Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung một số điều được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2012.
Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 3 Điều 117 Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ luật này thì sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Toà án chỉ định ngay một thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu, thì thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết”. Như vậy, trong thời hạn 48 giờ để thẩm phán xem xét quyết định có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không, có lẽ là quá dài. Đặc biệt là đối với các yêu cầu về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp như: Kê biên tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; cấm mua bán, tặng cho, trao đổi tài sản; phong toả tài khoản. Sự chậm trễ trong việc ra quyết định áp dụng các biện pháp tạo điều kiện cho đương sự tẩu tán tài sản, lẫn tránh nghĩa vụ thi hành án, đồng nghĩa với việc bản án chỉ có hiệu lực trên giấy, mà không có hiệu lực trong thực tế, vì bị đơn dân sự không còn tài sản để thi hành án.
Mặt khác, khoản 3 Điều 117 Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định rõ ràng là trong trường hợp thực sự khẩn cấp Toà án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời vào các ngày lễ hoặc ngày nghỉ hay không? Như vậy, về mặt chủ quan hay khách quan, thì đương sự vẫn có điều kiện về mặt thời gian để tẩu tán tài sản, vì theo luật công chứng và theo quy định của một số tổ chức tín dụng, không nhất thiết phải ngừng hoạt động vào những ngày nghỉ lễ.
Thứ hai: Theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Người yêu cầu Toà án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 102 của Bộ luật này phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Toà án ấn định nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu…”.
Theo chúng tôi, vấn đề này không đúng với thực tế, gây khó khăn cho người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Để làm sáng tỏ sự bất cập của điều luật, chúng tôi xin đưa ra ví dụ như sau:
Bà Nguyễn Thị Hương cho ông Quách Thành Sơn vay số tiền 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng) không có lãi suất, do ông Sơn không trả cho bà Hương đúng thời gian quy định trong hợp đồng, nên bà Hương khởi kiện ông Sơn theo thủ tục dân sự và đã được Tòa án thụ lý giải quyết. Trong quá trình giải quyết, ông Sơn đã treo bảng bán nhà (là tài sản duy nhất). Do vậy, bà Hương đã có đơn đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo cho việc thi hành án. Tòa đã xem xét, định giá ngôi nhà của ông Sơn khoảng 3.000.000.000 đồng (ba tỷ đồng). Do vậy, Tòa án đề nghị bà Hương phải nộp 3.000.000.000 đồng (ba tỷ đồng) vào ngân hàng để Tòa mới có cơ sở ra quyết định khẩn cấp tạm thời không cho ông Sơn trao đổi, mua bán, chuyển nhượng đối với ngôi nhà nói trên dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng trong thực tế, sau khi cho ông Sơn vay 2.000.000.0000 đồng (hai tỷ đồng), thì bà Hương không còn khoản tiền nào khác. Do vậy, bà Hương không thực hiện được yêu cầu của Tòa án. Kết quả là ông Sơn đã bán ngôi nhà là tài sản duy nhất nhằm tẩu tán tài sản trước khi Tòa án có bản án.
Trên đây, là một số ý kiến từ việc nghiên cứu các quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm có những nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể để các quy định về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm khi vận dụng trong thực tiễn có thể đảm bảo được sự công bằng và quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Nguyễn Trọng Tài