Hệ thống các quy định pháp luật về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính có vai trò quan trọng trong việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Một mặt, các biện pháp này nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm hành chính, tránh để hậu quả thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra hoặc nhằm bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được triệt để, hiệu quả. Mặt khác, các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính có liên quan trực tiếp, mật thiết đến các quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, các quy định về biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phải được quy định một cách cụ thể, rõ ràng, có tính khả thi và bảo đảm việc thực thi phải theo một trình tự, thủ tục minh bạch, khách quan và chặt chẽ.
Sau hơn 06 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật này với các văn bản pháp luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình của thực tiễn.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 được kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/11/2020. Việc sửa đổi, bổ sung Luật này nhằm mục đích thể chế hóa một cách kịp thời, đầy đủ đường lối của Đảng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; nâng cao hiệu quả thi hành Luật trong gian đoạn tới.
Bài viết “Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính những vấn đề được sửa đổi, bổ sung” của tác giả Lê Thanh Bình đã phân tích chi tiết những nội dung chính sửa đổi, bổ sung về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính về biện pháp tạm giữu người theo thủ tục hành chính, về biện pháp áp giải người vi phạm, về biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính, về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chinh, về biện pháp giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, về biện pháp truy tìm đối tượng đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng trong trường hợp bỏ trốn. Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm chuyên đề 200 trang của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021 “Những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính”.