Theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, việc xây dựng Bộ pháp điển được thực hiện trong 10 năm (2014 - 2023), với tổng số 271 đề mục căn cứ theo Danh mục mới nhất về các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục (đã được phê duyệt tại Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ). Đến nay, Chính phủ đã ban hành 07 nghị quyết phê duyệt kết quả pháp điển đối với 219/271 đề mục1 (đạt hơn 80% của Bộ pháp điển). Các đề mục của Bộ pháp điển đã được Chính phủ thông qua được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (địa chỉ: https://phapdien.moj.gov.vn).
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai công tác pháp điển bảo đảm hiệu quả, chất lượng và đúng tiến độ, với tinh thần khẩn trương, sớm hoàn thành Bộ pháp điển so với lộ trình đề ra.
Cổng thông tin điện tử pháp điển là điểm truy cập duy nhất về công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL) của Nhà nước trên môi trường mạng, do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, duy trì, đăng tải Bộ pháp điển điện tử. Bộ pháp điển điện tử được đăng công khai trên môi trường mạng internet giúp cá nhân, tổ chức có thể truy cập, khai thác, sử dụng miễn phí.
1. Bộ pháp điển của Việt Nam2 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật quy định Bộ pháp điển của Việt Nam được cấu trúc theo chủ đề. Hiện nay, Bộ pháp điển có 45 chủ đề được đánh số thứ tự từ số 1 đến số 45. Mỗi chủ đề có 1 hoặc nhiều đề mục. Trong mỗi đề mục có thể có các phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm. Cụ thể:
Thứ nhất, về chủ đề: Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Trường hợp có văn bản QPPL điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội chưa thuộc các chủ đề đã có trong Bộ pháp điển thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp tự mình hoặc theo đề xuất của cơ quan thực hiện pháp điển đề nghị Chính phủ quyết định bổ sung chủ đề. Chủ đề bổ sung được sắp xếp và đánh số thứ tự kế tiếp sau chủ đề cuối cùng đã có trong Bộ pháp điển.
Thứ hai, về đề mục: Đề mục là bộ phận cấu thành của chủ đề, trong đó chứa đựng các QPPL điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Trong đề mục, tùy theo nội dung có thể có phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm.
- Tên gọi của đề mục là tên gọi của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội thuộc chủ đề. Theo tên gọi của từng đề mục, các đề mục trong mỗi chủ đề được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt và được đánh số theo chữ số Ả Rập, bắt đầu từ số 1. Trường hợp bổ sung đề mục thì đề mục bổ sung được sắp xếp và đánh số thứ tự kế tiếp sau đề mục cuối cùng đã có trong chủ đề.
- Cấu trúc của đề mục được xây dựng theo bố cục của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục. Việc bổ sung phần, chương, mục, tiểu mục vào cấu trúc của đề mục được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
Thứ ba, phần, chương, mục, tiểu mục trong Bộ pháp điển:
- Phần, chương, mục là bộ phận cấu thành của đề mục, chứa đựng các điều của Bộ pháp điển.
- Tên gọi và số thứ tự của phần, chương, mục, tiểu mục trong đề mục là tên gọi và số thứ tự của phần, chương, mục, tiểu mục trong văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục.
- Trường hợp bổ sung phần, chương, mục thì phần, chương, mục, tiểu mục bổ sung được sắp xếp và đánh số thứ tự kế tiếp sau phần, chương, mục, tiểu mục có nội dung liên quan nhất trong đề mục. Tên gọi của phần, chương, mục, tiểu mục bổ sung là một cụm từ phản ánh khái quát nội dung chủ yếu của phần, chương, mục.
Thứ tư, điều trong Bộ pháp điển:
- Điều trong Bộ pháp điển là bộ phận cấu thành của phần, chương, mục, tiểu mục trong Bộ pháp điển; nội dung của mỗi điều trong Bộ pháp điển là nội dung của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển.
- Tên gọi của điều trong Bộ pháp điển là tên gọi của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển.
- Số của điều trong Bộ pháp điển gồm: Số thứ tự của chủ đề; số thứ tự của đề mục; ký hiệu về hình thức của văn bản được pháp điển; số thứ tự của văn bản đối với văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành (nếu có); số của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển (ký hiệu về hình thức của văn bản như sau: Luật của Quốc hội là LQ; pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là PL; lệnh của Chủ tịch nước là LC; quyết định là QĐ; nghị định của Chính phủ là NĐ; nghị quyết là NQ; nghị quyết liên tịch là NL; chỉ thị là CT; thông tư là TT; thông tư liên tịch là TL. Số thứ tự của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cùng một hình thức được ghi bằng chữ số Ả Rập, theo thứ tự về thời gian ban hành, bắt đầu từ số 1. Trường hợp mỗi hình thức văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chỉ có một văn bản thì ghi số thứ tự văn bản này là số 1 (một).
Thứ năm, cách sắp xếp các điều trong Bộ pháp điển:
Bộ pháp điển được pháp điển từ các QPPL đang còn hiệu lực tại thời điểm pháp điển. Các QPPL này được sắp xếp theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản chứa đựng QPPL được pháp điển từ cao xuống thấp (trường hợp các văn bản cùng cấp thì được sắp xếp theo trật tự thời gian ban hành); các QPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau các QPPL được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
- Điều của Luật
- Điều của Nghị định 1
- Điều của Nghị định 2
- Điều của Thông tư 1
- Điều của Thông tư 2
- Trường hợp có nhiều điều của một văn bản cùng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp các điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành lần lượt theo số thứ tự của các điều trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
- Trường hợp một điều của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhiều điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đầu tiên; đối với các điều còn lại thì được chỉ dẫn đến điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được sắp xếp ở trên.
- Trường hợp có nhiều điều của nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp các điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự về thời gian ban hành đối với các văn bản có cùng hình thức.
- Trường hợp trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có điều không hướng dẫn cụ thể điều nào của văn bản được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì sắp xếp điều này ngay sau điều có nội dung liên quan nhất của văn bản được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
- Các quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau các quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự thời gian ban hành đối với các văn bản có cùng hình thức.
- QPPL chuyển tiếp được sắp xếp ngay sau điều chứa QPPL được áp dụng chuyển tiếp. Trường hợp có nhiều điều được áp dụng QPPL chuyển tiếp thì sắp xếp QPPL chuyển tiếp ngay sau điều đầu tiên được áp dụng chuyển tiếp; đối với các điều còn lại thì được chỉ dẫn đến điều có QPPL chuyển tiếp đã được sắp xếp ở trên.
- Phụ lục, biểu mẫu ban hành kèm theo văn bản được sắp xếp vào cuối điều có quy định về phụ lục, biểu mẫu hoặc quy định việc áp dụng phụ lục, biểu mẫu. Trường hợp có nhiều điều cùng quy định áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì phụ lục, biểu mẫu được sắp xếp cuối điều đầu tiên có quy định về phụ lục, biểu mẫu hoặc quy định việc áp dụng phụ lục, biểu mẫu; các điều còn lại được chỉ dẫn đến phụ lục, biểu mẫu đã được sắp xếp ở trên.
2. Một số kỹ thuật khác trong Bộ pháp điển
- Ghi chú của điều: Ngay dưới số và tên điều trong Bộ pháp điển là phần ghi chú của điều. Theo đó, phần ghi chú được đặt trong ngoặc đơn, chữ nhỏ hơn và in nghiêng; ghi cụ thể là điều số mấy của văn bản nào hoặc ghi sự biến động trong nội dung của điều (điều có nội dung được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ). Phần ghi chú được gắn đường dẫn đến điều tương ứng của văn bản sử dụng để pháp điển trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Ví dụ 1: Điều 11.1.NĐ.4.1. Phạm vi điều chỉnh
(Điều 1 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014).
…
Ví dụ 2: Điều 11.1.NĐ.4.1. Đối tượng thu tiền sử dụng đất
(Điều 2 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất).
…
Ví dụ 3: Điều 11.1.TT.17.8. Nội dung bản đồ địa chính
(Điều 8 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định các yêu cầu kỹ thuật cơ bản của việc lập, chỉnh lý, quản lý, sử dụng bản đồ địa chính và trích đo địa chính thửa đất, có nội dung được sửa đổi bởi Điều 20 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 về việc quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất).
…
- Chỉ dẫn các điều có nội dung liên quan: Các điều có nội dung liên quan đến nhau được sắp xếp gần nhau theo trật tự giá trị pháp lý từ cao xuống thấp. Trường hợp các điều được pháp điển từ các văn bản có giá trị pháp lý bằng nhau thì được sắp xếp theo trật tự thời gian ban hành. Tuy nhiên, có một số trường hợp, các điều có nội dung liên quan đến nhau nhưng không sắp xếp gần nhau thì được chỉ dẫn là có liên quan đến nhau. Phần chỉ dẫn được đặt trong ngoặc đơn, chữ nhỏ hơn và in nghiêng sau nội dung của điều hoặc sau tên của phần, chương, mục, tiểu mục trong đề mục. Phần này ghi chú về các nội dung liên quan đến nhau trong Bộ pháp điển. Các điều hoặc phần, chương, mục, tiểu mục được chỉ dẫn có gắn link đến phần nội dung của các điều hoặc phần, chương, mục, tiểu mục đó trong Bộ pháp điển.
Ví dụ: Điều 11.1.TT.17.8. Nội dung bản đồ địa chính
...
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai).
3. Cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển điện tử
Một là, xem danh mục văn bản sử dụng pháp điển vào mỗi đề mục:
Ngay bên cạnh tên của mỗi đề mục có cụm từ “Danh mục văn bản”, khi đó, người dùng truy cập vào cụm từ “Danh mục văn bản”, màn hình sẽ hiện ra toàn bộ danh mục các văn bản sử dụng để pháp điển. Đối với từng văn bản sử dụng để pháp điển được thể hiện các thông tin về: Cơ quan thực hiện pháp điển, ngày ban hành, ngày có hiệu lực của văn bản và số thứ tự của văn bản trong đề mục.
Hai là, xem toàn bộ nội dung của đề mục:
Khi vào Bộ pháp điển, màn hình máy tính hiển thị 45 chủ đề. Người dùng tìm kiếm các đề mục trong 45 chủ đề. Bên cạnh mỗi đề mục có cụm từ “Xem chi tiết”, khi đó, người dùng truy cập vào cụm từ “Xem chi tiết”, màn hình sẽ hiện ra toàn bộ nội dung của đề mục.
Ba là, xem nội dung theo cấu trúc của đề mục:
Cấu trúc của Bộ pháp điển được thiết kế theo hình cây từ chủ đề đến đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều. Do đó, màn hình hiển thị Bộ pháp điển điện tử đầu tiên gồm 45 chủ đề. Người dùng truy cập vào tên chủ đề mà mình muốn tìm kiếm thì màn hình xuất hiện tên các đề mục thuộc chủ đề đó. Người dùng tiếp tục truy cập vào tên đề mục thì màn hình hiện lên cấu trúc của đề mục (các phần hoặc chương). Cứ thế tiếp theo, người dùng truy cập vào tên phần thì màn hình hiện lên các chương; truy cập vào tên chương thì màn hình hiện lên các mục; truy cập vào tên mục thì màn hình hiện lên các tiểu mục; truy cập vào tên tiểu mục thì màn hình hiện lên các điều của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất; truy cập vào điều của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất thì màn hình hiện lên các điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
- Chủ đề 1
- Đề mục (xem chi tiết)
- Phần (xem chi tiết)
- Chương (xem chi tiết)
- Mục (xem chi tiết)
- Tiểu mục (xem chi tiết)
- Điều của Luật (xem chi tiết)
- Điều của Nghị định (xem chi tiết)
- Điều của Thông tư (xem chi tiết)
Bên phải mỗi cấu trúc đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều đều có cụm từ “Xem chi tiết”. Người dùng truy cập vào cụm từ “Xem chi tiết” để mở ra nội dung phần cấu trúc mà mình muốn xem (có thể xem nội dung của cả 1 đề mục hoặc 1 phần, chương, mục, tiểu mục, điều cụ thể).
Bốn là, tính năng hỗ trợ tra cứu, tìm kiếm theo từ khóa:
Tính năng này giúp người sử dụng tra cứu, tìm kiếm các nội dung pháp lý cần tìm trong phần cấu trúc của Bộ pháp điển.
Việc xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả Bộ pháp điển sẽ hữu ích đối với nhu cầu tra cứu, khai thác, tìm hiểu về văn bản QPPL của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp vào hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống QPPL, tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp