1. Đặt vấn đề
Quy định về vi phạm hợp đồng và các biện pháp áp dụng khi có vi phạm hợp đồng luôn là một trong những nội dung quan trọng của pháp luật về hợp đồng của các nước trên thế giới. Trong quá trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu, pháp luật Việt Nam không chỉ cần xây dựng những quy định pháp luật về hợp đồng linh hoạt và chặt chẽ hơn, mà còn phải điều hòa được những khác biệt trong quy định về hợp đồng của các hệ thống luật pháp khác nhau trên thế giới. Hơn nữa, để bắt kịp xu thế chung của pháp luật thế giới, Việt Nam còn tham gia vào một số Công ước quốc tế. Kể từ năm 2017 Việt Nam gia nhập Công ước của Liên Hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) đến nay, việc giải quyết tranh chấp khi có vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng và hợp đồng thương mại nói chung của nước ta đang có những thay đổi nhất định. Tuy nhiên, thực tế việc xử lý vi phạm hợp đồng thương mại hiện nay, cụ thể là biện pháp bồi thường thiệt hại, vẫn còn nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến quá trình mở cửa nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Do đó, hoàn thiện các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại là nhu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay của nước ta.
2. Quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Theo khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005, “vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”. Bên cạnh đó, khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 cũng đưa ra khái niệm về vi phạm cơ bản như sau: “Là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Từ hai quy định trên, có thể hiểu rằng: Vi phạm hợp đồng là việc một bên xâm hại đến lợi ích của bên còn lại bằng việc thực hiện, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng. Khá tương tự với cách hiểu của Luật Thương mại năm 2005, Điều 25 CISG năm 1980 đưa ra khái niệm về vi phạm hợp đồng như sau: “Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng”. Như vậy, có thể thấy, cách hiểu về vi phạm cơ bản hợp đồng của Luật Thương mại năm 2005 và CISG năm 1980 khá tương đồng với nhau, đều đặt mục đích hay kết quả của hợp đồng làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm.
Vi phạm hợp đồng hay vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng là cơ sở pháp lý quan trọng để áp dụng các chế tài thương mại. Trên thực tế, hai chế tài thường được thỏa thuận nhiều nhất trong trường hợp vi phạm hợp đồng thương mại đó là phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Hai chế tài này được quy định tại các điều 300, 301, 302 Luật Thương mại năm 2005. Theo đó, phạt vi phạm có thể được áp dụng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận điều này và mức phạt “không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”; còn bồi thường thiệt hại được coi là biện pháp đền bù những tổn thất mà bên bị vi phạm phải chịu, giá trị đền bù bao gồm cả những “tổn thất thực tế” mà bên bị vi phạm phải chịu và “khoản lợi trực tiếp” mà bên bị vi phạm lẽ ra nhận được nếu không có hành vi vi phạm.
Chế tài bồi thường thiệt hại có mối quan hệ với chế tài phạt vi phạm hợp đồng và được quy định tại Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 như sau: “1. Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác; 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Như vậy, có thể hiểu rằng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng sẽ mặc nhiên phát sinh khi có đủ các căn cứ theo Điều 303 Luật Thương mại năm 2005 mà không cần có thỏa thuận áp dụng kèm theo phạt vi phạm. Hay nói cách khác, bên bị vi phạm trong hợp đồng không cần phải dựa trên một thỏa thuận trước đó để có được quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, để có quyền yêu cầu phạt vi phạm thì phải dựa trên thỏa thuận giữa các bên. Quy định này của Luật Thương mại năm 2005 tương đồng với quy định tại Điều 7.2.4 và Điều 7.4.1 Bộ Nguyên tắc UNIDROIT về Hợp đồng thương mại quốc tế năm 2004 và tương tự quy định trong luật hợp đồng của hệ thống luật Common Law. Các chế tài thương mại trong hệ thống Common Law chủ yếu là những biện pháp khắc phục hậu quả với tư cách là quyền của bên bị vi phạm khi xảy ra vi phạm hợp đồng. Chế tài được áp dụng phổ biến nhất trong hệ thống Common Law là bồi thường thiệt hại, trong đó, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại nếu có vi phạm xảy ra và chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế[1].
Mặt khác, chế tài bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng được quy định tại khoản 4 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa chịu phạt vi phạm và vừa bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”. Như vậy, quy định về bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 có sự khác nhau. Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 yêu cầu bên bị vi phạm vừa phải có thỏa thuận phạt vi phạm vừa phải có thỏa thuận bồi thường thiệt hại thì mới có thể áp dụng cả hai chế tài. Còn theo quy định tại Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 chỉ cần có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có thể áp dụng cả hai chế tài, không cần thêm thỏa thuận bồi thường thiệt hại. Cách tiếp cận này của Bộ luật Dân sự không chỉ mâu thuẫn với luật chuyên ngành như Luật Thương mại mà còn khác biệt với hệ thống luật khác (Common Law) và không phù hợp với xu thế của pháp luật thế giới[2].
CISG năm 1980 quy định về chế tài bồi thường thiệt hại từ Điều 74 đến Điều 77. Trong đó, Điều 74 quy định: “Tiền bồi thường thiệt hại xảy ra do một bên vi phạm hợp đồng là một khoản tiền bao gồm tổn thất và khoản lợi bị bỏ lỡ mà bên kia đã phải chịu do hậu quả của sự vi phạm hợp đồng. Tiền bồi thường thiệt hại này không thể cao hơn tổn thất và số lợi bỏ lỡ mà bên bị vi phạm đã dự liệu hoặc đáng lẽ phải dự liệu được vào lúc ký kết hợp đồng như một hậu quả có thể xảy ra do vi phạm hợp đồng, có tính đến các tình tiết mà họ đã biết hoặc đáng lẽ phải biết”. Như thế, theo CISG, tiền bồi thường thiệt hại không thể cao hơn tổn thất và số lợi bỏ lỡ mà bên mua đã dự liệu hoặc đáng lẽ phải dự liệu được vào lúc giao kết hợp đồng. Quy định này của CISG chú trọng tính có thể “dự đoán trước” được của thiệt hại đối với bên vi phạm. Trong khi đó, tại Điều 302 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định về bồi thường thiệt hại nhưng lại chú trọng vào “tổn thất thực tế” và “khoản lợi trực tiếp” mà bên bị vi phạm lẽ ra nhận được nếu không có hành vi vi phạm. Việc yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại dự đoán trước, có căn cứ để chứng minh rõ ràng là một đòi hỏi chính đáng về mặt kinh tế của bên bị vi phạm thay vì những thiệt hại “trực tiếp” và “thực tế” tại thời điểm vi phạm. Nói cách khác, CISG thể hiện sự công bằng hơn trong tính toán các khoản thiệt hại[3].
Có một điểm chung trong quy định về chế tài bồi thường thiệt hại của CISG năm 1980 và Luật Thương mại năm 2005, đó là biện pháp bồi thường thiệt hại mới chỉ dừng lại ở những thiệt hại vật chất. Đối với những thiệt hại phi vật chất như uy tín, cơ hội kinh doanh chưa được quy định cụ thể trong CISG. Mặc dù không quy định cụ thể trường hợp này nhưng CISG có một hệ thống giải thích luật cặn kẽ và các án lệ làm căn cứ để xem xét giải quyết[4]. Đối với pháp luật Việt Nam, Luật Thương mại năm 2005 chưa quy định về bồi thường thiệt hại phi vật chất. Đối chiếu với Bộ luật Dân sự năm 2015 thì yêu cầu bồi thường thiệt hại tinh thần trong quan hệ hợp đồng có thể viện dẫn khoản 3 Điều 361 Bộ luật Dân sự năm 2015 làm căn cứ. Tuy nhiên, ở quy định này, Bộ luật Dân sự cũng không đưa ra cách tính thiệt hại tinh thần phi vật chất, do đó, đây cũng là một khó khăn trong việc áp dụng các tình thuống thực tế.
Như vậy, có thể thấy, các quy định pháp lý về chế tài bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng theo pháp luật nước ta vẫn còn những điểm mâu thuẫn, cụ thể là các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005. Về cơ bản, cách tiếp cận trong quy định bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng của Luật Thương mại năm 2005 khá tương đồng với CISG năm 1980 cho dù còn một số điểm chưa chi tiết bằng. Do vậy, việc Việt Nam gia nhập CISG là một cách hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp đồng thương mại, đặc biệt là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nhằm phù hợp với xu thế chung của pháp luật thế giới.
3. Thực trạng sử dụng biện pháp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại tại Việt Nam
Trước khi Việt Nam gia nhập CISG, đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, thương nhân Việt Nam khi ký kết với đối tác nước ngoài thường mất khá nhiều thời gian trong khâu đàm phán hợp đồng. Theo thống kê của Bộ Công Thương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2015, có 52% thương nhân khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mất nhiều thời gian đàm phán điều khoản luật điều chỉnh hợp đồng. Do có quốc tịch khác nhau nên các thương nhân thường ưu tiên chọn nội luật nước mình để điều chỉnh hợp đồng, nếu không được mới lựa chọn một nước trung gian thứ ba. Để thuyết phục đối tác dùng luật nước mình điều chỉnh hợp đồng tương đối khó khăn, vì vậy, đa số các hợp đồng thương mại nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng được thương nhân Việt Nam ký kết lựa chọn luật của nước thứ ba trung gian. Tuy nhiên, lựa chọn luật nước trung gian nào cũng là vấn đề mà các bên không dễ để đi đến thống nhất.
Kể từ khi Chủ tịch nước ký quyết định gia nhập CISG vào năm 2015 cho đến năm 2017, khi CISG chính thức có hiệu lực ở Việt Nam, các nhà làm luật, thương nhân và các bên liên quan đã dành nhiều sự quan tâm đến CISG. Trong hai năm tiền đề Việt Nam gia nhập CISG cũng như trong bảy năm kể từ thời điểm Việt Nam chính thức là thành viên của CISG, đã xuất hiện các đầu sách nghiên cứu chuyên khảo về CISG; các bài báo, tạp chí chuyên ngành có chủ đề về CISG; các buổi tọa đàm, trao đổi chuyên môn về CISG; nội dung về CISG cũng được bổ sung để giảng dạy trong một số trường đào tạo luật hoặc đào tạo cán bộ. Cho dù vậy, quá trình áp dụng CISG vào thực tiễn ký kết hợp đồng hay trong xét xử chưa có nhiều bước tiến rõ ràng. Theo số liệu khảo sát của Bộ Công Thương, có 35% người được phỏng vấn (làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu) thừa nhận rằng, họ không hiểu hoặc không có kiến thức về CISG, 40% cho rằng họ sẽ có thể áp dụng CISG nếu được yêu cầu và chỉ 25% tuyên bố hiểu đầy đủ về Công ước. Thống kê này có nghĩa là các doanh nghiệp có chuyên môn hạn chế về CISG, theo đó, họ sẽ ngần ngại tránh áp dụng CISG và ưu tiên luật pháp Việt Nam trong chừng mực có thể[5].
Về nguyên tắc, sau khi gia nhập các điều ước quốc tế, Việt Nam sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó. Tuy nhiên, việc thực thi CISG có sự khác biệt, không đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nước, mà CISG sẽ được áp dụng trực tiếp, bởi: Theo quy định tại khoản 1 Điều 100 CISG năm 1980 và vì nội dung các điều khoản trong CISG năm 1980 quy định trực tiếp quyền và nghĩa vụ của các thương nhân trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. CISG không quy định nghĩa vụ của Việt Nam với các nước thành viên khác, hay nghĩa vụ của Việt Nam đối với thương nhân, hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên của CISG. Do đó, CISG được áp dụng trực tiếp với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của thương nhân Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này[6]. Vì vậy, nếu không hiểu được hết quyền và nghĩa vụ của chính mình theo CISG là một bất lợi lớn cho các thương nhân Việt Nam khi giao kết loại hợp đồng này.
Trong bảy năm qua tại Việt Nam, không có số liệu cụ thể về tổng số vụ kiện về mua bán hàng hóa quốc tế được xét xử tại Tòa án. Theo thông tin không chính thức tại Tòa án nhân dân ba tỉnh/thành phố chính có nhiều hoạt động thương mại là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng, cho đến nay chưa có bất kỳ vụ kiện nào mà Tòa án áp dụng CISG. Tại trọng tài, theo thống kê chưa đầy đủ, CISG đã được sử dụng để giải quyết tranh chấp trong 07 vụ kiện: 06 vụ tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và 01 vụ tại Phòng Thương mại quốc tế (ICC), không có vụ việc nào về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Đây chỉ là một con số rất nhỏ so với tổng số vụ tranh chấp được giải quyết bởi các cơ quan trọng tài. Việc áp dụng CISG hạn chế như vậy ở Việt Nam xuất phát những lý do sau:
Một là, các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế xảy ra tranh chấp được xác lập trước khi CISG có hiệu lực ở Việt Nam.
Hai là, các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế xảy ra tranh chấp không quy định luật áp dụng và Hội đồng trọng tài đã sử dụng luật Việt Nam là luật áp dụng cho dù cách xác định luật này là không phù hợp với Điều 1.1(b) CISG năm 1980 và với quy định về áp dụng Điều ước quốc tế theo Luật Điều ước quốc tế năm 2016.
Ba là, các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế xảy ra tranh chấp quy định luật áp dụng là luật Việt Nam và Hội đồng trọng tài ngầm loại bỏ CISG ra, chỉ sử dụng nội luật Việt Nam. Cách xác định này cũng đi ngược với quy định về áp dụng Điều ước quốc tế theo Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và không phù hợp với thông lệ giải thích CISG của các nước trên thế giới[7].
Như vậy, có thể thấy, sau bảy năm chính thức có hiệu lực, việc thực hiện CISG ở Việt Nam vẫn còn hạn chế cả về phía thương nhân cũng như về phía các cơ quan xét xử.
4. Một số kiến nghị
4.1. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
Thứ nhất, như đã trình bày ở trên, về nguyên tắc, sau khi gia nhập các điều ước quốc tế, Việt Nam sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó. Tuy nhiên, việc thực thi CISG có sự khác biệt nên CISG được áp dụng trực tiếp với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước này. Điều này vừa là ưu điểm và cũng là hạn chế của CISG tại Việt Nam. Do không cần chờ văn bản pháp luật để thực hiện hóa điều ước quốc tế nên sự tiếp cận nội dung CISG đối với đại đa số đối tượng liên quan, nhất là thương nhân bị hạn chế nhiều. Vì vậy, tác giả đề xuất Nhà nước sớm đưa ra một văn bản pháp lý nhằm giải thích rõ việc áp dụng các nội dung cơ bản của CISG để nâng cao sự tiếp cận của các đối tượng liên quan đối với Công ước quan trọng này.
Thứ hai, để CISG có hiệu quả ở Việt Nam, cần nỗ lực tuyên truyền, phổ biến về CISG ở Việt Nam. Dù phổ biến trong thương mại quốc tế và nhiều nguyên tắc quan trọng đã được đưa vào pháp luật Việt Nam nhưng nội dung của CISG nhìn chung còn khá mới mẻ đối với hệ thống pháp luật, tư pháp và trọng tài Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp, Tòa án, trọng tài ở Việt Nam cần có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, hiểu rõ khi áp dụng CISG trong các quan hệ giao dịch thương mại quốc tế. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về nội dung CISG cũng như thực tiễn áp dụng CISG trên thế giới và các án lệ nổi tiếng của CISG để áp dụng tại Việt Nam. Điều này khiến việc diễn giải, áp dụng CISG trong thực tế tại Việt Nam gặp khó khăn. Trong khi đó, hệ thống giáo dục pháp luật của Việt Nam nói chung cũng chưa có nội dung nào giới thiệu, đào tạo chuyên sâu về CISG. Các doanh nghiệp, nhà thực hành luật Việt Nam cũng chưa có diễn đàn nào riêng để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về CISG như tại nhiều nước khác trên thế giới. Điều này cũng sẽ làm giảm sức mạnh, tiếng nói của các doanh nghiệp Việt Nam và khả năng xét xử của Tòa án, trọng tài tại Việt Nam khi có tranh chấp liên quan đến CISG. Vì vậy, để CISG thực sự có hiệu quả khi Việt Nam gia nhập Công ước này, những nỗ lực tuyên truyền và nghiên cứu về nội dung CISG cần được thực hiện thường xuyên, liên tục[8].
Thứ ba, pháp luật Việt Nam cần có sự thống nhất trong quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005. Như đã trình bày ở trên, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 có sự mâu thuẫn trong quy định về bồi thường thiệt hại và vi phạm hợp đồng. Cụ thể, Bộ luật Dân sự yêu cầu bên bị vi phạm vừa phải có thỏa thuận phạt vi phạm vừa phải có thỏa thuận bồi thường thiệt hại thì mới có thể áp dụng cả hai chế tài. Còn theo Luật Thương mại thì chỉ cần có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có thể áp dụng cả hai chế tài, không cần thêm thỏa thuận bồi thường thiệt hại. Vì vậy, cần thống nhất về cách quy định bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005.
4.2. Đối với doanh nghiệp
Thứ nhất, Theo Điều 1.1 của CISG, CISG sẽ được áp dụng đối với các nước là thành viên của CISG hoặc “theo các quy tắc tư pháp quốc tế thì luật áp dụng là luật của nước thành viên CISG”. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng CISG vào hợp đồng, thương nhân Việt Nam cần lưu ý rằng: Ngay cả khi các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thuộc trường hợp áp dụng CISG thì họ vẫn có quyền thỏa thuận loại trừ hiệu lực của Công ước này theo quy định tại Điều 6 CISG. Lưu ý này rất quan trọng trong việc lựa chọn luật áp dụng khi đàm phán ký kết hợp đồng thương mại quốc tế, đồng thời cũng thể hiện nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực hợp đồng thương mại quốc tế: Nguyên tắc tự do hợp đồng[9].
Thứ hai, khi Việt Nam gia nhập CISG có bảo lưu các điều khoản về hình thức của hợp đồng tại Điều 11, Điều 29 CISG. Theo đó, để hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có hiệu lực theo pháp luật Việt Nam thì hợp đồng đó phải có hình thức bằng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương (Điều 27 Luật Thương mại năm 2005). Quy định này hạn chế hơn nhiều so với quy định linh hoạt không ấn định về hình thức hợp đồng của CISG (Điều 11 CISG): “Hợp đồng mua bán không cần phải được ký kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hìnhthức c ủa hợp đồng”. Đây cũng là một lưu ý quan trọng trong việc ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà các thương nhân Việt Nam cần lưu ý trong quá trình đàm phán./.
ThS. Lê Kiều Trang
Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. Nguyễn Hiền Phương (2022), Pháp luật về hợp đồng dưới góc nhìn luật so sánh, Nxb. Công an nhân dân, tr. 297 - 301.
[2]. Nguyễn Hiền Phương (2022), Pháp luật về hợp đồng dưới góc nhìn luật so sánh, Nxb. Công an nhân dân, tr. 297 - 301.
[3]. Nguyễn Bá Bình (2021), Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo CISG: Quy định và án lệ, tr. 188 - 189.
[4]. Phan Thị Thanh Thủy (2014), “So sánh các quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong Luật Thương mại Việt Nam 2005 và Công ước Viên 1980”. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật học Tập 30, số 3, tr. 50 -60.
[5]. Nguyễn Minh Hằng, Nguyễn Trung Nam, ‘Why should Vietnam Accede to the CISG - A Comparative and Quantitative Study on the Costs and Benefits of Vietnam for joining the CISG’ in The Annual MAA Peter Schlechtriem CISG Conference 2014: Boundaries and Intersections (2014).
[6]. Tào Thị Huệ, Nguyễn Quang Anh (2020), “Thực tiễn áp dụng điều 6 Công ước viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam”. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 11/2020, tr. 76 - 84.
[7]. Nguyễn Trung Nam (2021), “Góc nhìn thực tế về áp dụng CISG tại Việt Nam trong 4 năm qua - Sự ngại thay đổi hay gánh nặng nhớ nhà?”, https://eplegal.com/ vi/2021/06/07/goc-nhin-thuc-te-ve-ap-dung-cisg-tai-viet-nam-trong-4-nam-qua-sungai-thay-doi-hay-ganh-nang-nho-nha-2/.
[8]. Trung tâm WTO và hội nhập - Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (2010), https://trungtamwto.vn/chuyen-de/1154-nhung-diem-bat-cap-cua-cong-uocvien-1980-ma-viet-nam-can-luu-y.
[9]. Tào Thị Huệ, Nguyễn Quang Anh (2020), “Thực tiễn áp dụng điều 6 Công ước viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam”. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 11/2020, tr. 76-84.
(Nguồn: Ấn phẩm “Các vấn đề pháp lý mới trong bối cảnh chuyển đổi số” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật)