Tuy nhiên, trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về thủ tục rút gọn để áp dụng đối với những vụ án ít nghiệm trọng, quả tang, đơn giản, khi chứng cứ và lai lịch của người phạm tội đã rõ; để giải quyết vụ án nhanh hơn so với thủ tục thông thường, người phạm tội ít bị tạm giữ, tạm giam hơn… Trên thực tiễn áp dụng thủ tục này đã bộ lộ nhiều vấn đề cần phải được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện để đạt được mục đích khi xây dựng chế định này, một trong những vấn đề nổi cộm nhất là đảm bảo quyền bào chữa cho người thực hiện hành vi phạm tội khi được áp dụng thủ tục rút gọn, vì hiện nay trong thủ tục rút gọn chưa có quy định về việc bảo đảm quyền bào chữa cho người thực hiện hành vi phạm tội, dẫn đến vẫn phải tiến hành theo thủ tục chung.
Về quy định chung của Bộ luật Tố tụng hình sự, tại Điều 11 quy định:
“Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này.”
Tại Điều 48 - Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người bị tạm giữ có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; Điều 49, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bị can có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; Điều 50 - Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; tại khoản 1, Điều 58, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra”.
Các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự cho thấy, tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa là quyền chứ không phải là nghĩa vụ, có nghĩa là sự lựa chọn của một con người cụ thể, chủ thể để được tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa sẽ được đặt ra khi một người tham gia với tư cách là người bị tạm giữ (khi họ có quyết định tạm giữ), bị can (khi có quyết định khởi tố bị can) và bị cáo (khi họ có quyết định đưa ra xét xử). Ngoài ra, quy định trên cũng xác định việc người bào chữa tham gia bào chữa khi có yêu cầu bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ khi họ là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, người bị tâm thần hoặc khi được cơ quan có thẩm quyền chỉ định. Đối với người thực hiện hành vi phạm tội khi bị áp dụng thủ tục rút gọn, vấn đề về quyền bào chữa và bảo đảm quyền bào chữa về nguyên tắc phải đảm bảo theo quy định chung, tức chủ thể của bảo đảm quyền bào chữa khi bị áp dụng thủ tục rút gọn có thể là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về thủ tục rút gọn hiện nay có những điểm không thống nhất dẫn đến hạn chế việc bảo vệ quyền bào chữa của người bị áp dụng. Chẳng hạn, căn cứ vào các Điều 318, Điều 319, Điều 320 Bộ luật Tố tụng hình sự, điều kiện tiên quyết để áp dụng thủ tục rút gọn là phải sau khi có quyết định khởi tố vụ án có nghĩa là người bị bắt quả tang đó họ vẫn là người bị tạm giữ, trong khi gửi quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì lại gửi cho bị can. Vậy, vấn đề đặt ra là khi áp dụng thủ tục rút gọn là thời điểm có quyết định khởi tố vụ án hay là phải từ khi có quyết định khởi tố bị can.
Như vậy, để xác định đúng đối tượng áp dụng thì cần phải có cái nhìn tổng thể về qui định thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Thủ tục rút gọn được áp dụng cho việc điều tra, truy tố xét xử. Về phạm vi phải là bắt đầu từ giai đoạn điều tra, tức là từ khi có quyết định khởi tố vụ án. Khoản 1, Điều 320 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định sau khi khởi tố vụ án, cơ quan có thẩm quyền xem xét nếu có đủ các điều kiện theo luật định thì có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn là hợp lý. Tuy nhiên, khoản 2 và khoản 3, Điều 320 - Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho Cơ quan điều tra và bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn”[1]; Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn...”[2].
Với quy định này có thể hiểu đối tượng áp dụng chỉ là bị can vì quyết định áp dụng thủ tục rút gọn chỉ được gửi cho bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Như vậy, trong trường hợp này bắt buộc cơ quan điều tra sau khi ra quyết định khởi tố vụ án thì phải ra quyết định khởi tố bị can để Viện kiểm sát xem xét quyết định áp dụng. Hoặc có quan điểm cho rằng Điều 319 Bộ luật Tố tụng hình sự sử dụng thuật ngữ “người thực hiện hành vi phạm tội” và “người phạm tội” ở Khoản 3 là vi phạm nguyên tắc “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” được quy định tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự trong Bộ luật Tố tụng hình sự, từ đó quan điểm này đề xuất phải thay thế thuật ngữ “người thực hiện hành vi phạm tội” và “người phạm tội” bằng “Bị can”. Chúng tôi không đồng ý với đề xuất này, bởi giữa thuật ngữ “người thực hiện hành vi phạm tội”, “người phạm tội” và “có tội” có nội hàm khác nhau nên không thể so sánh bằng nhau hoặc ngang nhau, vì một bên là danh từ một bên là tính từ, mặt khác chỉ coi bị can mới là chủ thể trong áp dụng thủ tục rút gọn thì vô hình chung đã thu hẹp đối tượng cần bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ.
Đồng quan điểm trên cũng đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 320 Bộ luật Tố tụng hình sự cho thống nhất là: “1. Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, theo đề nghị của Cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này, Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; 2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và phê chuẩn lệnh tạm giam bị can (nếu có)…; 3. Sau khi nhận được quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, cơ quan điều tra phải giải thích các quy định về thủ tục rút gọn cho bị can và người đại diện hợp pháp của bị can (nếu có). Bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn…” (Vũ Gia Lâm - Tạp chí Luật học số 8/2009)
Với đề xuất này, cho thấy cũng chưa hợp lý, bởi nếu như đề xuất chỉ coi bị can mới là đối tượng áp dụng thủ tục rút gọn thì quy định khoản 1 và khoản 2 - Điều 322 Bộ luật Tố tụng hình sự về đối tượng bị tạm giữ sẽ trở thành thừa, trong khi đó khoản 1 và khoản 2, Điều 322, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “1. Căn cứ, thẩm quyền và thủ tục tạm giữ, tạm giam được áp dụng theo quy định của Bộ luật này; 2. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ ngày cơ quan điều tra nhận người bị bắt.”
Thực tế áp dụng thủ tục rút gọn của các cơ quan điều tra cho thấy: Căn cứ vào yêu cầu thực tế của địa phương nếu cần thiết áp dụng thủ tục rút gọn thì khi có vụ án xảy ra và chứa đựng các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát ngay khi nhận người bị bắt quả tang thông thường là ra quyết định tạm giữ để sau đó ra quyết định tạm giam. Trong thời hạn tạm giữ cơ quan điều tra tiến hành một loạt hoạt động tố tụng để xác định dấu hiệu tội phạm như xác minh tiền án, tiền sự, trưng cầu hội đồng định giá…, từ đó trước khi kết thúc 3 ngày tạm giữ cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quyết định tạm giam bị can.
Như vậy, căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thực tiễn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn và việc bảo vệ quyền lợi cho người thực hiện hành vi phạm tội khi được áp dụng thủ tục rút gọn thì đối tượng bảo đảm quyền bào chữa khi áp dụng thủ tục rút gọn là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Từ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự không thống nhất, dẫn đến thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục rút gọn trong bảo đảm quyền bào chữa của người thực hiện hành vi phạm tội khi bị áp dụng thủ tục rút gọn chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay.
Về quyền của đối tượng khi bị áp dụng thủ tục rút gọn, trong thực tế hiện nay là nhờ người khác bào chữa cho mình (người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) trong vụ án hình sự chiếm tỉ lệ rất ít còn chủ yếu là tự họ bào chữa cho mình, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: “Thứ nhất, nhân dân ta chưa có thói quen nhờ người bào chữa và chưa thấy rõ được vai trò của người bào chữa trong các vụ án hình sự. Thứ hai, nhiều người biết nhưng lại không có tiền hoặc sợ tốn kém nên không mời người bào chữa. Thứ ba, trình độ hiểu biết pháp luật của một số bị can, bị cáo hiện nay là quá thấp nên mặc dù được cơ quan tiến hành tố tụng giải thích nhưng họ vẫn không hiểu” (Hoàng Thị Sơn - Tạp chí Luật học số 4/2002)
Đối với người phạm tội khi cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thủ tục rút gọn do thời gian quá ngắn (tạm giữ 03 ngày, tạm giam 12 ngày (nếu không bị tạm giữ) đưa ra xét xử 14 ngày trong khi đó thủ tục bào chữa vẫn theo quy định chung nên trong thực tế những vụ án áp dụng thủ tục rút gọn người bào chữa không kịp tham gia bảo vệ quyền lợi cho họ và một điều nữa là “phần lớn các bị can, bị cáo khi bị áp dụng thủ tục rút gọn đều không biết thủ tục rút gọn là gì, họ không được những người tiến hành tố tụng giải thích khi giao quyết định áp dụng thủ tục rút gọn” (Nguyễn Sơn Hà - Tạp chí Nghiên cứu pháp luật).
Về phía cơ quan tiến hành tố tụng, mặc dù là thủ tục rút gọn nhưng cho đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình áp dụng nên cũng rất lúng túng khi áp dụng mà vẫn áp dụng theo thủ tục chung. Bên cạnh đó, do thời gian điều tra quá ngắn nên các thủ tục tố tụng hình sự phải hoàn thiện phải hết sức khẩn trương, vì thế cũng ít quan tâm đến vấn đề giải thích quyền bào chữa cho họ, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người bào chữa không tham gia bào chữa cho người tạm giữ, bị can khi bị áp dụng thủ tục rút gọn.
Từ sự phân tích ở trên, để hoàn thiện quy định pháp luật về thủ tục rút gọn xin đề xuất một số kiến nghị sau:
Một là, cần sớm bổ sung những quy định mới để hoàn thiện chế định thủ tục rút gọn nói chung và bảo đảm quyền bào chữa cho người bị áp dụng thủ tục rút gọn nói riêng, chẳng hạn bổ sung về quyền được lựa chọn áp dụng hay không áp dụng thủ tục rút gọn của người thực hiện hành vi phạm tội, đây cũng là biện pháp hữu hiệu để bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa cho họ, bên cạnh đó Bộ Luật tố tụng hình sự cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn áp dụng, bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa cho người thực hiện hành vi phạm tội khi bị áp dụng thủ tục rút gọn, chẳng hạn Điều 320 Bộ luật Tố tụng hình sự thủ tục rút gọn cần sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 320. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; 1. Sau khi khởi tố vụ án, khi thấy vụ án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này, cơ quan điều tra phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; 2. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho Viện kiểm sát và người bị tạm giữ, bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; 3. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Người bị tạm giữ, bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là 24 giờ, kể từ ngày nhận được quyết định...”.
Hai là, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật tố tụng hình sự nói chung và về quy định thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng hình sự nói riêng. Công tác tuyên truyền cần phải sâu rộng và đa dạng trong nhân dân, để nhân dân hiểu những quy định của pháp luật tố tụng hình sự, nhất là quy định về quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của người thực hiện hành vi phạm tội. Hình thức tuyên truyền cũng phải đa dạng và phong phú để người dân dễ dàng tiếp cận.
Ba là, nâng cao nhận thức của những người tiến hành tố tụng, việc nhờ người khác bào chữa cho người phạm tội là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Vì vậy, cho dù thời gian giải quyết vụ án có rút ngắn đi so với thủ tục chung thì cũng phải thực hiện đúng quyền năng tố tụng, đây cũng là một trong những cơ chế bảo đảm hữu hiệu cho việc bảo đảm quyền bào chữa cho người thực hiện hành vi phạm tội khi bị áp dụng thủ tục rút gọn. Để bảo đảm tốt điều này, những người tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án theo cần phải giải thích rõ và đầy đủ khi có quyết định áp dụng thủ tục rút gọn cho người bị tạm giữ hoặc bị can, bên cạnh đó phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để việc tham gia bào chữa cho người thực hiện hành vi phạm tội khi bị áp dụng thủ tục rút gọn.
Học viện Cảnh sát nhân dân