Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Bộ GD&ĐT, thì sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ và đồng hành của Bộ Tư pháp là vô cùng quan trọng. Năm nay là năm thứ ba thực hiện Chương trình phối hợp công tác pháp chế giữa hai Bộ giai đoạn 2020 - 2025, nhưng với các kết quả của công tác pháp chế của năm 2023 cho thấy, Chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp chế giai đoạn 2020 - 2025 giữa hai Bộ sẽ đạt được những kết quả quan trọng.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường công tác pháp chế, nâng cao hiệu quả công tác này trong ngành giáo dục là một trong những yếu tố quyết định; việc nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan trong công tác pháp chế là một trong các giải pháp quan trọng.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường công tác pháp chế, nâng cao hiệu quả công tác này trong ngành giáo dục là một trong những yếu tố quyết định; việc nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan trong công tác pháp chế là một trong các giải pháp quan trọng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định, đây là diễn đàn để các đơn vị chức năng, các chuyên gia pháp luật có sự thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; có hướng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT, đi đến thống nhất các giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác pháp chế.
Theo Báo cáo kết quả phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2023, công tác phối hợp giữa hai Bộ được triển khai thực hiện một cách toàn diện trên các mặt công tác pháp chế như công tác xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; pháp điển, hợp nhất...
Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội nghị.
Các đơn vị chức năng của hai Bộ đã có sự phối hợp, gắn kết và có hiệu quả trong công tác chuyên môn, góp phần thực hiện tốt công tác pháp chế của ngành giáo dục. Trong đó, Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình góp ý đối với một số đề nghị, dự thảo VBQPPL do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, như dự án Luật Thủ đô, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế... đồng thời cử cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn sâu tham gia các Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp.
Hai Bộ đã thường xuyên trao đổi, phối hợp và đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá, pháp điển, hợp nhất VBQPPL. Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hai Bộ đã có sự phối hợp rất chặt chẽ trong việc triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 15/QĐ-HĐPB của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương; tổ chức thành công Đoàn kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật...
Kết quả, trong năm 2023, đội ngũ những người làm công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT ngày càng trưởng thành, được đánh giá là một trong các tổ chức pháp chế mạnh trong khối các Bộ, ngành; chất lượng văn bản do Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền đã đảm bảo về chất lượng và tiến độ; một số văn bản có nội dung phức tạp, có phạm vi ảnh hưởng lớn đã được các đơn vị phối hợp tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành tạo hành lang pháp lý cho ngành giáo dục hoạt động có hiệu quả.
Tại Hội nghị, đại diện một số đơn vị của cả hai Bộ đã trao đổi, thảo luận, đánh giá thẳng thắn, khách quan về kết quả thực hiện Chương trình phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ Giáo dục và Bộ Tư pháp trong năm 2023 và có ý kiến về Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác pháp chế năm 2024; việc thực hiện công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp; đề xuất, gợi mở các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa hai Bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tiếp theo.
Toàn cảnh Hội nghị.
Để tiếp tục hoàn thành tốt các việc về công tác pháp chế, công tác phối hợp mà hai Bộ đã đề ra năm 2024, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo sát sao các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp nói riêng, pháp chế các Bộ, ngành nói chung trong công tác pháp chế của ngành.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT có đề xuất một số thể chế. Trong đó, ngoài dự thảo Luật Nhà giáo vẫn còn những thể chế mang tính chất đột phá, liên quan đến xã hội hoá giáo dục… cần được quan tâm thêm, như có chính sách ưu đãi về đầu tư; nguồn lực…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội nghị.
Thứ trưởng cũng đề nghị lưu tâm đến đội ngũ thực hiện công tác pháp chế để đẩy mạnh hơn nữa chất lượng, tiến độ công tác xây dựng luật, pháp lệnh; thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức thuộc Bộ về tầm quan trọng của công tác pháp chế nói chung, nhất là công tác xây dựng, ban hành VBQPPL và việc phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác này, đặc biệt là không vi phạm Quy định 69-QĐ/TW ngày 6/7/2020 của Bộ Chính trị về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Bộ GD&ĐT cần kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, bảo đảm các trường hợp được áp dụng phải có căn cứ rõ ràng, tránh lạm dụng quy trình này để rút ngắn thời gian, thủ tục ban hành VBQPPL. Qua đó nhấn mạnh, Bộ Tư pháp cam kết cùng đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, đặc biệt là đẩy mạnh phối hợp hoàn thiện, xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo cũng như các VBQPPL khác…
Một số hình ảnh:
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp