1. Những vấn đề lý luận về biện pháp hành chính xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
1.1. Khái niệm, đặc điểm
Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004 xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh là “hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”.
Hành vi CTKLM trên thực tế được thực hiện dưới nhiều phương thức khác nhau, nhiều thủ đoạn khác nhau để tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp, trong đó, nhóm hành vi chiếm đa số trong các hành vi CTKLM là nhóm hành vi mang tính chất lợi dụng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác. Nhóm này được biết đến dưới các phương thức như gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ, lợi dụng thành quả đầu tư của người khác (cạnh tranh ăn bám), xâm phạm bí mật kinh doanh… Bản chất của hành vi này là việc chiếm đoạt hay sử dụng trái phép lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác. Nhóm hành vi này gắn liền với các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, bởi thông thường các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp bị xâm phạm là những thành quả trí tuệ mà doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng để tạo dựng được niềm tin, uy tín đối với khách hàng. Do đó, hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được hiểu là nhóm hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, xâm phạm các đối tượng sở hữu công nghiệp và các đối tượng có liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người được sử dụng hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp và/hoặc của người tiêu dùng.
Hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được cấu thành bởi các yếu tố:
- Chủ thể: Là các chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh trên thị trường; bao gồm các tổ chức, cá nhân Việt Nam và cả tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Khách thể: Là các chuẩn mực thông thường của đạo đức kinh doanh.
- Bản chất: Hành vi CTKLM là hành vi trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, xâm phạm các đối tượng sở hữu công nghiệp và các đối tượng có liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp; gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người được sử dụng hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc của người tiêu dùng.
- Mục đích: Nhằm mục đích cạnh tranh, thu lợi cho doanh nghiệp.
Hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp mang một số điểm đặc thù: (i) Đối tượng mà hành vi CTKLM xâm phạm đến là các đối tượng sở hữu công nghiệp và các đối tượng có liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp; (ii) Người thực hiện hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh khi chiếm đoạt thành quả sáng tạo, thành quả đầu tư (tồn tại dưới dạng các đối tượng sở hữu công nghiệp, chỉ dẫn thương mại) của chủ thể khác; (iii) Phần lớn hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được thực hiện với mục đích gây nhầm lẫn hoặc lừa dối người tiêu dùng; (iv) Hành vi CTKLM gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu hoặc người được sử dụng hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc của người tiêu dùng.
Căn cứ vào Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS), pháp luật của các quốc gia, trong đó có Việt Nam khá tương đồng trong việc xác định các loại hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp gồm: Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn; hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh; hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng; hành vi đăng ký, chiếm giữ, sử dụng tên miền trái pháp luật.
1.2. Biện pháp hành chính
Nhằm ngăn chặn, xử lý hiệu quả các hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp rất đa dạng về phương thức thực hiện, pháp luật các quốc gia cũng áp dụng một cách đa dạng và linh hoạt các biện pháp xử lý như : Biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp hình sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu về biện pháp hành chính.
Biện pháp hành chính là việc cơ quan hành chính nhà nước áp dụng các biện pháp chế tài hành chính đối với các chủ thể có hành vi vi phạm trật tự quản lý nhà nước.
Khác với biện pháp dân sự và biện pháp hình sự, biện pháp hành chính có những điểm đặc trưng: (i) Cơ quan áp dụng biện pháp hành chính là cơ quan hành chính nhà nước trong khi biện pháp dân sự và hình sự là do cơ quan tố tụng (Tòa án) áp dụng; (ii) Thủ tục áp dụng biện pháp hành chính là thủ tục hành chính, đơn giản, gọn nhẹ hơn nhiều so với thủ tục tố tụng áp dụng biện pháp dân sự và hình sự; (iii) Thời gian để áp dụng biện pháp hành chính thường nhanh chóng hơn so với thời gian áp dụng biện pháp dân sự và biện pháp hình sự; (iv) Biện pháp hành chính mang tính chất răn đe, xử phạt đối với bên vi phạm trong khi biện pháp dân sự (biện pháp bồi thường thiệt hại) mang tính bù đắp thiệt hại cho bên bị xâm phạm quyền lợi.
