Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích, làm rõ thực trạng lợi dụng hình thức kết hôn trá hình với người nước ngoài để che giấu cho hành vi mua bán người hiện nay. Từ đó, đưa ra các trường hợp cần phân biệt trong xử lý về hình sự đối với hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép.
Abstract: The article focuses on analyzing and clarifying the reality of taking advantage of disguised marriages with foreigners to conceal the current human trafficking behavior. From there, the cases need to be distinguished in criminal handling for illegal acts of marriage brokering with foreigners.
Hiện nay, phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài không ngừng gia tăng đang là một thực tế xã hội, là nhu cầu của một bộ phận nhân dân và được pháp luật công nhận, bảo vệ. Tuy nhiên, do thủ tục kết hôn với người nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc đơn giản, chỉ cần có bản xác nhận lý lịch nhân thân phụ nữ và thỏa thuận của gia đình là có thể đăng ký kết hôn tại nước sở tại. Cùng với đó, một số phụ nữ có lối sống thực dụng, hưởng thụ, lười lao động, sống dựa vào người khác, chỉ mong lấy được chồng nước ngoài để “đổi đời” nên nhiều đối tượng đã lợi dụng hoạt động hôn nhân có yếu tố nước ngoài để thực hiện các hành vi mua bán người. Theo cơ quan chức năng, đối tượng phạm tội cấu kết thành những đường dây khép kín để lôi kéo, móc nối, lừa gạt, cưỡng ép những người nhẹ dạ, mất cảnh giác rồi đưa ra nước ngoài bán. Thực tế, nhiều phụ nữ ở nước ta sau khi kết hôn đã bị bán làm gái mại dâm trong các nhà chứa.
Thống kê của Bộ Công an cho biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 18.000 công dân kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, 78% số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài là có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, trình độ học vấn thấp và thất nghiệp, sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Riêng khu vực miền Tây Nam Bộ, trong 10 năm, có tới 70.000 phụ nữ lấy chồng là người nước ngoài. Đáng chú ý, các cuộc hôn nhân thông qua môi giới và gần đây là hôn nhân du lịch được xếp đặt ngày càng nhiều để tránh việc đăng ký kết hôn. Theo Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình Hàn Quốc, độ tuổi trung bình của các chú rể Hàn Quốc lấy cô dâu người nước ngoài là 43,6, trong khi đó độ tuổi trung bình của các cô dâu nước ngoài lấy chống Hàn Quốc là 25,2. Các cặp đôi này có điểm chung là đều có trình độ thấp, hơn 50% mới tốt nghiệp trung học phổ thông, hơn 30% tốt nghiệp trung học cơ sở[1]. Hiện tại, chưa có thống kê chính xác của các địa phương về số phụ nữ vắng mặt dài ngày, không có thông tin. Một số người vắng mặt lâu ngày về sau được phát hiện là nạn nhân của các đường dây mua bán người. Trước thực trạng đó, Bộ Công an đã và đang cảnh báo về sự gia tăng các vụ mua bán người dưới hình thức hôn nhân trái phép.
