Công tác tư pháp là hoạt động hướng tới việc bảo vệ pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được tôn trọng và nghiêm chỉnh thực thi trong thực tiễn cuộc sống. Nền tư pháp xã hội chủ nghĩa lấy mục tiêu phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước là mục tiêu cao nhất. Hoạt động tư pháp suy cho cùng là vì con người, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, tránh các hành vi xâm hại từ phía các cá nhân, tổ chức kể cả các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực thi công vụ gây ra. Tuy nhiên, công tác tư pháp vẫn còn những bất cập, hạn chế nhất định. Trong hoạt động của cơ quan tư pháp vẫn còn có trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người không có hành vi phạm tội, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền tự do, dân chủ của công dân, thậm chí xâm hại tới quyền con người, quyền công dân, gây bất bình trong dư luận xã hội. Việc bồi thường thiệt hại cho những người bị oan do người có thẩm quyền trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự gây ra tuy đã được triển khai thực hiện, nhưng vẫn chưa tương xứng với những thiệt hại nhiều bề mà họ và gia đình họ phải gánh chịu, để kéo dài, gây bức xúc cho đương sự.
Nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác tư pháp, đưa công tác này phát triển một bước cùng với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới (Nghị quyết số 08-NQ/TW) và ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW). Để công cuộc cải cách tư pháp được triển khai đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống, bảo vệ quyền con người, quyền công dân cần bám sát các chủ trương, định hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
1. Cải cách tư pháp gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm cho Nhà nước có đủ khả năng thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới toàn diện đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Với ý nghĩa đó, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp được đổi mới phải mang đầy đủ bản chất và những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Về bản chất, Nhà nước pháp quyền là một Nhà nước dân chủ, Nhà nước tôn trọng, đề cao, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Trong Nhà nước pháp quyền, hệ thống các cơ quan tư pháp là công cụ hữu hiệu để bảo vệ các quyền và tự do của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất những biểu hiện xâm phạm quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 khẳng định rõ nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án là bảo vệ công lý, quyền con người. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền tạo ra cơ chế pháp lý hữu hiệu, bảo đảm quyền giám sát của cơ quan lập pháp đối với cơ quan hành pháp, tư pháp nhằm bảo đảm cho quyền lực nhà nước thống nhất thuộc về nhân dân, hay nói cách khác, nguyên tắc này tạo ra cơ chế pháp lý hữu hiệu để ý chí và quyền lực của Nhân dân được thực hiện trong cuộc sống. Bảo đảm có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, tạo nên cơ chế loại trừ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lạm quyền, từ đó bảo vệ tốt hơn các quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Nhà nước pháp quyền bảo đảm địa vị thống trị của pháp luật trong đời sống xã hội hay Nhà nước quản lý mọi mặt đời sống xã hội chủ yếu bằng pháp luật. Điều 8 Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội chủ yếu bằng pháp luật, bởi pháp luật có giá trị xã hội to lớn, mang tính phổ biến, tính chuẩn mực, tính ổn định, tính bắt buộc chung và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Chức năng của Nhà nước pháp quyền là phải xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất, toàn diện, đồng bộ vì con người, cho con người. Nhà nước pháp quyền được xây dựng trên nền tảng tư tưởng pháp lý tiến bộ, vì quyền con người: Công bằng, nhân đạo, dân chủ. Nhà nước pháp quyền là Nhà nước dân chủ, Nhà nước thượng tôn pháp luật, bảo đảm cho mọi công dân đều có quyền tự do, bình đẳng tham gia quản lý đất nước và giám sát, kiểm tra mọi hoạt động của cơ quan nhà nước. Hoạt động tư pháp “phải ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm hình sự, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội tham nhũng và các loại tội phạm có tổ chức; bảo vệ trật tự, kỷ cương; bảo đảm và tôn trọng quyền dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân”[1].
2. Cải cách tư pháp gắn với quá trình đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới hoạt động lập pháp và hành pháp
Hệ thống các cơ quan tư pháp là một bộ phận của bộ máy nhà nước nên “cải cách tư pháp phải được tiến hành tổng thể trong cải cách bộ máy nhà nước, trong sự liên hệ mật thiết với cải cách hành chính. Quá trình cải cách đó không thể tách rời việc đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân”[2]. Cải cách tư pháp phải được đặt trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị và hoàn thiện bộ máy nhà nước. “Mục tiêu của đổi mới hệ thống chính trị là nhằm thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân”[3] và để khắc phục tình trạng “năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, hiệu quả hoạt động của các đoàn thể chính trị, xã hội chưa nâng lên kịp với đòi hỏi của tình hình”[4]. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã khẳng định: “Cải cách nền hành chính nhà nước là trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước trong những năm trước mắt, công cuộc cải cách hành chính phải dựa trên cơ sở pháp luật và tiến hành đồng bộ trên các mặt: Cải cách thể chế hành chính, tổ chức bộ máy và xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức hành chính”[5]. Các cơ quan tư pháp cũng phải thực hiện cải cách hành chính ngay trong hệ thống tổ chức của mình theo định hướng cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan tư pháp thực hiện đổi mới thể chế về thủ tục hành chính và các biện pháp tổ chức thực hiện, loại bỏ những thủ tục tố tụng không cần thiết, giảm phiền hà, ngăn chặn tệ cửa quyền, sách nhiễu, tham nhũng, hối lộ, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đồng thời đẩy mạnh việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhân dân liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, đào tạo cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa… Đào tạo đủ số lượng cán bộ tư pháp có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên sâu về tư pháp quốc tế nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực”[6].
Việc đổi mới tổ chức và hoạt động đối với các cơ quan, tổ chức: Cơ quan thi hành án, công chứng, giám định, lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý, các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật… sẽ có tác động trực tiếp đến quá trình thực hiện cải cách tư pháp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp trong nhiệm vụ bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
3. Cải cách tư pháp trên cơ sở kế thừa truyền thống pháp lý dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài, phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền con người
Kế thừa những thành tựu đã đạt được trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới, chủ động hội nhập quốc tế, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII đã đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trên cả ba lĩnh vực: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật làm cơ sở cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp; củng cố, kiện toàn bộ máy các cơ quan tư pháp và xây dựng đội ngũ thẩm phán, thư ký Tòa án, điều tra viên, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên, giám định viên, luật sư... có phẩm chất chính trị và đạo đức chí công vô tư, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, bảo đảm cho bộ máy trong sạch, vững mạnh[7]. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, để thực hiện cải cách tư pháp cần phải nghiên cứu, học tập, tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp của các nước có nền tư pháp phát triển phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và truyền thống văn hoá của Việt Nam. Đồng thời cải cách tư pháp hướng tới phụng sự công lý, quyền con người, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
4. Cải cách tư pháp phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ đồng thời xác định rõ khâu then chốt
Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp có liên quan chặt chẽ với tổ chức và hoạt động của nhiều cơ quan trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp cần phải có biện pháp thích hợp, phù hợp với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và các tổ chức có liên quan đến hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Đảng ta đã chỉ rõ đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Trên tinh thần đó, Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã chính thức ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử của Tòa án.
5. Xác định rõ nội dung và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp
Nghị quyết số 08-NQ/TW đã chỉ rõ: “Đảng lãnh đạo các cơ quan tư pháp chặt chẽ về chính trị, tổ chức và cán bộ, bảo đảm hoạt động tư pháp thực hiện đúng quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước”[8], khắc phục tình trạng cấp ủy Đảng buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp không đúng vào hoạt động tư pháp.
Sự lãnh đạo toàn diện và chặt chẽ của Đảng đối với các cơ quan tư pháp là yêu cầu khách quan và cần thiết để bảo đảm cho các cơ quan tư pháp thể hiện bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan tư pháp thực hiện đúng quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở các quan điểm của Đảng, Nhà nước thể chế hóa thành các quy định pháp luật, làm cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn, đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo đảm cho các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, Đảng lãnh đạo các cơ quan tư pháp thông qua công tác tổ chức, quản lý đội ngũ cán bộ, qua công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
TS. Hoàng Hùng Hải
Học viện Cảnh sát nhân dân
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, tr. 2.
2. Trần Đức Lương, “Đẩy mạnh cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Báo nhân dân ngày 26/3/2002, tr. 1, 6.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 71.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 66.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 31.
6. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, 1996, tr 132 - 133.
8. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, tr. 8 - 9.