Hoạt động xét xử của Toà án nhân dân nói chung và hoạt động giải quyết các tranh chấp về kinh doanh, thương mại tại Toà án nhân dân nói riêng là hoạt động áp dụng pháp luật. Toà án nhân dân, cụ thể là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Hội đồng xét xử là chủ thể có quyền áp dụng pháp luật. Bản án và quyết định của Toà án là kết quả của quá trình áp dụng pháp luật. Ở Việt Nam hiện nay, giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại bằng con đường Toà án đang là phương thức giải quyết thông dụng và phổ biến nhất. Theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2005 thì tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án liên quan đến nhiều lĩnh vực của hoạt động kinh doanh, thương mại, để đảm bảo hiệu quả, chất lượng áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Toà án nhân dân cần có những điều kiện nhất định, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một số yếu tố cơ bản sau:
1. Sự hoàn thiện của hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan
Một trong những yêu cầu trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chính là sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Khi áp dụng pháp luật nói chung, áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Toà án nhân dân nói riêng, Thẩm phán, Hội đồng xét xử phải áp dụng các quy định của Hiến pháp, pháp luật tố tụng dân sự và hệ thống các văn bản pháp luật khác có liên quan như Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… nhằm đưa ra bản án và quyết định dân sự chính xác, đúng pháp luật, có hiệu quả và hiệu lực cao. Chính vì vậy, nếu hệ thống pháp luật có liên quan đến hoạt động áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại không hoàn thiện, thì chất lượng áp dụng pháp luật sẽ không cao, thậm chí không thực hiện được. Vì vậy, để hoạt động áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Toà án nhân dân đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải có sự đảm bảo về pháp lý, bao gồm sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thực định; sự hoàn thiện của cơ chế thực hiện và áp dụng pháp luật; ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý của cán bộ, công chức Ngành Tòa án và nhân dân.
Sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thực định, nhất là các quy định về Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ngân hàng, Luật Kinh doanh bảo hiểm… được thể hiện ở những tiêu chuẩn như tính toàn diện, tính đồng bộ, tính phù hợp, tính hiệu lực, hiệu quả và trình độ kỹ thuật pháp lý của hệ thống pháp luật. Sự hoàn thiện của cơ chế thực hiện và áp dụng pháp luật biểu hiện thông qua các vấn đề cơ bản như các văn bản pháp luật có liên quan tới chức năng nhiệm vụ của Toà án nhân dân, các văn bản pháp luật về tố tụng dân sự, việc ban hành các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong xã hội; công tác tổ chức và chất lượng hoạt động của cơ quan áp dụng pháp luật; năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia áp dụng pháp luật; chất lượng của các văn bản áp dụng pháp luật… Ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân phụ thuộc không nhỏ vào công tác phổ biến, tuyên truyền và giáo dục pháp luật cũng như chất lượng của pháp luật; chất lượng của hoạt động thực hiện, áp dụng pháp luật. Điều này cho thấy có sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thì hoạt động áp dụng pháp luật mới đạt chất lượng cao.
2. Năng lực đội ngũ cán bộ công chức của Toà án
Thực tế chứng minh, hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp luật của Toà án phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố, những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng áp dụng pháp luật của Toà án nhân dân nói chung, trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại của Toà án nói riêng, đó là: Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Ngành Toà án mà trước hết là trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ Thẩm phán.
Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân… là những người trực tiếp được giao nhiệm vụ xét xử, nhân danh Nhà nước để bảo vệ pháp luật. Ở họ cần phải có những tố chất nghề nghiệp nhất định, họ vừa là người thay mặt cho quyền lực nhà nước thông qua hoạt động xét xử, vừa phải là công dân gương mẫu trong cuộc sống hằng ngày. Với vị trí và trách nhiệm xã hội đặc biệt của mình, đòi hỏi họ phải có những tiêu chuẩn nhất định về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp…
Chất ượng đội ngũ cán bộ tham gia xét xử là sự tổng hợp chất lượng của từng Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân… tham gia xét xử được đánh giá thông qua các tiêu chuẩn về chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức; khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao theo qui định của pháp luật và theo qui định của ngành.
Là người giữ vị trí quan trọng trong hoạt động xét xử tại Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải là những người am hiểu pháp luật, có trình độ chuyên môn và kỹ năng xét xử. Như chúng ta đã biết, Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án. Xét xử là một công việc phức tạp, nó đòi hỏi người tham gia phải có trình độ am hiểu về pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, có kỹ năng sống, có khả năng nắm bắt được diễn biến phức tạp của vấn đề. Chính vì vậy, ngoài những tiêu chuẩn “cứng” về điều kiện trở thành Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đã được pháp luật qui định thì họ còn phải có những năng lực “đặc biệt” được hình thành thông qua quá trình giao tiếp xã hội, qua học tập... Có thể kể đến một số kỹ năng cơ bản như:
- Nắm vững các qui định pháp luật thuộc lĩnh vực được phân công đảm nhiệm một cách chuyên sâu; thu nhận và xử lý thông tin để phục vụ việc thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Có khả năng phân tích, đánh giá một cách chính xác, toàn diện những tài liệu, chứng cứ để làm căn cứ cho việc ra các quyết định, bản án phù hợp với thực tiễn.
- Có khả năng lập luận, tranh luận, lấy lời khai với những người tham gia tố tụng; kịp thời xử lý các tình huống phát sinh tại phiên toà theo đúng qui định của pháp luật.
Ngoài các điều kiện về chuyên môn, họ còn phải có trình độ lý luận chính trị, phải thường xuyên trau dồi đạo đức nghề nghiệp, coi đây là một yếu tố quan trọng, có tác động trực tiếp đến quá trình xét xử của Toà án nhân dân hiện nay. Mặt khác, đây cũng là cơ sở quan trọng, mang tính pháp lý cho việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đào tạo cán bộ. Đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ tư pháp là tiêu chuẩn tối quan trọng, bởi vì hoạt động nghề nghiệp của họ mang tính đặc thù, có tác động trực tiếp đến đến danh dự, quyền tự do, tài sản,… của con người. Những giá trị đạo đức của đội ngũ này được thể hiện rõ nét nhất trong hoạt động nghề nghiệp và trong đời sống hàng ngày.
Trong hoạt động nghề nghiệp, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và các cán bộ tư pháp khác phải đảm bảo được yếu tố khách quan, công bằng, vô tư, không vụ lợi cá nhân, có lý, có tình. Sự công bằng, vô tư và khách quan là hiện thân những giá trị của một nền tư pháp dân chủ. Trong quá trình xét xử họ phải cương quyết tôn trọng nguyên tắc này, vượt qua những tác động khách quan để đưa ra quyết định, bản án đảm bảo tính khách quan, công bằng, vô tư, đúng pháp luật. Trong quá trình xét xử đòi hỏi họ phải có lương tâm, sẵn sàng nhận và sửa chữa những sai sót gặp phải, có tinh thần trách nhiệm trong xét xử, luôn đặt niềm tin vào công lý.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của Toà án nhân dân, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ Ngành Toà án có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng áp dụng pháp luật nói chung, trong giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại tại Toà án nhân dân nói riêng. Cơ sở vật chất phục vụ xét xử bao gồm: Trụ sở làm việc, các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác xét xử, các tài liệu tham khảo, tài liệu tra cứu…có những ảnh hưởng nhất định đến việc nâng cao chất lượng xét xử của Toà án nhân dân. Điều kiện vật chất, cụ thể là máy móc; phương tiện làm việc, đi lại; trụ sở làm việc, phòng xét xử, phòng nghị án… được trang bị đầy đủ, hiện đại thì sẽ góp phần trực tiếp vào việc thể hiện sự trang nghiêm của cơ quan công quyền; đội ngũ cán bộ Toà án có đủ phương tiện làm việc thì việc xét xử sẽ đảm bảo chất lượng hơn, họ sẽ tập trung vào công việc mà không bị chi phối bởi sự khó khăn về điều kiện, phương tiện làm việc.
Chế độ đãi ngộ tốt sẽ khuyến khích cán bộ hăng hái làm việc, chống lại sự tha hoá, biến chất, mua chuộc; ngược lại, chế độ đãi ngộ không hợp lý sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lơ là công việc, không hăng say phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ tham gia xét xử. Chế độ chính sách đãi ngộ giữ vai trò hết sức quan trọng, từ chế độ đề bạt, bổ nhiệm bố trí đến chế độ khen thưởng, chế độ tiền lương và kỷ luật… đây là động lực thúc đẩy cán bộ Ngành Toà án không ngừng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, luôn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia giám sát của Hội đồng nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân trong hoạt động xét xử của Toà án. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Toà án, đối với công tác cán bộ của Ngành Toà án, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, phát triển, là những nhân tố hậu thuẫn tích cực, đảm bảo hiệu quả cao cho hoạt động áp dụng pháp luật của Toà án nhân dân.
Nguyễn Quang Hòa
Tòa án nhân dân Huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh