Cải cách Tòa án là một yêu cầu khách quan của công cuộc đổi mới bởi mục đích của hoạt động tư pháp mà trọng tâm là Toà án nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật và chế độ xã hội chủ nghĩa, các quyền cơ bản của công dân. Yêu cầu cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của Tòa án là một trong những yêu cầu bức xúc, tự thân của nền công lý và dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị đã ban hành “Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó xác định mục tiêu” “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”.
Để đảm bảo tính độc lập của Tòa án trong hoạt động xét xử, bên cạnh sự đòi hỏi độc lập về mặt tổ chức của các Tòa án thì yếu tố nhân sự được xem là vấn đề vô cùng quan trọng. Do đó, cần quan tâm xây dựng nguồn nhân sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Cụ thể, cần đẩy mạnh thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, thẩm phán phải là người có trình độ chuyên môn cao, nắm vững và vận dụng tốt các quy định của pháp luật vào trong từng vụ án cụ thể; có tư cách đạo đức tốt; chính trực, nghiêm minh, không vì tư lợi mà luôn đặt lợi ích chung của toàn xã hội lên hàng đầu. Bên cạnh đó, người “cầm cân nẩy mực” phải luôn đặt niềm tin vào pháp luật, nắm vững pháp luật và đi đầu trong việc bảo vệ pháp luật. Ngoài ra, họ phải là người có trình độ cao về kiến thức xã hội và kinh nghiệm xét xử dày dặn. Có như vậy thì mới có thể làm sáng rõ vụ án để ra các phán quyết công bằng nhất.
Thứ hai, về vấn đề bổ nhiệm thẩm phán. Nếu thẩm phán được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ dài hạn hoặc suốt đời thì tính độc lập của họ sẽ được đảm bảo hơn vì hạn chế được ảnh hưởng từ phía các cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đối với họ. Việc bổ nhiệm có thời hạn là nhằm yêu cầu từng thẩm phán tự nâng mình lên ngang tầm với nhiệm vụ được giao, loại bỏ dần những thẩm phán yếu kém. Tuy nhiên, cũng không thể giữ mãi cơ chế bổ nhiệm thẩm phán theo nhiệm kỳ 05 năm như hiện nay. Muốn thực hiện cơ chế bổ nhiệmt phán suốt đời thì cần phải có lộ trình nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ thẩm phán có tâm, có tầm, có trí và có dũng. Để làm được điều đó, trước mắt cần có chính sách chuẩn hóa cán bộ một cách nghiêm túc (không được hợp pháp hóa bằng cấp để đạt chuẩn) và thu hút nhân tài. Trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng xét xử của thẩm phán và địa vị pháp lý của Toà án trong xã hội pháp quyền.
Thứ ba, Nhà nước cần phải tăng cường trách nhiệm cho các thẩm phán nhằm đảm bảo sự độc lập trong việc ra phán quyết của họ thông qua việc đảm bảo thực hiện triệt để, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các trường hợp sai phạm. Đặt ra vấn đề trách nhiệm của thẩm phán đối với phán quyết của mình, một mặt tạo điều kiện cho thẩm phán cẩn trọng hơn khi xét xử, mặt khác, xác định việc phải chịu trách nhiệm cá nhân, bao gồm cả trách nhiệm hành chính, hình sự và trách nhiệm bồi thường vật chất đối với phán quyết của mình là một thể thống nhất khi được giao thực hiện quyền tư pháp cho một chức danh tư pháp. Vấn đề trách nhiệm của thẩm phán và hội thẩm trong hoạt động xét xử cũng đã được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước do Quốc hội ban hành ngày 18/6/2009 và mới đây nhất là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018.
Thứ tư, chú trọng đến công tác đào tạo nguồn và đào tạo lại số thẩm phán trẻ còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài việc trang bị kiến thức pháp luật và kiến thức xã hội có liên quan, huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, cung cấp các thông tin về kinh nghiệm xét xử, cần từng bước có chương trình đào tạo chuyên sâu hoặc đào tạo thẩm phán chuyên môn hóa theo từng lĩnh vực cụ thể. Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cũng như những kinh nghiệm xã hội cần thiết cho đội ngũ Hội thẩm nhân dân để họ có thể tham gia xét xử, góp phần “chung tay” với thẩm phán mang lại công bằng cho xã hội. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị đã chỉ ra việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm cần theo hướng “cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý”.
Thứ năm, tăng cường cơ sở vật chất, các phương tiện kỹ thuật; chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ tư pháp nói chung và thẩm phán nói riêng để họ có đủ khả năng đấu tranh phòng, chống tội phạm; đảm bảo các điều kiện cần thiết để hoạt động xét xử có hiệu quả, có trách nhiệm và có sự độc lập. Trong đó, cải cách tiền lương là một vấn đề quan trọng vì đây là một trong những điều kiện đảm bảo tính độc lập xét xử của cá nhân thẩm phán. Nếu trả lương thấp cho thẩm phán sẽ làm tổn hại đến tính độc lập của họ. Mặt khác, so sánh giữa việc tăng lương cho các thẩm phán lên một mức thỏa đáng với thiệt hại do tham nhũng, quan liêu từ chế độ lương thấp của các thẩm phán thì tổn hại gây ra cho xã hội còn lớn hơn gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, vấn đề phụ cấp của hội thẩm cũng cần được quan tâm đúng mức. Bởi khi xét xử, hội thẩm ngang quyền với thẩm phán. Vì vậy, bất kỳ sự sai lệch của hội thẩm trong quá trình xét xử sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét xử, làm cho mục đích xét xử không đạt được.
Thứ sáu, mở rộng và nâng cao chất lượng bình luận án trên các cơ quan ngôn luận nhằm công khai hoạt động xét xử của Toà án đã được pháp luật quy định, đảm bảo sự minh mạch, độc lập trong xét xử của Tòa án; đồng thời đấu tranh với việc lợi dụng báo chí thông tin sai lệch, hướng dư luận không đúng làm ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động xét xử của Toà án nói riêng.
Trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vị trí, vai trò của Tòa án lại càng được khẳng định. Do đó, Tòa án phải thực sự hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Địa vị người thẩm phán phải được đề cao, có như vậy, họ mới có thể đại diện Nhà nước thực thi pháp luật, đem lại công lý, công bằng cho xã hội.
Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai