Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Kinh tế - xã hội tỉnh những tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đạt mức tăng trưởng khá, GRDP quý I ước 20.107 tỷ đồng, đạt 27,59% kế hoạch, tăng trưởng 6,25%, xếp thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và thứ 26 cả nước.
Tổng thu ngân sách 5.329,5 tỷ đồng, đạt 43,77% kế hoạch, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 04 tháng đầu năm 2023 ước đạt 232,01 triệu USD, đạt 26,98% kế hoạch năm và giảm 6,83% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 04 tháng năm 2023 đạt 54,28 triệu USD, đạt 33,93% kế hoạch năm và tăng 12,50% so với cùng kỳ.
Năm 2023, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh là 6.241 tỷ đồng, hiện đã phân bổ đạt 100% so với kế hoạch. Kết quả giải ngân đến ngày 15/4 là 890 tỷ đồng, đạt 14,28% kế hoạch, tăng 5,56% so với cùng kỳ.
Về tình hình đầu tư, xây dựng các dự án trọng điểm có sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương của vùng, Kiên Giang hiện có 37 công trình lớn, trọng điểm do các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương quản lý; được bố trí trên 2.832 tỷ đồng, chiếm 45,38% kế hoạch đầu tư công năm 2023 của cả tỉnh. Đến nay, giá trị giải ngân là 1.047/6.241 tỷ đồng, đạt 16,78% kế hoạch.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Kiên Giang còn gặp nhiều khó khăn như thiếu đá, cát vàng xây dựng, giá vật liệu xây dựng tăng,... làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn. Một số quy định trong chính sách tín dụng, thuế, phí, lệ phí; giá nhiên liệu đầu vào vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục có những giải pháp điều hành vĩ mô ổn định nền kinh tế, chỉ đạo triển khai thực hiện; chỉ đạo các tỉnh có nguồn nguyên vật liệu xây dựng thỏa thuận, liên kết, hợp tác nhằm ổn định thị trường, đảm bảo nguồn cung; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án, nhất là các dự án đường cao tốc trên địa bàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng chí Lâm Minh Thành cũng kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật; sớm sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc, nhất là các quy định trong đầu tư, kinh doanh. Các bộ, ngành Trung ương cần sớm có cơ chế đặc thù để phát triển TP. Phú Quốc.
Đối với vấn đề liên quan xây dựng chính sách thể chế, Bộ Tư pháp sẽ cùng các bộ, ngành theo dõi các dự án luật hiện Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét thông qua, những nội dung có liên quan; bám sát để xử lý theo quy định.
Đồng thời, việc thuộc thẩm quyền tham mưu của các Bộ, các ngành hoặc chưa tham mưu hoặc đã làm nhưng chưa có kết quả sẽ được đưa vào báo cáo và có đề xuất cụ thể.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị tỉnh Kiên Giang kiên quyết thực hiện những công việc, trách nhiệm của tỉnh. Những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, Đoàn sẽ ghi nhận và có báo cáo với Thủ tướng để quyết định.