Các biện pháp xử phạt hành chính có thể kể đến như cảnh cáo, phạt tiền. Trong đó, chế tài được áp dụng phổ biến là phạt tiền, mức phạt tiền cũng được xác định khác nhau trong pháp luật của mỗi quốc gia. Một số quốc gia trên thế giới cũng áp dụng biện pháp hành chính để xử lý đối với hành vi CTKLM. Điều 24-2 Luật Kiểm soát độc quyền và thương mại lành mạnh năm 1998 của Hàn Quốc[1] quy định mức tiền phạt “không vượt quá 2% mức doanh thu của doanh nghiệp được đặt ra trong nghị định của Tổng thống; tuy nhiên, trong trường hợp doanh thu không tồn tại, Ủy ban thương mại lành mạnh có thể áp đặt một khoản tiền phạt không quá 500 triệu won”. Các nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp của Việt Nam thì mức phạt không căn cứ vào doanh thu của doanh nghiệp mà ấn định một khung tiền phạt làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xác định mức cụ thể đối với mỗi vi phạm. Cảnh báo là loại hình chế tài mới và được áp dụng khá phổ biến ở các nước công nghiệp phát triển[2]. Ở Bỉ, Bộ trưởng kinh tế có thẩm quyền ban hành các cảnh báo đối với các sản phẩm có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng hoặc có khả năng lừa dối công chúng.
Ngoài các chế tài trên, pháp luật nhiều nước còn sử dụng nhiều chế tài mang tính bổ sung khác như: Buộc cải chính công khai; cấm hành nghề hoặc đảm nhiệm các chức vụ nhất định; tịch thu công cụ, phương tiện vi phạm; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như khôi phục nguyên trạng…
2. Các biện pháp hành chính xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận nhiều biện pháp xử lý hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Ngoài biện pháp mà chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có quyền tự áp dụng (biện pháp tự bảo vệ), các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để xử lý hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp như: Biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp hình sự, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ. Biện pháp hành chính là biện pháp chế tài được áp dụng phổ biến ở Việt Nam để xử lý các hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Bởi lẽ, một mặt, các hình thức xử lý được quy định tương đối phong phú, mặt khác, chúng lại được tiến hành khá nhanh gọn, đáp ứng kịp thời yêu cầu về thời gian để chủ thể quyền có thể khai thác hiệu quả các đối tượng sở hữu công nghiệp của mình cũng như bảo đảm tính ổn định của hoạt động kinh doanh.
Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được quy định trong pháp luật cạnh tranh[3], pháp luật sở hữu trí tuệ[4], pháp luật thông tin truyền thông[5]…
Theo quy định tại Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Điều 28, Điều 29 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh và Điều 14 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, thì các hình thức chế tài hành chính được áp dụng với hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp bao gồm:
2.1. Hình thức xử phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền)
- Đối với hành vi sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn
Theo Điều 14 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, đối với các hành vi bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa, dịch vụ có gắn chỉ dẫn thương mại lên hàng hóa, dịch vụ gây nhầm lẫn; đặt hàng, giao việc, thuê người khác bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa, dịch vụ có gắn chỉ dẫn thương mại lên hàng hóa, dịch vụ gây nhầm lẫn thì tùy theo giá trị của hàng hóa, dịch vụ vi phạm mà cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng cho đến tối đa là 250.000.000 đồng. Trong đó, Điều 14 này quy định 14 khung phạt tiền tương ứng với giá trị hàng hóa vi phạm nhưng một cách tổng quát, các khung phạt tương ứng với tỷ lệ tối đa khoảng 80% giá trị hàng hóa vi phạm nhưng không vượt quá 250.000.000 đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 500.000.000 đồng.
Trong khi đó, theo khoản 2 và khoản 3 Điều 28 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP chỉ quy định 2 khung phạt tiền. Theo đó, trường hợp 1: Hành vi CTKLM liên quan đến chỉ dẫn gây nhầm lẫn bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; trường hợp 2: Khung phạt tiền tăng gấp đôi nếu có tình tiết tăng nặng (là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hoặc hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên).
Quy định về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi CTKLM liên quan đến chỉ dẫn gây nhầm lẫn của 2 văn bản pháp luật trên cho thấy những bất cập:
Thứ nhất, mức xử phạt tối đa và tối thiểu đối với hành vi CTKLM liên quan đến chỉ dẫn gây nhầm lẫn trong hai văn bản là khác nhau.
Thứ hai, căn cứ để áp dụng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm trong hai văn bản cũng khác nhau. Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định 14 mức xử phạt tương ứng với giá trị hàng hóa vi phạm, trong khi đó Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định 2 mức xử phạt trong trường hợp thông thường và trong trường hợp có tình tiết tăng nặng. Giả thiết rằng, hàng hóa vi phạm không phải là hàng hóa thiết yếu có giá trị 600.000.000 đồng được thực hiện trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Nghị định số 99/2013/NĐ-CP mức phạt tối đa đối với hành vi này là 250.000.000 đồng trong khi đó, nếu áp dụng Nghị định số 71/2014/NĐ-CP thì mức phạt tối đa sẽ chỉ là 100.000.000 đồng.
Việc quy định khác nhau giữa hai văn bản này sẽ dẫn tới tình trạng người khiếu nại hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định xử phạt có thể lợi dụng để tăng hoặc giảm mức xử phạt căn cứ vào từng văn bản.
Thứ ba, ngay cả khi Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền cao hơn so với Nghị định số 71/2014/NĐ-CP thì pháp luật Việt Nam vẫn khác biệt so với pháp luật của các nước khác trên thế giới. Pháp luật của các nước khác, để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm, mức phạt được áp dụng có thể gấp 2 - 3 lần nhưng không thấp hơn giá trị hàng hóa vi phạm.
- Đối với hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh:
Tương tự như quy định về mức xử phạt đối với hành vi CTKLM liên quan đến chỉ dẫn gây nhầm lẫn, mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh là khác nhau giữa Nghị định số 99/2013/NĐ-CP và Nghị định số 71/2014/NĐ-CP. Theo điểm a khoản 15 Điều 14 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh là từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, trong khi đó, khoản 1 Điều 29 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với hành vi này là từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
- Đối với hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn và hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Việt Nam cũng là thành viên:
Cũng như quy định về mức xử phạt đối với hành vi CTKLM liên quan đến chỉ dẫn gây nhầm lẫn, mức xử phạt đối với hành vi này là khác nhau giữa Nghị định số 99/2013/NĐ-CP và Nghị định số 71/2014/NĐ-CP. Theo khoản 16 Điều 14 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền là từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, trong khi đó, khoản 1 Điều 28 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định mức phạt tiền là từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
- Hành vi đăng ký, chiếm hữu, sử dụng tên miền bất chính
Khoản 16 Điều 14 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng”.
2.2. Hình thức xử phạt bổ sung
Bên cạnh hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền, xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp còn áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm, kể cả hoạt động thương mại điện tử đến sáu tháng[6]. Tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu là tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, bao gồm cả khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Việc quy định về hình thức xử phạt bổ sung là tương đối thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
2.3. Biện pháp khắc phục hậu quả
Đối với các vụ việc về kinh tế nói chung, về CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nói riêng thì việc các chủ thể bị thiệt hại hoặc có nguy cơ bị thiệt hại quan tâm nhất chính là việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Khoản 18 Điều 14 Nghị định định số 99/2013/NĐ-CP, hướng dẫn chi tiết tại Điều 4 Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP đã quy định các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm;
- Buộc loại bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm trên phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, trang tin điện tử;
- Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp, buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Khoản 4 Điều 28 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính công khai.
Trong các biện pháp khắc phục hậu quả, có hai biện pháp còn có những vướng mắc trong quá trình thực hiện, đó là buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền và buộc cải chính công khai.
Đối với biện pháp buộc trả lại tên miền, theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP và Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN chỉ quy định trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi tên miền, còn thủ tục trả lại tên miền “.vn” phải tuân theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet. Theo đó, chủ thể phải nộp đơn đề nghị hoàn trả tên miền đến nhà đăng ký tên miền “.vn” đang quản lý tên miền. Tuy nhiên, trong trường hợp chủ thể không tiến hành thủ tục nộp đơn đề nghị hoàn trả tên miền thì cũng không có biện pháp cưỡng chế gì từ phía nhà quản lý và nhà đăng ký tên miền “.vn”. Do đó, việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả này tùy thuộc vào sự tự nguyện của chủ thể đang sử dụng tên miền vi phạm.
Ngày 08/6/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cùng thống nhất ban hành Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT- BTTTT- BKHCN hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, riêng quy định về thủ tục trả lại tên miền không sửa đổi mà vẫn dẫn chiếu áp dụng Điều 10 Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT[7]. Do đó, việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trả lại tên miền vẫn phụ thuộc vào sự tự nguyện của chủ thể sử dụng tên miền vi phạm.
