Thực tiễn qua gần 02 năm thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg có thể nhận thấy bên cạnh những khó khăn, vướng mắc chung về nguồn lực tổ chức thực hiện, về cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành và chưa có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, thì quy định về tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, như: Một số tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật có nội hàm chưa rõ ràng, chung chung, định tính, đã dẫn tới cách hiểu, cách vận dụng chưa thống nhất, gây khó khăn trong việc chấm điểm, cũng như đánh giá kết quả; một số chỉ tiêu chưa thực sự phù hợp, còn có khoảng cách so với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương; các tiêu chí, chỉ tiêu về tiếp cận pháp luật còn có sự trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn với một số tiêu chí, chỉ tiêu, chỉ số trong các bộ tiêu chí có liên quan đang áp dụng trong thực tiễn; thực trạng công tác tổng hợp, thống kê trong các lĩnh vực quản lý hiện nay chưa đáp ứng các yêu cầu đặt ra của hoạt động đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật ở trung ương và địa phương…
Để Bộ tiêu chí tiếp cận pháp luật trở thành công cụ đánh giá một cách khách quan, chính xác, toàn diện và định lượng cụ thể kết quả thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của chính quyền cơ sở, đảm bảo cho người dân tiếp cận với pháp luật, phát huy vai trò của pháp luật ngay tại cơ sở, tác giả Nguyễn Thị Thạo đã có bài viết “Các tiêu chí tiếp cận pháp luật tại cơ sở - Những vướng mắc, bất cập và định hướng hoàn thiện”.
Để hiểu thêm những nội dung tác giả muốn đề cập, độc giả có thể xem nội dung của bài viết được đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề “Chuẩn tiếp cận pháp luật”, tháng 01 năm 2015.
Vũ Hải Việt