Thực tế, trong nhiều vụ án mua bán người dưới hình thức hôn nhân trái phép, chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của nạn nhân mà nạn nhân thường không biết được kẻ phạm tội đã hưởng lợi bao nhiêu hoặc có thỏa thuận về việc hưởng lợi hay không. Nhiều nạn nhân bị bán ra nước ngoài rất khó thu thập chứng cứ. Nạn nhân cũng không nhìn thấy việc giao nhận tiền bạc giữa người mua và người bán. Bị can, bị cáo một mực không thừa nhận việc hưởng lợi. Do vậy, trong nhiều trường hợp, Cơ quan điều tra không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo về tội mua bán người được mà chỉ có thể xử lý về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép hoặc tội môi giới mại dâm. Thậm chí, rất nhiều trường hợp họ không đủ chứng cứ để khởi tố về hành vi mua bán người trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài, mà chỉ xử lý hành chính về hành vi tổ chức, tạo điều kiện cho người khác kết hôn với người nước ngoài trái với thuần phong mỹ tục hoặc trái với quy định pháp luật, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội theo điểm k khoản 3 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 167/2013/NĐ-CP), còn người nước ngoài kết hôn với người Việt thì bị xử lý hành chính về hành vi: “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”, được quy định tại điểm b khoản 5 Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, trong quá trình định tội danh, nhận thức về cấu thành tội phạm mua bán người của một số cơ quan tiến hành tố tụng cũng còn có những điểm chưa thống nhất. Trong một số vụ án, có cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, chỉ cần có sự thỏa thuận về việc đổi người để lấy một lợi ích vật chất là đã cấu thành tội phạm nhưng cũng có cơ quan tiến hành tố tụng lại cho rằng, cần phải có việc thực tế hưởng lợi. Trong nhiều vụ án cũng có sự bất đồng quan điểm về người được hưởng lợi. Điểm c khoản 1 các điều 150, 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này”. Căn cứ theo quy định này, có ý kiến cho rằng, không xử lý hình sự về Tội mua bán người hoặc Tội mua bán người dưới 16 tuổi đối với hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác không để chuyển giao nhưng để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể nạn nhân.
Theo hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự (Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP) thì:
“1. Người sử dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự nếu hành vi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác;
b) Cưỡng bức, đe dọa hoặc lừa gạt để buộc người khác kết hôn với người nước ngoài và chuyển giao người đó cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Lợi dụng thủ đoạn môi giới hôn nhân với người nước ngoài để tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để chuyển giao cho người nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
2. Trường hợp người môi giới biết mục đích của người nước ngoài là thông qua hoạt động xem mặt, chọn vợ (hoặc chồng) hoặc kết hôn để đưa người được chọn ra nước ngoài bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn thực hiện hành vi môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác của người nước ngoài thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 của Bộ luật Hình sự”.
Vấn đề có xử lý hình sự về tội mua bán người đối với hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép hay không và nếu xử lý thì xử lý theo tội danh nào của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có quan điểm cho rằng, phải căn cứ vào vi phạm cụ thể của người môi giới, tính chất và mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Theo tác giả, cần phân biệt các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, người môi giới trực tiếp (hoặc tổ chức) đưa phụ nữ ra nước ngoài trái phép để môi giới cho người nước ngoài lấy làm vợ. Đối với trường hợp này, trước hết, hành vi đưa người ra nước ngoài trái phép đã cấu thành Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép quy định tại Điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đối với hành vi đưa phụ nữ ra nước ngoài môi giới hôn nhân, thì việc coi con người như một món hàng, đưa ra nước ngoài giới thiệu với một người khác để nhận tiền là hành vi trái pháp luật và phải coi là hành vi mua bán người. Vấn đề ở đây là đường lối xử lý trong những trường hợp cụ thể như thế nào cho hợp lý. Người môi giới (hoặc tổ chức việc môi giới) phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người môi giới đã có thủ đoạn lừa gạt, dụ dỗ, ép buộc hoặc lợi dụng tình trạng dễ bị tổn thương của người phụ nữ, không phụ thuộc vào việc người phụ nữ đó có đồng tình đi ra nước ngoài để lấy chồng hay không.
- Việc đi ra nước ngoài để tìm chồng của người phụ nữ là hoàn toàn tự nguyện nhưng sau đó, họ buộc phải lấy người chồng mà họ không mong muốn. Trong trường hợp này, quyền tự do hôn nhân của người phụ nữ đã bị xâm phạm và ở góc độ nhất định, có thể hiểu họ đã bị khai thác, bóc lột tình dục.
- Trường hợp người phụ nữ tự nguyện ra nước ngoài theo người môi giới (không bị dụ dỗ, ép buộc) để cho người nước ngoài xem mặt và đã tìm được một người chồng như mong muốn, có cuộc sống gia đình yên ổn ở nước ngoài hoặc trường hợp người môi giới tự nguyện đi ra nước ngoài để xem mặt nhưng không ưng ý và quay trở về Việt Nam thì không đặt vấn đề xem xét trách nhiệm hình sự của người môi giới về hành vi mua bán người trong trường hợp này.
- Trường hợp người phụ nữ hoàn toàn tự nguyện theo người môi giới ra nước ngoài nhưng đã bị bắt giữ tại biên giới. Đối với trường hợp này, nếu không chứng minh được việc người môi giới đã có hành vi dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt hoặc người môi giới có ý định giao người phụ nữ cho người khác trái với ý muốn của họ để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác thì cũng không xem xét trách nhiệm hình sự của người môi giới về hành vi mua bán người. Có chăng là việc xem xét trách nhiệm hình sự của người môi giới và cả người phụ nữ đi cùng về những hành vi liên quan đến việc xuất cảnh trái phép
Thứ hai, người môi giới tổ chức các cuộc gặp gỡ trong nước để người nước ngoài xem mặt và chọn vợ. Việc môi giới hôn nhân với người nước ngoài khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, có xử lý về hình sự đối với người có liên quan hay không thì cần phân biệt như sau:
- Trường hợp người môi giới có hành vi dụ dỗ, lừa gạt, ép buộc nạn nhân đến để cho người nước ngoài xem mặt và sau đó cầm giữ, đe dọa buộc họ phải chấp nhận kết hôn với một người nước ngoài mà họ không mong muốn thì hành vi của người môi giới được hiểu là đã giao người phụ nữ cho một người khác trái với ý muốn của họ để trục lợi và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nếu người được môi giới (người nước ngoài) trước khi xem mặt đã bàn bạc và thống nhất về cách thức tiến hành như trên với người môi giới và đã trả tiền (hoặc hứa trả tiền) để người môi giới thực hiện thì thực chất hành vi của người được môi giới là đã dùng tiền để nhằm trao đổi lấy người phụ nữ mà họ muốn và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người theo quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
- Trường hợp có căn cứ để xác định rằng, người môi giới biết việc người nước ngoài xem mặt, chọn vợ và kết hôn chỉ là phương thức, thủ đoạn để người nước ngoài đưa người phụ nữ ra nước ngoài bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục hoặc bán cho người khác nhưng vẫn tiến hành môi giới để nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác của người nước ngoài thì hành vi của người môi giới và người được môi giới (người nước ngoài) cũng phải bị coi là hành vi mua bán người và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
- Trường hợp do vụ lợi nên người môi giới đã tổ chức việc môi giới trái phép như là một “dịch vụ” để người nước ngoài chọn vợ, không quan tâm đến việc môi giới có thành công hay không, không quan tâm đến việc những phụ nữ đến để xem mặt có ưng thuận với người nước ngoài đã lựa chọn mình hay không thì không phải là hành vi mua bán người theo quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Nếu việc tổ chức môi giới trái phép gây mất trật tự công cộng và có đủ các dấu hiệu cấu thành tội gây rối trật tự công cộng hoặc có các hành vi phạm tội khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hành vi môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép trong trường hợp này chỉ bị xử lý hành chính. Việc hôn nhân giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài còn phải thực hiện một loạt các thủ tục do pháp luật Việt Nam quy định. Nếu các thủ tục này được hoàn tất thì việc người nước ngoài đưa người phụ nữ mà họ chọn được qua môi giới về nước không phải là hành vi phạm tội cho dù họ đã trả tiền để có được sự đồng thuận của người phụ nữ đó.
NCS. Nguyễn Tấn Luật
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. https://tphcm.chinhphu.vn/70000-phu-nu-dbscl-lay-chong-nuoc-ngoai-10119316.htm.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 374, tháng 2/2023)