Về biện pháp buộc cải chính công khai, biện pháp này được quy định trên cơ sở xác định hành vi CTKLM ngoài việc gây ra những tổn thất về vật chất đối với doanh nghiệp bị vi phạm thì còn gây ra những tổn hại đến danh tiếng, uy tín của doanh nghiệp đó trên thương trường. Để khắc phục phần nào sự mất mát về danh tiếng và uy tín của doanh nghiệp bị vi phạm, cơ quan xử lý hành chính có thể yêu cầu chủ thể vi phạm phải tiến hành cải chính công khai. Tuy nhiên, Nghị định số 71/2014/NĐ-CP không quy định về trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp “buộc cải chính công khai” và cũng không quy định rõ các hình thức cải chính công khai để bên vi phạm thực hiện. Điều đó gây khó khăn không nhỏ cho các cơ quan chức năng trong việc áp dụng biện pháp này.
2.4. Biện pháp xử lý đối với tên miền
Biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn được pháp luật sở hữu trí tuệ quy định[8].
Pháp luật thông tin và truyền thông không quy định biện pháp xử phạt vi phạm hành chính mà coi việc đăng ký, sử dụng tên miền như hành vi thương mại nên khi phát sinh tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thì áp dụng các hình thức giải quyết[9]: Thông qua thương lượng, hòa giải; thông qua trọng tài; khởi kiện tại Tòa án.
Như vậy, có thể thấy, pháp luật thông tin và truyền thông chỉ quy định ba hình thức giải quyết tranh chấp liên quan đến tên miền, trong khi đó pháp luật sở hữu trí tuệ lại quy định biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ. Mặc dù Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT- BTTTT- BKHCN hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, trả lại, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ đã quy định trách nhiệm và cơ chế phối hợp xử lý vi phạm giữa cơ quan quản lý tên miền và cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm CTKLM liên quan đến tên miền nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy định hướng dẫn các chủ thể bị vi phạm lựa chọn một trong các hình thức giải quyết nêu trên để thực thi quyền của mình.
Có quan điểm cho rằng, nên bổ sung vào Điều 76 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 quy định việc giải quyết tranh chấp tên miền theo thủ tục hành chính (như một giải pháp trước mắt) để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cơ chế phối hợp xử lý các vi phạm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông[10]. Theo tác giả, đề xuất này có ý nghĩa về mặt tương thích giữa hai lĩnh vực pháp luật. Tuy nhiên, việc bổ sung này sẽ là “hành chính hóa” quan hệ thương mại. Về lâu dài, các tranh chấp liên quan đến CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng cần được đối xử như quan hệ thuộc lĩnh vực tư và khi đó biện pháp xử lý vi phạm hành chính sẽ phải nhường chỗ cho biện pháp dân sự.
3. Một số giải pháp đối với biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
Để tăng tính hiệu quả của các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
- Cần thống nhất quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ chế tài hành chính xử lý hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Theo đó, các biện pháp chế tài hành chính đối với hành vi CTKLM trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nên được quy định bởi Luật Sở hữu trí tuệ, còn Luật Cạnh tranh không trực tiếp quy định mà dẫn chiếu đến Luật Sở hữu trí tuệ, sẽ hạn chế được tình trạng không thống nhất về hình thức xử lý, căn cứ xử lý và mức chế tài áp dụng.
- Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, phạm vi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc cải chính công khai”. Luật Cạnh tranh có quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính công khai nhưng không có hướng dẫn cụ thể nên khó áp dụng trên thực tế. Nếu chủ thể sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn nhằm CTKLM mà phạm vi lưu thông của hàng hóa sử dụng nhãn hiệu trên toàn quốc thì việc cải chính công khai tiến hành trên phạm vi toàn quốc hay trong phạm vi tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở của doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm? Việc buộc cải chính công khai được thực hiện trên những phương triện truyền thông nào?
- Cần quy định thủ tục thực hiện đối với biện pháp khắc phục hậu quả “trả lại tên miền vi phạm” để đảm bảo được tính khả thi trên thực tế. Nếu phụ thuộc vào sự tự nguyện trả lại tên miền vi phạm của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ rất mất thời gian mà không thể đạt kết quả mong muốn, khó khắc phục được hậu quả đã gây ra cho chủ thể bị thiệt hại. Do đó, cần thiết quy định bản án hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tên miền vi phạm gửi cho Nhà quản lý tên miền “.vn” là căn cứ để thực hiện biện pháp kỹ thuật thu hồi tên miền chứ không cần phải qua các thủ tục đơn từ như quy định hiện hành.
Đại học Thành Tây