp với nhau và với quy định của Luật Đầu tư năm 2014 về các loại tranh chấp được điều chỉnh.
2. Các phương thức giải quyết tranh chấp
Liên quan đến phương thức giải quyết tranh chấp, có thể thấy quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP chưa thống nhất với quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Nghị định số 15/2015/NĐ-CP cho phép các bên được quyền giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài hoặc Tòa án Việt Nam hoặc hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận thành lập. Xét trong mối quan hệ với quy định tại Điều 14 Luật Đầu tư năm 2014 thấy rằng, quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP dường như đã thu hẹp quyền của các bên trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Căn cứ khoản 4 Điều 14 Luật Đầu tư năm 2014, tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Như vậy, Luật Đầu tư cho phép các bên được quyền lựa chọn cả trọng tài nước ngoài, trọng tài quốc tế, nếu các bên có thỏa thuận trước trong hợp đồng hoặc có quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, chứ không bị bó hẹp ở phương thức Trọng tài hoặc Tòa án Việt Nam hoặc hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận thành lập.
Trong trường hợp tranh chấp giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập, doanh nghiệp dự án tiếp nhận và thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư thì doanh nghiệp dự án sẽ có quyền của nhà đầu tư nước ngoài trong việc sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ, nếu nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng phương thức trọng tài nước ngoài thì doanh nghiệp dự án cũng sẽ được sử dụng phương thức này. Khi tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng dự án cũng như các hợp đồng bảo lãnh nghĩa vụ của nhà đầu tư, của doanh nghiệp dự án, thì quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết tranh chấp của nhà đầu tư sẽ được chuyển sang cho doanh nghiệp dự án. Doanh nghiệp dự án sẽ tiếp nhận các quyền này khi tham gia giải quyết tranh chấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nói một cách khác, các quyền và nghĩa vụ trong xác định phương thức giải quyết tranh chấp của nhà đầu tư sẽ được chuyển sang cho doanh nghiệp dự án. Cũng lưu ý rằng, quyền này được thực hiện trên cơ sở quan hệ hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp dự án hoặc với nhà đầu tư, chứ không áp dụng trong tranh chấp về đầu tư giữa doanh nghiệp dự án với các chủ thể khác.
Như vậy, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP đã quy định chung phương thức giải quyết tranh chấp cho hai loại tranh chấp. Hệ quả dẫn đến là các bên trong tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập lại có quyền giống như các bên trong tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư nước ngoài.
Quay trở lại phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên được quyền sử dụng, có thể thấy, phương thức “hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận” trong Nghị định số 15/2015/NĐ-CP cần phải được làm rõ. Xét về bản chất của hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận thành lập, câu hỏi đặt ra là hội đồng trọng tài này được hiểu như thế nào? Hình thức “hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận” khác gì so với hình thức “Trọng tài Việt Nam” hoặc “trọng tài nước ngoài”? Khoản 4 Điều 63 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP nêu rõ: “Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài theo quy định tại hợp đồng dự án và các hợp đồng có liên quan là tranh chấp thương mại”. Do vậy, phương thức trọng tài được sử dụng để giải quyết các tranh chấp thương mại sẽ tuân theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010, theo đó Luật này có nêu ra hai hình thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài là trọng tài quy chế và trọng tài vụ việc.
Với cách giải thích nêu trên, hình thức “hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận” của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP có thể giống với hình thức trọng tài vụ việc được nêu trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010, vì đều là hình thức do các bên thỏa thuận thành lập. Nếu vậy, hình thức này sẽ khác gì so với hình thức “Trọng tài Việt Nam” hay “trọng tài nước ngoài”? Căn cứ Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, trọng tài nước ngoài là trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc ở trong lãnh thổ Việt Nam. Còn trọng tài Việt Nam là trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài Việt Nam. Trọng tài Việt Nam có thể được được thành lập dưới hình thức trọng tài vụ việc hoặc trọng tài quy chế. Tương tự như vậy, trọng tài nước ngoài cũng có thể được thành lập dưới hình thức trọng tài vụ việc hoặc trọng tài quy chế. Vậy thì hình thức “hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận” cũng có thể được hiểu là một hình thức Trọng tài Việt Nam nếu được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc trọng tài nước ngoài nếu được hình thành theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài. Vậy, phân biệt “hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận thành lập” với Trọng tài Việt Nam hay trọng tài nước ngoài như thế nào? Thực ra, hình thức hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận đã được nêu trong Điều 14 Luật Đầu tư năm 2014, theo đó các hình thức trọng tài bao gồm: Trọng tài Việt Nam; trọng tài nước ngoài; trọng tài quốc tế; trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam lại chưa có giải thích rõ về trọng tài quốc tế, hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận thành lập và chưa có quy định về việc công nhận và cho thi hành các phán quyết, quyết định của hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận thành lập hay của trọng tài quốc tế.
Có ý kiến cho rằng, việc công nhận và cho thi hành phán quyết, quyết định của trọng tài quốc tế sẽ được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế. Thế nhưng, căn cứ Luật Điều ước quốc tế năm 2015, quy định của điều ước quốc tế không thể áp dụng trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam nếu không có quyết định của chủ thể có thẩm quyền về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó trên lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, nếu không có quyết định này được ban hành tại thời điểm ban hành quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế thì nội dung của điều ước quốc tế về việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài quốc tế sẽ khó có thể được thực hiện.
3. Một số kiến nghị
Từ những phân tích nêu trên, để khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật Việt Nam về giải quyết tranh chấp đầu tư theo hình thức đối tác công tư, cần thực hiện những nội dung sau:
Thứ nhất, sửa quy định của khoản 3 Điều 63 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về các loại tranh chấp sao cho thống nhất với khoản 1 Điều 63 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và với quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Có thể cân nhắc phương án bỏ khoản 3 ra khỏi đoạn cuối của khoản 1. Khi đó, cần nêu rõ các phương thức giải quyết các tranh chấp được nêu trong khoản 3 cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.
Thứ hai, cần bổ sung phương thức giải quyết tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư nước ngoài đối với tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện dự án công tư. Như đã phân tích ở phần trên, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP đã thu hẹp quyền của các bên trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp so với quy định của Luật Đầu tư. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất với Luật Đầu tư năm 2014, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP cần bổ sung các phương thức giải quyết tranh chấp là trọng tài quốc tế cho các bên khi giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Thứ ba, bổ sung giải thích pháp lý về trọng tài quốc tế và hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận thành lập. Việc không giải thích rõ về các hình thức giải quyết tranh chấp sẽ gây khó khăn cho các bên trong việc hiểu và sử dụng các phương thức này. Trong khuôn khổ của bài viết, tác giả không đi sâu vào phân tích để tìm ra khái niệm trọng tài quốc tế và hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận thành lập. Tuy nhiên, hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận thành lập không phải là Trọng tài Việt Nam, trọng tài nước ngoài hay trọng tài quốc tế. Như đã phân tích ở trên, nếu pháp luật thành lập nên hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận là pháp luật của một quốc gia nào đó (Việt Nam hoặc nước ngoài), thì hội đồng trọng tài đó sẽ được coi là Trọng tài Việt Nam hoặc trọng tài nước ngoài, dưới hình thức trọng tài vụ việc. Nếu là trọng tài quốc tế thì trọng tài đó được thành lập trên cơ sở điều ước quốc tế. Do vậy, hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận phải được thành lập trên cơ sở những quy tắc mà các bên tự thỏa thuận. Việc phân định các hình thức giải quyết tranh chấp này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định cách thức công nhận và cho thi hành phán quyết và quyết định của trọng tài trên lãnh thổ Việt Nam.
Thứ tư, bổ sung quy định về công nhận và cho thi hành phán quyết, quyết định của trọng tài quốc tế, của hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận thành lập trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc thiếu vắng các quy định này sẽ gây khó khăn cho việc công nhận và cho thi hành các quyết định, phán quyết này ở Việt Nam.
Đại học Thương mại
[1]. Nguyễn Văn Bảo, Nguyễn Thế Quân, “Doanh nghiệp dự án trong dự án hợp tác công – tư ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”, Tạp chí Xây dựng, số 11/2014, xem trên trang web: https://www.researchgate.net/publication/283558629_Doanh_nghiep_du_an_trong_du_an_hop_tac_cong_-_tu_o_Viet_Nam_ va_kinh_nghiem_quoc_te_Project_Company_in_PPP_Projects_in_Vietnam_and_lessons_from_other_countries, truy cập ngày 25/4/2018.
[2]. Khoản 1 Điều 14 Luật Đầu tư: “Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài và Tòa án theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này”.