Chúng ta đang cố gắng xây dựng một nền tư pháp trong sạch, nhất là trong tư pháp hình sự. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã cố gắng nỗ lực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm qua các giai đoạn tố tụng từ khởi tố, điều tra, đến truy tố, xét xử người phạm tội. Sự cố gắng đó đã đạt được những thành tựu nhất định, qua các con số thống kê của Tòa án. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, không phải lúc nào công lý cũng được hiển hiện ở chốn pháp đình. Oan sai vẫn còn đó khiến lòng mỗi người có lương tâm và trách nhiệm không khỏi nhức nhối, nhói đau. Những tháng gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng nổi lên vụ án Nguyễn Thanh Chấn, rồi kế tiếp theo đó là những tiếng kêu oan của Hàn Đức Long. Hai vụ án này đều xảy ra ở Bắc Giang, nơi được coi là có thành tích cao nhất trong việc khám phá, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự. Có thể nói, vụ án Nguyễn Thanh Chấn đã là hồi chuông cảnh báo oan sai có thật, thậm chí có nhiều, đang hiển hiện trong đời sống tư pháp hình sự nước nhà.
Người ta đã bàn đến nhiều nguyên nhân có thể gây ra oan sai. Trong bài viết đầu xuân này, tôi chỉ xin nói một đôi điều về nguyên tắc suy đoán vô tội, mà theo thiển ý của tôi, do sự hiểu biết chưa đầy đủ, chưa đúng về điều cốt lõi của nguyên tắc này từ phía các cán bộ, các cơ quan tiến hành tố tụng là nguyên nhân dẫn đến những oan sai thật đau lòng…
Thực ra nguyên tắc suy đoán vô tội chưa được công nhận và quy định một cách chính thức trong luật thực định của nước ta, nhưng tinh thần của nó đã được thể hiện trong Điều 72, Chương V, Hiến pháp năm 1992: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Một điều vui mừng là vấn đề “Quyền con người” lần đầu tiên được hiến định trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013, với tên gọi của Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội cũng được xác định một cách rõ hơn trong Điều 31 với 5 khoản, trong đó, khoản 1 quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Đó là một bước phát triển mới trong việc hiến định quyền con người trong lịch sử lập hiến của Nhà nước ta.
Đã có nhiều bài viết của các luật sư, luật gia và các nhà nghiên cứu pháp luật về nguyên tắc này đề cập đến lịch sử và vị trí, tầm quan trọng của nó trong tố tụng hình sự. Tôi không dám lạm bàn về những điều có ý nghĩa học thuật mà chỉ xin nói một cách nôm na cho gần gũi với đời thường.
Nguyên tắc suy đoán vô tội xác lập nghĩa vụ chứng minh việc phạm tội là thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, các điều tra viên, kiểm sát viên… Bị can, bị cáo có quyền chứ không có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội. Vì họ không có nghĩa vụ chứng minh nên họ có quyền im lặng khi bị bắt, bị hỏi cung khi chưa có mặt của luật sư bào chữa cho họ. Tôi hiểu tinh thần của nguyên tắc này là: Khi tạm giữ, khởi tố điều tra, truy tố và xét xử một người bị tình nghi phạm tội, hoặc họ đã trở thành bị can, bị cáo trong vụ án thì trong tâm thức của những người tiến hành tố tụng phải coi họ là người không có tội và thực sự mong muốn họ là người không có tội, nhưng vì những chứng cứ thu thập được là những bằng chứng hoàn toàn chống lại họ, không có bất kỳ một chứng cứ nào cho thấy họ vô tội, nên buộc lòng phải kết luận và quyết định truy tố, xét xử họ về tội đã phạm. Việc kết tội là hệ quả của các bằng chứng rõ ràng về hành vi phạm tội của họ mà không thể nào khác được.
Tiếc rằng, nguyên tắc này lại không được thể hiện một cách đầy đủ, triệt để trong thực tiễn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Những người được phân công các nhiệm vụ này hình như lại bị chi phối bởi một suy nghĩ phải chứng minh cho được người bị tình nghi hoặc bị can, bị cáo đã phạm tội, chứ không phải chứng minh là họ có tội hay không. Từ nhận thức này nên các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử đều nhằm mục đích chứng minh việc phạm tội của họ. Khi đã chứng minh được họ phạm tội thì coi như các cán bộ này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được tính thành tích, mà lẽ ra, khi bắt, khởi tố điều tra, truy tố và xét xử một người mà xác định người đó không có tội, mới là chỉ số tính thành tích cao nhất, tốt nhất của việc thực thi công lý, vì đã minh oan được cho số phận một con người. Điều này là cốt tử đối với những người đối diện với án tử mà thực ra là họ bị oan sai.
Chính vì không nhận thức đầy đủ nguyên tắc suy đoán vô tội nên một số điều tra viên, vì nôn nóng, bức xúc trước trách nhiệm điều tra được phân công, đã phải dùng đến những biện pháp vi phạm pháp luật tố tụng hình sự như mớm cung, dụ cung, bức cung, thậm chí cả nhục hình chỉ để lấy được lời khai nhận tội của bị can và kết thúc điều tra vụ án. Vì sợ hãi hay vì một lý do nào đó mà những người này buộc phải nhận tội để tránh những biện pháp đau đớn kia và mong muốn ra Tòa sẽ khai đúng sự thật. Nhưng đến Tòa cũng lại vấp phải cái tư duy của người xét xử về nghĩa vụ của bị cáo phải chứng minh là mình đã bị bức cung, nhục hình thì Tòa mới có cơ sở xem xét. Như vậy là tại pháp đình, Tòa án đã buộc bị cáo phải có nghĩa vụ chứng minh lời khai của mình về sự vô tội, trong khi đó, nghĩa vụ chứng minh lại không phải của họ.
Tôi chợt nhớ lần cùng Đoàn đại biểu của Liên đoàn Luật sư Việt Nam sang trao đổi về nghề nghiệp luật sư tranh tụng hình sự với Đại diện Tòa án tối cao Trung Quốc. Khi được hỏi về điều này, vị đại diện này đã mỉm cười và trả lời rất rõ rằng: Tòa án có quyền triệu tập điều tra viên đó đến Tòa để đối chất và anh ta phải có nghĩa vụ chứng minh là đã không bức cung và dùng nhục hình với bị cáo. Phương tiện chứng minh là các băng ghi hình, ghi âm, hoặc các bản cung có chữ ký của luật sư…
Thực tiễn xét xử ở nước ta từ trước đến nay gặp rất nhiều trường hợp hồ sơ vụ án bị Tòa án trả lại để điều tra bổ sung chỉ với lý do chưa đủ căn cứ để kết tội bị cáo. Điều này cho thấy, trong nhận thức của người được phân công xét xử đã coi bị cáo là người có tội, vì cơ quan công tố chưa chứng minh rõ được tội phạm của họ nên phải trả về để điều tra, củng cố thêm chứng cứ. Trong khi về nguyên tắc tố tụng, nếu hồ sơ chưa đủ căn cứ để kết tội, tức là cơ quan công tố đã không chứng minh được tội phạm của bị cáo thì Tòa án phải tuyên xử họ không có tội mới đúng nguyên tắc về nghĩa vụ chứng minh. Viết đến đây, tôi mới hiểu vì sao, ở một số nước tư bản, Tòa án khi xét xử một bị cáo, thấy không chứng minh được việc phạm tội của họ thì tuyên bố “Tội phạm không được thành lập”, chứ không phải tuyên bố là họ vô tội. Suy ra có phải là thế này: Thâm tâm, chúng tôi biết anh có tội đấy, nhưng vì không chứng minh được việc phạm tội của anh nên đành phải tuyên bố “tội phạm không được thành lập” đối với anh đó thôi?
Đầu xuân, trước thềm năm mới, mỗi người chuẩn bị cho mình một tâm thức đón chào cái mới, cái tốt tươi. Dành một vài phút suy ngẫm về những điều đó cũng có ý nghĩa giúp ta nhìn lại những thực trạng đang tồn tại, nói thật với nhau, để cùng nhau khắc phục và đón một mùa xuân vui tươi trong niềm lạc quan phấn khởi về một năm sẽ có nhiều dấu hiệu tốt lành.
Tôi có một niềm tin rằng, thực trạng oan sai đã cất lên tiếng nói ở nghị trường, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, thì những suy ngẫm tản mạn trên đây của tôi về nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự nước nhà, sẽ có một ý nghĩa nào đó chăng?
Nguyễn Minh Tâm