Buổi tập huấn đã tập trung chia sẻ các vấn đề về nguyên nhân, bối cảnh của người chưa thành niên trở thành nạn nhân của bạo lực; quá trình phát triển nhận thức; phát triển tâm lý - xã hội; trí nhớ, ngôn ngữ, cảm xúc của người chưa thành niên; tiếp xúc, giao tiếp với người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực. Ngoài ra, buổi tập huấn còn trang bị cho các luật sư, tư vấn viên pháp luật những kỹ năng của quá trình tham gia tố tụng bảo vệ thân chủ là người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực; tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên trước phiên tòa và rút ra những lưu ý, kinh nghiệm cho luật sư, tư vấn viên pháp luật khi tư vấn cho người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực.
Bên cạnh việc tăng cường kỹ năng tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực cho các luật sư và tư vấn viên pháp luật, các chuyên gia còn thẳng thắn nhìn nhận thực trạng về bạo lực trẻ em tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bạo lực trẻ em xảy ra dưới nhiều hình thức và trong nhiều môi trường, bao gồm gia đình, trường học, cộng đồng và trên môi trường Internet. Bạo lực có thể gây ra bởi nhiều đối tượng, chẳng hạn như các thành viên trong gia đình, chồng/bạn tình, giáo viên, hàng xóm, người lạ và trẻ em khác. Bạo lực không chỉ khiến trẻ em bị tổn thương, đau đớn và nhục nhã mà còn có thể khiến trẻ tử vong. Hiện nay, luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia đều có quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yếu thế, bao gồm cả trẻ em. Hỗ trợ pháp lý cho nhóm đối tượng này đòi hỏi người hỗ trợ không chỉ có kỹ năng pháp lý thông thường mà còn cần am hiểu sâu sắc về đặc thù của trẻ em.
Lớp tập huấn không chỉ là nơi để các luật sư và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực, mà còn là diễn đàn để thảo luận về những khó khăn thường gặp trong quá trình hỗ trợ pháp lý cho nhóm đối tượng yếu thế này. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, mặc dù luật sư, tư vấn viên pháp luật và trợ giúp viên pháp lý đã tích cực tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên, nhưng phần lớn công việc này vẫn dựa trên kinh nghiệm thực tế. Việc thiếu nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý, cách tiếp cận và gợi mở thông tin từ đối tượng khiến việc tư vấn và hỗ trợ pháp lý chưa đạt hiệu quả tối ưu. Bên cạnh đó, việc thiếu đào tạo bài bản cũng là một trở ngại lớn, khiến các luật sư và tư vấn viên chưa thể phát huy hết khả năng của mình trong việc hỗ trợ pháp lý cho người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực.
Các học viên tham gia đều đánh giá cao nội dung của buổi tập huấn, giúp họ hiểu rõ hơn về đặc điểm phát triển tâm sinh lý của người chưa thành niên là nạn nhân của bạo lực. Ngoài ra, buổi tập huấn còn đi sâu vào quyền được hỗ trợ pháp lý thân thiện với người chưa thành niên. Đặc biệt, học viên còn được trang bị những kỹ năng giao tiếp cần thiết với thân chủ vị thành niên là nạn nhân của bạo lực, đồng thời hiểu rõ hơn về vai trò của luật sư trong việc bảo vệ và đại diện cho người chưa thành niên trong toàn bộ quá trình tố tụng. Qua đó, buổi tập huấn góp phần nâng cao vai trò của luật sư và tư vấn viên pháp luật trong việc đảm bảo tiếp cận pháp luật cho người chưa thành niên, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc mọi người dân đều có quyền tiếp cận dịch vụ pháp lý, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế như trẻ em. Luật sư cần ý thức rõ trách nhiệm xã hội của mình, có trách nhiệm "mang pháp luật" đến với những người yếu thế, trong đó trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được ưu tiên.
Hoàng Trung