Việc lựa chọn phương pháp xử lý phù hợp là rất quan trọng trong việc bảo đảm sự phát triển bình thường của người chưa thành niên, cũng như bảo đảm hiệu quả giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Hiện nay, trên thế giới tồn tại nhiều cách thức xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật mang tính giáo dục, phòng ngừa, trong đó có cách thức xử lý không viện dẫn đến các thủ tục tố tụng chính thức đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, hay nói cách khác là xử lý chuyển hướng, đang được sử dụng phổ biến và đem lại nhiều hiệu quả trong việc giáo dục và phòng ngừa tội phạm vị thành niên. Ở nước ta, Bộ luật Hình sự hiện hành chưa quy định vấn đề xử lý chuyển hướng, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu thông qua hệ thống tư pháp hình sự, mặc dù cũng có những quy định ưu ái hơn so với người đã thành niên phạm tội. Do đó, trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm thực thi Hiến pháp về bảo vệ quyền con người, thì việc xây dựng các chính sách cụ thể về áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự (xử lý chuyển hướng) là rất cần thiết. Để tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và việc đề xuất bổ sung các quy định về các biện pháp thay thế xử lý hình sự của Việt Nam, xin mời độc giả tìm đọc bài viết: “Các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội” của tác giả ThS. Phạm Anh Tuyên đăng trên số chuyên đề tháng 8/2014 về “Xây dựng dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật .
Thành Trung