Báo cáo tại cuộc họp thẩm định, thay mặt Bộ Công an, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trình bày Tờ trình Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Theo đó, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội thông qua năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Việc Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, cũng thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc thực hiện những cam kết quốc tế về phòng, chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí, phòng, chống khủng bố, vũ khí huỷ diệt hàng loạt mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc do có những quy định của Luật không còn phù hợp, chưa đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay của công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong giai đoạn hiện nay thì cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, một số quy định về hành vi bị nghiêm cấm và công tác quản lý để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Cần xác định, phân loại vũ khí theo đặc tính khoa học
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định, các đại biểu tham dự cơ bản nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành dự thảo Luật và tập trung phát biểu các ý kiến liên quan đến khái niệm về vũ khí, vũ khí thô sơ có tính sát thương cao; cách tiếp cận vấn đề theo đặc tính khoa học hay mục đích sử dụng vũ khí; sửa đổi, bổ sung quy định tổ chức sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, các thủ tục hành chính được quy định trong dự thảo Luật…
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch nhất trí với sự cần thiết của việc xây dựng Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và đánh giá cao sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Bộ Công an trong việc thể chế hóa các quy định liên quan trực tiếp tới trật tự, an toàn xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Đại biểu cho rằng qua rà soát dự án Luật chưa phát hiện nội dung mâu thuẫn với các quy định tại một số Luật chuyên ngành, do đó, đề nghị Bộ Công an rà soát, đánh giá tổng thể các quy định của pháp luật, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đề nghị làm rõ hơn quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; làm rõ cách tiếp cận vấn đề theo đặc tính khoa học hay mục đích sử dụng vũ khí để xác định trường hợp nào sẽ xác định là công cụ lao động, trường hợp nào là vũ khí thô sơ có tính sát thương cao… để xác định trách nhiệm và hình phạt tương ứng.
Tham gia ý kiến thẩm định, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu và chỉnh lý các quy định về nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp do các tổ chức khoa học và công nghệ để phù hợp với quy định tại Luật Khoa học công nghệ. Cụ thể, đối với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 Luật về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp cần quy định theo hướng “Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp cấp quốc gia để đảm bảo thống nhất với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.
Về vũ khí thể thao, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết điểm a khoản 1 Điều 27 Dự thảo quy định trong hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao phải có “văn bản đồng ý về việc trang bị vũ khí thể thao của cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định”. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về thể dục và thể thao, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện kinh doanh về thể thao và xin cấp phép của cơ quan có thẩm quyền mới được phép hoạt động thể thao. Trong quy trình thủ tục cấp phép kinh doanh về thể thao cũng không có quy định doanh nghiệp phải có “văn bản đồng ý về việc trang bị vũ khí thể thao của cơ quan có thẩm quyền”. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu phải có “văn bản đồng ý về việc trang bị vũ khí thể thao của cơ quan có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định” trong Hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao. Cùng với đó, VCCI có ý kiến về các thủ tục hành chính trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hoá những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Chính phủ đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ Công an trong việc chuẩn bị nội dung và hồ sơ và trình tự thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, bổ sung một số tài liệu liên quan như thuyết minh về dự thảo Luật; làm rõ các nội dung sửa đổi, bổ sung mới so với quy định hiện hành. Đối với các quy định cụ thể trong dự thảo Luật, đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng dự thảo đang quy định 03 loại vũ khí (vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và vũ khí thể thao), tuy nhiên, tại một số quy định, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị làm rõ thuật ngữ vũ khí có được áp dụng chung cho các loại vũ khi đã nêu không.
Về phía các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, đại diện Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nhất trí với sự cần thiết của việc ban hành dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thêm một số hồ sơ theo yêu cầu; đánh giá tác động của một số nội dung đang được quy định trong dự thảo nhằm cụ thể hóa các chính sách đã được thông qua tại Đề nghị xây dựng Luật, rà soát các quy định để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong dự thảo luật.
Đại diện Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp phát biểu các ý kiến liên quan đến tính tương thích của các quy định tại dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến các nhóm điều ước quốc tế cụ thể như: Các điều ước quốc tế về quyền con người; các hiệp định thương mại, đầu tư; các điều ước quốc tế liên quan đến vũ khí; các quy định về an toàn lao động và nhóm quy định liên quan đến; các quy định song phương về mua bán vũ khí mà Việt Nam đã ký kết. Qua nghiên cứu, Vụ Pháp luật quốc tế cũng chia sẻ quy định của một số quốc gia trên thế giới về dao, ví dụ pháp luật Hoa kỳ quy định về quản lý dao khá cụ thể, thông qua đặc tính của dao như: Xác định chiều dài, đặc tính, địa điểm được sử dụng.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, bà Bùi Thị Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo và chia sẻ đây là nội dung khó, phức tạp và rất đặc thù, việc quy định chính xác, đầy đủ, chi tiết về vũ khí để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn sử dụng của người dân, không gây khó khăn cho xã hội nhưng phải có sự kiểm soát, quản lý và xác định mức hình phạt của cơ quan nhà nước đòi hỏi cần tính toán kỹ lưỡng, phù hợp, khả thi. Cùng với đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ các quy định để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật chuyên ngành; nghiên cứu thêm để đơn giản hóa thủ tục hành chính; quy định rõ hơn về phân cấp trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; nghiên cứu quy định về điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo Luật.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện Bộ Công an đã có một số phản hồi và làm rõ thêm tình hình thực tiễn, thực trạng tội phạm trong thời gian vừa qua để làm cơ sở xây dựng một số quy định tại dự thảo Luật. Đối với các ý kiến của các thành viên tham gia Hội đồng thẩm định, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý phù hợp để không gây ảnh hưởng đến sản xuất, sử dụng của người dân, khó khăn cho xã hội nhưng đảm bảo sự kiểm soát, quản lý của Nhà nước trong việc ngăn ngừa và phòng chống tội phạm.
Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là nội dung phức tạp và rất đặc thù, đòi hỏi nghiên cứu kỹ lưỡng
Phát biểu kết luận cuộc họp Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao và chia sẻ những nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, đề xuất và xây dựng dự thảo Luật. Thứ trưởng nhất trí với sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật, các nội dung tại dự thảo Luật cơ bản bám sát, cụ thể hóa các nhóm chính sách đã được thông qua tại Đề nghị xây dựng Luật. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát phạm vi điều chỉnh để lược bỏ các quy định đã được quy định tại dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để đảm bảo sự thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật; làm rõ hơn các khái niệm được quy định tại Điều 3 dự thảo Luật; nghiên cứu cách thức quản lý công cụ theo đặc tính khoa học thay vì mục đích sử dụng…
Đối với các nội dung cụ thể, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định để tiếp tục hoàn thiện các quy định, trong đó lưu ý cắt giảm các thủ tục hành chính, điều khoản chuyển tiếp và có phương án để sửa đổi các phụ lục. Cùng với đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tài liệu và nội dung Tờ trình Chính phủ, báo cáo đánh giá tác động pháp luật, báo cáo rà soát pháp luật… để đảm bảo chất lượng, yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hiên Lê