Hòa giải từ chỗ là một hoạt động mang tính chất tự phát trong nội bộ nhân dân đã trở thành hoạt động của một tổ chức quần chúng được Nhà nước thừa nhận. Để phát huy tốt nhất hiệu quả của hoạt động hòa giải đối với đời sống xã hội, Nhà nước thực hiện sự quản lý, tạo điều kiện cho tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở được kiện toàn và phát triển thông qua việc ban hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998, Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh.
Mới đây là việc ban hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật. Những văn bản pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở thời gian qua và trong những năm tiếp theo.
Việc tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Đồng thời, việc tập huấn này phải thực hiện theo phương thức thống nhất từ trên xuống, nhằm đảm bảo công tác tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên đạt được hiệu quả cao, giúp hòa giải viên nhận thức và vận đúng đắn kiến thức pháp luật, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, trân trọng kính mời quý bạn đọc đón đọc bài viết "Bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng cho hòa giải viên trên địa bàn Hà Nội" của tác giả Nguyễn Thị Vĩnh đăng tải trên số chuyên đề tháng 7 năm 2014 về "Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở" của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Vinh Nguyễn